Thuế VAT sẽ nộp theo quý theo dự luật quản lý thuế sửa đổi

 

Khoan sức Doanh nghiệp

Ông có thể cho biết những điểm mới đáng chú ý nhất của dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi được bàn thảo tại kỳ họp Quốc hội lần này?

Mục tiêu của việc sửa đổi Luật Quản lý thuế lần này là cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, góp phần tháo gỡ cho doanh nghiệp hiện nay, tạo tiền đề phát triển lâu dài.

Như với thuế VAT, theo quy định hiện hành doanh nghiệp phải kê khai theo tháng, còn dự thảo sửa đổi mới nhất, việc kê khai sẽ thực hiện theo quý, giúp doanh nghiệp bớt thủ tục hành chính và đến cuối quý mới phải nộp thuế VAT.

Doanh nghiệp có thể sử dụng tiền thuế VAT chưa phải nộp ngay này cho hoạt động của mình. Giãn thời gian đóng thuế VAT cũng rất có ý nghĩa với doanh nghiệp do tiền thu thuế VAT, theo dự toán năm 2012, chiếm tỉ lệ lớn nhất (31,7%) trong tổng các nguồn thu thuế. Năm 2011, tổng thu thuế VAT lên tới 195.500 tỷ đồng.

Điểm thứ hai là quy định rút ngắn thời gian hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp.

Luật quy định với diện hoàn trước, kiểm sau, thời gian thực hiện hoàn thuế của cơ quan thuế sẽ từ 15 ngày giảm xuống còn không quá 6 ngày.

Với diện hoàn sau, kiểm trước, thời gian thực hiện cũng giảm từ 60 ngày xuống còn 45 ngày.

Cải cách nữa là doanh nghiệp được quyền yêu cầu hải quan xác định mã và giá hàng hóa. Đây là điểm đáng chú ý do trong hoạt động hải quan, khó nhất là kiểm tra doanh nghiệp khai chính xác mã hàng hóa.

Ví dụ, doanh nghiệp khai là phân bón vi sinh mã 007 thì mức thuế là 0%. Nhưng sau hai năm, hải quan xác định lại hàng nhập là mã 008 do là phân vi sinh nhưng có vi lượng nên mức thuế phải là 4% và phải truy thu. Đây là điều mệt mỏi với doanh nghiệp.

Với cơ chế này, những doanh nghiệp giai đoạn đầu kinh doanh hoặc lần đầu nhập hàng được quyền yêu cầu hải quan xác định mã và thuế áp dụng cho mặt hàng nhập khẩu. Việc thỏa thuận giá trước, xác định rõ từ đầu này sẽ giúp tránh được những tranh cãi giữa hải quan và doanh nghiệp.

Vẫn ân hạn thuế cho 5 ngành hàng xuất khẩu

Việc sửa đổi Luật Quản lý thuế sẽ giúp hạn chế thế nào hiện tượng chuyển giá của doanh nghiệp?

Sẽ hình thành cơ chế một cửa quốc gia với tiêu chí các cơ quan nhà nước không được đòi người dân, doanh nghiệp những giấy tờ gì thuộc lĩnh vực mình quản lý. Với những giấy tờ nhập khẩu và chứng nhận an toàn, cơ quan quản lý phải tra trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để giám sát, không gây phiền hà cho doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn

Dự thảo sửa đổi luật cũng đề cập đến việc áp dụng thỏa thuận giá trước. Đây là điều quan trọng vì với doanh nghiệp FDI, có những doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nên việc xác định giá trị của từng phân khúc nằm ngoài khả năng kiểm soát của cơ quan hải quan. Để hạn chế, dự thảo luật đưa ra quy định chung về mức sàn.

Ví dụ, Samsung sản xuất ở Việt Nam với công nghệ và điều kiện như trong giấy phép thì cơ quan chức năng thống nhất phần giá trị gia tăng ở Việt Nam là bao nhiêu phần trăm, phần lợi tức bao nhiêu. Thống nhất được thì cứ thế thu theo mức ổn định đó.

Còn nếu cao hơn thì doanh nghiệp nộp theo kê khai, thấp hơn thì nộp theo mức sàn. Việc này sẽ giúp chống được các doanh nghiệp đa quốc gia thực hiện việc chuyển giá.

Nhiều đại biểu Quốc hội, đại diện các ngành hàng cho rằng việc bỏ ân hạn thuế xuất khẩu như dự thảo là gây khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay?

Trong lần trình Luật Quản lý thuế sửa đổi lần này, Chính phủ trình sửa Điều 42 với nội dung bỏ ân hạn thuế tối đa 275 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan và chuyển sang bảo lãnh đối với các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu nguyên liệu để làm hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, ông Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội đoàn TP HCM cùng 5 hiệp hội là da giày, dệt may, bông vải sợi, mỹ nghệ chế biến gỗ và thủy sản đã có văn bản phản đối, vì sẽ làm tăng chi phí giá thành xuất khẩu tăng 1,5%, tăng chi phí của các ngành hàng xuất khẩu quan trọng thêm 600 triệu USD.

Bộ Tài chính đã mời các bộ ngành cùng đại diện 5 hiệp hội, đánh giá tác động của việc thay đổi này, thấy chỉ tác động tăng giá thành nguyên liệu hàng xuất khẩu từ 0,1% đến 0,31%.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay và đối tượng chịu tác động chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, những kiến nghị của các hiệp hội là xác đáng, cần tiếp thu.

Tại buổi làm việc với Bộ Tài chính chiều ngày 6-11, thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội và Bộ Tài chính đã thống nhất tiếp tục thực hiện ân hạn thuế xuất khẩu (không cần bảo lãnh) cho các doanh nghiệp thuộc 5 hiệp hội nói trên và những doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện: Có cơ sở trực tiếp sản xuất hàng xuất khẩu; Có hoạt động xuất nhập khẩu tối thiểu 2 năm tính đến ngày đăng ký tờ khai hải quan; Trong khoảng thời gian này không có hành vi gian lận thương mại, hành vi trốn thuế, không nợ tiền thuế quá hạn, tiền chậm nộp, tiền phạt…

Các trường hợp còn lại vẫn phải được tổ chức tín dụng bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ nộp thuế hoặc phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng.

DN nhỏ và vừa chịu thuế quá cao

Nhiều chuyên gia, hiệp hội cho rằng bên cạnh những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức 20% là hợp lý. Quan điểm của Bộ Tài chính thế nào?

Theo quan điểm cá nhân, việc cạnh tranh thu hút vốn đầu tư bên trong và bên ngoài hiện rất khốc liệt. Vấn đề đặt ra là ta dám chấp nhận đưa thuế thu nhập doanh nghiệp cạnh tranh nhất trong khu vực, hơn cả các đối tượng cạnh tranh trực tiếp của ta hiện nay là Thái Lan, Indonesia, Myanma không.

Thái Lan thuế phổ thông của họ là 20%-23%, còn doanh nghiệp vừa và nhỏ thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 17%. Singapore cũng 17% còn Hàn Quốc thuế của họ 33% nhưng doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng chỉ 17%. Đài Loan và Nhật cũng áp dụng thuế thu nhập với doanh nghiệp vừa và nhỏ ở mức 17%. Nếu ta muốn tạo sự ưu đãi cho khối này thì đưa về mức 17%.

Năm 2011, năm 2012 và năm 2009 chúng ta đều miễn thuế với 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nhiều lao động. Nếu tính trên tổng thể thì mức thuế thực tế chỉ 17%-18%. Vậy tại sao không dám làm điều mà ta đã thực hiện miễn.

Nguồn : Theo Tiền phong

Tin liên quan