Sẽ gỡ khó cho doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế

 

Sẽ gỡ khó cho doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo quy định cũ, mức chi phí kịch trần cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị mà doanh nghiệp được phép tính vào chi phí doanh nghiệp khi tính doanh thu chịu thuế là 15% tổng doanh thu. Với cái barie này, rất nhiều doanh nghiệp đã điêu đứng, nhất là trong cuộc cạnh tranh giành thị phần với doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi doanh nghiệp nước ngoài có thể lách quy định này bằng cách đưa chi phí quảng cáo, tiếp thị thành chi phí của công ty mẹ, thì trên mặt trận quảng cáo tiếp thị, doanh nghiệp Việt Nam chỉ là một cậu bé con trước những ông lớn khổng lồ về nguồn lực tài chính. Đơn cử, trong khi một doanh nghiệp nước ngoài sản xuất và phân phối đồ uống có gas mỗi năm chi cho hoạt động quảng cáo tiếp thị gần 1.000 tỷ đồng, thì doanh nghiệp cùng loại ở Việt Nam chỉ được chi hai, ba chục tỷ đồng. Không cần phân tích cũng đủ thấy doanh nghiệp Việt bị lép vế trong sự xuất hiện trước công chúng và xây dựng hình ảnh của chính mình. Điều này cũng lý giải vì sao rất nhiều doanh nghiệp Việt bị hụt hơi trong cuộc đua thương hiệu với các doanh nghiệp ngoại.

Vì thế doanh nghiệåp ngoại lấn sân cũng là điều dễ hiểu. Tất nhiên, doanh nghiệp Việt cũng có những chiêu để liệu cơm gắp mắm trong bối cảnh so sánh lực lượng quá mất cân đối, nhưng cũng không ít gian nan. Chính những quy định này đã vô tình trở thành những cái gờ giảm tốc làm chậm lại tốc độ phát triển của nền kinh tế nước ta. Giờ đây, gờ giảm tốc thứ nhất đã được dỡ bỏ. Giới doanh nghiệp rất mừng.

Hay như trong hoạt động ngân hàng, mới đây Ngân hàng Nhà nước – bằng Thông tư 36 quy định sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Theo quy định cũ, các tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng tối đa 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Quy định này chỉ có ý nghĩa khi thanh khoản ngân hàng còn trong tình trạng chấp chới và nhu cầu đẩy vốn tín dụng ra chưa mấy căng thẳng. Thế nhưng, bối cảnh hiện nay đã khác. Trong khi nguồn vốn trong ngân hàng dồi dào, xã hội thì đang cần vốn, nếu không khơi thông nút tắc này, dòng vốn càng thêm ùn ứ, các tổ chức tín dụng vẫn phải để một khoản vốn bất khả dụng khá lớn mà không dám cho vay. Khi chốt chặn này được tháo bỏ sẽ tạo sự linh hoạt cho các tính toán của ngân hàng thương mại, dòng vốn tín dụng chảy ra với nhu cầu xã hội đã êm thuận, xuôi dòng mát mái hơn.

Đây chỉ là một số ví dụ điển hình cho thấy hiện vẫn còn nhiều chính sách, quy định lạc hậu, bất cập, không phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế đất nước. Trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng, nếu không được rà soát, dỡ bỏ kịp thời, những chính sách, quy định lạc hậu đó sẽ trở thành những gờ giảm tốc làm chậm lại tốc độ phát triển kinh tế của đất nước. Dỡ bỏ được những bảo thủ trong tư duy, chúng ta sẽ dỡ bỏ được những cái gờ giảm tốc trong hoạt động kinh tế.

 

Theo daibieunhandan.vn

Tin liên quan