Thời gian qua, cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế thường xuyên bị quá tải hoặc xảy ra sự cố vào thời điểm hết hạn nộp tờ khai thuế với nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng nhìn chung không xuất phát từ các nguyên nhân do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ mà chủ yếu do các nguyên nhân từ hạ tầng cơ sở chưa đảm bảo khi số lượng người nộp thuế tăng đột biến vào những ngày kết thúc kỳ kê khai.
Chính vì những lý do đó, ngày 31 tháng 01 vừa qua, Tổng cục thuế đã ban hành Thông báo 116/TB-TCT để thông báo cho người nộp thuế biết về sự cố kỹ thuật của cổng thông tin điện tử Tổng cục thuế. Khi thông báo này được phát đi, hàng loạt người làm kế toán, tư vấn thuế đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan:
- Tại sao trong Thông báo này Tổng cục thuế không ghi thời gian gia hạn thời gian nộp tờ khai thuế cho người nộp thuế biết mà chỉ ghi chung chung là sẽ thông báo cho người nộp thuế biết khi sự cố được khắc phục?
- Do sự cố kỹ thuật của cổng thông tin điện tử Tổng cục thuế dẫn đến việc nộp tờ khai thuế bị trễ hạn theo quy định vậy người nộp thuế có bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn theo quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP không?
Theo dõi các nội dung trao đổi trên các diễn đàn, hội, nhóm liên quan và nhận khá nhiều tin nhắn, gọi điện từ các anh, chị, em làm nghề với nhiều ý kiến trái chiều nhau, trong đó:
- Một số người cho rằng Thông báo của ngành thuế khi không ghi thời gian gia hạn trong trường hợp này là không rõ ràng, né tránh trách nhiệm;
- Số khác cho rằng Thông báo việc chậm trễ nộp tờ khai thuế phát sinh là do lỗi của ngành thuế nên người nộp thuế được phép kéo dài thời gian nộp thuế mà không bị xem là nộp tờ khai thuế trễ hạn nhưng tại sao trong Thông báo không có thời điểm hệ thống tiếp tục hoạt động;
- Số khác lại cho rằng do lỗi của ngành thuế nên không bị phạt vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn; và
- Một số khác còn kèm cả trích dẫn quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định 125/2020/NĐ-CP để làm cơ sở khẳng định quan điểm của mình là không bị phạt vi phạm hành chính.
Các ý kiến và quan điểm trên liệu rằng đã đúng và phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành chưa?
Trong bài viết này, Chúng tôi không nêu quan điểm chủ quan của cá nhân mà thay vào đó sẽ phân tích theo các quy định của pháp luật hiện hành và đưa ra ý kiến góp ý trong trường hợp có phát sinh xung đột pháp lý để góp phần hoàn thiện hơn các quy định pháp luật trong thời gian tới.
Thứ nhất, việc gia hạn nộp hồ sơ khai thuế (nếu có) phải căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14, theo đó người nộp thuế chỉ được gia hạn nộp hồ sơ khai thuế khi và chỉ khi:
- Không có khả năng nộp hồ sơ khai thuế đúng thời hạn do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ; và
- Phải nêu rõ lý do đề nghị gia hạn có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn nơi phát sinh trường hợp được gia hạn; và
- Phải gửi đến cơ quan thuế văn bản đề nghị gia hạn nộp hồ sơ khai thuế trước khi hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế được thủ trưởng cơ quan thuế quản lý trực tiếp cho phép gia hạn nộp hồ sơ khai thuế.
Như vậy, việc gia hạn nộp hồ sơ khai thuế không thuộc thẩm quyền của cơ quan thuế tự quyết định mà phải thoả mãn các điều kiện trên và phải do người nộp thuế đề nghị theo đúng trình tự, thủ tục đã quy định rất rõ ràng và đầy đủ tại Điều 46 Luật quản lý thuế 2019. Vì vậy, đối với trường hợp sự cố kỹ thuật của cổng thông tin điện tử Tổng cục thuế không thuộc trường hợp được gia hạn thời gian khai thuế theo quy định của pháp luật cũng không thuộc thẩm quyền được giao của ngành thuế nên trong thông báo 116/TB-TCT Tổng cục thuế không nêu nội dung gia hạn thời gian khai thuế là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.
Thứ hai, việc kéo dài thời gian nộp hồ sơ khai thuế, chứng từ nộp thuế điện tử được thực hiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 44 Luật quản lý thuế 2019 và Thông tư số 19/2021/TT-BTC, chính vì thế khi xem Thông báo 116/TB-TCT của Tổng cục thuế chúng ta thấy ngay cơ sở pháp lý đã được nêu rõ ngay trong phần căn cứ của Thông báo, theo đó:
- Luật quản lý thuế quy định “Trường hợp người nộp thuế khai thuế thông qua giao dịch điện tử trong ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế mà cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế gặp sự cố thì người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế, chứng từ nộp thuế điện tử trong ngày tiếp theo sau khi cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế tiếp tục hoạt động.”;
- Theo hướng dẫn tại Khoản 3 Điều 9 Thông tư 19/2021/TT-BTC, thì:
“3. Trường hợp giao dịch điện tử không thực hiện được do lỗi Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế trong ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ thuế, nộp thuế thì:
a) Tổng cục Thuế có trách nhiệm thông báo kịp thời thời điểm sự cố của hệ thống, thời điểm hệ thống tiếp tục hoạt động (theo mẫu số 02/TB-TĐT ban hành kèm theo Thông tư này) trên Trang thông tin điện tử (www.gdt.gov.vn) và Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
b) Người nộp thuế nộp hồ sơ thuế, chứng từ nộp NSNN điện tử trong ngày tiếp theo liền kề ngày Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế tiếp tục hoạt động, trừ trường hợp người nộp thuế có yêu cầu và đã thực hiện nộp hồ sơ bản giấy trực tiếp tại cơ quan thuế, nộp thuế qua các kênh giao dịch điện tử khác theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này hoặc bằng phương thức nộp thuế trực tiếp tại ngân hàng/KBNN theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành. Hồ sơ thuế, chứng từ nộp NSNN điện tử nộp trong thời gian này là đúng hạn.
c) Trường hợp Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế lỗi sau giờ hành chính của ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ thuế, nộp thuế nếu người nộp thuế có yêu cầu nộp hồ sơ bản giấy trực tiếp tại cơ quan thuế, nộp thuế qua các kênh giao dịch điện tử khác theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này hoặc bằng phương thức nộp thuế trực tiếp tại ngân hàng/KBNN theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CPvà các văn bản hướng dẫn thi hành thì cơ quan thuế, KBNN, ngân hàng thực hiện tiếp nhận và giải quyết cho người nộp thuế theo quy định. Hồ sơ thuế, chứng từ nộp NSNN bằng giấy nộp nêu trên nộp vào ngày làm việc tiếp theo liền kề ngày Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế bị lỗi là đúng hạn.”
Xét các quy định và hướng dẫn trên, đối chiếu với Thông báo 116/TB-TCT của Tổng Cục thuế có một vài nội dung cần bàn thêm:
- Về biểu mẫu, Thông báo 116/TB-TCT được ban hành chưa đúng mẫu số 02/TB-TĐT ban hành kèm theo Thông tư 19/2021/TT-BTC;
- Về nội dung, do Thông báo 116/TB-TCT được ban hành chưa đúng mẫu số 02/TB-TĐT nên thiếu thời điểm hệ thống tiếp tục hoạt động như hướng dẫn tại TT19/2021/TT-BTC.
Từ 02 nội dung trên, chúng ta nhận thấy việc Tổng cục thuế ban hành Thông báo số 116/TB-TCT để xác định lỗi Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế đến người nộp thuế là phù hợp với các quy định và hướng dẫn của các văn bản pháp lý hiện hành. Tuy nhiên, chưa đúng mẫu theo quy định và dẫn đến thiếu thông tin quan trọng để người nộp thuế được biết thời điểm hệ thống tiếp tục hoạt động trở lại để có kế hoạch cho đơn vị mình.
Thứ ba, việc xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này (nếu có) sẽ được thực hiện theo quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP, do thời gian khắc phục sự cố thường không quá dài, mức xử phạt được xác định theo Khoản 1 hoặc Khoản 2 Điều 13. Theo đó:
- Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
Để được áp dụng khoản 1, phạt cảnh cáo thường không đơn giản, chúng tôi đã từng chia sẻ trước đây, quý vị quan tâm có thể tìm đọc lại. Trong trường hợp này nếu có bị phạt thường sẽ rơi vào khoản 2 với số tiền phạt là 3.500.000 đồng/ hành vi.
Vấn đề đặt ra mà nhiều người tranh luận là dựa trên các cơ sở pháp lý trên thì có hay không bị xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này. Theo đó, hầu hết người làm nghề và cả một số ACE là cán bộ thuế cũng cho rằng không bị xử phạt vi phạm hành chính vì đây là một trong những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
“1. Không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đối với các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Người nộp thuế chậm thực hiện thủ tục thuế, hóa đơn bằng phương thức điện tử do sự cố kỹ thuật của hệ thống công nghệ thông tin được thông báo trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế thuộc trường hợp thực hiện hành vi vi phạm do sự kiện bất khả kháng quy định tại khoản 4 Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính.“
Theo câu chữ trong quy định này, đang tồn tại 02 quan điểm khác nhau trong cách hiểu, theo đó:
Cách 1: Để không bị xử phạt vi phạm hành chính người nộp thuế phải đáp ứng 02 điều kiện
1. Do sự cố kỹ thuật của hệ thống công nghệ….. đã được thông báo trên cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế. Điều kiện này đã làm rõ và đáp ứng theo quy định; và
2. Phải thuộc trường hợp bất khả kháng. Bất khả kháng phải được hiểu theo quy định trong Bộ luật dân sự hoặc Luật quản lý thuế theo đó sự cố hệ thống công nghệ không phải trường hợp bất khả kháng.
Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định rằng đối với trường hợp sự cố kỹ thuật của cổng thông tin điện tử Tổng cục thuế chắc chắn không thuộc trường hợp bất khả kháng nên cũng chắc chắn không thuộc những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được quy định tại Khoản 1 Điều 9, Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
Cách 2: Sự cố kỹ thuật của hệ thống công nghệ thông tin được thông báo trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế được xem là trường hợp thực hiện hành vi vi phạm do sự kiện bất khả kháng quy định tại khoản 4 Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Nếu hiểu theo cách này, xung đột pháp lý sẽ rất lớn vì không phải cơ quan nào cũng có đủ thẩm quyền để quy định sự kiện bất khả kháng, ngay cả trong Luật xử phạt vi phạm hành chính cũng không quy định thế nào là trường hợp bất khả kháng mà nó phải quy chiếu đến luật chung, trong trường hợp này là Bộ luật dân sự 2015.
Tại khoản 1, Điều 156, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.”
Theo đó, để một sự kiện được xem là sự kiện khách quan buộc phải thoả mãn 03 điều kiện sau:
- Xảy ra một cách khách quan;
- Không thể lường trước được;
- Không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Xét 03 điều kiện trên, chúng tôi khẳng định sự cố hệ thống của cơ quan thuế hoàn toàn không phải là sự kiện bất khả kháng (chúng tôi xin phép không phân tích sâu về các tiêu chí xác định cụ thể của trường hợp trên, bạn đọc có thể tự tìm hiểu thêm hoặc tham vấn luật sư nếu cần).
Nếu cố gắng dẫn dắt về mặt câu chữ để hiểu theo cách 2, như trình bày ở trên xung đột pháp lý sẽ vô cùng lớn về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được quy định trong Luật ban hành văn bản vi phạm pháp luật (Nghị định không thể sửa Luật…) dẫn đến hậu quả pháp lý là nội dung quy định này của Nghị định 125/2020/NĐ-CP bị VÔ HIỆU ngay.
Như vậy, đối với quy định không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định 125/2020/NĐ-CP cần phải được hiểu theo Cách 1 mới phù hợp.
Từ các nội dung trên, nếu xem xét một cách thấu đáo trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành, dù việc kéo dài thời gian nộp hồ sơ khai thuế, chứng từ nộp thuế điện tử trong trường hợp xảy ra sự cố vào thời điểm hết hạn nộp tờ khai thuế là hoàn toàn phù hợp với Luật quản lý thuế và hướng dẫn của Thông tư 19/2021/TT-BTC. Tuy nhiên, do chưa có sự thống nhất và đồng bộ trong xây dựng văn bản pháp luật nên trong trường hợp này vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định 125/2020/NĐ-CP và chắc chắn sẽ dẫn đến xung đột pháp lý nghiêm trọng chỉ vì một quy định chưa đảm bảo giá trị pháp lý là điều khó tránh khỏi trong thời gian tới.
Sau sự việc này, chúng tôi cho rằng việc xảy ra sự cố hệ thống thông tin của Tổng cục thuế vào thời điểm hết hạn nộp tờ khai thuế là việc có thể tiếp tục xảy ra trong thời gian tới. Do đó, để hạn chế xảy ra xung đột và dẫn đến rủi ro cho người nộp thuế, Chính phủ cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung quy định những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn tại Điều 9, Nghị định 125/2020/NĐ-CP theo hướng bỏ điều kiện “thuộc trường hợp thực hiện hành vi vi phạm do sự kiện bất khả kháng quy định tại khoản 4 Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính.” để phù hợp hơn với thực tế phát sinh và đồng nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh liên quan đến vụ việc này.
Trên đây là nội dung chia sẻ của người viết dựa trên các kiến thức pháp luật vô cùng có hạn, chắc sẽ không tránh khỏi những nội dung chưa đúng, chưa đầy đủ hoặc chưa phù hợp. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp từ quý bạn đọc để giúp chúng tôi hiểu rõ và trang bị thêm kiến thức cho mình.
Tin liên quan
Một cá nhân đại diện hai pháp nhân ký hợp đồng được không?
Khách hàng đặt câu hỏi: “Em là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH 2 thành viên A và cũng là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH 2 thành viên B. Như vậy khi giữa A và B có phát sinh giao dịch mua bán,...
Làm sao để hàng hóa bị hư hỏng được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế?
Mới đọc qua tiêu đề bài viết nhiều người đang công tác trong lĩnh vực kế toán, thuế có dành thời gian tìm hiểu về các chính sách, văn bản pháp luật nói chung hoặc có nghe các bạn làm kế toán tư vấn sẽ ngay lập tức cho rằng...
Xuất sai 1.000 hóa đơn phạt 1.000 hành vi hay chỉ phạt 01 hành vi và thêm tình tiết tăng nặng
Một bạn là hội viên Chi hội Kế toán Hiểu đúng – Làm đúng đã gửi cho Ban tư vấn câu hỏi Em mong Ban tư vấn hỗ trợ giải đáp và làm rõ giúp em nội dung liên quan đến việc xử phạt đối với hành vi xuất hóa...
Nguyên tắc áp dụng pháp luật và cách vận dụng văn bản phù hợp cho các chủ thể chịu sự điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật
Nghiên cứu pháp luật ở một số nước, đặc biệt là pháp luật ở những nước theo hệ thống dân luật (Civil law – truyền thống pháp điển hóa) mà Việt Nam chúng ta cũng đang áp dụng đều có một điểm chung là quy định nguyên tắc “ưu tiên...
DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI BÁN GẠO CHO NHÀ HÀNG, THUẾ SUẤT THUẾ GTGT BAO NHIÊU %?
Câu hỏi này mới đọc, chắc hầu hết người làm Kế toán, thuế thậm chí chỉ biết chút ít về kế toán như kinh doanh, mua bán cũng có thể trả lời được ngay. Nhưng nếu quay về đúng với bản chất, đạo lý của thuế GTGT cũng như các...