Công văn có giá trị pháp lý như thế nào?

cv

Liên quan đến việc áp dụng Công văn hướng dẫn của cơ quan nhà nước, rất nhiều bạn hỏi tôi: “Doanh nghiệp ở địa phương này có được áp dụng các công văn của Cục thuế ở địa phương khác không?”

Trước hết, tôi chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho tôi. Liên quan đến nội dung bạn hỏi, tôi có ý kiến theo sự hiểu biết hết sức có hạn của mình như sau:
Thứ nhất, theo quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì Công văn không phải là văn bản có giá trị pháp lý mà chỉ là một văn bản thường mang tính cá biệt để hướng dẫn cho một trường hợp, đối tượng cụ thể nào đó;
Thứ hai, thông thường chúng ta có thể tìm thấy, có được Công văn hướng dẫn nhưng hiếm khi biết được nội dung người hỏi đề cập trong văn bản hỏi chi tiết là gì, chúng ta cũng không thể có được thông tin đầy đủ về hoạt động kinh doanh, pháp lý,… của người hỏi nên không thể so sánh tính tương đồng của đơn vị mình…;
Thứ ba, Công văn là loại văn bản không ghi rõ thời hạn hết hiệu lực nên thông thường hiệu lực của Công văn sẽ hết khi nội dung công việc, sự việc được nhắc đến trong văn bản đó kết thúc.
Từ ba lý do trên, chúng ta có thể kết luận rằng Công văn chỉ mang tính chất tham khảo, chỉ có giá trị hướng dẫn cho một trường hợp, một đối tượng cụ thể mà văn bản đề cập đến chứ không áp dụng chung cho mọi trường hợp, mọi đối tượng.
==> Việc sử dụng Công văn để chia sẻ cho nhau cùng áp dụng là một việc làm có thể dẫn đến rủi ro vô cùng lớn về sau. Theo tôi, chúng ta chỉ nên tham khảo các cơ sở pháp lý được cơ quan nhà nước trích dẫn làm căn cứ hướng dẫn trong Công văn để vận dụng vào các tình huống thực tế tại đơn vị mình chứ không nên lấy toàn bộ nội dung hướng dẫn của Công văn (kể cả hướng dẫn cho đơn vị mình) để làm “bùa hộ mệnh” trong mọi trường hợp.
Tham khảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Tin liên quan