Khi áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, Việt Nam sẽ phải đối mặt với cả những cơ hội và thách thức liên quan đến tình hình thu ngân sách nhà nước cũng như sức ép đến từ các doanh nghiệp nước ngoài chịu tác động.
Tình hình áp dụng thuế TNDN tại Việt Nam
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho đến năm 2022, Việt Nam đã thu hút FDI từ 141 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các đối tác FDI lớn nhất của Việt Nam chủ yếu đến từ khu vực Đông Á và Đông Nam Á.
Để thu hút được đầu tư nước ngoài, suốt những năm qua, Việt Nam luôn dành cho những doanh nghiệp này những ưu đãi nhất định về thuế. Bộ Tài chính cho biết, hiện tại, Việt Nam đang áp dụng Luật thuế TNDN năm 2008 và các Luật sửa đổi, bổ sung, các Nghị định quy định chi tiết và các thông tư hướng dẫn. Thuế suất thuế TNDN phổ thông là 20% song chính sách ưu đãi về thuế TNDN riêng đối với nhóm doanh nghiệp FDI đã được thực hiện.
Theo đó, ưu đãi hiện hành có thuế suất 10% trong 15 năm. Trường hợp đặc biệt thu hút đầu tư được kéo dài thêm 15 năm (tổng thời gian không quá 30 năm); 15% trong 12 năm; 17% trong 10 năm; 10% suốt đời đối với 5 khoản thu nhập; 15% suốt đời đối với 1 khoản thu nhập; miễn, giảm thuế có thời hạn (4 năm miễn, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; 2 năm miễn, giảm 50% trong 8 năm tiếp theo; 3 năm miễn, giảm 50% trong 7 năm tiếp theo; 2 năm miễn, giảm 50% trong 4 năm tiếp theo). Lĩnh vực ưu đãi (30 lĩnh vực) sẽ được quy định tại Luật Thuế TNDN, địa bàn ưu đãi đầu tư thực hiện theo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn Luật Đầu tư.
Ngoài ra, Luật Thuế TNDN có quy định miễn thuế đối với 11 khoản thu nhập, cho phép chuyển lỗ (trong vòng 5 năm); cho phép được khấu hao nhanh.
Đặc biệt, Luật Đầu tư năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN về mức ưu đãi thuế TNDN đối với các dự án được áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với mức cao hơn. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt với các chính sách ưu đãi về thuế TNDN cao hơn nữa (thuế suất 9% trong 30 năm, miễn thuế TNDN trong 5 năm đầu, giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 10 năm tiếp theo; thuế suất 7% trong 33 năm, miễn thuế TNDN trong 6 năm đầu, giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 12 năm tiếp theo; thuế suất 5% trong 37 năm, miễn thuế TNDN trong 6 năm đầu, giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 13 năm tiếp theo).
Như vậy, Bộ Tài chính khẳng định, về cơ bản thuế suất thuế TNDN phổ thông là 20% đã đảm bảo quy tắc Trụ cột 2. Tuy nhiên, do áp dụng ưu đãi thuế suất thấp và được ưu đãi miễn thuế, giảm thuế trong khoảng thời gian nhất định (theo pháp luật đầu tư nước ngoài trước đây có cả trường hợp áp dụng thuế suất 10% suốt đời dự án) nên trên thực tế thuế suất đối với các dự án đầu tư của doanh nghiệp FDI có ưu đãi sẽ có thuế suất hiệu quả trong thời gian được hưởng ưu đãi thấp hơn mức thuế suất tối thiểu là 15%.
Tác động của thuế suất tối thiểu
Đánh giá tác động của Trụ cột 2 về thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu đối với Việt Nam, Bộ Tài chính cho rằng, Trụ cột 2 là giải pháp của các nước lớn, có dòng vốn đầu tư ra nước ngoài nhằm mục đích kéo các Tập đoàn đang hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại nước mục mẹ của Tập đoàn, hạn chế việc tránh thuế TNDN bằng cách tạo ra một mức thuế TNDN tối thiểu chung và đánh thuế đối với phần chênh lệch giữa mức thuế tối thiểu chung với mức thuế thấp hơn mà công ty con đầu tư ở các nước khác. Việt Nam là nước thu hút đầu tư nước ngoài (nhận đầu tư), theo đó sẽ bị tác động bởi Trụ cột 2.
Theo rà soát của Tổng cục Thuế thì hiện có 1.015 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng Trụ cột 2. Theo báo cáo (tỉnh đến ngày 15/3/2023) của 60/63 Cục Thuế thì có 72 doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của Trụ cột 2 nếu Trụ cột 2 được áp dụng từ năm 2024 (sau khi đã loại trừ các trường hợp không phải áp dụng Trụ cột 2, như đến năm 2024 không còn ưu đãi, doanh nghiệp bị lỗ, doanh nghiệp có doanh thu ít hơn 10 triệu EUR doanh thu theo nguyên tắc GloBE trung bình và ít hơn 1 triệu EUR thu nhập ròng hoặc lỗ ròng…).
Trụ cột 2 không bắt buộc các nước phải cùng nâng mức thuế suất lên 15% và đánh thuế bổ sung phần thuế suất chênh lệch, mà chỉ đưa ra cơ chế để thu thuế trong trường hợp các tập đoàn có công ty con nộp thuế dưới mức 15% tại một quốc gia này sẽ bị đánh thuế bổ sung lên mức 15% ở quốc gia có công ty mẹ để đảm bảo đạt mức thuế suất tối thiểu toàn cầu.
Bộ Tài chính cho biết, qua tính toán so sánh việc áp dụng các ưu đãi về thuế TNDN hiện tại với việc áp dụng thuế suất 15% trong suốt thời gian hoạt động của dự án cho thấy, nếu áp dụng các mức ưu đãi (gồm thuế suất và thời gian miễn giảm thuế) của Luật Thuế TNDN hiện hành thì về cơ bản, doanh nghiệp sẽ nộp tổng số thuế TNDN thấp hơn nếu áp dụng thuế suất 15% trong suốt thời gian hoạt động, trừ trường hợp được ưu đãi theo Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg.
Phân tích kĩ hơn về cơ hội, theo Bộ Tài chính, việc đánh thuế bổ sung lên thuế suất tối thiểu 15% sẽ góp phần tăng cường hội nhập quốc tế Việt Nam nói chung, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế thông qua việc sửa đổi chính sách thuế TNDN và pháp luật có liên quan đến thuế TNDN.
Ngoài ra, việc đánh thuế bổ sung lên thuế suất tối thiểu 15% có thể tăng thu ngân sách nhà nước về thuế TNDN trong ngắn hạn do nâng mức thuế suất lên mức tối thiểu toàn cầu và có thể được phân bố số thuế được phép thu thêm do quy tắc phân bổ UTPR, đồng thời tránh việc phải cạnh tranh về thuế giữa các nước hiện nay và hạn chế các hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.
Tuy nhiên, song song với cơ hội thì việc này cũng có thách thức không nhỏ. Đầu tiên phải kể đến đối với các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam của công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng Trụ cột 2 sẽ bị các quốc gia công ty mẹ thực hiện thu thuế bổ sung phần thuế suất chênh lệch theo các nguyên tắc Trụ cột 2 trong thời gian đầu được hưởng ưu đãi về thuế TNDN. Trường hợp Việt Nam đánh thuế bổ sung, nâng thuế suất tối thiểu lên 15%, Chính phủ Việt Nam sẽ phải chịu sức ép từ các doanh nghiệp bị tác động bởi Trụ cột 2.
Ngoài ra, việc sửa đổi chính sách thuế TNDN và pháp luật có liên quan đến thuế TNDN có thể ảnh hưởng đến chính sách thu hút FDI tại Việt Nam.
Nguồn Tạp chí tài chính
Tin liên quan
Hội thảo “Kiến thức và Kỹ năng để hạn chế rủi ro cho kế toán”
Tiếp tục thực hiện mục tiêu lan toả những giá trị cho nghề, hôm qua Công ty TNHH Dịch vụ Kế toán Đồng Hưng đã kết hợp với Chi hội Kế toán Hiểu đúng – Làm đúng tổ chức buổi hội thảo tại hội trường Liên hiệp các Hội Khoa học...
Tại sao nghề kế toán chưa được xã hội đánh giá đúng?
Có bao giờ bạn tự hỏi “Tại sao nghề kế toán chưa được xã hội đánh giá đúng?” Mặc dù Kế toán được xem là một nghề rất quan trọng không chỉ đối với doanh nghiệp mà với cả nền kinh tế nói chung, là một nghề có chuẩn mực...
Ngành Thuế tăng cường rà soát, chống gian lận trong sử dụng hoá đơn
Tổng cục Thuế vừa ban hành Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp rà soát, kiểm tra hóa đơn nhằm ngăn chặn gian lận trong việc sử dụng hóa đơn. Tổng cục Thuế yêu cầu Thủ trưởng cơ quan Thuế các cấp tập hợp các hành vi vi...
DN vẫn được áp dụng thuế GTGT dù thành lập 1/1/2014 HOT
Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời Cục thuế Tp. HCM và các tỉnh, cho phép doanh nghiệp, HTX được ngoại lệ áp dụng thuế GTGT...
Transfer pricing: Hundreds of businesses named in black list
VietNamNet Bridge – 122 foreign invested enterprises (FIEs) have been found as conducting transfer pricing and forced to pay the tax arrears of over VND200 billion....