Một cá nhân đại diện hai pháp nhân ký hợp đồng được không?

Khách hàng đặt câu hỏi:

“Em là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH 2 thành viên A và cũng là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH 2 thành viên B. Như vậy khi giữa A và B có phát sinh giao dịch mua bán, em sẽ đại diện cả hai Công ty ký hợp đồng có được không?”

Liên quan đến nội dung bạn hỏi chúng tôi cho rằng là vấn đề không phải chỉ riêng bạn vướng mắc mà hiện nay rất nhiều cá nhân, đơn vị đang gặp phải vì pháp luật vẫn đang chưa có quy định chi tiết, rõ ràng mà các quy định đó nằm ở các luật khác nhau, để hiểu và áp dụng phù hợp cần có kiến thức liên quan để hạn chế các rủi ro phát sinh về sau.

commit
Hợp đồng vô hiệu do cùng chữ ký đại diện cho hai pháp nhân

Nếu tìm kiếm Google nội dung này, bạn sẽ nhận được rất nhiều kết quả trả về nhưng phần lớn sẽ cho kết quả nếu cùng một người đại diện ký cho 02 pháp nhân do mình là người đại diện pháp luật thì hợp đồng đấy sẽ vô hiệu!?

Tại sao lại vô hiệu?

Hầu hết các trang hướng dẫn đều căn cứ tại khoản 3 Điều 141 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về phạm vi đại diện, như sau:

“3. Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Theo đó, phần đông cho rằng cá nhân được phép đại diện cho nhiều pháp nhân nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó và tất cả đều kết luận hợp đồng trong trường hợp này sẽ vô hiệu.

Nhưng thực tế nếu phân tích kỹ lưỡng trên cơ sở các các quy định của pháp luật hiện hành thì sao?

Để trả lời câu hỏi này một cách thấu đáo, chúng ta cần quay lại với nội dung bài viết mà chúng tôi đã phân tích liên quan đến Nguyên tắc áp dụng pháp luật và cách vận dụng văn bản phù hợp cho các chủ thể chịu sự điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật trong đó, hai vấn đề quan trọng cần xem xét đến là nguyên tắc “ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành (luật riêng) trước luật chung” và nguyên tắc “ưu tiên áp dụng luật được ban hành sau” để áp dụng vào trường hợp cụ thể này.

Theo đó,

  • Nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật luật riêng trước luật chung trong trường hợp này luật riêng là Luật doanh nghiệp 2020 và luật chung là Bộ luật dân sự 2015;
  • Nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật được ban hành sau trong trường hợp này cũng chính là Luật doanh nghiệp 2020.

Như vậy, khi áp dụng hai nguyên tắc trên thì luật được ưu tiên áp dụng để giải quyết vướng mắc này chính là Luật doanh nghiệp 2020. Ngoài ra, nếu xem xét kỹ tại khoản 3 Điều 141 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cá nhân không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, ngay trong Bộ luật dân sự cũng đã quy định rất rõ ràng chỉ áp dụng quy định này khi pháp luật khác không có quy định.

Từ các lập luận trên cơ sở pháp lý trên, căn cứ Điều 67 Luật doanh nghiệp 2020 quy định:

““1. Hợp đồng, giao dịch giữa công ty với đối tượng sau đây phải được Hội đồng thành viên chấp thuận:

a) Thành viên, người đại diện theo ủy quyền của thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty;

b) Người có liên quan của người quy định tại điểm a khoản này;

c) Người quản lý công ty mẹ, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ;

d) Người có liên quan của người quy định tại điểm c khoản này.

Người nhân danh công ty ký kết hợp đồng, giao dịch phải thông báo cho các thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan và lợi ích có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó; kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc nội dung chủ yếu của giao dịch dự định tiến hành. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định khác thì Hội đồng thành viên phải quyết định chấp thuận hoặc không chấp thuận hợp đồng, giao dịch trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo và thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 59 của Luật này. Thành viên Hội đồng thành viên có liên quan đến các bên trong hợp đồng, giao dịch không được tính vào việc biểu quyết.”

==> Như vậy, theo quy định tại điều 67 Luật doanh nghiệp 2020 thì trường hợp cá nhân đang là người đại diện theo pháp luật hợp pháp cho hai pháp nhân, nếu muốn đại diện cả hai pháp nhân ký kết giao dịch (ký cả hai chữ ký trên hợp đồng) thì phải thông báo cho các thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan và lợi ích có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó (nếu Điều lệ không có quy định khác) thì phải được sự chấp thuận từ Hội đồng thành viên bằng cách thông qua biểu quyết với tỷ lệ chấp thuận là 65% trở lên (theo điểm a, khoản 3, điều 59 Luật doanh nghiệp 2020).

Tuy nhiên, một lần nữa chúng tôi khẳng định rằng đây là vấn đề còn tranh cãi rất nhiều do cách hiểu và vận dụng văn bản pháp luật nên khó tránh khỏi những vướng mắc phát sinh (nếu có) về sau. Bạn nên thận trọng khi thực hiện giao dịch này để hạn chế tối đa các rủi ro cho đơn vị mình trong trường hợp hợp đồng bị tuyên vô hiệu khi phát sinh tranh chấp.

Một số giải pháp khác bạn có thể chọn lựa để áp dụng khi gặp trường hợp này:

  • Theo quy định của Luật doanh nghiệp hiện hành đã cho phép công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Bạn nên vận dụng quy định này để tiến hành đăng ký thêm người đại diện theo pháp luật cho Công ty để tránh xảy ra trường hợp cùng một người ký tên trong cùng một giao dịch giữa hai pháp nhân như trường hợp này;
  • Thực hiện uỷ quyền cho người khác ký thay. Đây là trường hợp rất nhiều người tư vấn cho doanh nghiệp khi phát sinh trường hợp tương tự. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi thì đây không phải là giải pháp tối ưu và an toàn cho doanh nghiệp vì người đại diện theo uỷ quyền (dù có khác chữ ký trên giao dịch) nhưng xét về bản chất thì cá nhân được uỷ quyền này cũng chính là người đại diện cho người uỷ quyền nên cũng không giải quyết được bài toán trên về mặt pháp lý mà chỉ tránh được về mặt hình thức nên rủi ro xảy ra là điều khó tránh khỏi.

Ngoài các nội dung chia sẻ trên, quan điểm cá nhân của chúng tôi dựa trên sự hiểu biết pháp luật hết sức có hạn của mình, chúng tôi cho rằng việc một cá nhân đại diện cho hai pháp nhân để ký kết giao dịch là điều hết sức bình thường vì pháp nhân không tự mình đứng ra ký kết được. Do đó, dù là cùng chữ ký nhưng trong trường hợp này là giao dịch của hai pháp nhân chứ không phải của một cá nhân nên vấn đề cần xem xét là giao dịch đó có khả năng xảy ra tư lợi hay không mới là điều cần quan tâm và cần đến sự điều chỉnh của pháp luật. Chính vì thế, theo chúng tôi trường hợp này áp dụng quy định tại điều 67 luật doanh nghiệp 2020 để giải quyết xung đột lợi ích và giải quyết các vướng mắc trong thực tế là điều hoàn toàn phù hợp.

Trên đây là quan điểm cá nhân của người viết dựa trên các quy định của pháp luật hiện hành nên không tránh khỏi trường hợp chưa phù hợp. Chúng tôi rất mong đón nhận ý kiến chia sẻ, đóng góp từ quý bạn đọc để giúp chúng ta cùng học và hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật hiện hành, hạn chế tối đa các rủi ro phát sinh về sau. Chia sẻ trên không phải là cơ sở pháp lý để áp dụng chung trong mọi trường hợp.

 

Tài liệu tham khảo

  • Bộ luật dân sự 2015;
  • Luật doanh nghiệp 2020;
  • Công ước Viên năm 1969 về Luật Điều ước quốc tế;
  • Bài viết về nguyên tắc áp dụng văn bản trên trang tin của Công ty TNHH Dịch vụ Kế toán Đồng Hưng;
  • Các bài chia sẻ trên các phương tiện truyền thông.

Tin liên quan