GÓP Ý DỰ THẢO SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG, LUẬT THUẾ TTĐB VÀ LUẬT QUẢN LÝ THUẾ

Ông Chung Thành Tiến – Giám đốc Cty TNHH DV Kế toán Đồng Hưng

Ủy viên BCH Trung Ương Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – VAA

Ủy viên BCH Chi hội Kế toán Hành nghề Việt Nam – VICA

Trưởng Đại diện phía Nam – VICA

 

– Trên cơ sở của "Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế" đã Chính phủ trình lên UBTVQH và đang được giải trình, tiếp thu và chỉnh lý.

– Với mong muốn đóng góp một số quan điểm mang tính cá nhân nhưng thực tế, liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, luật thuế tiêu thụ đặc biệt và luật quản lý thuế chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII;

Xin được tham gia góp ý một số nội dung sau:

1. Các vấn đề chung:

Việc ban hành các văn bản vi phạm phạm pháp luật cần tuân thủ các quy định của Luật ban hành văn bản pháp luật;

Trong thời gian qua đã xuất hiện hàng loạt các văn bản liên quan đến thuế như Nghị định, Thông tư được các cơ quan chức năng ban hành chưa đúng với chức năng, quyền hạn đã được quy định, cụ thể:

– Luật không yêu cầu hướng dẫn, Chính phủ vẫn hướng dẫn bằng Nghị định;

– Chính phủ không yêu cầu hướng dẫn, Bộ Tài chính vẫn hướng dẫn bằng Thông tư;

– Luật giao Chính phủ hướng dẫn, không trực tiếp giao Bộ Tài chính hướng dẫn nhưng Bộ Tài chính ban hành Thông tư trong đó ngay tiêu đề đã chưa phù hợp (Thông tư 156/2013/TT-BTC " HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT QUẢN LÝ THUẾ; LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT QUẢN LÝ THUẾ VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 83/2013/NĐ-CP NGÀY 22/7/2013 CỦA CHÍNH PHỦ"

– Luật không yêu cầu hướng dẫn, Chính phủ không hướng dẫn nhưng Bộ Tài chính vẫn hướng dẫn;

– Thông tư hướng dẫn thường thêm vào những nội dung chưa đúng nếu không nói là trái với các quy định của Luật nhưng thông thường là theo chiều hướng có lợi cho cơ quan soạn thảo;

– Luật/Nghị định đã rõ và có thể trực tiếp triển khai, nhưng Thông tư vẫn chi tiết ra để giới hạn nhưng không thể bao hàm được toàn bộ các trường hợp phát sinh trong quá trình triển khai, dẫn đến quá nhiều vướng mắc mà doanh nghiệp phải hỏi, cơ quan thuế mỗi nơi trả lời một kiểu, doanh nghiệp không biết phải thực hiện như thế nào cho đúng.

Kiến nghị:

– Việc ban hành các văn bản vi phạm pháp luật cần tuân thủ các quy định, trình tự, thủ tục, các bước hướng dẫn của luật ban hành văn bản pháp luật;

– Rà soát, chỉnh sửa ngay các văn bản hướng dẫn trái quy định, vượt cấp, vượt thẩm quyền như trình bày ở trên;

– Luật cần hạn chế tối đa các nội dung giao cho Chính phủ hoặc các Bộ ngành liên quan hướng dẫn thêm. Trong trường hợp có giao, nên kiểm soát các nội dung hướng dẫn nhằm đảm bảo không trái/vuợt các quy định của Luật.

– …

2. Các nội dung liên quan đến bản dự thảo:

2.1. Luật thuế GTGT:

 

– Căn cứ theo Điều 1, luật thuế GTGT số 57/1997: "Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng."

 

– Căn cứ theo Điều 2, Luật thuế GTGT số: 13/2008/QH12: "Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng."

– Các Luật sửa đổi, bổ sung trong quá trình thực hiện không đề cập đến định nghĩa "Thuế GTGT".

Như vậy tính từ đầu khi áp dụng Luật thuế GTGT đến hiện tại thì thuế GTGT được định nghĩa là: "Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng."

Theo định nghĩa của Luật đã quá rõ ràng và không có gì phải tranh luận thêm. Tuy nhiên, khi triển khai các văn bản hướng dẫn Luật thuế GTGT qua từng thời kỳ của cơ quan nhà nước (cụ thể trong các Nghị định, Thông tư,…) đã phát sinh những nội dung trái với định nghĩa của Luật thuế GTGT, cụ thể một số các ví dụ:

– Trường hợp các văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài không phát sinh hoạt động SX, KD, không phát sinh bất kỳ giá trị tăng thêm nào, khi quyết toán đóng cửa, văn phòng đại diện có phát sinh việc thanh lý tài sản và họ đã chi trả khoản thuế GTGT đầu vào khi mua TSCĐ, không kê khai, khấu trừ theo quy định, nhưng tại sao khi thanh lý các TSCĐ này cơ quan thuế lại bắt VPĐD phải chịu thuế GTGT và thuế TNDN dưới tên gọi là thuế nhà thầu?

– Hàng cho, biếu, tặng phải xuất hóa đơn tính thuế GTGT đầu ra,… hoàn toàn chưa phù hợp trong trường hợp Doanh nghiệp là đối tượng áp dụng thuế GTGT theo phương pháp Kê khai có mua hàng hóa của các cửa hàng, hộ kinh doanh cá thề áp dụng thuế trực tiếp. Khi đó, thuế GTGT đầu vào bằng 0, nhưng phải chịu thuế GTGT đầu ra theo thuế suất hiện hành (không phát sinh giá trị tăng thêm nhưng vẫn chịu thuế);

– Hàng hóa, dịch vụ theo Luật thuộc đối tượng không chịu thuế nhưng văn bản dưới luật hướng dẫn lái sang hướng ngoài đối tượng còn kèm theo "công dụng". VD: Hàng nông lâm, thủy hải sản chưa qua chế biến,… ăn thì thuế suất khác, SX, TM thì thuế suất khác!? Vậy câu hỏi đặt ra là thuế GTGT đánh trên đối tượng hay đánh trên công dụng hay cả hai?

– …

Và một nguyên tắc bất di bất dịch của Luật thuế GTGT là: Khi DN đã nộp thuế GTGT hoặc đã chịu thuế GTGT đầu vào theo đúng qui định, thì phải được kê khai, khấu trừ, hoàn thuế GTGT (nếu có). Nguyên tắc này cũng đã được hầu hết các quốc gia trên thế giới đã, đang và sẽ vẫn phải thực hiện như vậy một khi họ vẫn chọn sắc thuế GTGT thay cho thuế doanh thu. Thế nhưng ở Việt Nam nhiều cơ quan thuế lại làm khác, hiểu khác (mà nguyên nhân chính là bắt nguồn từ các doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng các khe hở của chính sách để gian lận thuế) khi cho rằng "bên bán còn nợ thuế, chưa nộp thuế,…. bên mua không được kê khai, khấu trừ, hoàn thuế!?". Đây chính là do luật không rõ ràng, các văn bản hướng dẫn, vận dụng trái với đạo lý và một nguyên nhân lớn nhất là các chế tài vi phạm chưa đủ sức răn đe,… nhưng không thể vì thế mà khi làm chính sách cơ quan nhà nước lại kéo ngang, cào bằng giữa người làm đúng và người cố tình làm sai.

Theo tôi nếu cứ tiếp tục theo cách làm luật này các văn bản về thuế nói chung, văn bản thuế GTGT nói riêng càng lúc càng thục lùi so với những gì được cho là ưu việt của thuế GTGT so với thuế doanh thu trước đây. Như vậy nên chăng vì cơ quan nhà nước không quản lý được ta nên quay về với thuế đánh trên doanh thu hoặc đẩy mạnh cơ chế thỏa thuận như Samsung đang áp dụng!?

Thực tế tôi đã thấy việc luật thuế GTGT bổ sung hình thức Doanh nghiệp được áp dụng thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp là một quyết định hoàn toàn không phù hợp với định hướng phát triển chung của xã hội, nếu không nói đang là một lỗ hỏng vô cùng lớn về mặt chính sách thuế GTGT khi vận dụng…

Các nội dung của bản dự thảo:

Qui định điều kiện được áp dụng không chịu thuế:

"“1. Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu;

Đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường khi bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại thì không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng.”

Như đã nói ở phần trên, tôi xin phép có 02 góp ý như sau:

– Chúng ta cần hiểu rằng, ý nghĩa to lớn của việc áp dụng đối tượng không chịu thuế theo tờ trình trước đây là nhằm hỗ trợ cho các sản phẩm nông nghiệp trong nước, các lĩnh vực về an ninh quốc phòng, dịch vụ liên quan thiết thực, trực tiếp đến cuộc sống người dân và không mang tính kinh doanh; Liên quan đến nhân đạo….. Như vậy việc Luật thuế GTGT 2008 đã thêm vào nội dung " …và ở khâu nhập khẩu;" có phù hợp với định hướng và ý nghĩa này không?

Theo quan điểm của cá nhân tôi, tôi cho là chưa phù hợp vì việc thêm nội dung này vào sẽ đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho các sản phẩm nông nghiệp từ các nước tràn vào Việt Nam, giết chết sản phẩm nông nghiệp trong nước và như thề sẽ làm sai lệch ý nghĩa tốt đẹp ban đầu là hỗ trợ cho các sản phẩm nông nghiệp trong nước.

Kiến nghị: bỏ cụm từ " … và ở khâu nhập khẩu;"

– Thuế GTGT theo đúng bản chất là đánh trên đối tượng chứ không phải đánh trên công dụng. Do đó, việc quy định "Đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường khi bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại thì không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng." là chưa phù hợp dẫn đến khó khăn khi áp dụng vào thực tế.

Kiến nghị: nên áp dụng thống nhất theo đối tượng, không phân biệt đối tượng hàng hóa dịch vụ đó phục vụ cho công việc gì vì thực tế không thể quản lý được.

Một nội dung khác, theo như giải trình của Ủy Ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị giữ nguyên việc áp dụng mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế với lí do:

"Về thuế suất thuế GTGT đối với phân bón: theo quy định của Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, từ ngày 01/01/2015, mặt hàng phân bón chuyển từ đối tượng áp dụng thuế suất 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT. Theo quy định này, phân bón không chịu thuế GTGT ở tất cả các khâu: nhập khẩu, sản xuất, bán buôn và bán lẻ là phù hợp với thực tế, không làm tăng giá bán của phân bón. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước cũng đưa mặt hàng phân bón vào diện không chịu thuế GTGT. Do đó, UBTVQH xin Quốc hội cho giữ như hiện hành."

Nội dung giải trình này, theo tôi là chưa phù hợp và thiếu cơ sở vì:

– Khi chuyển phân bón từ đối tượng chịu thuế với thuế suất 5% sang đối tượng không chịu thuế chủ trương, mục đích và ý nghĩa chính sách thuế GTGT mới của Quốc hội là mong muốn giảm chi phí sản xuất nông nghiệp, tăng lợi thế cạnh tranh về giá nông sản cho bà con nông dân và hỗ trợ cho các DN sản xuất phân bón trong nước;

– Khi soạn chính sách cơ quan soạn thảo đã chưa bao quát được thực tế khi triển khai dẫn đến việc toàn bộ thuế GTGT đầu vào của nguyên – nhiên – vật liệu, cơ sở vật chất,… của các đơn vị sản xuất phân bón không được kê khai, khấu trừ, hoàn thuế. Do đó, toàn bộ số thuế GTGT đầu vào phát sinh đã được doanh nghiệp tính vào giá thành sản xuất và như vậy không những không làm giảm chi phí sản xuất mà còn làm tăng chi phí cho bà con nông dân.

Chính vì thế, việc UBTVQH cho rằng việc áp dụng sản phẩm phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế, không làm tăng giá bán là chưa phù hợp với thực tế sản xuất trong nước mà chỉ phù hợp một phần với phân bón nhập khẩu. Qua đó có thể thấy rằng đây cũng chính là một chính sách có vẽ như chỉ ỦNG HỘ cho việc nhập khẩu phân bón hơn là khuyến khích phát triển sản xuất trong nước!?

Kiến nghị: nên chuyển phân bón sang đối tượng không phải kê khai tính thuế GTGT đầu ra, nhưng vẫn được kê khai, khấu trừ và hoàn thuế GTGT đầu vào hoặc vẫn áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% như ban đầu sẽ phù hợp với chủ trương và thực tế hơn.

Cũng theo nội dung giải trình của UBTVQH liên quan đến mặt hàng nông sản, thuỷ sản khi bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại từ mức 5% sang đối tượng không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT là nhằm:

 "góp phần ngăn chặn tình trạng gian lận và chiếm đoạt tiền NSNN trong việc khấu trừ, hoàn thuế GTGT đối với hàng nông sản"

Nội dung giải trình này cũng hoàn toàn chưa phù hợp và đặc biệt không khuyến khích cũng như tạo điều kiện tốt cho các đơn vị tuân thủ pháp luật mà chỉ hướng đến việc ngăn chặn, hạn chế các đối tượng lợi dụng chính sách để gian lận thuế.

Theo quan điểm của cá nhân tôi, xây dựng Luật cần phải có định hướng rõ ràng, hướng đến sự phát triển chung của xã hội, Luật không phải chỉ để phục vụ cho một hay một nhóm đối tượng. Với cách làm luật như hiện nay, người làm luật luôn chạy theo sau đuôi sự phát triển của xã hội và đây chính là nguyên nhân Luật ban hành ra đôi khi chưa có hiệu lực đã phải sửa hoặc không thể đi vào cuộc sống được.

Quy định về hoàn thuế GTGT:

Theo nội dung của bản dự thảo:

"- Dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động;"

Theo tôi nội dung này trong bản dự thảo đã trái với các nguyên tắc về thuế GTGT. Như đã trình bày phần trên về nguyên tắc thuế GTGT phải được hiểu rằng một khi doanh nghiệp đã bỏ tiền ra để nộp thuế thì phải được kê khai, khấu trừ và hoàn thuế.

Trong thời gian qua rất nhiều trường hợp doanh nghiệp bị Nhà nước chiếm dụng tiền hoàn thuế GTGT với những lí do như vi phạm các quy định VỀ KINH DOANH, NGÀNH NGHỀ,… là chưa phù hợp và đây khi Luật sửa đổi, bổ sung lần này đang muốn HỢP THỨC HÓA những lí do gây khó cho DN trong thời gian qua.

Đề nghị cơ quan Nhà nước tuân thủ các nguyên tắc của thuế GTGT, DN vi phạm nội dung nào, chế tài phù hợp theo nội dung đó, không thể dắt dây theo kiểu như trên sẽ đẩy doanh nghiệp vào bước đường cùng nếu tuân thủ chính sách của Nhà nước. Với ý thức của người có trách nhiệm với XH, Tôi mong sao, khi soạn Luật, cơ quan soạn thảo cần có sự nhìn nhận theo chiều hướng tích cực, hỗ trợ và khuyến khích cho cái đúng, không nên soạn theo hướng "bắt người làm đúng phải chịu chung số phận như người làm SAI".

VÀ cũng theo giải trình của UBTVQH liên quan đến nội dung trên:

"nhằm bảo đảm minh bạch về vốn, lành mạnh hoá các hoạt động sản xuất kinh doanh và bảo đảm lợi ích của các bên liên quan và để đảm bảo đồng bộ với Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư, đồng thời để quản lý chặt chẽ, lành mạnh hoá các hoạt động kinh tế thì việc bổ sung quy định không hoàn thuế GTGT đối với các trường hợp doanh nghiệp vi phạm này là cần thiết."

Cá nhân tôi cho rằng việc giải trình này là hoàn toàn chưa phù hợp và đang ÔM VIỆC, và cũng trái với nguyên tắc cơ bản của luật thuế GTGT vì:

– Việc vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh là do cơ quan cấp phép kiểm tra và chịu trách nhiệm quản lý, không phải trách nhiệm của cơ quan thuế;

– Vai trò quản lý của cơ quan cấp phép ở đâu nếu để tồn tại những doanh nghiệp vi phạm như UBTVQH trình bày?

– Tại sao cơ quan cấp phép không ngăn chặn các vi phạm liên quan đến lĩnh vực kinh doanh, đầu tư đã được Nhà nước giao mà lại "NHỜ" đến chính sách thuế chi phối!?

– Khi đưa ra quy định này, có phải cơ quan soạn thảo mong muốn hạn chế tối đa việc hoàn thuế cho doanh nghiệp và phải chăng đang muốn từng bước "GOM" toàn bộ các hành vi, quan hệ xã hội quy đổi ra thành TIỀN!? Dùng tiền thuế để chi phối toàn bộ các quan hệ xã hội khác chăng? Cơ quan thuế có thể làm tròn trọng trách này không? Hay chỉ đơn giản là tìm mọi cách để chiếm dụng tiền hoàn thuế của doanh nghiệp!?
-…


"2. Cơ sở kinh doanh trong tháng, quý có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ từ ba trăm triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng theo tháng, quý. Thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với người nộp thuế sản xuất hàng hóa xuất khẩu không vi phạm pháp luật trong thời gian 02 (hai) năm; người nộp thuế không thuộc đối tượng rủi ro cao theo quy định của Luật quản lý thuế; không hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của Luật hải quan.”.

Với nội dung dự thảo này, tôi cho rằng khi Luật được thông qua sẽ giết chết doanh nghiệp vì:

Các văn bản vi phạm pháp luật ở nước ta chưa rõ ràng, minh bạch thậm chí có nhiều trường hợp thực tế nếu làm đúng văn bản này sẽ không đúng văn bản khác. Trong khi đó, dự thảo nêu "KHÔNG VI PHẠM PHÁP LUẬT trong thời gian 02 (hai) năm" là quá chung chung không thể áp dụng vào thực tế tại Việt Nam được.

Ví dụ: Khi vận chuyển hàng hóa xuất khẩu ra cảng, vô tình tài xế của Công ty vi phạm luật giao thông dẫn đến bị phạt vi phạm hành chính —> sẽ không được hoàn thuế TRƯỚC ư?

Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp gặp khó khăn chưa có tiền nộp BHXH cho người lao động dẫn đến vi phạm luật BH, trong khi DN đang làm rất tốt các qui định về thuế và đáng ra sẽ thuộc đối tượng được hoàn trước, kiểm tra sau nhưng sẽ không được xem xét hoàn sao?

Câu hỏi đặt ra là tiền thuế GTGT là tiền của DN bỏ ra, tại sao khi muốn lấy lại để phục vụ cho mục đích kinh doanh chính đáng lại phức tạp đến thế?

Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, nội dung này vô cùng nguy hiểm cho doanh nghiệp và khẳng định rằng lại một lần nữa cơ quan soạn thảo chỉ nhìn vào các doanh nghiệp làm trái qui định mà quên mất việc ủng hộ cho các DN MONG MUỐN TUÂN THỦ pháp luật. Đặc biệt với đội ngũ công chức thuế hiện nay thường xuyên suy diễn theo chiều hướng gây khó cho doanh nghiệp thì việc quy định chung chung như thế này doanh nghiệp chỉ còn biết "KÊU TRỜI".

 

2.2. THUẾ TTĐB:

Theo quy định tại Điều 4 Luật thuế TTĐB số 27/2008/QH12

" Điều 4. Người nộp thuế

Người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trường hợp tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuất khẩu mua hàng hoá thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt của cơ sở sản xuất để xuất khẩu nhưng không xuất khẩu mà tiêu thụ trong nước thì tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuất khẩu là người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt."

Như vậy người nộp thuế chỉ bao gồm các " tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt." Như vậy người kinh doanh hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB không phải là người nộp thuế TTĐB?

Tuy nhiên, theo nội dung dự thảo thì:

"1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 6 như sau:

“1. Đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa sản xuất trong nước là giá do cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất bán ra nhưng không được thấp hơn mức tỷ lệ 7% so với giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra.

Cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở không có quan hệ công ty mẹ, công ty con, hoặc công ty con trong cùng công ty mẹ với cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất và là cơ sở đầu tiên trong khâu lưu thông thương mại. Quan hệ công ty mẹ, công ty con được xác định theo quy định của Luật Doanh nghiệp."

Như vậy với nội dung này, luật muốn đưa đối tượng nộp thuế TTĐB bao gồm cả các cơ sở kinh doanh thương mại mà cơ sở này không có quan hệ MẸ – CON với các cơ sở nhập khẩu, sản xuất.

Đề nghị nên chỉnh sửa, bổ sung cả phần định nghĩa trong Điều 4 của Luật số 27/2008/QH12 để đảm bảo tính nhất quán của Luật.

 

2.3. LUẬT QUẢN LÝ THUẾ:

Trên cơ sở của bản dự thảo liên quan đến một số nội dung chỉnh sửa, bổ sung Luật quản lý thuế, tôi cho rằng có chiều hướng tốt cho doanh nghiệp nên được ủng hộ. Tuy nhiên, có một ý kiến có thể không liên quan đến nội dung dự thảo, nhưng cá nhân tôi rất mong muốn Quốc hội cần quan tâm, rà soát lại các văn bản do Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành khi hướng dẫn nhằm hạn chế tối đa việc ban hành những văn bản dưới Luật có nội dung vượt thẩm quyền hoặc chưa phù hợp với Luật, cụ thể trong trường hợp này là các văn bản liên quan đến việc hướng dẫn Luật quản lý thuế.

Với mong muốn tham gia đóng góp một số quan điểm mang tính cá nhân liên quan đến bản dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế, góp phần nhỏ bé cho việc triển khai Pháp luật vào đời sống Doanh nghiệp, bản thân người viết cũng nhìn nhận có thể có nhiều nội dung góp ý chưa phù hợp/chưa hiểu thấu đáo nên không tránh khỏi những sai sót (nếu có), rất mong nhận được ý kiến tham gia từ Quý vị để nội dung bài viết được hoàn thiện hơn.

Xin chân thành cảm ơn và trân trọng!

 

XEM NỘI DUNG DỰ THẢO

Tin liên quan