Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh. Nguồn: internet
Theo bà Lê Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, để thu đúng, thu đủ đối với những người có thu nhập cao, nhất là các ca sỹ, ngành Thuế gặp rất nhiều khó khăn vì không có đủ phương tiện và cơ sở dữ liệu để quản lý được đầy đủ nguồn thu của họ. Các ca sĩ đi biểu diễn nhiều nơi và nhận cát sê bằng tiền mặt, nên khi báo cáo thuế, các ca sĩ thường cho rằng tiền cát sê mà họ nhận đã được khấu trừ, nhưng thực tế các đơn vị tổ chức biểu diễn đã nộp thuế hay chưa cũng rất khó nhận biết.
Hơn nữa, việc kêu gọi sự tự giác kê khai của những đối tượng này cũng không dễ. Điển hình là tại Chi cục Thuế quận 10, “sau 3 năm thực hiện từ 2009 – 2012, trong số 22 ca sĩ Chi cục Thuế đã gửi thư mời, chỉ có 12 người kê khai, năm 2012 còn có 9 người. Chưa kể, tính trung thực trong kê khai thu nhập thực để tính Thuế của những đối tượng này cũng rất hạn hẹp” – ông Thái Minh Giao, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 10 cho hay.
Theo bà Hương, khó khăn lớn nhất hiện nay là cơ sở dữ liệu chưa hoàn chỉnh nên việc thu thập thông tin mất rất nhiều thời gian, đấy là chưa kể phản ứng của những người bị truy thu. Đơn cử, để có cơ sở truy thu thuế với 5 nghệ sĩ, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh phải mất 2 tháng để thu thập hàng loạt dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau như: đến Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch để xác minh giấy phép biểu diễn; đến Sở Công Thương và đài Truyền hình thành phố để nắm nguồn thu quảng cáo; đến cơ quan xuất nhập cảnh để biết các chương trình biểu diễn ở nước ngoài của văn nghệ sĩ.
Đối với người giữ nhiều chức vụ như tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị, cơ quan thuế lựa chọn những tập đoàn, công ty liên doanh, liên kết, góp vốn để tiến hành phân tích, đánh giá, từ đó lập danh sách cá nhân có thu nhập cao ở nhiều nơi, rồi kiểm tra để tiến hành quyết toán thuế theo quy định. Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng lập danh sách các đơn vị chi trả thu nhập như các công ty tổ chức biểu diễn, phòng trà yêu cầu hàng tháng kê khai số thuế vãng lai của các nghệ sĩ. Chính nhờ áp dụng phương thức này, cơ quan thuế TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện những khoản thuế chưa được kê khai (hoặc cố tình không kê khai) của những ca sĩ hạng sao.
Mặc dù vậy, dữ liệu cũng chỉ mang tính tương đối, vì cơ quan thuế khó nắm hết tất cả lịch biểu diễn của nghệ sĩ, hoặc những sô diễn chỉ thỏa thuận miệng giữa nghệ sĩ và người mời biểu diễn, hay sô diễn chi trả bằng tiền mặt và không có hóa đơn chứng từ. Chính vì lẽ đó mà theo báo cáo rà soát việc khai thuế của nghệ sĩ từ năm 2009 đến nay, có không ít nghệ sĩ nổi tiếng chưa hề kê khai lần nào, nay đã tự đến kê khai.
Từ kết quả số tiền truy thu bước đầu của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, bà Hương khẳng định: với số thu tăng từ 30 – 40% so với năm trước, có thể khẳng định, đây là “mảnh đất vàng” để bù đắp các khoản hụt thu ngân sách. “Nếu chúng ta có cán bộ năng lực, trình độ và đặc biệt là phương pháp tiếp cận khoa học tốt thì việc kê khai của cá nhân sẽ đem lại hiệu quả và số thu cũng sẽ tăng, không chỉ dừng lại ở mức 15-16% như hiện nay mà còn có thể chiếm tới 20%/tổng thu trên địa bàn” – bà Hương nhận định.
Chia sẻ thêm về những khó khăn của ngành Thuế TP. Hồ Chí Minh, bà Trịnh Thị Thu Thủy – Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ cho biết, đây là lĩnh vực nhạy cảm và rất khó làm, vì nó không có một quy trình, quy chế hay cách thức theo khuôn mẫu nào trong quản lý thuế Thu nhập cá nhân (TNCN), trong khi muốn thu đúng, thu đủ thì phải có đầy đủ thông tin về thu nhập của người nộp thuế. Vì vậy, cơ quan thuế và cán bộ thuế phải thực sự năng động, sáng tạo và xử lý linh hoạt với từng trường hợp cụ thể để vừa đảm bảo thu đủ thuế, vừa tạo được đồng thuận của dư luận xã hội.
Thế nên, ngoài việc đăng thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để vận động các cá nhân có thu nhập từ nhiều nơi đến kê khai quyết toán thuế, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh còn có văn bản gửi trường học, bệnh viện yêu cầu các đơn vị này thông báo cho người lao động liên hệ với cơ quan thuế để được hướng dẫn quyết toán thuế TNCN.
Theo bà Hương, hiện nay cơ quan thuế đã bước đầu phân loại trên hệ thống cũng như rà soát được thu nhập của một số đối tượng có thu nhập từ nhiều nơi để gửi giấy mời các đối tượng này lên làm việc với cơ quan thuế. Theo đó, các lĩnh vực như thuế nhà thầu, bảo hiểm, sổ xố, người nước ngoài sẽ được ưu tiên trước. Đây là những lĩnh vực có nhiều cá nhân thu nhập cao, như: đại lý bảo hiểm; nhà thầu, đại lý sổ xổ… Tuy nhiên, do dữ liệu mà cơ quan thuế có được chưa thật sự toàn diện nên việc đăng thông báo là để kêu gọi sự tự giác của người nộp thuế. Trường hợp người nộp thuế không tự giác, cơ quan thuế sẽ có những biện pháp mạnh tay hơn.
Theo kiến nghị của bà Hương, để việc quản lý thuế TNCN đạt hiệu quả thì cách tiếp cận nguồn thu và vận động để người nộp thuế hiểu là rất quan trọng. Do đó, trước mắt cần tiếp tục đẩy mạnh việc cấp mã số thuế, khẩn trương hoàn thiện phần mềm quản lý TNCN thống nhất trên toàn quốc phục vụ việc theo dõi thu nhập của các cá nhân. Khi đó, cơ quan thuế chỉ cần nhập mã số thuế của cá nhân là hiện lên tất cả các khoản thu nhập của người này trong năm, không bỏ sót các khoản thu nhập, giúp người nộp thuế có thể chấp hành nghĩa vụ thuế được tốt hơn. Bà Hương cũng đề nghị, các cơ quan trả thu nhập nên gửi file quyết toán thuế TNCN của đơn vị mình vào hệ thống phần mềm của Tổng cục Thuế đúng thời hạn nộp báo cáo thuế theo luật định. Được vậy, ý thức chấp hành và số thu của sắc thuế này chắn chắn sẽ cao hơn.
Ngày 7/8/2013, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản số 5157/CT-TNCN gửi các DN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh về việc khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế TNCN của các tổ chức, cá nhân.
Theo đó, các cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công được trả từ nước ngoài hoặc do các tổ chức quốc tế, đại sứ quán, lãnh sự quán tại Việt Nam trả nhưng chưa thực hiện khấu trừ thuế phải khai thuế, nộp thuế theo quý trực tiếp tại cơ quan thuế. Trường hợp công ty có cá nhân người nước ngoài đang làm việc có thu nhập do công ty tại nước ngoài chi trả thì hàng quý các cá nhân này có trách nhiệm trực tiếp kê khai, nộp thuế và thực hiện quyết toán thuế gửi Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh (Phòng thuế TNCN).
Để thuận lợi trong việc quản lý, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đề nghị, các đơn vị thông báo danh sách các cá nhân người nước ngoài liên quan theo địa chỉ: Phòng thuế TNCN – Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, số 140 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 6, quận 3, TP. Hồ Chí Minh.
Tin liên quan
CHIÊU SINH LỚP ÔN THI CPA 2024
ÔN THI CPA CHỈ VỚI 3,1 TRIỆU THẬM CHÍ 0 ĐỒNG TIN VUI CHO ACE KẾ TOÁN MUỐN NÂNG TẦM GIÁ TRỊ BẢN THÂN, THI CPA CHƯA BAO GIỜ THUẬN LỢI NHƯ THẾ NÀY Chỉ với 3.1 triệu thậm chí 0 đồng cùng sự quyết tâm, ai cũng dễ dàng...
Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ áp dụng từ 01/01/2024
Sáng 29/11, với trên 93,5% đại biểu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thuế tối thiểu toàn cầu). Thuế tối thiểu toàn cầu là thỏa thuận...
Nghị định 44/2023/NĐ-CP quy định giảm thuế GTGT
Chính phủ vừa chính thức ban hành Nghị định số 44/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội. TẢI NGHỊ ĐỊNH 44_2023_ND-CP_30062023-signed TÓM TẮT MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA NGHỊ ĐỊNH 44/2023/NĐ-CP #nd44 ...
Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ phát triển
Tại dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi, Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung quy định về phương pháp tính thuế đối với DN áp dụng chế độ kế toán siêu nhỏ; áp dụng thuế suất thấp hơn thuế suất thông thường đối với...
Thuế tối thiểu toàn cầu là gì, vì sao quan trọng?
Gần 140 quốc gia đã, đang triển khai thuế tối thiểu toàn cầu. Việt Nam dự tính triển khai từ năm 2024. Loại thuế này quan trọng ra sao? Thuế tối thiểu toàn cầu là gì? Tháng 10/2021, đã có 136 quốc gia đồng ý với đề xuất cải cách...