Giấy chứng nhận đầu tư có phải là căn cứ pháp lý không?

Bài 1: Hiểu thế nào về “Giấy chứng nhận đầu tư”

Gần đây, bạn đọc và nhà đầu tư nói chung đang rất hoang mang khi xem phóng sự trên đài truyền hình quốc gia VTV nội dung phát biểu của một vị là Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khi cho rằng “Giấy chứng nhận đầu tư không phải là căn cứ pháp lý” để áp dụng ưu đãi đầu tư cho các nhà đầu tư.

Đi tìm câu trả lời cho nội dung trên là đúng hay chưa đúng, theo quan điểm của chúng tôi dựa trên những kiến thức và sự hiểu biết pháp luật có hạn của mình thì không hoàn toàn đơn giản nếu chúng ta không xâu chuỗi được các văn bản pháp luật trong cả một thời kỳ, bởi lẽ để hiểu được giá trị pháp lý của một văn bản chúng ta không chỉ cần phải có kiến thức đủ sâu liên quan đến các quy định của pháp luật hiện hành mà cả các quy định pháp luật tại thời điểm xảy ra vụ việc pháp lý trong đó không chỉ liên quan trực tiếp đến các văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp mà còn liên quan đến rất nhiều các văn bản khác cùng điều chỉnh các các mối quan hệ này. Đặc biệt phải hiểu rõ về các nguyên tắc áp dụng văn bản mà chúng tôi đã đề cập đến trong bài viết trước đây.

civil

VD: Luật đầu tư trong trường hợp này là luật riêng điều chỉnh các mối quan hệ về đầu tư, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật là luật chung điều chỉnh các quy định liên quan đến giá trị pháp lý của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản, thời điểm hiệu lực của văn bản, hiệu lực không gian, hiệu lực thời gian và cách thức áp dụng văn bản quy phạm pháp luật nói chung,…

Để làm rõ nội dung trên, trước hết chúng ta cần phân tích 02 nội dung:

  • Giấy chứng nhận đầu tư là gì? và
  • Căn cứ pháp lý hay Giá trị pháp lý là gì?

Trước khi đi bàn sâu và chi tiết hơn các nội dung khác dẫn đến vướng mắc phát sinh kéo dài trong suốt thời gian qua…

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ phân tích nội dung Giấy chứng nhận đầu tư là gì, các nội dung còn lại sẽ được chia sẻ trong các bài viết tiếp theo trong chuỗi bài chia sẻ về pháp lý liên quan đến giá trị của Giấy chứng nhận đầu tư, rất mong bạn đọc ủng hộ và theo dõi.

Screen Shot 2024 07 04 at 13.05.44

Thứ nhất, Giấy chứng nhận đầu tư được hiểu như thế nào?

Để hiểu Giấy chứng nhận đầu tư là gì, chúng ta cần hiểu về tên gọi “Giấy chứng nhận đầu tư” xuất phát từ đâu và tại sao có tên gọi này.

Chúng ta cùng quay về với Luật đầu tư 2005, theo đó Luật này quy định Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Do trong quá trình triển khai luật vào thực tế đã gặp rất nhiều vướng mắc phát sinh, gây khó khăn không ít cho các nhà đầu tư cũng như các cơ quan quản lý nhà nước nói chung trong triển khai hoạt động kinh doanh và quản lý nhà nước. Chính sự vướng mắc đấy nên từ Luật đầu tư 2014 quốc hội đã thay đổi cách gọi tên từ Giấy chứng nhận đầu tư thành Giấy chúng nhận đăng ký đầu tư đồng thời tách Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ra riêng và được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp.

Cần chia sẻ thêm để bạn đọc hiểu rõ hơn về nguồn gốc của Giấy chứng nhận đầu tư. Từ năm 1987, để chuẩn bị cho mục tiêu mở cửa nền kinh tế và hội nhập quốc tế Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã ra đời trong đó đã có quy định về Giấy phép đầu tư. Theo luật đầu tư 1987, Giấy phép này chỉ cấp cho các dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài. Đối với các dự án trong nước sẽ thực hiện theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước năm 1994. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hai luật này đã phát sinh nhiều vướng mắc do có sự vênh nhau trong các quy định dẫn đến khả năng phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư với nhau về cùng chính sách liên quan đến đầu tư là điều đã xảy ra. Chính vì thuế, Luật đầu tư 2005 đã gộp cả nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước thành một và khi đó, lấy tên gọi chung khi cấp chứng nhận cho các dự án đầu tư là Giấy chứng nhận đầu tư. Giấy chứng nhận đầu tư là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp để làm cơ sở cho chủ đầu tư triển khai dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước cho phép và cơ quan quản lý nhà nước liên quan căn cứ theo chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ của mình đã được quốc hội, chính phủ giao thực hiện vai trò quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư nói chung, trong đó có cả quản lý trong lĩnh vực thuế.

Như vậy, hiện nay các nhà đầu tư khi thành lập dự án đầu tư không còn được cấp giấy chứng nhận đầu tư nữa mà thay vào đó là được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Theo quy định tại Luật đầu tư, thì “Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư.”

Cần nói rõ, nội dung này đã được quy định trong Luật đầu tư là văn bản quy phạm pháp luật do quốc hội nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ban hành.

Thứ hai, cơ quan nào được quốc hội giao cấp Giấy chứng nhận đầu tư hay ai cũng được quyền cấp?

Để giới hạn nội dung chia sẻ và đi thẳng vào vướng mắc liên quan trong câu chuyện đang diễn ra, trong bài viết này chúng tôi chỉ giới hạn theo các quy định tại Luật đầu tư 2005 (Luật điều chỉnh quan hệ trực tiếp của chủ đề chúng ta cần bàn luận), không đề cập đến các Luật đầu tư đã được ban hành trước đó và các Luật ban hành sau vì không thuộc phạm vi điều chỉnh quan hệ đầu tư phát sinh theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để bạn đọc tiện theo dõi trong các bài viết tiếp theo.

Trong bài viết này, chúng tôi cũng không phân tích sâu vào chi tiết “tranh chấp” của vụ việc đang diễn ra mà chỉ nêu ra các nội dung cốt lỗi dẫn đến việc hiểu sai bản chất vấn đề đã kéo theo bao hệ luỵ pháp lý kéo dài trong suốt thời gian qua. Nội dung, chúng tôi bàn chủ yếu để làm cơ sở giúp bạn đọc xem xét về trình tự, thủ tục, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư qua đó xác định thẩm quyền và nghĩa vụ của cơ quan cấp phép,… làm cơ sở để chúng ta cùng bàn về giá trị pháp lý (sẽ bàn trong các bài sau) có đảm bảo đúng quy định của pháp luật hiện hành không, Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp có đảm bảo có là căn cứ pháp lý để các bên liên quan phải có trách nhiệm thực hiện theo không hay cấp thì cứ cấp còn ai muốn làm gì thì cứ làm!?

Theo đó, tại Điều 81, Luật đầu tư 2005, các cơ quan sau đây được Quốc hội giao trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư:

  1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đầu tư trong phạm vi cả nước.
  2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư.
  3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về đầu tư đối với lĩnh vực được phân công.
  4. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về đầu tư trên địa bàn theo phân cấp của Chính phủ.

Như vậy, trong số các cơ quan được quốc hội giao rõ ràng tại khoản 4 điều 81 có cả Uỷ ban nhân dân các cấp. Do đó, Giấy chứng nhận đầu tư do Chủ tịch UBND tỉnh ký trong trường hợp này là hoàn toán đúng với chức năng, nhiệm vụ đã được quốc hội giao trong Luật chứ không phải tự ý ký vượt chức năng, nhiệm vụ hay vượt thẩm quyền.

Thứ ba, việc cấp giấy chứng nhận đầu tư có bắt buộc phải thực hiện theo trình tự, thủ tục của Luật đầu tư không hay cơ quan nhà nước cứ muốn cấp như thế nào thì cấp?

Cũng theo quy định tại Luật đầu tư 2005, cơ quan soạn thảo đã dành 10 Điều từ các Điều 45 đến Điều 54 để quy định rất rõ ràng, chi tiết và rất đầy đủ về trình tự, thủ tục để một Giấy chứng nhận đầu tư được cấp (bạn đọc nên mở Luật đầu tư 2005 ra tham khải thêm);

Như vậy, việc cần xem xét là Giấy chứng nhận đầu tư mà vị Phó giám đốc này nói không phải là căn cứ pháp lý có được cơ quan cấp phép thực hiện theo đúng trình tự thủ tục không.

Trong vụ việc này, người viết có may mắn đã được tiếp cận toàn bộ các hồ sơ đề nghị cấp phép, các bước thực hiện từ khâu tham mưu của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho Uỷ ban đến các bước lấy ý kiến, trình tự thực hiện,… chúng tôi khẳng định đều đảm bảo tuân thủ đúng toàn bộ các quy định của Luật đầu tư và các văn bản hướng dẫn liên quan tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Từ các nội dung trên, chúng tôi khẳng định Giấy chứng nhận đầu tư mà chúng ta đang bàn đã được cơ quan nhà nước cấp cho dự án đầu tư của doanh nghiệp đã được Chủ tịch UBND tỉnh ký, ban hành hoàn toán đúng với chức năng, nhiệm vụ và đúng trình tự, thủ tục đã được quy định trong Luật đầu tư.

Trên đây là nội dung chia sẻ của chúng tôi dựa trên các quy định của pháp luật liên quan để bạn đọc tham khảo, chúng tôi không nêu quan điểm cá nhân mình để dẫn dắt bạn đọc đi theo quan điểm chủ quan của mình. Trong bài viết này, mặc dù chúng tôi đã cố gắng hết sức trên sự hiểu biết của mình. Tuy nhiên, chắc chắn không tránh khỏi những giới hạn do chưa hiểu hết pháp luật, rất mong nhận ý kiến đóng góp trên tinh thần giúp nhau cùng nâng cao tri thức. Mọi đóng góp ý kiến dù là nhỏ nhất chúng tôi cũng xin ghi nhận, trân trọng và sẽ sửa đổi, bổ sung để bài viết được hoàn chỉnh hơn.

Xin chân thành cảm ơn và hẹn quý vị trong bài tiếp theo của chuỗi bài này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Luật đầu tư 1987;
  • Luật đầu tư 2005;
  • Luật đầu tư 2014;
  • Luật đầu tư 2020;
  • Luật khuyến khích đầu tư trong nước 1994;
  • Luật ban hành VPQPPL của HĐND, UBND 2004;
  • Luật ban hành VPQPPL 2008;
  • Luật ban hành VPQPPL 2015.

Tin liên quan