Góp ý Thông tư về đăng ký, quản lý và công khai danh sách Kế toán viên hành nghề

Nhận đề nghị của BTC liên quan đến việc tham gia góp ý cho bản dự thảo, Ông Chung Thành Tiến – Giám đốc Công ty Đồng Hưng đã chính thức gửi văn bản góp ý một số nội dung liên quan đến bản dự thảo này.

 

Ông Chung Thành Tiến – Giám đốc Cty TNHH DV Kế toán Đồng Hưng

Ủy viên BCH Trung Ương Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – VAA

Ủy viên BCH Chi hội Kế toán Hành nghề Việt Nam – VICA

Trưởng Đại diện phía Nam – VICA

 

GÓP Ý THÔNG TƯ VỀ ĐĂNG KÝ, QUẢN LÝ VÀ CÔNG KHAI DANH SÁCH KẾ TOÁN VIÊN HÀNH NGHỀ

 

A. QUY ĐỊNH CHUNG    

            1. Phạm vi điều chỉnh:

            Theo quy định của Luật kế toán, đối tượng được phép hành nghề dịch vụ kế toán tại Việt Nam bao gồm những người có chứng chỉ Kiểm toán viên hành nghề và những người có chứng chỉ Kế toán viên hành nghề. Do đó, trong phần phạm vi điều chỉnh của Thông tư đề nghị bổ sung thêm đối tượng "Kiểm toán viên", cụ thể như sau:

            " Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

        Thông tư này quy định về đăng ký, quản lý và công khai danh sách kiểm toán viên, kế toán viên hành nghề dịch vụ kế toán theo quy định tại  khoản 2  Điều  58 Luật Kế toán."

            2. Đối tượng áp dụng:

            Theo qui định của Luật kiểm toán độc lập, các Công ty Kiềm tóan được phép cung cấp dịch vụ kế toán cho khách hàng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay hầu hết các doanh nghiệp kiểm toán có cung cấp dịch vụ kế toán này không chịu bất kỳ sự kiểm tra, kiểm soát hay quản lý về mặt nhà nước nào (không đăng ký hành nghề, không tham gia CNKT, không được kiểm tra chất lượng dịch vụ,…) từ các cơ quan chức năng dẫn đến chất lượng dịch vụ kế toán do các đối tượng này cung cấp đang bị thả nổi trên thị trường. Do đó, đề nghị BTC bổ sung rõ đối tượng này vào nhóm đối tượng buộc phải chịu sự chi phối của Thông tư, cụ thể như sau:

         "2. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán (bao gồm cả doanh nghiệp kiểm toán có kinh doanh dịch vụ kế toán), chi nhánh doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán); hộ kinh doanh dịch vụ kế toán;"

B. QUY ĐỊNH CỤ THỀ:

            1. Đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán:

            Đề nghị bổ sung thêm cụm từ "Công tác" vào điểm b, khoản 1, điều 3 để làm rõ nghĩa hơn, cụ thể:

"b) Có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán từ đủ ba mươi sáu (36) tháng trở lên theo quy định tại khoản 4 Điều này;"

            Đề nghị xem xét lại quy định tại điểm c, khoản 3, điều 3 liên quan đến việc cấm nắm giữ các chức danh chủ chốt tại các đơn vị khác trong thời gian làm việc tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán vì:

            – Nếu quy định như trên sẽ trái với các văn bản pháp luật hiện hành như luật doanh nghiệp, luật lao động,…

            – Việc đưa ra quy định này liệu rằng BTC có kiểm tra, giám sát được hay không? Làm sao để theo dõi trong giờ làm việc người hành nghề có làm việc khác hay không? và tại sao họ lại không được làm việc khác nếu họ có khả năng sắp xếp tốt công việc của họ? hoặc các Công ty mới thành lập chỉ có vài khách hàng trong khi đó theo quy định của Luật kế toán 2015 sắp có hiệu lực thì bắt buộc phải có tối thiểu 03 Kế toán viên hoặc Kiểm toán viên hành nghề phải làm toàn thời gian, vậy 03 vị này làm việc gì? ai trả lương (DN không thể chi trả đủ lương cho họ)?

            – Theo tôi nội dung này chưa khả thi trong giai đọan hiện tại, giai đọan mà chúng ta đang khuyến kích các đối tượng đã và đang cung cấp dịch vụ kế toán nhưng chưa đủ điều kiện đăng ký hành nghề tham gia vào thị trường chính quy (bổ sung thi chứng chỉ, khuyến khích tham gia các kỳ thi hành nghề, tham gia vào Hội nghề nghiệp, chịu sự kiểm soát chất lượng dịch vụ cung cấp cho xã hội, dọn dẹp lại những tồn tại từ trước đến nay và từng bước đưa dịch vụ kế toán đi và nề nếp,…), đề nghị BTC xem xét bỏ quy định này và nên đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát trên kết quả dịch vụ sẽ phù hợp hơn.

            – Thay vì quy định quá khắc khe như trên (Mục đích chính của BTC là muốn đưa thị trường DVKT đi vào nề nếp, nhưng thực tế nếu làm như vậy vẫn không quản lý được như lĩnh vực Kiểm toán trong thời gian qua) đề nghị BTC nên tăng cường việc kiểm tra, giám sát và xử phạt vi phạm hành chính theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Song song với việc kiểm tra, giám sát, … BTC cần có văn bản gửi đến các cơ quan Nhà nước có chức năng đề nghị ngưng ngay việc nhận BCTC của các doanh nghiệp thuê mướn DVKT trái qui định,…

            2. Điều 4. Hồ sơ đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán

            Tương tự nội dung trình bày ở trên liên quan đến đối tượng được phép cung cấp dịch vụ kế toán, đề nghị bổ sung kiểm toán viên vào khoản 6, điều 4, cụ thể:

"6. Bản sao Giấy phép lao động tại Việt Nam của kế toán viên, kiểm toán viên là người nước ngoài trừ trường hợp pháp luật lao động Việt Nam quy định không cần phải có giấy phép lao động."

Theo quy định hiện hành, việc tổ chức CNKT là do Hội nghề nghiệp đứng ra tổ chức theo sự ủy quyền của BTC. Do đó, đề nghị chỉnh sửa lại khoản 4, điều 4 cho phù hợp với thực tế hơn, cụ thể:

"7. Tài liệu chứng minh giờ cập nhật kiến thức của kế toán viên, kiểm toán viên tại các tổ chức nghề nghiệp trong nước, quốc tế được Bộ Tài chính quy định hoặc ủy quyền tổ chức về kế toán đối với trường hợp có tính giờ cập nhật kiến thức. "

 

Các nội dung khác trong bản dự thảo Thông tư này chỉ mang tính kỹ thuật, tôi thấy không có vấn đề gì phải góp ý thêm.

Xin trân trọng cám ơn!

                                                                        Tp. HCM, ngày 30 tháng 03 năm 2016

           

 

           

                                                                                    CHUNG THÀNH TIẾN

 

DOWNLOAD DỰ THÀO

Tin liên quan