Thanh toán khi nhà cung cấp giải thể thực hiện như thế nào?

YÊU CẦU TƯ VẤN

Câu hỏi:

Em có câu hỏi muốn trình bày như sau: Công ty em mua hàng hóa của nhà cung cấp A. Hiện bên em vẫn còn công nợ với Nhà cung cấp A. Bây giờ bên nhà cung cấp họ yêu cầu bên e thanh toán các khoản công nợ còn lại (khoảng 2,0 tỷ đồng) vì họ đang làm thủ tục chuẩn bị xin giải thể Công ty. Nhưng Công ty em hiện tại sẽ chưa thanh toán các khoản nợ này (vì những khoản nợ này theo trên hợp đồng chưa tới hạn thanh toán, bên cạnh đó nguồn vốn và tiền bên em cũng còn cần để hoạt động các công trình khác nữa).

Em cũng có tìm hiểu thì được biết:

“Theo điểm c khoản 1 Điều 18 Thông tư 23/2014/TT-NHNN quy định về đóng tài khoản thanh toán như sau: Đóng tài khoản thanh toán: 1. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện đóng tài khoản thanh toán của khách hàng trong các trường hợp sau: … c) Tổ chức có tài khoản thanh toán chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật; …”

“Theo quy định tại khoản 6 Điều 208 Luật Doanh nghiệp 2020 về trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp như sau: Trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp: …

  1. Sau khi đã thanh toán chi phí giải thể doanh nghiệp và các khoản nợ, phần còn lại chia cho chủ doanh nghiệp tư nhân, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty theo tỷ lệ sở hữu phần vốn góp, cổ phần;

Câu hỏi của em là:

– Khi họ giải thể công ty thành công thì sau này bên Công ty em thanh toán cho họ bằng hình thức nào ạ (trong trường hợp tài khoản ngân hàng của họ đã đóng)?

Và những hóa đơn Công ty em thanh toán sau thời điểm NCC A đã giải thể thì có hợp lý không? và có những rủi ro như thế nào không ạ?”

Nhờ Ban tư vấn hỗ trợ ạ. Em chân thành cảm ơn!

closing

NỘI DUNG TƯ VẤN                                                                                                                        

Chào Chị, trước tiên cảm ơn Chị đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho chúng tôi. Do trong đầu bài Chị không nói rõ thời hạn thanh toán còn bao lâu, có hay không khả năng sau ngày Công ty A đã hoàn thành thủ tục giải thể. Vì vậy, để làm rõ nội dung Chị hỏi, chúng tôi xin phép chia thành 02 trường hợp:

Trường hợp 1: Nếu thời gian tới hạn thanh toán và Công ty Chị thanh toán theo đúng thoả thuận mà Công ty A chưa hoàn tất thủ tục giải thể, chưa đóng tài khoản Công ty (thông thường từ khi chuẩn bị hồ sơ giải thể đến khi hoàn tất các thủ tục liên quan kéo dài vài tháng đến cả năm, thậm chí vài năm), thì việc thanh toán của Công ty Chị cho Công ty A thực hiện bình thường qua tài khoản của Công ty A theo thoả thuận trong hợp đồng.

Trường hợp 2: Nếu thời hạn thanh toán sau ngày Công ty A đã giải thể hoặc vì lí do nào đó (chưa thu xếp được tài chính, chưa muốn thanh toán,…) mà Công ty Chị thanh toán khoản nợ này sau ngày Công ty A đã giải thể (Chúng tôi hiểu, đây mới là vấn đề mà Chị cần nhận tư vấn từ chúng tôi).

Theo đó:

  • Căn cứ theo hướng dẫn tại điểm c khoản 1 Điều 18 Thông tư 23/2014/TT-NHNN quy định về đóng tài khoản thanh toán như sau:

“Đóng tài khoản thanh toán

  1. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện đóng tài khoản thanh toán của khách hàng trong các trường hợp sau:

  1. c) Tổ chức có tài khoản thanh toán chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật;

…”

Theo quy định tại khoản 6 Điều 208 Luật Doanh nghiệp 2020 về trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp như sau:

“Trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp

  1. Sau khi đã thanh toán chi phí giải thể doanh nghiệp và các khoản nợ, phần còn lại chia cho chủ doanh nghiệp tư nhân, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty theo tỷ lệ sở hữu phần vốn góp, cổ phần;

…”

Như vậy, theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước khi Công ty A đã hoàn thành thủ tục giải thể thì tài khoản thanh toán của Công ty A đã bị đóng nên Công ty Chị không thể chuyển tiền vào tài khoản của Công ty A được; và

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, nếu Công ty A đã hoàn tất thủ tục giải thể thì phần tài sản còn dư sẽ chia cho các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu Công ty theo tỷ lệ sở hữu phần vốn góp, cổ phần.

Do đó, số tiền bên Công ty Chị trả sau khi Công ty A hoàn tất thủ tục giải thế cũng sẽ chia cho các thành viên, cổ đông, chủ sở hữu công ty theo quy định.

Căn cứ Khoản 10, Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 1/1/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC và Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính, quy định về điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào như sau:

 “10. Sửa đổi, bổ sung Điều 15 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 và Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính) như sau:

Điều 15. Điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào:

………..

  1. Các trường hợp thanh toán không dùng tiền mặt khác để khấu trừ thuế GTGT đầu vào gồm:

… c. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào được thanh toán ủy quyền qua bên thứ ba thanh toán qua ngân hàng (bao gồm cả trường hợp bên bán yêu cầu bên mua thanh toán tiền qua ngân hàng cho bên thứ ba do bên bán chỉ định) thì việc thanh toán theo ủy quyền hoặc thanh toán cho bên thứ ba theo chỉ định của bên bán phải được quy định cụ thể trong hợp đồng dưới hình thức văn bản và bên thứ ba là một pháp nhân hoặc thể nhân đang hoạt động theo quy định của pháp luật.”

Theo quan điểm của chúng tôi dựa trên các nội dung quy định và hướng dẫn hiện hành mặc dù chưa có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp của Công ty Chị nhưng chúng ta hoàn toàn có thể hiểu và vận dụng trên cơ sở pháp luật đang có để đảm bảo an toàn và hạn chế tối đa các rủi ro phát sinh cho doanh nghiệp về sau và cũng làm cơ sở vững chắc cho Công ty Chị bảo vệ trước cơ quan thuế, theo đó, Chị nên thực hiện các công việc sau:

  • Rà soát lại các điều khoản trong hợp đồng xem có cần bổ sung, chỉnh sửa gì không để trao đổi lại với Công ty A trước thời điểm Công ty A giải thể. Chú ý điều khoản cho phép các bên tiến hành lập Phụ lục sửa đổi, bổ sung các điều khoản của hợp đồng gốc đã có chưa (rất quan trọng để đảm bảo giá trị pháp lý của Phụ lục nếu có);
  • Đề nghị Công ty A cung cấp văn bản trong hồ sơ giải thể có đề cập đến việc phân chia tài sản sau giải thể cho các thành viên, cổ đông. Căn cứ theo văn bản này hai bên tiến hành lập Phụ lục hợp đồng nêu chi tiết các đối tượng được thụ hưởng (pháp nhân hoặc cá nhân có liên quan). Phụ lục này làm cơ sở để Công ty Chị thanh toán khoản nợ cho khách hàng về sau đảm bảo tuân thủ đúng các quy định và hướng dẫn hiện hành.

Liên quan đến nội dung Chị hỏi về việc thanh toán các hoá đơn cho nhà cung cấp A sau thời gian họ đã giải thể có hợp lý và có rủi ro gì không, chúng tôi tin rằng sau khi đọc các nội dung chia sẻ trên, Chị cũng đã có câu trả lời cho mình. Nếu Chị thực hiện đúng, đủ như nội dung hướng dẫn, chúng tôi tin chắc Chị sẽ không phải lo lắng về sau.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi căn cứ theo nội dung Chị hỏi và trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nhưng không phải là cơ sở pháp lý để áp dụng chung trong mọi trường hợp. Nếu các nội dung trao đổi này có điểm nào chưa phù hợp với câu hỏi, hoặc cần làm rõ thêm, Chị vui lòng liên hệ với chúng tôi.

Nguồn Chi hội Kế toán Hiểu đúng – Làm đúng

Tin liên quan