DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI BÁN GẠO CHO NHÀ HÀNG, THUẾ SUẤT THUẾ GTGT BAO NHIÊU %?

Câu hỏi này mới đọc, chắc hầu hết người làm Kế toán, thuế thậm chí chỉ biết chút ít về kế toán như kinh doanh, mua bán cũng có thể trả lời được ngay. Nhưng nếu quay về đúng với bản chất, đạo lý của thuế GTGT cũng như các cơ sở pháp lý liên quan, liệu rằng có đơn giản như thế không?

Để trả lời sát với câu hỏi trên, trước tiên, Chúng tôi xin làm rõ một số nội dung liên quan trong câu hỏi, chúng tôi nhận thấy các nội dung sau cần làm rõ:

  • “Doanh nghiệp thương mại” cần phải xem là “doanh nghiệp đăng ký áp dụng thuế GTGT theo PP khấu trừ” hay “doanh nghiệp áp dụng thuế GTGT theo PP trực tiếp” vì mỗi phương pháp thuế sẽ cho ra một kết quả hoàn toàn khác nhau. Trong phạm vi chia sẻ này, chúng tôi xin phép giới hạn “Doanh nghiệp thương mại” đề cập trong câu hỏi là một doanh nghiệp đang áp dụng thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ;
  • Cụm từ “Nhà hàng” trong câu hỏi cần làm rõ Nhà hàng này là 01 doanh nghiệp hay hộ kinh doanh, hay cá nhân kinh doanh và họ mua gạo để làm gì, mua nấu cho nhân viên ăn hay mua để nấu cơm bán cho khách hàng? Trong phạm vi câu hỏi này, chúng tôi xin giới hạn Nhà hàng này một doanh nghiệp mua gạo chỉ để nấu cơm bán cho thực khách đến ăn, không cho nhân viên ăn phần gạo này để đỡ phức tạp thêm cho bạn đọc.
gao
Gạo ĂN khác gạo bán

Từ các cơ sở giả định trên, chúng tôi xin phép đưa ra ý kiến như sau:

Trước hết để trao đổi câu hỏi trên, chúng ta cần hiểu sơ qua về đạo lý của thuế GTGT, theo đó, thuế GTGT là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Hay nói cách khác, khi qua mỗi khâu nếu có tăng giá trị lên thì phải chịu thêm phần thuế và một nguyên tắc bất di bất dịch là thuế GTGT không phải đánh trên “công dụng” của hàng hoá, dịch vụ.

Thế nhưng, trong thực tế thuế GTGT của chúng ta đã được biến hoá muôn hình, vạn trạng với tên gọi mỹ miều là “các trường hợp ngoại lệ” và vì thế mới có câu chuyện cùng một hàng hoá là gạo từ khâu sản xuất, lưu thông và tiêu dùng trong nước (trừ xuất khẩu) mà lúc thì không chịu thuế, lúc thì không kê khai, tính, nộp thuế và lúc thì 5% nhưng không có một cơ sở định lượng vững chắc nào để phân định một cách rạch ròi, làm cho người làm công tác thuế chúng ta đôi khi “rối loạn tiền đình” chỉ vì mỗi việc xác định người mua họ mua về để làm gì.

Theo Điều 5 Luật thuế GTGT quy định về đối tượng không chịu thuế thì “Doanh nghiệp, hợp tác xã mua sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã khác thì không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng nhưng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào”

Như vậy, theo đúng tinh thần của Luật thuế GTGT thì phải được hiểu là trong trường hợp câu hỏi trên, Doanh nghiệp thương mại kinh doanh gạo, bán hàng cho Nhà hàng (nhà hàng này là doanh nghiệp) thì không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng nhưng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Như vậy, Luật đã quy định rất rõ ràng và đầy đủ. Đặc biệt Luật cũng không giao hướng dẫn, thế nhưng….

Tiếp tục xem xét đến các văn bản hướng dẫn, cụ thể trong trường hợp này là căn cứ khoản 1 Điều 4, khoản 5 Điều 5 và khoản 5 Điều 10 Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn về thuế suất thuế GTGT đối với sản phẩm trồng trọt chưa qua chế biến (tôi bàn đến Thông tư vì đây là văn bản dù chưa chắc đã có giá trị pháp lý nhưng hầu như toàn bộ người làm công tác thuế đang làm theo) để người làm nghề có thêm góc nhìn khác thay vì vẫn cắm cúi làm theo như từ trước đến nay:

Sản phẩm trồng trọt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất bán ra và ở khâu nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán các sản phẩm trồng trọt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.

Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5%.

Từ các cơ sở hướng dẫn của Thông tư và thực tế áp dụng văn bản trong thực tế, đối tượng không chịu thuế và đối tượng 5% đã tương đối ổn, vấn đề đặt ra và cần làm sáng tỏ để áp dụng cho đúng và có cơ sở trả lời cho câu hỏi trên là cụm từ “kinh doanh thương mại” được hiểu như thế nào?

Như vậy, tới đây chúng ta thấy xuất hiện thêm vài thuật ngữ rất mới mà trong Luật không có quy định cũng không có định nghĩa. Các quy định chi tiết cũng như hướng dẫn liên quan đến thuế, chúng tôi cũng không thấy bất kỳ nội dung nào định nghĩa về cụm từ “kinh doanh thương mại” mà chỉ có định nghĩa về hoạt động thương mại trong Luật Thương mại 2005. Theo đó, “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.”.

Theo các kênh truyền thông và cách hiểu hiện nay của một số cơ quan thuế thì kinh doanh thương mại được hiểu là đầu tư các nguồn lực vào lĩnh vực phân phối, lưu thông hàng hóa nhằm mục đích thu lợi nhuận. Với cách hiểu này thì khâu kinh doanh thương mại chỉ áp dụng cho các đơn vị mua vào bán ra để hưởng chênh lệch giá nói chung.

Như vậy, chỉ mỗi việc doanh nghiệp thương mại bán gạo cho một doanh nghiệp khác là Nhà hàng nhưng sau một hồi nghiên cứu văn bản cũng như các hướng dẫn liên quan, chúng ta đã thấy rất nhiều cách hiểu khác nhau:

  • Nếu căn cứ theo Luật thuế GTGT thì Doanh nghiệp này khi bán gạo cho Nhà hàng (cũng là doanh nghiệp) sẽ thuộc không phải không kê khai, tính, nộp thuế;
  • Nếu căn cứ theo hướng dẫn của Thông tư thì phải chia ra thành 02 trường hợp:

1- Nếu xem “kinh doanh thương mại” là “hoạt động thương mại” theo quy định của Luật Thương mại thì Doanh nghiệp này khi bán gạo cho Nhà hàng (cũng là doanh nghiệp) sẽ thuộc không phải không kê khai, tính, nộp thuế;

2- Nếu theo cách hiểu của các kênh truyền thông hoặc cách hiểu của các bên liên quan hiện nay thì e chừng Nhà hàng mặc dù mua gạo về nấu cơm để bán cho thực khách nhưng vẫn bị liệt kê vào mức thuế suất 5% chứ không phải không kê khai, tính, nộp thuế theo cách mà một số người làm nghề vẫn đang nghĩ và làm trong suốt thời gian qua.

Tôi cho rằng, người làm nghề cần nghiên cứu kỹ, hiểu rõ giá trị pháp lý của văn bản để cân nhắc, chọn lựa cách thức áp dụng cho phù hợp tránh thiệt hại và rủi ro không đáng có về sau.

GÓP Ý VÀ KIẾN NGHỊ

  • Khi xây dựng các văn bản chính sách thuế liên quan đến từng sắc thuế cụ thể cơ quan soạn thảo nên cân nhắc bám sát định nghĩa, đạo lý của từng sắc thuế để giúp người nộp thuế không bị nhằm lẫn, thiếu thông tin cập nhật (do nhiều ngoại lệ quá) dẫn đến vi phạm các quy định pháp luật mà hoàn toàn không phải do lỗi cố ý của người nộp thuế;
  • Các văn bản hướng dẫn nói chung, văn bản hướng dẫn về thuế nói riêng cần tuân thủ đúng các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn đúng, đủ các nội dung được giao và không trái với các văn bản có giá trị pháp lý cao hơn để hạn chế tối đa các xung đột pháp lý gây phiền phức cho người nộp thuế, kiện cáo kéo dài làm thiệt hại lớn cho các nguồi lực xã hội nói chung;
  • Đối với các thuật ngữ, các từ, cụm từ chuyên môn, chưa rõ nghĩa cần được định nghĩa rõ ràng tránh trường hợp mỗi người hiểu một kiểu dẫn đến nhiều xung đột phát sinh trong suốt thời gian qua gây thiệt hại rất lớn cho người nộp thuế mong muốn được hiểu đúng – làm đúng;
  • Người nộp thuế nói chung cần hiểu giá trị pháp lý của các văn bản quy phạm pháp luật để tự tin áp dụng đúng cho doanh nghiệp mình, hạn chế tối đa các rủi ro không đáng có về sau đồng thời cũng góp phần thay đổi tư duy làm văn bản của các cơ quan soạn thảo, hạn chế các vướng mắc cho doanh nghiệp và người nộp thuế về sau.

Trên đây là nội dung chia sẻ của chúng tôi căn cứ theo các quy định và hướng dẫn hiện hành và trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý liên quan nhưng không phải là cơ sở pháp lý để áp dụng chung trong mọi trường hợp.

Nếu các nội dung trao đổi này có điểm nào chưa phù hợp hoặc cần trao đổi, làm rõ thêm, rất mong bạn đọc vui lòng đóng góp ý kiến để các bài chia sẻ của chúng tôi ngày càng chất lượng hơn.

Tin liên quan