Chính sách thuế TNDN đã nhiều lần sửa đổi, bổ sung nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Nguồn: internet
Điểm mới của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp
Chính sách thuế TNDN đã phát huy tác động tích cực đối với việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần thúc đẩy nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiện nay, nền kinh tế thế giới vẫn chưa thoát ra khỏi giai đoạn khủng hoảng đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam.
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Đảng và Chính phủ luôn coi trọng việc đổi mới chính sách thuế nói chung, thuế TNDN nói riêng, trong đó, đặc biệt mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi thuế, giảm mức thu nộp thông qua giảm thuế suất, tạo động lực cho doanh nghiệp có thêm nguồn vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế theo chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng hơn cho doanh nghiệp, ngày 18/6/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 78/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ về thuế TNDN, theo đó, kể từ ngày 01/01/2014, thuế suất thuế TNDN phổ thông giảm xuống còn 22% (thay vì 25% như trước đây). Ngoài ra, doanh nghiệp còn được hưởng lợi nhiều hơn từ những ưu đãi khác.
Thứ nhất, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về thuế suất thuế TNDN 10% trong thời hạn 15 năm áp dụng đối với: Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao; đầu tư xây dựng – kinh doanh cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư phát triển nhà máy nước, nhà máy điện, hệ thống cấp thoát nước; cầu, đường bộ, đường sắt; cảng hàng không, cảng biển, cảng sông; sân bay, nhà ga và công trình cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định; sản xuất sản phẩm phần mềm; sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải; phát triển công nghệ sinh học; thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, bao gồm: sản xuất thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường, thiết bị quan trắc và phân tích môi trường; xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường; thu gom, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn; tái chế, tái sử dụng chất thải; doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao.
Thứ hai, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về thuế suất thuế TNDN 10% trong suốt thời gian hoạt động áp dụng đối với: Phần thu nhập của doanh nghiệp từ hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực xã hội hoá; phần thu nhập của hoạt động xuất bản của Nhà xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản; phần thu nhập từ hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo in) của cơ quan báo chí theo quy định của Luật Báo chí; phần thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư – kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua; thu nhập của doanh nghiệp từ: trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; nuôi trồng nông, lâm, thủy sản ở địa bàn kinh tế xã hội khó khăn; sản xuất, nhân và lai tạo giống cây trồng, vật nuôi; sản xuất, khai thác và tinh chế muối, đầu tư bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản nông, thủy sản và thực phẩm; phần thu nhập của hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp không thuộc địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn và địa bàn kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Thứ ba, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về thuế suất thuế TNDN 20% trong thời gian 10 năm áp dụng đối với: Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới: sản xuất thép cao cấp; sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; sản xuất thiết bị tưới tiêu; sản xuất, thuế suất ưu đãi 20% trong suốt thời gian hoạt động (từ ngày 01/01/2016 chuyển sang áp dụng thuế suất 17%) được áp dụng đối với Quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng hợp tác xã và Tổ chức tài chính vi mô.
Thứ tư, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về thời gian miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với: Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới; Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hoá thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn; Miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hoá thực hiện tại địa bàn không thuộc danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.
Thứ năm, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi, miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới và thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại khu công nghiệp. Trường hợp khu công nghiệp nằm trên cả địa bàn thuận lợi và địa bàn không thuận lợi thì việc xác định ưu đãi thuế đối với khu công nghiệp căn cứ vào địa bàn có phần diện tích khu công nghiệp lớn hơn.
Ngoài các ưu đãi về miễn, giảm thuế TNDN nêu trên, một số trường hợp khác cũng được hưởng ưu đãi như: Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng, vận tải sử dụng từ 10 đến 100 lao động nữ, trong đó số lao động nữ chiếm trên 50% tổng số lao động có mặt thường xuyên hoặc sử dụng thường xuyên trên 100 lao động nữ mà số lao động nữ chiếm trên 30% tổng số lao động có mặt thường xuyên của doanh nghiệp được giảm thuế TNDN phải nộp tương ứng với số tiền thực chi thêm cho lao động nữ nếu hạch toán riêng được (trừ các đơn vị sự nghiệp, cơ quan văn phòng thuộc các Tổng công ty không trực tiếp sản xuất, kinh doanh); Doanh nghiệp sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số được giảm thuế TNDN phải nộp tương ứng với số tiền thực chi thêm cho lao động là người dân tộc thiểu số nếu hạch toán riêng được; Doanh nghiệp thực hiện chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn được giảm 50% số thuế TNDN phải nộp tính trên phần thu nhập từ chuyển giao công nghệ.
Hỗ trợ doanh nghiệp “hồi sinh”
Kinh tế bắt đầu phục hồi, doanh nghiệp thành lập mới gia tăng, hoạt động sản xuất, kinh doanh ấm dần… Đó là kết quả của hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong đó có việc triển khai Luật Thuế TNDN sửa đổi bổ sung kể từ ngày 01/01/2014.
Trong 2 quý đầu năm 2014, tốc độ tăng trưởng GDP quý sau tăng cao hơn quý trước (quý I tăng 5,09%, quý II tăng 5,25%) và trong 6 tháng đầu năm tăng 5,18%. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2012, GDP chỉ tăng 4,93% và cùng kỳ năm 2013 tăng 4,9%. Từ đầu năm đến nay, cả nước có thêm 37.315 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 231.000 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm 2013. Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trưởng cao, với tổng kim ngạch ước đạt 140,44 tỷ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2013…
Kết quả này có được là nhờ việc thực hiện tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là việc giảm thuế TNDN phổ thông từ 25% xuống 22% và áp thuế suất 20% đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (có tổng doanh thu không quá 20 tỷ đồng/năm), mở rộng ưu đãi đối với một số ngành, lĩnh vực. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, việc gia hạn, miễn, giảm thuế là hình thức hỗ trợ nguồn lực tài chính giúp doanh nghiệp giảm chi phí vay vốn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đã thúc đẩy các doanh nghiệp “hồi sinh” phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tăng doanh thu, lợi nhuận và nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, việc giảm thuế suất phổ thông từ 25% xuống 22% áp dụng cho tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, trong đó, những lĩnh vực được hưởng lợi nhiều là sản xuất đồ uống không cồn, may mặc, sợi, phương tiện vận tải và phụ tùng, công nghiệp khai khoáng và khí đốt, truyền thông… Đây là những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế so sánh, có thị trường tiêu thụ trong nước và tiềm năng xuất khẩu và là những ngành sử dụng nhiều lao động. Việc áp dụng mức thuế suất 20% cho doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng có tác dụng thúc đẩy và hỗ trợ cho doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa phát triển. Bên cạnh đó, việc nâng tỷ lệ khống chế về chi phí quảng cáo, khuyến mại lên 15%, đồng thời rà soát loại bỏ một số khoản chi ra khỏi diện chi phí khống chế đã góp phần hỗ trợ, tạo điều kện cho doanh nghiệp tăng chi cho quảng cáo, khuyến mại, qua đó hỗ trợ việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Tác động đến thu ngân sách?
Theo tính toán ban đầu, việc giảm thuế suất sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước năm 2014 khoảng 14.064 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế trong 6 tháng đầu năm, ngân sách chỉ giảm thu do chính sách này khoảng 3.700 tỷ đồng, vì doanh nghiệp gia tăng đầu tư, mở rộng hoạt động. Chính vì thế, trong 6 tháng đầu năm, thu nội địa (không tính thu từ dầu thô) đã đạt 280.653 tỷ đồng, bằng trên 52% dự toán và tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2013.
Chính việc các khu vực kinh tế gia tăng đầu tư, nên mặc dù giảm thuế suất, mở rộng ưu đãi, nhưng trong nửa đầu năm, doanh nghiệp nhà nước vẫn đóng góp vào ngân sách nhà nước 91.273 tỷ đồng, doanh nghiệp FDI đóng góp 61.458 tỷ đồng và khu vực doanh nghiệp dân doanh đóng góp 56.982 tỷ đồng; so với dự toán đạt tương ứng 52,5%, hơn 55% và hơn 53%; còn so với cùng kỳ thì tăng tương ứng 33,3%, 15,3% và 10,5%.
Dù Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi, bổ sung đã nâng mức khởi điểm đối với người nộp thuế từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng/tháng và từ 1,6 triệu đồng/người lên 3,6 triệu đồng/người/tháng đối với người phụ thuộc, nhưng trong nửa đầu năm nay, sắc thuế này đã đem lại cho ngân sách 47.384 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ 1.038 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2013.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, với tình hình trên, năm nay không chỉ bảo đảm thu đạt dự toán, mà cả ngành thuế và hải quan đã đặt mục tiêu phấn đấu tăng thu so với dự toán 8 – 10%. Có thể nói, các chính sách thuế mới sửa đổi, bổ sung nói chung, thuế TNDN nói riêng đã “ngấm vào nền kinh tế, góp phần thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tăng thu ngân sách, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, giảm bội chi và tăng cơ hội trả nợ.
Đặc biệt những giải pháp hỗ trợ của Chính phủ đã phát huy tác dụng tích cực, giúp nhiều doanh nghiệp phục hồi được hoạt động sản xuất, kinh doanh, điều này được thể hiện qua con số 5.863 doanh nghiệp vượt qua được tình trạng khó khăn, quay trở lại hoạt động trên thị trường. Những số liệu tích cực nêu trên là minh chứng thuyết phục nhất cho thấy các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã đi vào thực tế cuộc sống.
Một số nội dung chính mới sửa đổi, bổ sung về ưu đãi thuế TNDN hi vọng sẽ giúp doanh nghiệp giảm mức đóng góp từ lợi nhuận chịu thuế, khuyến khích những doanh nghiệp đầu tư mới, đầu tư mở rộng, đầu tư vào những lĩnh vực, địa bàn có nhiều khó khăn… mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra để góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước ngày càng phát triển.
Trọng Triết – Theo Thông tin Tài chính số 17 kỳ 1 tháng 9/2014
Tin liên quan
CHIÊU SINH LỚP ÔN THI CPA 2024
ÔN THI CPA CHỈ VỚI 3,1 TRIỆU THẬM CHÍ 0 ĐỒNG TIN VUI CHO ACE KẾ TOÁN MUỐN NÂNG TẦM GIÁ TRỊ BẢN THÂN, THI CPA CHƯA BAO GIỜ THUẬN LỢI NHƯ THẾ NÀY Chỉ với 3.1 triệu thậm chí 0 đồng cùng sự quyết tâm, ai cũng dễ dàng...
Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ áp dụng từ 01/01/2024
Sáng 29/11, với trên 93,5% đại biểu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thuế tối thiểu toàn cầu). Thuế tối thiểu toàn cầu là thỏa thuận...
Nghị định 44/2023/NĐ-CP quy định giảm thuế GTGT
Chính phủ vừa chính thức ban hành Nghị định số 44/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội. TẢI NGHỊ ĐỊNH 44_2023_ND-CP_30062023-signed TÓM TẮT MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA NGHỊ ĐỊNH 44/2023/NĐ-CP #nd44 ...
Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ phát triển
Tại dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi, Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung quy định về phương pháp tính thuế đối với DN áp dụng chế độ kế toán siêu nhỏ; áp dụng thuế suất thấp hơn thuế suất thông thường đối với...
Thuế tối thiểu toàn cầu là gì, vì sao quan trọng?
Gần 140 quốc gia đã, đang triển khai thuế tối thiểu toàn cầu. Việt Nam dự tính triển khai từ năm 2024. Loại thuế này quan trọng ra sao? Thuế tối thiểu toàn cầu là gì? Tháng 10/2021, đã có 136 quốc gia đồng ý với đề xuất cải cách...