Hầu như doanh nghiệp FDI nào cũng chuyển giá, trốn thuế

 

Hầu như doanh nghiệp FDI nào cũng chuyển giá, trốn thuế

Hầu như doanh nghiệp FDI nào cũng trốn thuế. Nguồn: internet

Theo báo cáo, trong năm qua ngành thuế đã tập trung trong việc chống chuyển giá, mà trọng tâm là chống chuyển giá đối với doanh nghiệp FDI có giao dịch liên kết, liên tục khai lỗ nhưng vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Kết quả thanh tra, kiểm tra tại 2.110 doanh nghiệp ngành thuế đã truy thu, truy hoàn, phạt 988,1 tỉ đồng (tăng 32,3% so với năm 2012), giảm khấu trừ 136,95 tỉ đồng. Ngoài ra, thanh tra thuế đã buộc doanh nghiệp phải giảm lỗ lên tới hơn 4.192 tỉ đồng.

Theo cơ quan này, số tiền truy thu chủ yếu tập trung ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI (chiếm 40% tổng số thu), với tỷ lệ số thu bình quân trên một doanh nghiệp của khu vực này là 1,73 tỉ đồng. Đây thật ra là một con số không đáng kể.

Vấn đề nằm ở chỗ số lượng doanh nghiệp được cho là có vi phạm. Cụ thể theo báo cáo của 63 cục thuế, hơn 100 chi cục thuế trên cả nước, kết quả thanh tra tại 870 doanh nghiệp FDI thì có tới 720 doanh nghiệp vi phạm.

Có một số địa phương khi đi kiểm tra, tỷ lệ vi phạm lên đến 100% như Cục thuế Quảng Ngãi khi thanh tra 27 doanh nghiệp thì tất cả đều vi phạm; hoặc tại Bắc Giang thanh tra 14 doanh nghiệp thì cả 14 đều vi phạm. Tỷ lệ này diễn ra tương tự tại các Cục thuế của tỉnh Hòa Bình (16/16), Gia Lai (15/15), Bắc Kạn (6/6), Bạc Liêu (4/4), Bình Phước (4/4), Đắk Nông (7/7), Kon Tum (4/4), Phú Thọ (2/2), An Giang (7/7)…

Tại Hà Nội khi thanh tra 332 doanh nghiệp thì phát hiện có 326 doanh nghiệp vi phạm, số tiền giảm lỗ hơn 1.500 tỉ đồng, truy thu, phạt, truy hoàn gần 498 tỉ đồng. Tương tự, TP. Hồ Chí Minh thanh tra 193 doanh nghiệp thì có tới 164 doanh nghiệp vi phạm, giảm lỗ hơn 870 tỉ đồng và truy thu, phạt gần 173 tỉ đồng.

Các hành vi trốn thuế và chuyển giá của các doanh nghiệp không mới. Theo các cơ quan thuế địa phương, phổ biến là tình trạng nâng giá hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào, hạ giá xuất khẩu xuống thấp để từ đó báo lỗ hoặc giảm lợi nhuận trên sổ sách (chuyển giá) nhằm trốn nộp thuế. Các doanh nghiệp có hiện tượng trên thường hoạt động ở các ngành có nhiều tài sản vô hình là ngành có công nghệ độc quyền, sản xuất các sản phẩm không phổ biến trong nước, nên không có tiêu chí hay cơ sở để so sánh. Hoặc là nhà đầu tư tận dụng công ty mẹ ở nước ngoài. Do công ty mẹ cung cấp nguyên liệu, đồng thời bao đầu ra của sản phẩm, nên việc kiểm soát giá nguyên liệu cũng như giá sản phẩm xuất khẩu sẽ trở nên khó khăn với các cơ quan quản lý của Việt Nam, nhất là các sản phẩm này lại được xuất khẩu sang nước trung gian thứ 3.

Theo Thanh tra thuế các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ, tiêu dùng có các nhãn hàng nổi tiếng ở nước ngoài thường xuyên có hành vi chuyển giá thông qua định giá tiền bản quyền thương hiệu rất cao so với giá trị thực. Thủ đoạn này giúp nhà đầu tư nước ngoài thu được lợi nhuận từ việc nâng khống giá trị thương hiệu trong khi bên phía Việt Nam vẫn phải chịu chi phí quảng cáo cho thương hiệu đó.

Trước đó, theo kết quả khảo sát và phân tích về hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam năm 2013, nhóm nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cũng cho thấy, khoảng 20% doanh nghiệp FDI thực hiện việc chuyển lợi nhuận nhằm giảm gánh nặng thuế.

Kết quả này dựa trên cơ sở khảo sát thu thập ý kiến của 1.609 doanh nghiệp FDI đến từ 49 quốc gia khác nhau, hoạt động trên địa bàn 13 tỉnh, thành của Việt Nam có mật độ doanh nghiệp FDI cao nhất.

Xác suất doanh nghiệp coi Việt Nam là một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu thực hiện chuyển giá là 13-20%.

37% doanh nghiệp mà nước xuất xứ có thuế suất thấp hơn Việt Nam có xu hướng thực hiện chuyển giá.

65,1% doanh nghiệp có lợi nhuận lớn hơn 20% có thực hiện chuyển giá và 44,5% doanh nghiệp lợi nhuận từ 10-20% thực hiện hành vi này. Trong đó, 90% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm; 70% doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất dệt may; 51% doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất linh kiện ô tô… thực hiện chuyển giá.

 

Nhóm nghiên cứu đề xuất giải pháp chống chuyển giá là nên điều chỉnh chính sách thuế phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm việc xem xét lại các mức thuế suất áp dụng cho đối tượng liên quan, điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp theo tương quan với các nước đối thủ cạnh tranh chính.

Bên cạnh đó, cần nâng cao tính dễ dự đoán của chính sách thuế, công khai chính sách thuế trong những năm tiếp theo, áp dụng cơ chế tạo thuận lợi cho việc định giá trước…

 

Theo thesaigontimes.vn

Tin liên quan