Thị trường dịch vụ kế toán ở Việt Nam, thực trạng và giải pháp

Trong điều kiện đó, một sai lầm trong quyết định của nhà quản trị có thể sẽ dẫn đến sự sụp đổ không thể cứu vãn của DN, thậm chí là cả một tập đoàn kinh tế. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sai lầm của các nhà quản trị là đánh giá sai tình hình tài chính được phản ánh qua những con số kế toán. Như vậy, một yêu cầu đặt ra là phải giảm thiểu rủi ro có thể xuất hiện từ những con số biết nói này. Đây là điều kiện quan trọng cho sự xuất hiện của các loại hình dịch vụ tài chính nói chung và dịch vụ kế toán nói riêng trong nền kinh tế thị trường. Thực tế sụp đổ đã diễn ra trong thời điểm khó khăn của nền kinh tế hiện nay, hàng loạt các Doanh nghiệp phá sản với khoản nợ rất lớn như Công ty CP Bình An, Công ty Thủy sản Phương Nam, Công ty thủy sản Thiên Mã, … kéo theo hàng loạt ngân hàng đang đứng trên bờ vực thẩm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của đất nước.

 

Các loại hình dịch vụ kế toán.

Hoạt động kế toán thực tế trong nền kinh tế thị trường hiện nay nảy sinh các nhu cầu về:

– Tập hợp chứng từ, xử lý chứng từ kế toán và ghi chép sổ sách kế toán.

– Soát xét và hoàn thiện chứng từ, sổ sách và lập báo cáo kế toán.

– Đánh giá mức độ trung thực, khách quan của các báo cáo tài chính, báo cáo kế toán của một chủ thể nhất định phục vụ mục đích nộp thuế, tham gia liên doanh, liên kết, hợp đồng hợp tác kinh doanh…

– Tư vấn đối với tổ chức và vận hành bộ máy kế toán (trực tiếp, gián tiếp) của một chủ thể nhất định sao cho có hiệu quả cao nhất, phù hợp với quy định của pháp luật.

– Tư vấn các quyết định kinh doanh dựa trên thông tin, tài liệu kế toán.

– Cung cấp và tư vấn sử dụng phần mềm kế toán.

– Tuyển dụng và đào tạo kế toán viên, kế toán trưởng cho các chủ thể DN.

Các hoạt động đáp ứng nhu cầu trên là các loại dịch vụ có liên quan đến các hoạt động kế toán hay còn gọi là dịch vụ kế toán. Theo cách phân loại sản phẩm của tổ chức Liên hợp quốc “Provisional Central Product Classification” thì cung cấp dịch vụ kế toán bao gồm: Dịch vụ soát xét báo cáo tài chính; dịch vụ lập báo cáo tài chính và các dịch vụ kế toán khác…cụ thể là:

– Dịch vụ soát xét báo cáo tài chính: là dịch vụ soát xét các báo cáo tài chính hàng năm, hàng kỳ và các báo cáo tài chính hàng năm, hàng kỳ và các thông tin kế toán khác, phạm vi soát xét lớn hơn kiểm toán, do đó mức độ tin cậy, tính pháp lý cũng cao hơn kiểm toán.

– Dịch vụ lập báo cáo tài chính: là việc lập báo cáo tài chính từ các thông tin khách hàng cung cấp. Nhà cung cấp dịch vụ không chứng nhận tính chính xác của các báo cáo tài chính được biên soạn. Nếu hợp đồng dịch vụ soạn lập báo cáo tài chính bao gồm cả phần soạn lập các tờ khai thuế thì dịch vụ kê khai thuế cũng được coi là một phần của dịch vụ soạn lập báo cáo tài chính.

– Dịch vụ ghi sổ kế toán: là loại dịch vụ bao gồm hoạt động phân loại, ghi chép các giao dịch kinh doanh theo đơn vị tiền tệ hoặc các đơn vị đo lường khác vào sổ kế toán.

– Các dịch vụ kế toán khác: như là chứng nhận, đánh giá, lập các báo cáo không chính thức.

Các dịch vụ kế toán ngày càng được nói đến nhiều hơn trong nền kinh tế thị trường bởi nó mang lại lợi ích không chỉ cho DN mà còn cho các nhà đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước và cả nền kinh tế.

Đối với DN việc được cung cấp dịch vụ kế toán bởi những công ty cung cấp dịch vụ kế toán uy tín, các chuyên gia kế toán chuyên nghiệp sẽ giúp họ đánh giá đúng thực trạng tài chính của mình, từ đó có các quyết định quản trị thích hợp; thiết lập, xây dựng, hòan thiện bộ máy kế toán của chính DN sao cho hoạt động hiệu quả và đáng tin cậy nhất.

Đối với các nhà đầu tư, các cơ quan quản lý kinh tế, dịch vụ kế toán tạo điều kiện cho họ có được một cái nhìn khách quan, trung thực về tình hình tài chính của các DN mà họ quan tâm. Đây là cơ sở, là căn cứ quan trọng để họ thực hiện hoặc điều chỉnh các quyết định kinh tế (các nhà đầu tư), các cơ chế chính sách (các cơ quan quản lý kinh tế)

Thực trạng hoạt động dịch vụ kế toán Việt Nam hiện nay.

Sự kiện quan trọng đánh dấu sự xuất hiện chính thức của thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán ở nước ta là sự ra đời của hai công ty cung cấp dịch vụ kế toán – kiểm toán đầu tiên tại Việt Nam: công ty Kiểm toán Việt Nam – VACO và Công ty Dịch vụ tư vấn Tài chính kế toán và Kế toán – AASC (13/05/1991)

Thị trường dịch vụ kế toán và kiểm toán Việt Nam ban đầu hình thành gặp không ít khó khăn và thử thách: Chế độ kế toán lạc hậu nhiều so với thực tế đòi hỏi, khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động kế toán nói chung và hoạt động cung cấp dịch vụ kế toán nói riêng mới chỉ dừng lại ở Pháp lệnh (Pháp lệnh kế toán và thống kê ban hành từ năm 1988 và đã không còn phù hợp), chưa xây dựng và ban hành được Luật Kế toán, cũng chưa có một Chuẩn mực kế toán Việt Nam nào được ban hành làm khuôn mẫu nghề nghiệp cho những người cung cấp dịch vụ kế toán, kế toán…Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn và thách thức ban đầu đó, thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán ở Việt Nam từ chỗ chỉ có hai công ty, đến nay đã có tới hơn 230 công ty cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính – kế toán và kiểm toán với số nhân viên lên đến gần 7000 người, trong số khoảng gần 2.500 người có chứng chỉ kế toán viên, kiểm toán viên, có khoảng gần 1.500 người đăng ký hành nghề, thuộc đủ các thành phần kinh tế (với hàng trăm chi nhánh và văn phòng tại các địa phương trong cả nước). Trong số các công ty kế toán, kiểm toán được Bộ Tài chính cho phép kiểm toán tại các DN thì có gần 30 công ty được Ủy ban chứng khoán nhà nước cấp giấy chấp thuận kiểm toán các công ty chứng khoán, công ty niêm yết thị trường chứng khoán.

Hiện nay có 4 công ty 100% vốn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam là: công ty KPMG, PwC, Grant Thornton, Ernst&Young và gần 10 công ty kiểm tóan, tư vấn tài chính của Việt Nam được các công ty kiểm toán quốc tế lớn công nhận là thành viên như: A&C, U&I, UHY, ACPA, ACA Group, AC&C, Vietauditor, DTL…Sự hiện diện của các công ty kiểm toán này tại Việt Nam đã thúc đẩy quá trình cạnh tranh hơn nữa giữa các công ty kiểm toán, buộc tất cả các công ty đều phải không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ. Điều này góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán tại Việt Nam, bước đầu đã khẳng định vị thế của các côg ty kiểm tóan Việt Nam trên trường quốc tế. Tính đến thời điểm hiện nay đã có 59 đơn vị và cá nhân đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán với hơn 130 kế toán viên hành nghề

Xét về doanh thu trong hơn 15 năm hình thành và phát triển, doanh thu của toàn ngành kế toán kiểm toán đạt tốc độ tăng trưởng tương đối cao, năm 2006, doanh thu của toàn ngành đạt 888 tỷ đồng. Đây là một con số rất đáng khích lệ, thể hiện sự cố gắng của các công ty kế toán, tư vấn tài chính, kế toán cũng như chứng tỏ sự chấp nhận của thị trường ngày càng rộng hơn đối với loại thị trường ngày càng rộng hơn đối với loại hình dịch vụ này.

Hơn nữa, kể từ khi Luật Kế toán ra đời và có hiệu lực từ ngày 01/01/2004 đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết cho sự phát triển của thị trường dịch vụ kế toán. Hệ thống chuẩn mực nghề nghiệp cũng đang được ban hành và hoàn thiện góp phần quan trọng vào việc hướng dẫn hoạt động, nâng cao chất lượng của các hoạt động dịch vụ kế toán. Thêm vào đó là sự phát triển của hai hội nghề nghiệp lớn là: Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) và Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), tạo ra diễn đàn về chuyên môn, nghiệp vụ, phổ biến các chính sách, kiến thức mới…góp phần nâng cao trình độ cho các kế toán, kiểm toán viên. Tuy nhiên, mặc dù có những bước phát triển nhưng thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán nói chung và thị trường dịch vụ kế toán nói riêng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế:

Một là, sức cạnh tranh của đa số các công ty kiểm toán yếu. Ngoài một số ít công ty kiểm toán tư vấn tài chính là thành viên hãng quốc tế và 100% vốn nước ngoài thì đa số các công ty còn lại chưa đảm bảo được yêu cầu về chất lượng. Ngay cả các công ty kiểm toán, tư vấn lớn ở nước ta vẫn chưa theo kịp trình độ chuyên môn và chất lượng dịch vụ của thế giới. Do đó, các công ty Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong tương lai, đặc biệt là khi Hiệp định Thương mại thế giới (WTO) về kế toán, kiểm toán được thực hiện.

Hai là, đội ngũ chuyên gia kế toán thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, trong khi công tác đào tạo cán bộ hầu như chỉ được quan tâm ở một số công ty lớn, còn ở các công ty nhỏ thì rất ít được đề cập đến do hạn chế về kinh phí, thời gian và chuyên gia giỏi.

Ba là, loại hình dịch vụ kế toán chưa được phổ biến rộng rãi, trong các loại hình dịch vụ do các công ty kiểm toán và tư vấn tài chính kế toán công bố thì dịch vụ kế toán chỉ chiếm khoảng 5-10%. Hơn nữa xét trên toàn ngành hầu như ngành dịch vụ kế toán, kiểm toán chưa mang lại lợi nhuận cao.

Bốn là, các văn bản pháp lý thiếu sự thống nhất, đồng bộ, hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán chưa hoàn thiện, thiếu những quy định pháp luật cần thiết để kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán và hành nghề kế toán…

Định hướng phát triển thị trường dịch vụ kế toán ở Việt Nam.

Việt Nam đã đạt được bước tiến dài trên con đường gia nhập WTO. Cùng với đó là niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam cũng sẽ tăng lên đáng kể, chúng ta sẽ có cơ hội được tiếp nhận nhiều hơn các nguồn vốn đầu tư từ các công ty, tập đoàn danh tiếng trên thế giới. Nhưng đi liền theo đó là sức ép về cạnh tranh giữa các DN trong nước sẽ ngày càng khốc liệt hơn. Lúc này, kế toán trở thành một công cụ quản lý đắc lực và hữu hiệu mà bất cứ một DN nào cũng phải quan tâm. Việc đòi hỏi những thông tin tài chính minh bạch, những số liệu kế toán “sạch” để thu hút niềm tin nơi nhà đầu tư sẽ mở ra một thị trường rộng lớn cho các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ kế toán. Để có thể phát triển thị trường này một cách hiệu quả, cần có những định hướng tích cực cho tất cả các nhân tố tham gia thị trường.

Về phía nhà nước, cần tạo dựng đầy đủ và hoàn thiện khung pháp lý để phát triển dịch vụ kế toán đảm bảo cạnh tranh giữa các DN nói chung và công ty cung cấp dịch vụ kế toán nói riêng tạo ra môi trường pháp luật tốt cho hoạt động của các công ty kế toán và tư vấn tài chính kế toán, kiểm toán. Cụ thể như:

– Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, cập nhật và hoàn thiện hệ thống chuẩn mực kế toán DN đã ban hành và ban hành mới các chuẩn mực chưa có…

– Bộ Tài chính nên sớm rà soát Quy chế quản lý hành nghề kế toán.

– Hòan thiện các văn bản pháp lý về trách nhiệm của các công ty kế toán đối với chất lượng hoạt động dịch vụ kế toán.

– Tăng cường các chế tài xử phạt hành vi vi phạm đạo đức hành nghề của kế toán viên, tổ chức cung cấp dịch vụ kế toán.

– Nhà nước (Chính phủ, bộ Tài chính) chuyển giao mạnh và nhiều hơn nữa những công việc quản lý hành nghề kế toán, kiểm toán từ các cơ quan nhà nước sang các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.

– Thành lập ngay các tổ chức nghề nghiệp đúng nghĩa, đúng vai trò, chức năng hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn cho các tổ chức hành nghề kế toán.

– Giải quyết triệt để các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ kế toán không đúng quy định.

 

Về phía tổ chức Hội nghề nghiệp

– VAA, VACPA và sắp tới là VAPAP cần nâng cao năng lực hoạt động và trách nhiệm xã hội của tổ chức nghề nghiệp. Đổi mới và phát triển mạnh mẽ, chủ động hơn về tổ chức và hoạt động để thực sự là một tổ chức độc lập, mang tính nghề nghiệp cao. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về quy chế, nhân sự, và điều kiện cơ sở vật chất để tiếp nhận và triển khai có hiệu quả công tác đào tạo và quản lý nghề nghiệp mà Bộ Tài chính đã chuyển giao.

– Tăng cường kiểm soát của các cơ quan quản lý hành nghề đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán.

– Bộ Tài chính, VAA, VACPA, VAPAP cần tiến hành các thủ tục cần thiết để Chứng chỉ kế toán viên, Kiểm toán viên của Việt Nam cấp được thừa nhận rộng rãi ở các quốc gia khu vực và thế giới.

Đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng kế toán viên, kiểm toán viên (các học viện, trường đại học, tổ chức hội nghề nghiệp…)

– Cần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đối với sinh viên, học viên cả về chuyên môn nghiệp vụ và đặc biệt chú trọng về đạo đức nghề nghiệp, hành nghề kế toán, kiểm toán.

– Các cơ sở đào tạo cũng như Hội đồng thi cấp chứng chỉ kế toán viên, kiểm toán viên (Bộ Tài chính) cần rà soát đổi mới nội dung chương trình đào tạo chuyên ngành kế toán, kiểm toán và chương trình thi kiểm toán viên cho phù hợp hơn với thực tế và phù hợp với các nước tiên tiến khu vực và thế giới (để đạt được sự công nhận của các nước về chứng chỉ kế toán viên, kiểm toán viên Việt Nam cấp). Hơn nữa, khi giáo dục trở thành một sản phẩm thì các trường đại học có thể mở ra các công ty cung cấp dịch vụ này để vừa kinh doanh vừa có điều kiện cho các sinh viên chuyên ngành tiếp xúc với thực tế nghề nghiệp.

Về phía các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ kế toán.

– Các công ty kế toán cần xây dựng và hoàn thiện đầy đủ các quy chế ràng buộc và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kế toán, kiểm soát chất lượng kế toán bằng các quy chế, quy trình công tác, quy trình nghiệp vụ đối với các nhóm, tổ, đoàn kiểm toán và đối với kế toán viên.

– Các công ty kế toán cần phải có tầm nhìn chiến lược dài hạn để phát triển bền vững tổ chức hoạt động và kinh doanh, phát triển thị trường, phải xây dựng cho công ty mình triết lý kinh doanh phù hợp, xây dựng một thương hiệu mạnh, uy tín cao và rộng rãi trên thị trường. Coi trọng vấn đề nguồn nhân lực (đội ngũ cán bộ quản lý chủ chốt, kế toán viên), trong đó cần phải biết đặt yếu tốt con người (nhân sự) vào vị trí trung tâm của các hoạt động của công ty, coi trọng vấn đề tuyển dụng và duy trì nhân sự chủ chốt, đào tạo, bồi dưỡng kế toán viên.

– Các công ty kế toán Việt Nam cần tuân thủ các quy định điều lệ, các hướng dẫn của Hội nghề nghiệp về tổ chức hoạt động, quản lý nghề nghiệp, nghiệp vụ chuyên môn. Các công ty cần có tính liên kết với nhau, có tính tổ chức chung trong một hiệp hội, tránh tình trạng “mạnh ai nấy hay”, không có tổ chức, không có trách nhiệm với nhau, hoặc tham gia tổ chức hiệp hội chỉ là hình thức…

– Các công ty kế toán phải hiện đại hóa công tác quản lý, áp dụng công nghiệ thông tin, chú ý xây dựng văn hóa công ty, môi trường làm việc, cống hiến cho cán bộ và kế toán viên.

– Các công ty phải có quan điểm chất lượng dịch vụ kế toán cung cấp cho khách hàng là đặc biệt quan trọng, lấy “chữ tín” làm đầu để duy trì và phát triển khách hàng.

Nhân tố quan trọng không thể không nhắc đến là khách hàng- người tiêu dùng dịch vụ.

– Một thực tế hiện nay là đại đa số các DN chưa quan tâm đúng mức tới công cụ quản lý kế toán. Vẫn còn rất nhiều DN tổ chức công tác kế toán rất lỏng lẻo và hời hợt. Chính vì vậy mà hầu hết các thông tin báo cáo cho các cơ quan quản lý là những thông tin “ảo”, gây nghi ngờ cho các nhà đầu tư. Một cơ chế mới về công khai thông tin sẽ đòi hỏi các DN quan tâm nhiều hơn tới việc xây dựng một bộ máy quản lý trong sạch, vững mạnh. Khi đó, các thông tin kế toán sẽ đáng tin cậy hơn và nhà đầu tư cũng yên tâm hơn khi bỏ vốn đầu tư.

– Thực tế cũng đòi hỏi các DN biết lực chọn những tổ chức, cá nhân có trình độ và năng lực để được hưởng những dịch vụ tốt nhất với giá cả hợp lý nhất. Điều này sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh lớn giữa các nhà cung cấp dịch vụ kế toán và đây là một động lực cần thiết để phát triển thị trường lên một tầm cao mới.

Công việc kế toán nói chung thì không mới mẻ nhưng dịch vụ làm thuê kế toán, hành nghề kế toán lại là mới mẻ vói Việt Nam, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, chắc chắc dịch vụ kế toán sẽ phát triển vượt bậc trong những năm tới, đảm bảo cho các DN Việt Nam vững bước trên con đường hội nhập và các nhà cung cấp dịch vụ cũng tự tin để xuất khẩu sản phẩm của mình ra thị trường thế giới.

NCS. Đoàn Ngọc Lưu- Nguyễn Thị Thu Thủy- Triệu Văn Nghị (Tạp chí Kiểm toán)

 

Tin liên quan