NHẦM TƯỞNG “CHẾT NGƯỜI”

Thời gian qua, rất nhiều Ông/bà chủ các doanh nghiệp liên tục hỏi tôi liên quan đến nội dung Công ty tư nhân làm chủ thì có bị kiểm toán bởi Kiểm toán Nhà nước không? Khi đã được kiểm toán Nhà nước kiểm toán rồi nếu cơ quan quản lý thuế tiếp tục thanh tra, kiểm tra thuế cho cùng giai đoạn đó nữa thì có thuộc trường hợp chồng, chéo trong thanh tra, kiểm tra không?

Trách nhiệm và tinh thần trách nhiệm điều tiên quyết của người thành công cần có

Câu trả lời là “HÊN XUI”

Đây là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp vì nhiều lí do khác nhau đã nhầm tưởng dẫn đến thiệt hại không hề nhỏ cho đơn vị mình bởi lẽ có nghe, có biết nhưng không tìm hiểu thật kỹ lưỡng và thấu đáo các quy định pháp luật mà “cứ nghe người ta nói và nghĩ đúng rồi”, một thực tế của số đông hiện nay, đến khi đụng chuyện thì mới “té ngửa ra” vì hai chữ “cứ tưởng”…

Để bàn về nội dung câu hỏi trên, không đơn giản chỉ là “nghe người ta nói” hay cứ “tưởng đã xong” là được mà phải xem xét đến những quy định của pháp luật hiện hành thì mới có câu trả lời thoả đáng cho người hỏi.

Quay trở lại nội dung trên, chúng ta cùng tìm hiểu các quy định của pháp luật hiện hành để làm cơ sở vững chắc phục vụ cho mục đích hiểu và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, hạn chế tối đa các rủi ro không đáng có cho đơn vị mình.

Kiểm toán Nhà nước có được kiểm toán các đơn vị không sử dụng tài chính công, tài sản công không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 2 Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2019 thì đối tượng áp dụng là (1) cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và (2) cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đối với hoạt động kiểm toán nhà nước.

Như vậy, đối tượng của kiểm toán Nhà nước không chỉ là cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công mà còn bao gồm cả cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đối với hoạt động kiểm toán nhà nước. Hay nói cách khác, trong quá trình thực hiện kiểm toán cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, nếu việc kiểm toán tại các đơn vị, tổ chức này mà Kiểm toán Nhà nước nhận thấy có liên quan đến các đơn vị, tổ chức, cá nhân khác thì kiểm toán Nhà nước vẫn có quyền thực hiện việc kiểm toán các đơn vị có liên quan đó theo đúng thẩm quyền đã được quy định tại Điều 11 Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2019.

Từ các nội dung quy định trên, việc Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán doanh nghiệp không sử dụng tài chính công, tài sản công (doanh nghiệp do tư nhân làm chủ) nhưng có liên quan đến nội dung, đối tượng mà Kiểm toán Nhà nước đang thực hiện kiểm toán là hoàn toàn phù hợp, đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước đã được quy định trong Luật Kiểm toán Nhà nước.

Khi đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán rồi, cơ quan quản lý thuế tiếp tục ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra cùng nội dung và cùng giai đoạn đó thì có chồng chéo không?

Để trả lời câu hỏi này một cách thấu đáo, chúng ta cần xem xét các hồ sơ, chứng từ liên quan gồm: (1) Quyết định kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước; (2) Nội dung và phạm vi kiểm toán; (3) Niên độ tài chính kiểm toán,… và các hồ sơ, chứng từ, nội dung liên quan khác (nếu có).

Việc xem xét các hồ sơ, chứng từ để:

  • Biết đối tượng Kiểm toán Nhà nước thực hiện có LIÊN QUAN đến doanh nghiệp mình không;
  • Nội dung kiểm toán có LIÊN QUAN đến doanh nghiệp mình không;
  • Phạm vi của cuộc kiểm toán có LIÊN QUAN đến doanh nghiệp mình không; và
  • Niên độ thực hiện việc kiểm toán có LIÊN QUAN đến doanh nghiệp mình không.

Trả lời các nội dung trên để xác định trách nhiệm và quyền hạn của mình và chọn cách thức thực hiện phù hợp khi làm việc với tổ/đoàn kiểm toán khi có yêu cầu.

Trong phạm vi bài chia sẻ này, mục đích chính của chúng tôi là để trả lời cho câu hỏi trên liên quan chủ yếu đến việc thực hiện kiểm toán hoạt động của Kiểm toán Nhà nước đối với các cơ quan quản lý thuế và khi đó người nộp thuế là bên có liên quan theo quy định tại Điều 2 Luật Kiểm toán Nhà nước.

Như vậy, ngoài việc xem xét các quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước như trên, chúng ta cần xem xét tiếp theo là các quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn liên quan để xác định giá trị của việc Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán liên quan đến đơn vị có liên quan.

Thứ nhất, xem xét cơ sở pháp lý của việc kiểm toán

Căn cứ Điều 21 Luật quản lý thuế 2019, thì nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước (1) Thực hiện kiểm toán hoạt động đối với cơ quan quản lý thuế; và (2) kiến nghị của Kiểm toán nhà nước liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Trong nội dung 2, Kiểm toán thực hiện 01 trong 02 nhiệm vụ (2.1) Kiểm toán nhà nước trực tiếp kiểm toán người nộp thuế; và (2.2) Kiểm toán nhà nước không trực tiếp kiểm toán đối với người nộp thuế mà thực hiện kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế có nội dung kiến nghị nêu trong báo cáo kiểm toán liên quan đến nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.

Từ các nội dung quy định trên, một lần nữa Luật quản lý thuế cũng quy định Kiểm toán Nhà nước không chỉ có thẩm quyền kiểm toán cơ quan thuế mà còn có thẩm quyền kiểm toán trực tiếp hoặc gián tiếp người nộp thuế nếu có liên quan đến phạm vi kiểm toán mà cơ quan kiểm toán thực hiện tại cơ quan thuế.

Screen Shot 2024 07 13 at 11.33.25

Thứ hai, xem xét nội dung và kỳ kiểm toán

Đây là nội dung rất quan trọng để xem xét (1) Kiểm toán Nhà nước có thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình đã được Quốc hội giao trong Luật không; (2) việc người nộp thuế đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán những nội dung nào, thời kỳ nào cũng để làm cơ sở xác định trách nhiệm và nghĩa vụ của người nộp thuế với cơ quan quản lý Nhà nước nói chung.

Trong trường hợp này, người nộp thuế buộc phải xem xét các nội dung trong Quyết định kiểm toán hoặc Biên bản làm việc hoặc Biên bản kiểm toán do Kiểm toán Nhà nước lập/ban hành/kiến nghị có liên quan đến doanh nghiệp mình để thực hiện đối chiếu với quyết định thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế khi cần.

Thứ ba, xem xét các quy định và hướng dẫn liên quan đến chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra thuế.

Thế nào là chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra?

Căn cứ tại Điều 4 Luật Thanh tra 2022 quy định:

Nguyên tắc hoạt động thanh tra

  1. Tuân theo pháp luật, dân chủ, công khai, khách quan, kịp thời, chính xác.
  2. Không làm cản trở hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
  3. Không trùng lặp về phạm vi, thời gian giữa các cơ quan thanh tra, giữa cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm toán nhà nước; không trùng lặp trong việc thực hiện quyền khi tiến hành thanh tra.

Theo đó, việc trùng lặp về phạm vi, thời gian và việc thực hiện thanh tra trong hoạt động thanh tra là không được phép.

Đồng thời, khoản 1 Điều 55 Luật Thanh tra 2022 quy định như sau:

Xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra

  1. Khi tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, nếu phát hiện chồng chéo, trùng lặp, cơ quan thanh tra phối hợp với cơ quan kiểm toán nhà nước để xử lý theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và Luật này, bảo đảm một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ là đối tượng của một cơ quan thanh tra hoặc cơ quan kiểm toán nhà nước.

Từ những quy định trên, chúng ta có thể hiểu việc chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra là việc một cuộc thanh tra xảy ra một trong những trường hợp sau:

– Trùng lặp về phạm vi, thời gian giữa các cơ quan thanh tra, giữa cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm toán nhà nước;

– Trùng lặp trong việc thực hiện quyền khi tiến hành thanh tra;

– Một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân là đối tượng của nhiều cơ quan thanh tra hoặc cơ quan kiểm toán nhà nước.

Thế nào là chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động kiểm tra thuế?

Theo Quyết định số 970/QĐ-TCT thì trùng lặp trong kiểm tra thuế là khi cơ quan thuế ban hành quyết định kiểm tra có những nội dung và kỳ kiểm tra trùng lặp với Quyết định thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra như thế nào?

  • Đối với hoạt động thanh tra, việc xử lý được thực hiện theo điểm đ khoản 1 Điều 71 Luật thanh tra 2022

1. Người ra quyết định thanh tra ra quyết định đình chỉ cuộc thanh tra trong các trường hợp sau đây:

đ) Thuộc trường hợp chồng chéo, trùng lặp đã được xử lý theo quy định tại Điều 55 của Luật này.

Như vậy, khi cuộc thanh tra bị chồng chéo, trùng lặp và đã được xử lý thì người ra quyết định thanh tra sẽ đình chỉ cuộc thanh tra đó.

  • Đối với hoạt động kiểm tra thuế thì khi phát hiện việc kiểm tra chồng chéo, trùng lắp thì Quyết định kiểm tra cũng được bãi bỏ bởi chính cơ quan ban hành Quyết định kiểm tra (QD970/TCT).

Đối chiếu với nội dung câu hỏi của người hỏi với các quy định và hướng dẫn liên quan, chúng tôi nhận thấy:

Khi xem xét các hồ sơ liên quan như Quyết định Kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, Biên bản kiểm toán, chúng tôi nhận thấy đây là hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước tại cơ quan thuế có nội dung là kiểm toán ngân sách địa phương. Khi tiến hành kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước nhận thấy Công ty của người hỏi trên có liên quan đến nội dung, phạm vi kiểm toán nên đã yêu cầu Công ty thực hiện việc đối chiếu nghĩa vụ ngân sách, làm rõ các chỉ tiêu báo cáo liên quan đến thuế GTGT, thuế TNDN trong giai đoạn kiểm toán.

Như vậy, đây là trường hợp Kiểm toán Nhà nước yêu cầu các bên liên quan thực hiện đối chiếu số liệu thực hiện nghĩa vụ ngân sách mà người nộp thuế đã thực hiện với cơ quan thuế. Hoàn toàn không phải Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán hay kiểm tra thuế của người nộp thuế.

Ngoài ra, trong nội dung Biên bản làm việc, Kiểm toán Nhà nước cũng đã giới hạn phạm vi kiểm tra chỉ là đối chiếu về nghĩa vụ ngân sách.

Do đó, theo quan điểm của chúng tôi mặc dù Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu Công ty thực hiện giải trình, đối chiếu số liệu khi thực hiện cuộc kiểm toán tại cơ quan thuế nhưng không phải là hoạt động kiểm toán nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp. Do đó, nếu cơ quan quản lý thuế ban hành Quyết định thanh tra, kiểm tra mà nội dung thanh tra, kiểm tra đó không trùng lắp về nội dung và kỳ kiểm tra thì việc cơ quan thuế ban hành Quyết định thanh tra, kiểm tra này là phù hợp và không thuộc các trường hợp phải bãi bỏ Quyết định theo quy định của Luật thanh tra cũng như Quyết định hướng dẫn về quy trình kiểm tra thuế của Tổng cục thuế.

Trên đây là nội dung chia sẻ của chúng tôi dành cho câu hỏi và hồ sơ, chứng từ, thông tin của đọc giả cung cấp. Chúng tôi căn cứ, trích dẫn trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành để bạn đọc tham khảo, không nêu quan điểm cá nhân mình để dẫn dắt bạn đọc theo quan điểm chủ quan của mình cũng không đưa ra kết luật đúng – sai và khẳng định đây không phải là hướng dẫn áp dụng cho mọi trường hợp. Trong bài viết này, mặc dù chúng tôi đã cố gắng hết sức trên sự hiểu biết có hạn của mình. Tuy nhiên, chắc chắn không tránh khỏi những giới hạn do chưa hiểu hết pháp luật, rất mong nhận ý kiến đóng góp trên tinh thần giúp nhau cùng nâng cao tri thức. Mọi ý kiến đóng góp dù là nhỏ nhất của quý vị chúng tôi cũng xin ghi nhận, trân trọng và sẽ sửa đổi, bổ sung để bài viết được hoàn thiện hơn.

Xin chân thành cảm ơn và hẹn quý vị trong bài tiếp theo của chuỗi bài này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Luật Kiểm toán Nhà nước 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung 2019;

Luật Quản lý thuế 2019;

Luật Thanh tra 2022;

Quyết định số 970 của Tổng cục thuế;

Các hồ sơ, chứng từ và thông tin do người hỏi cung cấp.

Tin liên quan