Ông Chung Thành Tiến – Giám đốc Công ty Đồng Hưng góp ý Luật Kế toán (sửa đổi)

GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT KẾ TOÁN (SỬA ĐỔI)

 

Ông Chung Thành Tiến – Giám đốc Cty TNHH DV Kế toán Đồng Hưng

Ủy viên BCH Trung Ương Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – VAA

Ủy viên BCH Chi hội Kế toán Hành nghề Việt Nam – VICA

Trưởng Đại diện phía Nam – VICA

 

          Luật kế toán năm 2003 đã góp phần to lớn tạo ra hành lang pháp lý khá đầy đủ, hoàn chỉnh và phù hợp cho giai đoạn đầu hội nhập của nền kinh tế Việt Nam giúp cho Việt Nam tiếp cận với nền kinh tế thị trường và hội nhập mạnh mẽ với kinh tế quốc tế. Luật Kế toán 2003 cũng đã giúp các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và những người làm công tác kế toán có cơ sở rõ ràng, vững chắc trong việc tổ chức công tác kế toán, lập báo cáo tài chính, quản lý việc kinh doanh tại đơn vị cũng như đáp ứng tốt cho nhu cầu quản lý nhà nước trong suốt hơn 10 năm qua.

          Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay – giai đoạn mà nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu, rộng với nến kinh tế thế giới thì việc sửa đổi Luật kế toán là một nội dung rất cần thiết và cấp bách không chỉ tạo ra hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp đã, đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam mà trước mắt gần nhất là việc Việt Nam đã cam kết thực hiện chấp nhận chung chứng chỉ hành nghề giữa các quốc gia trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm 2015, trong đó dịch vụ kế toán là một trong số những ngành nghề được cam kết.

141212 Hoi thao Luat ke toan Tien(1)

 

          Trong nội dung bài góp ý lần này, dựa trên cơ sở của bản dự thảo Luật Kế toán sửa đổi đang được đưa ra lấy ý kiến, tôi xin tham gia đóng góp một vài nội dung mang tính chủ quan của cá nhân tôi như sau:

          1. Tại Điều 4: Giải thích từ ngữ

          1.1. Tại mục 11: "Kế toán viên hành nghề là người có chứng chỉ kế toán viên và đã đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán theo quy định của Luật này."

          Thế nhưng vấn đề này đã được đề cập trong Điều 60 của Luật sửa đổi này

          "1. Người có chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của Luật kiểm toán độc lập được đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán qua doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc hộ kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ các điều kiện sau đây:"

Ý kiến góp ý:

          Như vậy trong phần định nghĩa nên chỉnh lại sẽ phù hợp hơn, tôi đề nghị chỉnh lại như sau:

          "11. Kế toán viên hành nghề là người có chứng chỉ kế toán viên hoặc có chứng chỉ kiểm toán viên và đã đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán theo quy định của Luật này."

          Lí do đề nghị: thực tế hiện nay những người có chứng chỉ Kiểm toán viên được chấp nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán theo quy định và theo xu thế chung vẫn sẽ được chấp nhận theo Điều 60 của bản dự thảo (trong số 209 người đăng ký hành nghề có đến 147 người có chứng chỉ Kiểm toán viên). Do đó, cần chỉnh sửa lại cho đồng nhất giữa các nội dung Luật.

          1.2. Tại mục 17: "Kinh doanh dịch vụ kế toán là việc cung cấp dịch vụ làm kế toán, làm kế toán trưởng, lập báo cáo tài chính, tư vấn lập báo cáo tài chính cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu."

Ý kiến góp ý:

          Trước đây theo quy định của Luật kế toán 2003 không nói rõ các nội dung công việc dịch vụ được thực hiện đối với việc kinh doanh dịch vụ kế tóan mà được quy định tại Nghị định 129/2004/NĐ-CP và qua thực tế đã và đang diễn ra thì những nội dung được quy định tại Điều 43 của Nghị định 129/2004/NĐ-CP là tương đối phù hợp.

          Do đó, tôi đề nghị Luật nên định nghĩa rõ ràng, đầy đủ nhằm nâng cao giá trị nghề nghiệp Kế toán trong thời gian tới, phù hợp với thực trạng đang diễn ra tại Việt Nam, luật nên bổ sung phần định nghĩa về kinh doanh dịch vụ kế toán như sau:

          17. "Kinh doanh Dịch vụ kế toán là việc cung cấp dịch vụ làm kế toán, ghi sổ kế toán, rà soát và hoàn thiện sổ sách kế toán, làm kế toán trưởng, lập và soát xét báo cáo tài chính, tư vấn lập báo cáo tài chính, thiết lập cụ thể hệ thống kế toán cho đơn vị kế toán, cung cấp và tư vấn áp dụng công nghệ thông tin về kế toán, bồi dưỡng nghiệp vụ kế toán, cập nhật kiến thức kế toán, tư vấn tài chính, kê khai thuế, quyết toán thuế, tư vấn quản trị doanh nghiệp và các dịch vụ khác liên quan đến kế toán cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu."

Lí do đề nghị:

          – Như đã trình bày ở trên, Luật kế toán (sửa đổi) lần này không chỉ căn cứ theo tình hình thực tế tại Việt Nam, Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ các thông lệ quốc tế mà Việt Nam đã, đang và sẽ là thành viên trong thời gian tới. Trong đó, gần nhất và ảnh hưởng lớn nhất đến các nội dung hành nghề dịch vụ kế toán là cam kết Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Chúng ta cần quy định sao cho phù hợp với các nuớc trong công đồng ACE để các doanh nghiệp Việt Nam không bị loay hoay, kèm kẹp không hội nhập được vì vướng mắc ngay chính Luật trong nước mà cụ thể trong trường hợp này là Luật Kế toán (sửa đổi);

          – Trong bất kỳ doanh nghiệp nào, bộ máy kế toán dù tự tổ chức hay thuê dịch vụ vẫn phải thực hiện đầy đủ hoặc từng phần các công việc trên cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp khi đã thuê dịch vụ kế toán họ luôn mong muốn cắt giảm nhân sự, cắt giảm bộ máy kế toán, tiết kiệm chi phí hoạt động, tận dụng tính chuyên nghiệp của các đơn vị dịch vụ,… Do đó, nếu cắt xén đi một vài nội dung công việc mà lẽ ra phải do kế toán đảm nhận sẽ không phù hợp với thực tế, gây ảnh hưởng đến vai trò của kế toán dịch vụ khi cung cấp cho doanh nghiệp.

          – Trong số các nội dung cắt giảm của bản dự thảo nếu như không phải ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cũng không gây khó cho doanh nghiệp dịch vụ kế toán vì theo Luật doanh nghiệp sắp tới doanh nghiệp được kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, riêng đối với công việc liên quan đến khai báo thuế, tư vấn thuế, quyết toán thuế (làm đại lý thuế) là một ngành nghề có điều kiện theo quy định phải có chứng chỉ hành nghề thuế thì mới được cung cấp các dịch vụ liên quan đến thuế, tôi đề nghị Luật nên bổ sung đầy đủ hơn bằng cách chi tiết các công việc thuế là nội dung được phép trong dịch vụ kế toán như vậy sẽ phù hợp với thông lệ chung, với các văn bản hướng dẫn liên quan về hành nghề thuế mà Bộ Tài chính sắp bổ sung vào thời gian tới. Trong thực tế những người có giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kế toán và kiểm toán đều phải cùng thi 2 môn Pháp luật về Thuế và Kế toán như nhau (đây cũng là 02 môn thi chứng chỉ đại lý thuế) tại Hội đồng thi quốc gia của Bộ Tài chính; Trong quá trình hành nghề Kế toán viên và Kiểm toán viên cùng phải cập nhật kiến thức mới 40 giờ/1 năm; Kế toán viên hành nghề phải thường xuyên thực hiện các thủ tục về thuế cho khách hàng hơn là Kiểm toán viên.)

          2. Tại Điều 7: Nguyên tắc Kế toán

          "1. Giá trị tài sản và nợ phải trả được ghi nhận ban đầu theo giá gốc. Sau ghi nhận ban đầu, đối với một số loại tài sản hoặc nợ phải trả luôn biến động theo giá trị thị trường và giá trị của chúng có thể xác định lại một cách đáng tin cậy thì được ghi nhận theo giá trị hợp lý."

Ý kiến góp ý:

          Cụm từ "luôn biến động theo giá trị thị trường" theo quan điểm của cá nhân tôi cần thay đổi thành "biến động theo giá trị thị trường" sẽ phù hợp với ngữ nghĩa của từ ngữ Việt Nam vì "luôn biến động theo giá trị thị trường" có nghĩa và sẽ được hiểu là biến động liên tục không ngắt quãng. Tuy nhiên, trong thực tế rất ít khi xẩy ra trường hợp như vậy mà có thể biến động theo từng giai đọan khác nhau (có ngắt quãng). Chính vì thế, nên bỏ từ "luôn" sẽ phù hợp hơn và tránh gây nên những tranh luận không đáng có về sau.

          3. Tại Điều 8: Chuẩn mực kế toán và Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán

          Tại khỏan 2, Điều 8 quy định: "2. Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán là những quy định và hướng dẫn về nguyên tắc, nội dung áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp đối với tổ chức, cá nhân tham gia hành nghề kế toán."

Ý kiến góp ý:

          Trong phần giải thích từ ngữ có nêu "12. Kế toán viên hành nghề là người có chứng chỉ hành nghề kế toán đã đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán." và trong Điều 55 của Luật kế toán thì thuật ngữ "hành nghề Kế toán" được sử dụng rất nhiều theo nghĩa là dành cho những người cung cấp dịch vụ kế toán (bao gồm đơn vị và cá nhân).

          Như vậy theo khỏan 2 Điều 8 thì Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp chỉ áp dụng cho những người hành nghề kế toán tức là những người có cung cấp dịch vụ kế toán cho khách hàng, những đối tượng làm kế toán khác không chịu sự chi phối bởi Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán?

          Theo quan điểm của cá nhân tôi, Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp phải được áp dụng cho tất cả những người làm kế toán, tôi đề nghị nên đổi cụm từ "đối với tổ chức, cá nhân tham gia hành nghề kế toán" thành "đối với tổ chức, cá nhân tham gia làm kế toán" sẽ phù hợp hơn và tránh hiểu nhằm là chỉ áp dụng cho những người hành nghề kế toán.

          4. Điều 14. Các hành vi bị cấm

4.1. Khoản 7 Điều 14 quy định: "7. Người có trách nhiệm quản lý, điều hành đơn vị kế toán kiêm làm kế toán, thủ kho, thủ quỹ hoặc mua, bán tài sản, trừ doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể."

Ý kiến góp ý:

– Người có trách nhiệm quản lý, điều hành đơn vị kế toán được hiểu là thủ trưởng đơn vị kế toán như vậy đối với Công ty TNHH MTV và cả các loại hình DN khác ngoài DN có vốn nhà nước, tài sản là của chính họ (trừ trường hợp thuê người quản lý) thì quy định không được mua báo tài sản trong trường hợp này không phù hợp nên xem xét lọai trừ thêm các loại hình doanh nghiệp khác như Công ty TNHH MTV và các doanh nghiệp khác đã được quy định trong Điều lệ Công ty.

4.2. Tại khỏan 9, Điều 14 quy định: "9. Cho thuê, cho mượn, đi thuê, đi mượn chứng chỉ kế toán viên, giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kế toán dưới mọi hình thức;"

Ý kiến góp ý:

          Như đã trình bày ở phần 1, Chứng chỉ được chấp nhận đăng ký hành nghề không chỉ có " chứng chỉ kế toán viên" mà còn "chứng chỉ Kiểm toán viên" nhưng đăng ký hành nghề kế toán tại các đơn vị hoặc cá nhân hành nghề Kế toán nữa. Chính vì thế, nội dung này đề nghị nên bổ sung như sau:

          "9. Cho thuê, cho mượn, đi thuê, đi mượn chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ Kiểm toán viên để đăng ký hành nghề, giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kế toán dưới mọi hình thức;"

          4.3. Tại khỏan 12, Điều 14 quy định: "12. Sử dụng cụm từ “dịch vụ kế toán” trong tên gọi của doanh nghiệp khi kinh doanh mà chưa được Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán trong các giao dịch;"

Ý kiến góp ý:

          Nội dung này nếu thông qua việc triển khai theo dự thảo sẽ gặp vướng mắc lớn vì theo quy định tại Điều 62 – Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán thì phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, như vậy đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải thực hiện 03 bước nếu muốn lấy tên có cụm từ “dịch vụ kế toán”.

          Bước 1: Đăng ký thành lập doanh nghiệp (tên không có cụm từ “dịch vụ kế toán”);

          Bước 2: Đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán;

          Bước 3: Đăng ký lại tên doanh nghiệp có cụm từ “dịch vụ kế toán”.

          Theo tôi nghĩ, ban soạn thảo mong muốn làm sao để quản lý được thực trạng hành nghề "Chui" vô cùng phức tạp hiện nay, đưa dịch vụ kế toán đi vào nề nếp, bản thân tôi vô cùng ủng hộ. Thế nhưng, với cách quy định này là hoàn toàn không phù hợp và không thực tế, cần xem xét lại cho phù hợp và khả thi hơn.

          Theo quan điểm cá nhân tôi, việc có hay không có cụm từ “dịch vụ kế toán” không phải là mấu chốt của vấn đề và cũng không giải quyết được gì cả, doanh nghiệp không có cụm từ “dịch vụ kế toán” vẫn cung cấp dịch vụ kế toán bình thường. Để làm được điều mà ban soạn thảo mong muốn, ta có thể thực hiện bằng nhiều cách khác sẽ hiệu quả hơn. VD: Bộ tài chính sẽ ban hành văn bản gửi tất cả các cơ quan liên quan: Thuế, Thống kê, Sở Tài chính,… đính kèm danh sách các đơn vị đã đăng ký hành nghề hàng năm và đề nghị các cơ quan liên quan từ chối nhận báo cáo của các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ kế toán của các đơn vị không có tên trong danh sách.

5. Điều 29. Đánh giá và ghi nhận theo giá trị hợp lý

"c) Các tài sản hoặc nợ phải trả khác có giá trị biến động thường xuyên, theo yêu cầu của chuẩn mực kế toán phải được đánh giá lại theo giá trị hợp lý."

Ý kiến góp ý:

Tương tự nội dung đã trình bày tại góp ý số 2, đề nghị nội dung này nên bỏ từ " thường xuyên" nhằm hạn chế tranh luận không cần thiết khi triển khai thực tế.

6. Điều 62. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán

          6.1.  "Có ít nhất ba kế toán viên hành nghề, trong đó tối thiểu phải có hai thành viên góp vốn"

Ý kiến đóng góp:

          Việc quy định cố định số lượng 03 kế toán viên hành nghề trong doanh nghiệp là chưa phù hợp vì:

          – Đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (chiếm hơn 90%) với số lượng khách hàng bình quân khoảng 50 khách hàng, 03 kế toán viên hành nghề là dư thừa đôi khi không có việc làm trong khi đó phải gánh thêm chi phí thuê kế toán viên hành nghề. Gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không khuyến khích phát triển thị trường dịch vụ kế toán trong thời gian tới. Với quy định 02 Kế toán viên hành nghề như hiện nay mà thị trường dịch vụ kế toán trong suốt hơn 10 năm qua cũng chỉ tập trung tại các thành phố lớn, các địa phương khác vẫn tồn tại nhiều đơn vị, cá nhân cung cấp dịch vụ kế toán, nhưng do không đáp ứng được quy định này nên chấp nhận làm chui;

          – Đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán với quy mô lớn (vài trăm khách hàng), việc quy định 03 kế toán cũng không phù hợp vì không đảm bảo 03 Kế toán viên hành nghề này có đủ thời gian để tham gia kiểm tra, soát sét báo cáo cho khách hàng --> không đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp trên thị trường;

          Mục tiêu của việc tăng số lượng kế toán viên hành nghề từ 02 lên 03 là nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ kế toán được tốt hơn, đây là một quan điểm hoàn toàn tốt và nên cần được ủng hộ. Tuy nhiên, từ 02 lý do trên, mục tiêu này hầu như chưa đạt được trong giai đoạn hiện nay mà chi gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp, đề nghị nên giữ nguyên điều kiện quy định 02 Kế toán toán viên hành nghề trong Luật kế toán và bổ sung việc quy định "tùy vào qui mô, điều kiện và giai đoạn cụ thể Chính phủ sẽ có hướng dẫn số lượng Kế toán viên hành nghề cho phù hợp".

          6.2. Đối tượng được đăng ký hành nghề

          Tương tự nội dung góp ý tại Điều 4, toàn bộ các nội dung quy định tại Điều 62 chưa thấy đề cập đến đối tượng được đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán là người có chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của Luật kiểm toán độc lập.

          Đề nghị bổ sung thêm để đồng bộ vào Điều 62 đối tượng là những người có chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của Luật kiểm toán độc lập.

          6.3. "Chủ doanh nghiệp tư nhân đồng thời là Giám đốc."

          Dự thảo luật chưa rõ và chưa phù hợp với Luật doanh nghiệp vì theo luật doanh nghiệp DNTN vẫn được thuê người làm giám đốc để quản lý, điều hành toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp thì không có lý do gì Luật kế toán lại bắt buộc Chủ doanh nghiệp tư nhân phải đồng thời là Giám đốc.

Ý kiến đóng góp:

          Đề nghị chỉnh sửa như sau: "c) Chủ doanh nghiệp tư nhân đồng thời là Giám đốc. Trường hợp thuê người khác làm giám đốc quản lý doanh nghiệp, giám đốc phải là kế toán viên hành nghề."

7. Các nội dung liên quan đến thi và đăng ký hành nghề

          7.1. Thi chứng chỉ hành nghề:

          Theo quy định tại Điều 57 của Luật Kế toán 2003, người muốn thi chứng chỉ kế toán viên phải có tối thiểu 05 năm kinh nghiệm kể từ khi tốt nghiệp đại học. Theo qui định tại Điều 59 việc tham dự các kỳ thi cấp chứng chỉ kế toán viên không còn bắt buộc về thời gian công tác thực tế, như vậy sinh viên vừa tốt nghiệp, chưa làm qua công tác kế toán tài chính, chưa có kinh nghiệm thực tế vẫn được tham dự các kỳ thi kế toán viên;

          7.2. Đăng ký hành nghề:

          Theo qui định tại Điều 60, người có chứng chỉ kế toán viên muốn đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán phải đăng ký qua một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc hộ kinh doanh dịch vụ kế toán và phải có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán từ 36 tháng trở lên kể từ thời điểm tốt nghiệp đại học;

          Như vậy một người có chứng chỉ kế toán viên muốn đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán phải đăng ký qua một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc hộ kinh doanh dịch vụ kế toán. Điều này chưa phù hợp vì nếu một người có chứng chỉ kế toán viên và có đủ điều kiện mở một doanh nghiệp hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ kế toán theo quy định nhưng sẽ không thể mở được mà phải đăng ký qua một đơn vị khác để xin giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán sau đó lại rút ra để mở một cơ sở kinh doanh dịch vụ kế toán cho mình (phát sinh thủ tục không cần thiết và phức tạp thậm chí phát sinh tiêu cực vì phải NHỜ các doanh nghiệp kế tóan ký hợp đồng, làm hồ sơ đăng ký hành nghề sau đó phải báo giảm để mở doanh nghiệp hoặc cơ sở dịch vụ kế toán,…).

          7.3. Theo Điều 61: Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán

"1. Tổ chức kinh doanh dịch vụ kế toán phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán theo quy định của pháp luật.

2. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán được thành lập theo các loại hình doanh nghiệp sau:

a) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;

b) Công ty hợp danh;

c) Doanh nghiệp tư nhân."

Ý kiến đóng góp:

          Điều 60 có nêu "hộ kinh doanh dịch vụ kế toán" và trong tờ trình của UBTCNS vẫn chấp nhận hộ kinh doanh dịch vụ kế toán. Thế nhưng tại Điều 61 và các Điều khoản liên quan khác không thấy bất kỳ nội dung nào đề cập đến hình thức kinh doanh này. Đề nghị bổ sung đồng nhất và có hướng dẫn cụ thể để tránh vướng mắc khi triển khai luật.

          7.4. Đối với các đơn vị dịch vụ kế toán có vốn đầu tư nước ngoài

          Theo quy định tại các Điều 61:

"5. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài thực hiện kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam dưới các hình thức sau:

a) Góp vốn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán đã được thành lập và hoạt động tại Việt Nam để thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán;

b) Thành lập chi nhánh doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài;

c) Cung cấp dịch vụ qua biên giới."

          Như vậy các doanh nghiệp có vốn nước ngoài chỉ được kinh doanh dịch vụ kế toán tại VIệt Nam theo 03 hình thức trên. Câu hỏi đặt ra là đối với các doanh nghiệp dịch vụ kế toán đã được cấp phép thành lập theo hình thức 100% vốn đầu tư nước ngoài sẽ được điều chỉnh như thế nào khi Luật Kế toán sửa đổi có hiệu lực? Đề nghị ban soạn thảo xem xét, bổ sung hướng dẫn để tránh vướng mắc khi triển khai Luật.

          Theo quy định tại Điều 61, phát sinh một nội dung mới Cung cấp dịch vụ qua biên giới, nội dung này nhằm đáp ứng mục tiêu hội nhập theo các cam kết trong thời gian tới. Tuy nhiên, nội dung này chưa có bất kỳ quy định nào liên quan. Đề nghị ban soạn thảo nên bổ sung như sau:

c) Cung cấp dịch vụ qua biên giới theo hướng dẫn của Chính phủ (hoặc BTC).

          Lý do bổ sung để thuận tiện và hợp pháp cho việc hướng dẫn bằng các văn bản dưới luật (Nghị định/Thông tư) trong thời gian tới.

8. Điều 70. Đình chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán

1. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không bảo đảm một, một số hoặc toàn bộ các điều kiện quy định tại Điều 62 Luật này trong ba tháng liên tục;

Ý kiến đóng góp:

          Đề nghị sửa lại như sau:

          a) Không bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại Điều 62 Luật này trong sáu tháng liên tục;

          Lí do góp ý vì theo tất cả các luật khác liên quan đến đình chỉ hoạt động kinh doanh đều quy định sáu tháng. Đề nghị luật kế toán cũng nên quy định thống nhất về thời hạn đình chỉ hoạt động kinh doanh.

          9. Tổ chức nghề nghiệp về kế toán

          Theo nội dung tại Điều 71 của Luật Kế toán sửa đổi lần này vẫn chưa nêu rõ vai trò của Hội nghề nghiệp đối với người làm kế toán cũng như vai trò phản biện, góp ý, soạn thảo các chuẩn mực liên quan đến kế toán tại Việt Nam mà tiếp tục giao cho Chính phủ quy định.

          Theo quan điểm của cá nhân tôi, việc đào tạo và tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề kế toán, quản lý hành nghề dịch vụ kế toán nên bổ sung hẵn một Điều trong Luật và giao cho Hội nghề nghiệp đứng ra tổ chức sẽ phù hợp với thực tế tại Việt Nam hơn. Như đã biết từ trước tới nay, Bộ Tài chính thường xuyên giao việc soạn thảo đề thi, chấm thi cho các trường đại học, viện kế toán thực hiện. Chính vì thế đã phát sinh trường hợp đề thi quá nặng về lý thuyết, không trú trọng đến thực tế, không đáp ứng được mong muốn của người làm kế toán cũng như nhu cầu của xã hội, thêm vào đó điều kiện dự thi là phải có 05 năm kinh nghiệm đã làm cho việc đạt chứng chỉ hành nghề kế toán là quá khó khăn, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nghề nghiệp trong suốt hơn 10 năm qua. Hy vọng Luật nên có những thay đổi phù hợp hơn để đáp ứng cho nhu cầu phát triển của xã hội và hội nhập, đừng để nghề dịch vụ kế toán Việt Nam cũng sẽ chết tại sân nhà ngay sau khi cam kết chấp nhận chung chứng chỉ hành nghề giữa các quốc gia trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm nay.

          10. Các nội dung khác:

          Liên quan đến vấn đề kiểm tra, quản lý công tác kế toán, chất lượng báo cáo kế toán hiện nay (ngoại trừ các doanh nghiệp có lợi ích công chúng, các doanh nghiệp có vốn nhà nước) hầu như đang bị lãng quên. Với mong muốn nâng cao vai trò của công tác kế toán không chỉ phục vụ cho lợi ích của doanh nghiệp mà còn là cơ sở ra các quyết định vĩ mô của nền kinh tế đất nước, đề nghị Chính phủ cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát, nâng cao mức chế tài cần thiết để trấn chỉnh thực trạng kế toán HỖN TẠP như hiện nay.

          Nhìn chung ngoài các nội dung góp ý trên, Luật sửa đổi của Luật kế toán lần này đã có nhiều điểm mới phù hợp với định hướng phát triển và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam cũng như các nội dung cam kết mà Việt Nam đã và sẽ là thành viên cụ thể như nguyên tắc giá trị hợp lý, chấp nhận cung cấp dịch vụ qua biên giới, chấp nhận sổ sách kế toán được lưu trữ trên các phương tiện điện tử và đặc biệt việc cụ thể hóa một số chức năng, nâng cao vai trò của Hội nghề nghiệp trong việc đào tạo, CNKT, tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ kế toán cho những người làm kế toán là một thay đổi mang tính hội nhập mạnh mẽ trong nội dung sửa đổi, bổ sung Luật lần này.

          Xin chân thành cám ơn Ban tổ chức đã tạo mọi điều kiện để tôi được tham gia góp ý liên quan đến các nội dung sửa đổi của Luật kế toán.

Xin chân thành cám ơn Quý vị Đại biểu đã chú ý lắng nghe!

          Cuối cùng, xin kính Chúc Quý vị đại biểu, các vị Khách Quý và toàn thể Hội nghị thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp!

          Xin trân trọng cám ơn!

 

                                                          Tp. HCM, ngày 14 tháng 09 năm 2015

         

 

                                                                  

                                                                   CHUNG THÀNH TIẾN

 

Tin liên quan