Khi nghe ai đó nói điều này, nếu bạn là người làm kế toán có lẽ bạn sẽ không thể tin được vì làm gì có chuyện lạ lùng như thế? Nhưng thực tế đang diễn ra và kéo dài trong suốt hơn 10 năm qua, đặc biệt hơn chính bạn đã và đang là người tiếp sức để điều tưởng không thể kia thành hiện thực. Chắc bạn sẽ cho rằng mình phải làm theo sự hướng dẫn của ai đó và vì theo bạn những gì người đó đưa ra “luôn là chân lý” hoặc đấy là quyền lực của cơ quan quản lý nên không hề có bất kỳ nghi ngờ hay thắc mắc nào cả.
Trước khi bàn vấn đề này, tôi xin phép nhắc lại một một nội dung mà chắc những ai đã và đang làm kế toán cũng đã biết bằng câu hỏi đặt ra “Hoá đơn là gì?”
- Theo quy định tại khoản 1, điều 20, Luật kế toán năm 2015 thì hóa đơn là chứng từ kế toán do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; và
- Cũng theo quy định của Luật kế toán 2015 tại khoản 3, điều 3 định nghĩa Chứng từ kế toán là những giấy tờ và vật mang tin phản ánh nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh và đã hoàn thành, làm căn cứ ghi sổ kế toán.
Từ 02 quy định trên của Luật kế toán, chúng ta có thể kết luật rằng hóa đơn là những giấy tờ và vật mang tin do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ nhằm phản ánh nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh và đã hoàn thành.
Nhưng thực tế, bạn đã hiểu và làm đúng chưa khi mà cứ doanh nghiệp mình có phát sinh việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng, dịch vụ chưa cung cấp nhưng cứ nhận trước một khoản tiền là xuất ngay hoá đơn cho khoản tiền nhận đó và xem việc làm này là hiển nhiên, không có gì phải bàn cải, là đúng rồi vì đã có Thông tư quy định về thời điểm phát hành hoá đơn dịch vụ làm “bùa hộ mệnh” rồi!?
Theo đó, Thông tư nói: “Trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền”
Thế là cả nước với gần cả triệu doanh nghiệp và hơn triệu người làm kế toán, cứ nhận tiền trả trước của khách hàng là răm rắp xuất hoá đơn mà không hề hỏi lại việc thu tiền này về bản chất có phải doanh thu hay thu nhập không? hay khoản tiền thu này chính là một khoản NỢ mà doanh nghiệp của mình phải có nghĩa vụ phải trả cho khách hàng trong tương lai bằng chính dịch vụ mà mình sẽ cung cấp theo thoả thuận.
Ấy thế mà Thông tư hướng dẫn cứ thu tiền trước là phải xuất hoá đơn GTGT (mục đích chính của hướng dẫn này là nhằm thu ngay phần thuế GTGT) trái với quy định của Luật kế toán và hàng triệu kế toán vẫn cứ thế mà làm, vẫn cứ chỉ nhau làm theo bất chấp việc làm này đang trái với quy định của pháp luật hiện hành.
Xét về đạo lý, việc thu tiền trước phải xuất hoá đơn đồng nghĩa với “CON NỢ” khi mượn nợ của khách hàng phải xuất hoá đơn GTGT là việc làm hoàn toàn trái với đạo lý như đã trình bày ở trên vậy mà hàng triệu kế toán cứ thế làm theo bất chấp những hậu quả phát sinh và kéo theo hàng loạt vấn đề dở khóc, dở cười trong suốt thời gian qua như: Nhận tiền xuất hoá đơn ghi nội dung gì, khi dịch vụ không thực hiện phải hoàn lại tiền cho bên thuê dịch vụ, xuất hoá đơn trả lại ghi nội dung gì, trình bày ở đâu trên báo cáo tài chính….
Mặc dù, Luật quản lý thuế 2019 lần đầu tiên đã đưa ra nguyên tắc rất hay “bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế… “, áp vào trường hợp cụ thể này việc nhận trước tiền trước bản chất chính là một khoản NỢ mà doanh nghiệp của mình phải có nghĩa vụ phải trả cho khách hàng trong tương lai, không phải khoản doanh thu hay thu nhập nên không phát sinh nghĩa vụ thuế. Do đó, việc bắt doanh nghiệp phải xuất hoá đơn đã chưa phù hợp, việc thu thuế GTGT đối với khoản nợ này lại càng không phù hợp với đạo lý cũng như các nguyên tắc chung về thuế hiện hành không chỉ tại Việt Nam mà cả các quốc gia khác trên toàn thế giới.
Vậy thì tại sao lại có chuyện lạ như thế? Có khi nào bạn tự hỏi không? Câu trả lời xin dành cho chính Quý vị, các chuyên gia Kế toán, thuế của chúng ta.
Trên đây là nội dung chia sẻ mang tính chủ quan của người viết dựa trên những kiến thức và sự hiểu biết có hạn về pháp luật chắc chắn không tranh khỏi những nội dung chưa chính xác và đầy đủ. Rất mong đón nhận mọi ý kiến góp ý từ bạn đọc để bài viết được hoàn thiện hơn.
Tin liên quan
TRÍCH LẬP QUỸ DỰ PHÒNG TỐI ĐA 17% BỔ SUNG VÀO QUỸ TIỀN LƯƠNG NĂM SAU, HIỂU NHƯ THẾ NÀO?
Mặc dù việc cho phép trích lập quỹ dự phòng 17% để bổ sung vào quỹ tiền lương đã được cơ quan Nhà nước đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật, quy định và hướng dẫn cụ thể tại nhiều văn bản khác nhau từ những năm 2007...
Nộp trễ tờ khai thuế khi cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế bị sự cố có bị phạt không?
Thời gian qua, cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế thường xuyên bị quá tải hoặc xảy ra sự cố vào thời điểm hết hạn nộp tờ khai thuế với nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng nhìn chung không xuất phát từ các nguyên nhân do thiên tai,...
Hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình trong khu phi thuế quan có bắt buộc phải có tờ khai hải quan không?
TÓM TẮT NỘI DUNG Trong thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp xây dựng các công trình, nhà xưởng trong các khu phi thuế quan đã gặp phải rất nhiều vướng mắc liên quan đến nội dung hoạt động xây dựng, lắp đặt trong khu phi thuế quan có bắt...
Cá nhân là người nước ngoài không cư trú ký hợp đồng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam chịu thuế gì?
Cá nhân là người nước ngoài không cư trú ký hợp đồng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam chịu thuế gì? Đây có lẽ là một câu hỏi mới nghe qua thì có vẻ đơn giản nhưng thật ra để trả lời thấu đáo câu hỏi này thì không...
Làm sao để xuất hoá đơn bán hàng hoá đúng quy định
Thời gian qua, chúng tôi nhận được khá nhiều câu hỏi liên quan đến việc thời điểm xuất hoá đơn bán hàng hoá để thuận lợi cho thực tế phát sinh tại đơn vị và không vi phạm các quy định hiện hành về thời điểm xuất hoá đơn. Thứ...