Khung xử phạt mới về vi phạm quản lý giá, phí, lệ phí và hóa đơn

Khung xử phạt mới về vi phạm quản lý giá, phí, lệ phí và hóa đơn

Nghị định 109/2013/NĐ-CP nghiêm minh hơn đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí và hóa đơn. Nguồn: internet

Nghị định 109/2013/NĐ-CP ra đời trong bối cảnh các quy định cũ về quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn nảy sinh nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn và thiếu tính răn đe, phòng ngừa. Việc ban hành Nghị định 109/2013/NĐ-CP nhằm thay thế các Nghị định số 106/2003/NĐ-CP ngày 23/9/2003 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phí, lệ phí;

Nghị định số 84/2011/NĐ-CP ngày 20/9/2011 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá và Chương V của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Nghị định 109/2013/NĐ-CP được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn; Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, các đối tượng khác có liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính…

"Mạnh tay" với vi phạm quản lý giá

Việc ban hành kịp thời Nghị định 109/2013/ NĐ-CP (Nghị định 109) với những quy định sửa đổi, thay thế về mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý giá được đánh giá là có đủ “sức nặng” để răn đe và phòng ngừa tình trạng vi phạm trong bối cảnh hiện nay.

Theo đó, các quy định mới về hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực quản lý giá bao gồm: Phạt cảnh cáo, áp dụng đối với hành vi vi phạm không gây hậu quả nghiêm trọng hoặc hành vi vi phạm lần đầu; phạt tiền, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân thực hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý giá là 150 triệu đồng, trong lĩnh vực quản lý phí, lệ phí, hóa đơn là 50 triệu đồng;

tước Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; tước Thẻ thẩm định viên về giá, đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, đình chỉ hoạt động đào tạo, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thẩm định giá, đình chỉ quyền tự in hóa đơn, quyền khởi tạo hóa đơn điện tử, đình chỉ in hóa đơn; buộc nộp vào Quỹ bình ổn giá số tiền do sử dụng không đúng, nộp ngân sách nhà nước số tiền có được do hành vi vi phạm, trả lại khách hàng số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định và mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm gây ra…

Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi không báo cáo giá mua thóc gạo xuất khẩu, gian lận trong việc khai báo giá xuất khẩu gạo; không báo cáo hoặc báo cáo không đúng lượng hàng hóa tồn kho dự trữ, lưu thông của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; phạt tiền từ 80 đến 120 triệu đồng đối với hành vi xuất khẩu gạo thấp hơn giá sàn gạo xuất khẩu do cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc quy định.

Đối với hành vi vi phạm quy định về công khai thông tin giá hàng hóa dịch vụ, phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi: Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng; phạt tiền từ 300 đến 500 nghìn đồng đối với hành vi trên vi phạm từ lần thứ hai trở lên…

Phạt tiền từ 1 đến 5 triệu đồng nếu hàng hóa, dịch vụ bán tăng giá có tổng giá trị đến 50 triệu đồng, đối với một trong những hành vi: Tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ cao hơn mức giá đã kê khai hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; tăng giá theo giá ghi trong Biểu mẫu đăng ký hoặc văn bản kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu giải trình mức giá đăng ký hoặc kê khai, hoặc có văn bản yêu cầu đình chỉ áp dụng mức giá mới và thực hiện đăng ký lại, kê khai lại mức giá…

Để các tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cập và vận dụng đúng các quy định trong lĩnh vực quản lý giá của Nghị định trên, hiện Bộ Tài chính đang tổ chức lấy ý kiến cho Dự thảo thông tư hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá. Khi thông tư này được ban hành, sẽ bãi bỏ Thông tư số 78/2012/ TT-BTC ngày 18/5/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 84/2011/NĐ-CP ngày 20/9/2011 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá.

Theo Dự thảo thông tư hướng dẫn, đối tượng áp dụng là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, người được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá; Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Các đối tượng khác có liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá theo quy định tại thông tư.

Các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá đó là: Cán bộ, công chức thực thi công vụ trong lĩnh vực giá có hành vi vi phạm pháp luật về giá thì xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 4, Nghị định 109/2013/NĐ-CP; Vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá có dấu hiệu tội phạm, hồ sơ được chuyển cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật về hình sự; Các trường hợp không bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, Dự thảo thông tư cũng có hướng dẫn những vấn đề: Phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá; Hành vi chậm báo cáo phục vụ bình ổn giá quy định tại Điều 5 Nghị định 109/2013/NĐ-CP; Hành vi lập phương án giá hàng hóa, dịch vụ không đúng hướng dẫn quy định tại Điều 9 Nghị định 109/2013/ NĐ-CP; Hành vi tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý quy định; Hành vi vi phạm đối với tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP…

Theo đó, hành vi chậm báo cáo theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác bình ổn giá quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Nghị định 109/2013/NĐ-CP là hành vi chậm báo cáo đối với các báo cáo về kết quả sản xuất kinh doanh, về lượng hàng tồn kho, về yếu tố hình thành giá, về giá bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, báo cáo về tình hình trích lập, sử dụng, số dư quỹ bình ổn giá (đối với các loại hàng hóa được lập quỹ bình ổn giá) theo quy định hiện hành của pháp luật hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Phạt nặng sai phạm hóa đơn

Những bất cập, sai phạm trong lĩnh vực hóa đơn phát sinh từ thực tiễn thời gian qua được xác định là do các quy định của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ về lĩnh vực hóa đơn bán hàng hóa cung ứng dịch vụ chưa theo kịp, chưa phải là một chế tài đủ mạnh để xử lý, ngăn ngừa sai phạm. Việc ra đời Nghị định 109/2013/NĐ-CP được kỳ vọng là sẽ giải quyết những tồn tại bằng việc thay thế toàn bộ các chế tài đã lạc hậu. Các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực quản lý hóa đơn được quy định tại Chương V của Nghị định 109/2013/ NĐ-CP cụ thể:

Đối với hành vi vi phạm hành chính về in hóa đơn: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về tự in hóa đơn và khởi tạo hóa đơn điện tử; hành vi vi phạm quy định về in hóa đơn đặt in có các khung phạt tiền mức thấp nhất là 2 triệu đồng, mức cao nhất là 50 triệu đồng. Tùy theo mức độ vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ quyền tự in hóa đơn, quyền khởi tạo hóa đơn điện tử; hoặc đình chỉ in hóa đơn từ 01 tháng đến 03 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành. Đồng thời, bắt buộc tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải hủy các hóa đơn được in, được khởi tạo không đúng quy định; buộc phải hủy các hóa đơn cho, bán của khách hàng đặt in này cho khách hàng khác, hoặc hóa đơn giả.

Đối với hành vi vi phạm hành chính về đặt in, mua hóa đơn: Có khung phạt tiền với mức phạt tiền thấp nhất là 2 triệu đồng, mức cao nhất là 50 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả là phải thực hiện hủy các hóa đơn đặt in không đúng quy định; hóa đơn được mua đã hết hạn sử dụng; hóa đơn đã mua và chưa lập.

Đối với hành vi vi phạm quy định về phát hành; sử dụng hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ; sử dụng hóa đơn của người mua có khung phạt tiền với mức phạt tiền thấp nhất là 200 nghìn đồng, mức cao nhất là 50 triệu đồng; Biện pháp khắc phục hậu quả là phải thực hiện thủ tục phát hành hóa đơn theo quy định; hủy hóa đơn đã phát hành nhưng chưa lập, không còn giá trị sử dụng.

Đối với hành vi vi phạm quy định về lập, gửi thông báo và báo cáo (trừ thông báo phát hành hóa đơn) cho cơ quan thuế có mức phạt tiền thấp nhất là 200 nghìn đồng, mức cao nhất là 8 triệu đồng.

Đặc biệt, khi phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định về hóa đơn nêu trên, mức phạt cụ thể đối với một hành vi không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ là mức trung bình của khung tiền phạt quy định đối với hành vi đó. Mức trung bình của khung tiền phạt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối thiểu cộng mức tối đa. Trường hợp có một tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ thì áp dụng mức trung bình tăng thêm hoặc mức trung bình giảm bớt.

Mức trung bình tăng thêm được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối đa và mức trung bình. Mức trung bình giảm bớt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối thiểu và mức trung bình. Trường hợp có từ hai tình tiết tăng nặng thì áp dụng mức tối đa của khung phạt tiền. Trường hợp có từ hai tình tiết giảm nhẹ thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt. Trường hợp vừa có tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ thì bù trừ theo nguyên tắc một tình tiết tăng nặng trừ cho một tình tiết giảm nhẹ.

Ngoài ra, Nghị định 109/2013/NĐ-CP cũng quy định rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý hóa đơn, đây là điểm khá mới đối với người thi hành công vụ, thể hiện sự khách quan, minh bạch. Theo đó, công chức thuế đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 500 nghìn đồng; Đội trưởng đội thuế có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 2,5 triệu đồng; Chi cục trưởng Chi cục Thuế có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 25 triệu đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên.

Cục trưởng Cục Thuế có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 70 triệu đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên. Nếu phát hiện hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa đơn phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật. Riêng đối với hàng hóa vận chuyển trên đường không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, phát hiện hành vi vi phạm thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn, người nộp thuế còn bị xử phạt về hành vi trốn thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Nghiêm minh với quản lý phí, lệ phí

Ngoài việc quy định cụ thể các mức phạt, hình thức phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, hóa đơn, các quy định về mức phạt đối với phí, lệ phí cũng là vấn đề cần quan tâm đối với các tổ chức, cá nhân. Nghị định 109/2013/ NĐ-CP đưa ra mức phạt tiền là từ 2 triệu đồng đến dưới 4 triệu đồng đối với hành vi nhận in, tự in chứng từ không đúng quy định của pháp luật; Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với hành vi nhận in, tự in chứng từ trùng ký hiệu, trùng số.

Đồng thời, phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng cho hành vi sử dụng chứng từ nhưng không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến dưới 2 triệu đồng cho mỗi số chứng từ đối với hành vi sử dụng chứng từ đã hết giá trị sử dụng. Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến dưới 4 triệu đồng cho mỗi số chứng từ đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa nội dung các chỉ tiêu của chứng từ đã sử dụng; Phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng đối với hành vi thực hiện báo cáo sử dụng, thanh toán, quyết toán sử dụng chứng từ chậm; lưu trữ, bảo quản chứng từ không đúng quy định; áp dụng trong trường hợp vi phạm từ lần thứ hai trở đi. Phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi không báo cáo sử dụng, thanh toán, quyết toán sử dụng chứng từ; Phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng đối với hành vi làm mất các liên của mỗi số chứng từ, trừ liên giao cho ngưới nộp tiền của chứng từ chưa sử dụng, áp dụng trong trường hợp vi phạm lần thứ hai trở đi. Phạt tiền từ 300 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng đối với hành vi làm mất liên giao cho người nộp tiền của mỗi số chứng từ chưa sử dụng.

 

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 11 – 2013 của Th.S Đào Thúy Hằng

Tin liên quan