Tiếp tục hoàn thiện quy định về in và sử dụng hóa đơn

THS. PHẠM THỊ KIM YẾN

Sau hơn 2 năm triển khai, bên cạnh việc phát huy được tính ưu việt, Nghị định 51/2010/ NĐ-CP của Chính phủ về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cũng đã tồn tại một số bất cập cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Nghị định 04/2014/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 17/1/2014 đã giải quyết phần nào những bất cập, tồn tại đó, qua đó, nâng cao vai trò quản lý và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN)…

 

 

Tiếp tục hoàn thiện quy định về in và sử dụng hóa đơn

Ngày 17/01/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 04/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một điều của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP. Nguồn: internet

Tính ưu việt được phát huy

Mục tiêu ban hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ của Chính phủ ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phù hợp với các luật của Việt Nam như Luật DN, Luật Kế toán, Luật Giao dịch điện tử và việc cải cách các thủ tục hành chính. Đạo lý cơ bản của Nghị định này là giao quyền chủ động cho các DN trong việc in, phát hành và sử dụng hóa đơn, cơ quan thuế chỉ in và cấp cho các đối tượng là hộ gia đình và cá nhân kinh doanh; Đồng thời, nâng cao trách nhiệm cho cơ quan quản lý thuế địa phương trong việc in ấn, phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn.

Theo Tổng cục Thuế, sau 2 năm thực hiện, Nghị định 51/2010/NĐ-CP đã tạo bước đột phá trong công tác quản lý, sử dụng hóa đơn cũng như công tác cải cách thủ tục hành chính. Nghị định này đã tác động tới toàn xã hội, từ các tập đoàn, tổng công ty lớn, doanh nghiệp nhà nước (DNNN), công ty cổ phần, đến các hộ kinh doanh cá thể và công tác quản lý của cơ quan thuế. 

Điểm đột phá quan trọng nhất là “DN tự tạo hóa đơn để sử dụng dưới hình thức hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in và hóa đơn điện tử…”. Đây là quy định rất quan trọng, chuyển đổi phương thức quản lý hóa đơn bán hàng đối với DN, tổ chức kinh tế và cơ quan thuế, từ đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chủ động in, quản lý và sử dụng hóa đơn bán hàng của chính đơn vị mình. Đặc biệt, việc tự in đã góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí thời gian, góp phần làm cho chính sách quản lý hóa đơn trở nên minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế; tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan thuế, bên cạnh những kết quả tích cực, trong quá trình triển khai, một số vấn đề mới phát sinh, bất cập cần sửa đổi, bổ sung để hạn chế các hành vi gian lận hóa đơn, nhằm chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT), làm giảm nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Theo đó, đã xuất hiện các đối tượng lợi dụng sự thông thoáng để thành lập nhiều “DN ma” thực tế không kinh doanh, nhưng tự tạo hóa đơn, xuất hóa đơn khống, sử dụng hóa đơn lòng vòng. Mặt khác, một số DN đã sử dụng hóa đơn đặt in của “DN ma” để lợi dụng chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT.

Những nội dung quan trọng của Nghị định 04/2014/NĐ-CP

Trước yêu cầu từ thực tiễn cần sửa đổi, bổ sung những bất cập trên, ngày 17/01/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 04/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một điều của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP. Việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan trực tiếp đến hoạt động của DN ngay từ những ngày đầu năm cho thấy việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cải cách hành chính nhằm hướng đến môi trường kinh doanh công bằng, hội nhập luôn được chú trọng. Theo đó, Nghị định 04/2014/NĐ-CP đã khắc phục những bất cập hiện hành, nhằm ngăn chặn gian lận, chiếm đoạt tiền thuế GTGT và làm giảm nghĩa vụ thuế TNDN, chống gian lận thương mại, đồng thời vẫn tạo thuận lợi cho DN trọng hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện tốt nghĩa vụ với NSNN. Cụ thể:

Thứ nhất, về “đối tượng tự in hóa đơn”. Người kinh doanh là cá nhân không được tự in hóa đơn. Tổ chức tự in hóa đơn phải có văn bản đề nghị sử dụng hóa đơn tự in và được chấp thuận cơ quan thuế. Đồng thời, bổ sung nội dung quy định về việc giám sát, quản lý đối với các DN có dấu hiệu vi phạm về quản lý, sử dụng hóa đơn, DN có rủi ro và các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ sử dụng máy tính tiền”.

Thứ hai, về “đặt in hóa đơn”. Không cho phép các đối tượng được đặt in hóa đơn, bao gồm: Hộ, cá nhân kinh doanh; Các DN có dấu hiệu vi phạm về quản lý, sử dụng hóa đơn, DN có rủi ro, DN đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in có hành vi vi phạm. Mặt khác, trước khi đặt in hóa đơn lần đầu, tổ chức có hoạt động kinh doanh, DN phải đăng ký sử dụng hóa đơn đặt in với cơ quan thuế và có văn bản chấp thuận của cơ quan thuế.

Thứ ba, về “bán hóa đơn của cơ quan thuế”. Những đối tượng không được tự in, đặt in hóa đơn sẽ chuyển sang mua hóa đơn của cơ quan thuế như: DN mới thành lập, DN có dấu hiệu vi phạm về quản lý, sử dụng hóa đơn, DN có rủi ro, DN đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in có hành vi vi phạm về hóa đơn dẫn đến thiếu thuế.

Thứ tư, quy định rõ điều kiện và trách nhiệm của tổ chức nhận in hóa đơn, tổ chức cung ứng phần mềm tự in hóa đơn nhằm tăng cường kiểm soát đơn vị cung ứng phần mềm tự in hóa đơn. Qua đó, nắm rõ được số lượng khách hàng được cung cấp phần mềm tự in hóa đơn.

Đặc biệt, Nghị định 04/2014/NĐ-CP đã giải quyết được những vấn đề liên quan trực tiếp. Đó là, tổ chức kinh doanh đáp ứng đủ các điều kiện tại Điều 6 và Điều 7, Nghị định 51/2010/NĐ-CP được tự in hóa đơn hoặc khởi tạo hóa đơn điện tử để sử dụng trong việc bán hàng hóa, dịch vụ; Tổ chức kinh doanh có mã số thuế nhưng không đủ điều kiện theo quy định trên phải đặt in hóa đơn để phục vụ cho hoạt động bán hàng hóa, dịch vụ của bản thân tổ chức; Cơ quan thuế cấp tỉnh, thành phố đặt in, phát hành hóa đơn để cấp, bán cho các tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 10 Nghị định 51/2010/ NĐ-CP; DN đủ điều kiện theo quy định tại Điều 22 của Nghị định 51/2010/NĐ-CP được nhận in hóa đơn cho các tổ chức khác…

Ngoài ra, Nghị định quy định điều kiện và trách nhiệm của tổ chức nhận in hóa đơn, tổ chức cung ứng phần mềm tự in hóa đơn như sau:

Một là, tổ chức nhận in hóa đơn phải là DN có Giấy phép hoạt động ngành in và có trách nhiệm in hóa đơn theo đúng hợp đồng đã ký; Không được giao lại toàn bộ hoặc bất kỳ khâu nào trong quá trình in hóa đơn cho tổ chức in khác thực hiện; Quản lý, bảo quản và xử lý khuôn in, phôi in, hóa đơn đã in và các hóa đơn in hỏng theo thỏa thuận giữa hai bên và theo quy định của pháp luật…

Hai là, tổ chức cung ứng phần mềm tự in hóa đơn phải là DN có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (giấy chứng nhận đăng ký DN) trong đó có ngành nghề lập trình máy vi tính hoặc xuất bản phần mềm, trừ trường hợp tổ chức tự cung ứng phần mềm tự in hóa đơn để sử dụng và có trách nhiệm đảm bảo phần mềm tự in hóa đơn cung cấp cho một đơn vị tuân thủ đúng những quy định về tự in hóa đơn; Không cung cấp phần mềm in giả hóa đơn trùng với các mẫu trong phần mềm đã cung cấp cho DN khác. Định kỳ 3 tháng, báo cáo về việc cung cấp phần mềm tự in hóa đơn cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Để giúp các DN thuận lợi trong việc thực hiện các quy định của Nghị định, Bộ Tài chính đang gấp rút hoàn thiện Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định. Trong đó, sẽ tập trung các nội dung về điều kiện đối DN sử dụng hoá đơn: DN thành lập từ dự án đầu tư trên cơ sở quyết định đầu tư hoặc quyết định phê duyệt đầu tư từ cấp UBND tỉnh trở lên; Là DN ưu tiên được tự in, đặt in hoá đơn…

Đối với DN rủi ro cao, cơ quan Thuế thực hiện việc bán hoá đơn cho đơn vị và thực hiện yêu cầu báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo tháng, chế độ kiểm tra của cơ quan Thuế. Đồng thời, hướng dẫn, quy định rõ trách nhiệm của người kiểm tra, việc kiểm tra của cơ quan Thuế cấp trên đối với cơ quan Thuế cấp dưới trong việc giám sát việc sử dụng hóa đơn của DN. Theo đó, sẽ lập cơ sở dữ liệu về các DN bỏ trốn, DN sử dụng hoá đơn nhưng không có tờ khai thuế. DN khác sử dụng hoá đơn của những đối tượng này là sử dụng hoá đơn bất hợp pháp để kiểm tra đối chiếu.

 

Theo Tap chí tài chính

Tin liên quan