NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI CÓ ĐƯỢC THAM GIA BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP KHÔNG?

Khi đặt ra câu hỏi này có lẽ rất nhiều người sẽ cho rằng người viết “quá ngớ ngẩn” hoặc là “sinh vật lạ” đến từ một hành tinh khác,… khi mà tính đến thời điểm hiện nay không cơ quan Bảo hiểm nào cho phép các doanh nghiệp có sử dụng lao động là người nước ngoài được phép tham gia loại bảo hiểm này.

Giải thích vấn đề này, rất nhiều người tự tin trích dẫn rất đầy đủ quy định pháp luật hiện hành để khẳng định việc cơ quan bảo hiểm không cho người nước ngoài tham gia bảo hiểm thất nghiệp (“BHTN”) là đúng, là chuẩn là đầy đủ cơ sở pháp lý,… Theo đó, một số quan điểm cho rằng:

Quan điểm từ các doanh nghiệp

  • “BHTN được quy định trong Luật việc làm 2013 mà theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật việc làm có giải thích “Người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15t trở lên …. nên người lao động nước ngoài không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật việc làm ==> không thuộc đối tượng phải tham gia BHTN”.
  • “BHTN được quy định tại Chương 6 Luật việc làm Năm 2013, đối tượng áp dụng của Luật này cho Người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc => Người nước ngoài không thuộc đối tượng áp dụng quy định này.”
  • “BHTN quy định tại Luật Việc làm, Luật Việc làm quy định đối tượng áp dụng là người lao động, cũng quy định là công dân Việt Nam, do đó người nước ngoài không thuộc đối tượng điều chỉnh với Luật Việc làm, nên không thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHTN.”
  • “Theo em biết thì Người nước ngoài không thuộc đối tượng tham gia BHTN bởi vì đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp căn cứ vào quy định của Luật Việc làm. Trong luật việc làm thì đối tượng áp dụng đối với Người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc. Đoạn này không có quy định cho phép lao động là người Nước ngoài. Do đó hiện nay cũng chưa có quy định đóng BHTN cho người nước ngoài.”

qdiem

Quan điểm của cơ quan quản lý Nhà nước

  • Bảo hiểm hội Việt Nam trả lời cho Bà Phạm Thị Phượng (Khánh Hòa) về việc người lao động nước ngoài có được tham gia BHTN hay không, được đăng trên trang Chính phủ vào ngày 23 tháng 5 năm 2023, theo đó, BHXH hướng dẫn như sau:

“Tại Luật Việc làm 2013 và các nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ, ngành không quy định chính sách bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.”

  • Hướng dẫn trên trang Luật Việt Nam

“Theo quy định Điều 2 Luật Việc làm 2013 thì đối tượng điều chỉnh của Luật Việc làm 2013 là người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc làm.

Trong đó, người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc (khoản 1 Điều 3 Luật Việc làm 2013).

Căn cứ vào quy định trên, người lao động nước ngoài không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Việc làm 2013 nên người lao động nước ngoài không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Quan điểm của luật sư

  • Trả lời của Luật gia Nguyễn Thị Thúy, Công ty Luật TNHH YouMe đăng trên trang Báo lao đồng ngày 23/11/2023

“Khoản 1 Điều 3 Luật Việc làm 2013 giải thích như sau:

Trong luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

  1. Người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc.

Như vậy, người lao động nước ngoài không cần đóng bảo hiểm thất nghiệp theo các quy định được trích dẫn ở trên.

Các nội dung trích dẫn trên điều căn cứ vào thời điểm hiện tại hoặc sớm nhất là trong năm 2023. Như vậy có thể nói từ doanh nghiệp, người làm công tác kế toán, nhân sự, luật sư và các cơ quan quản lý Nhà nước đều cùng chung quan điểm là người lao động nước ngoài không phải đối tượng tham gia BHTN tại Việt Nam.

Góc nhìn của người viết

Như chúng tôi vẫn luôn chia sẻ với quý bạn đọc, để hiểu một cách thấu đáo (hiểu đúng, làm đúng) về giá trị pháp lý của các văn bản quy phạm pháp luật, biết cách áp dụng đúng các quy định pháp luật vào thực tế công việc của mình, hạn chế tối đa các rủi ro phát sinh cho doanh nghiệp, khách hàng và cả bản thân mình, qua đó từng bước nâng cao giá trị bản thân người làm nghề, hành nghề nói chung, chúng ta không chỉ bám vào một văn bản cụ thể nào đó để đưa ra kết luận hoặc cứ thế mà làm theo người khác thậm chí kể cả đấy là Luật mà phải tìm hiểu thêm về các quy định liên quan: hiệu lực pháp lý, hiệu lực không gian và thời gian, nguyên tắc áp dụng, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật,… một cách đầy đủ nhất trước khi đưa qua kết luận thì kết luận đấy sẽ rõ ràng, đầy đủ và an toàn hơn cho tất cả các bên liên quan.

fl

Để làm được điều này, trước hết chúng ta bắt buộc phải bám theo các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó bao gồm nhưng không giới hạn:

– Hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật

– Ngưng hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật

Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực

Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần

– Hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản;

– Được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó;

– Hiệu lực về không gian

Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật

+ Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực.

Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.

+ Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.

+ Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.

+ Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.

Trong phạm vi chia sẻ này, chúng tôi chỉ trích dẫn các quy định liên quan trực tiếp đến tính pháp lý cũng như cách thức áp dụng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nội dung cần trao đổi để bạn đọc cùng tìm hiểu và đưa ra góc nhìn pháp lý, tìm kiếm sự chọn lựa áp dụng phù hợp và an toàn cho mình.

Quay lại với các ý kiến trích dẫn quan điểm của các bên liên quan trên, chúng ta nhận thấy tất cả đều có cùng 01 quan điểm là căn cứ vào Khoản 1 Điều 3 Luật Việt Làm 2013 giải thích về “Người lao động” để chốt đối tượng điều chỉnh của Luật liên quan đến đối tượng tham gia BHTN chỉ là người Việt Nam (quy định tại Chương VI, Luật Việc Làm 2013).

Theo đó, Luật Việc làm quy định

“1. Người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc.”

Việc xác định đối tượng điều chỉnh của Luật cũng như đối tượng tham gia BHTN theo quy định của Luật Việc làm có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 và Luật này vẫn còn giá trị đến nay. Do đó, nếu chỉ xét trong khuôn khổ của Luật Việc làm 2013, các ý kiến, quan điểm trên là hoàn toàn đúng với tinh thần của Luật Việc làm và không có gì phải thảo luận thêm.

Tuy nhiên, như chúng ta đã biết việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tại Việt Nam trong suốt thời gian qua còn tồn tại nhiều bất cập, chòng chéo, đan xen vào nhau ngay cả trong văn bản Luật là điều thường xuyên xảy ra. Để hạn chế việc hiểu chưa trọn vẹn, chưa đầy đủ,… dẫn đến áp dụng sai, chúng ta cần bám sát theo các văn bản mới được ban hành, kiểm tra, đối chiếu, so sánh với các văn bản trước đấy, nhận diện những điểm mới, những điểm đã được quy định trước đây nhưng mới sửa đổi, bổ sung, thay thế, tìm ra sự khác biệt liên quan để từ đó biết cách hiểu đúng và áp dụng cho phù hợp.

Đối chiếu với thực tế, chúng ta được biết liên quan đến lĩnh vực lao động, trong năm 2019, Quốc hội đã ban hành Bộ Luật Lao động để điều chỉnh các quan hệ lao động nói chung có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Theo đó, Bộ luật Lao động mới đã mở rộng khái niệm về người lao động. Bất kỳ người nào làm việc theo thỏa thuận thỏa mãn ba yếu tố sau: (i) có việc làm, (ii) được trả lương và (iii) làm việc dưới sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động, được gọi là người lao động theo Bộ luật Lao động mới.

So với Luật Lao động 2012 và Luật Việc làm 2013, thì “Người lao động” quy định trong Bộ luật Lao động 2019 bao gồm cả lao động là người nước ngoài nếu đối tượng này thoả mãn 03 điều kiện trên.

Đối chiếu với quy định tại Khoản 3, Điều 152 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 được sửa đổi, bổ sung 2020, thì từ ngày 01/01/2021 (thời điểm có hiệu lực của Bộ luật Lao động 2019) “Người lao động” trong văn bản Luật phải được hiểu không chỉ là người Việt Nam mà bao gồm cả người nước ngoài đang có việc làm tại Việt Nam, được trả lương và làm việc dưới sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động; và

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần là khi văn bản đó được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó.

Cả Luật Việc làm 2013 và Bộ Luật Lao động 2019 đều do Quốc hội ban hành và cùng có quy định liên quan đến “Người lao động”. Do đó, theo quy định tại Khoản 2 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Việt Làm 2013 đã được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019.

Như vậy, từ ngày 01/01/2021 khi Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực, khái niệm “Người lao động” trong Luật Việc làm 2013 không chỉ dành cho lao động là công dân Việt Nam mà còn bao gồm cả lao động là người nước ngoài thoả mãn 03 điều kiện như trên.

Bên cạnh nội dung phân tích liên quan đến nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo việc lực chọn, áp dụng đúng văn bản quy phạm pháp luật, chúng ta cũng cần quan tâm đến nguyên tắc “ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành trước luật chung”. Do trong phạm vi giới hạn của bài viết, chúng tôi không phân tích sâu về nguyên tắc này mà khẳng định Luật Việc làm 2013 không phải là luật riêng (hay nói cách khác không phải là luật chuyên ngành) nên không được ưu tiên áp dụng trong trường hợp này mà phải áp dụng theo nguyên tắc “ưu tiên áp dụng luật được ban hành sau” đã được qui định tại Khoản 3, Điều 152 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.

Từ các cơ sở pháp lý và phân tích trên, liên quan đến nội dung người lao động nước ngoài có thuộc đối tượng tham gia BHTN hay không, chúng tôi tin rằng quý bạn đọc đã phần nào sáng tỏ hơn và có cái nhìn khác so với trước đây trên tinh thần hiểu đúng – làm đúng các quy định của pháp luật.

Screen Shot 2024 03 08 at 12.49.33
Người nước ngoài có được tham gia BHTN không?

Kết luận và kiến nghị

  • Từ ngày 01/01/2015 đế n ngày 31/12/2020, người lao động nước ngoài chịu sự điều chỉnh của Luật Việc làm 2013 không được xem là người lao động, không phải là đối tượng điều chỉnh của Luật Việc làm 2013 nên không thuộc đối tượng tham gia BHTN;
  • Từ ngày 01/01/2021 đến nay, người lao động nước ngoài chịu sự điều chỉnh của Luật Lao động 2019 và Luật Việc làm 2013, theo đó được xem là người lao động theo quy định. Như vậy người lao động nước ngoài phải thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Việc làm 2013, thuộc đối tượng tham gia BHTN theo quy định tại Chương VI, Luật Việc làm 2013;
  • Cơ quan quản lý Nhà nước liên quan cần xem xét tính pháp lý của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, cụ thể trong trường hợp này là Luật Việc làm 2013, Bộ luật Lao động 2019 và các quy định tại Khoản 3, Điều 152 và Khoản 2 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 để có hướng giải quyết đúng, đủ và phù hợp hơn. Đảm bảo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật và tạo điệu kiện tốt hơn cho thị trường lao động tại Việt Nam cũng như giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động chuyên môn cao là người nước ngoài trong giai đoan hội nhập, phát triển chung với nền kinh tế toàn cầu hiện nay.

Trên đây là văn phong cá nhân của người viết dựa trên các kiến thức pháp luật do tự nghiên cứu và có được trong suốt thời gian làm nghề và hành nghề nhưng không phải là quan điểm cá nhân mà dựa trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật đang có giá trị pháp lý hiện hành. Tuy nhiên, với lượng kiến thức nói chung là vô hạn, kiến thức pháp luật nói riêng cũng rất mênh mong nên chắc khó tránh khỏi thiếu sót hoặc hiểu chưa đúng, chưa chuẩn hoặc phân tích chưa rõ ràng, đầy đủ,… Rất mong nhận được ý kiến đóng góp, chia sẻ từ quý đọc giả để chúng tôi hiểu thêm và hoàn thiện hơn kiến thức cho mình trong bầu trời tri thức bao la.

Tài liệu tham khảo

Tin liên quan