Có chống được thủ thuật chuyển giá?

 Có chống được thủ thuật chuyển giá?

Đã có công cụ chống chuyển giá song vẫn không dễ thực hiện. Nguồn: internet

Đã có công cụ chống chuyển giá

Hoạt động chuyển giá là một trong các hành vi phổ biến trong đầu tư – kinh doanh quốc tế. Ở Việt Nam, hành vi này không chỉ xảy ra ở các doanh nghiệp FDI mà ở cả các doanh nghiệp trong nước khi công ty mẹ thành lập một hoặc một số công ty con ở những địa bàn được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, bán hàng và để lại phần lớn lợi nhuận qua những công ty con này.

Tổ chức Hợp tác và phát triển quốc tế (OECD) bao gồm hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ từ lâu đã có hướng dẫn về xử lý đối với vấn đề chuyển giá trốn thuế. Theo OECD khuyến nghị thì nhiều nước đã áp dụng cơ chế: Thỏa thuận định giá trước (APA – Advance Pricing Agreement) để quản lý chuyển giá trốn thuế. APA được các công ty đa quốc gia sử dụng phổ biến vì họ có thể tính toán trước được mức giá giao dịch giữa các bên liên kết.

Luật sửa đổi bỏ sung một số điều của Luật Quản lý thuế đã bổ sung vào khoản 10, Điều 5 của Luật Quản lý thuế như sau: “Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế là thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan thuế với người nộp thuế hoặc giữa cơ quan thuế với người nộp thuế và cơ quan thuế các nước, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế thu nhập cho một thời hạn nhất định.

Trong đó, xác định cụ thể các căn cứ tính thuế, phương pháp xác định giá tính thuế hoặc giá tính thuế theo giá thị trường. Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế được xác lập trước khi người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế”. Điều 36 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định những vấn đề về nguyên tắc của thỏa thuận trước về phương pháp xác định APA.

Bộ Tài chính đã hoàn thành dự thảo thông tư hướng dẫn việc áp dụng thoả thuận trước về phương pháp xác định APA trong quản lý thuế. Như vậy, các văn bản quy phạm pháp luật cho APA đã và sẽ đầy đủ, hay nói một cách khác, công cụ quan trọng nhất để chống chuyển giá đã có trong văn bản pháp luật của Việt Nam.

Thách thức lớn!

Trước hết, doanh nghiệp nào trong số những “đại gia” được nhắc đến trong nghi án chuyển giá sẽ nộp hồ sơ đề nghị thực hiện APA? Đây là vấn đề quan trọng nhất. Bởi, cơ quan thuế không thể ép doanh nghiệp thực hiện APA. Về lý thuyết, APA mang lại cho người nộp thuế khá nhiều lợi ích như: Dự báo được nghĩa vụ thuế phải thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định trong tương lai (từ 3 – 8 năm); loại bỏ được những bất ổn về nghĩa vụ thuế; không phải tiếp nhận các cuộc thanh tra thuế trong thời gian APA có hiệu lực; hợp thức hoá việc chuyển giá trong phạm vi đã được thoả thuận tại APA; loại bỏ được nguy cơ bị đánh thuế hai lần…

Song, thực tế áp dụng APA ở các nước phát triển cho thấy, doanh nghiệp chỉ tự nguyện nộp hồ sơ thực hiện APA khi với APA, doanh nghiệp sẽ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn so với kết quả thanh tra thuế. Điều đó có nghĩa là, việc thanh tra thuế (với các doanh nghiệp FDI có quan hệ liên kết bao gồm cả thanh tra chống chuyển giá) thực hiện nghiêm túc, truy thu cho ngân sách số thuế thu nhập doanh nghiệp lớn thì các doanh nghiệp sẽ càng quan tâm tới APA.

Song, ở nước ta hiện nay, hiệu quả của việc thanh tra thuế nói chung, thanh tra chống chuyển giá ở các doanh nghiệp FDI có quan hệ liên kết nói riêng, còn rất hạn chế. Sau khi những hiện tượng nghi là chuyển giá của Coca-Cola, Pepsi, Adidas Việt Nam… được phản ánh trên công luận, thanh tra thuế đã vào cuộc. Song, dường như mọi việc đâu vẫn hoàn đấy.

doanh nghiệp vẫn báo lỗ, và… vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, thậm chí quảng cáo, khuyến mãi với quy mô lớn. Tại Việt Nam, hiện tượng các doanh nghiệp FDI kê khai lỗ là khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước, trong đó nhiều doanh nghiệp kê khai lỗ liên tục trong 3 năm.

Qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế đã phát hiện một số doanh nghiệp FDI có biểu hiện áp dụng các thủ thuật chuyển giá tinh vi như nâng khống giá trị góp vốn (bằng máy móc, thiết bị, bản quyền…), giá trị mua bán nguyên vật liệu đầu vào, bán thành phẩm, thành phẩm, dịch vụ, phí quản lý, tiền bản quyền, chi phí bảo lãnh, cho vay, trả lương, đào tạo, quảng cáo, nhà thầu, chuyển nhượng vốn… tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách, làm cho đa số bên Việt Nam phải rút khỏi liên doanh, doanh nghiệp trở thành 100% vốn nước ngoài.

Từ năm 2010 – 2011, cơ quan quản lý thuế bắt đầu triển khai các cuộc thanh tra và truy thu được hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế.

Điển hình là việc chuyển giá của “đại gia” Keangnam Vina đã buộc phải thừa nhận vi phạm chuyển giá với giá trị phải điều chỉnh tới 1.220 tỉ đồng; và tại công ty Hualon Corporation, 100% vốn từ Malaysia, Đài Loan-British Virgin Island, hiện đang hoạt động tại Khu Công nghiệp Nhơn Trạch 2 (Nhơn Trạch, Đồng Nai) chuyên về sản xuất sợi và dệt vải, tổng giá trị phải điều chỉnh giá sau thanh tra ở công ty Hualon lên tới 1.156,8 tỉ đồng. Số lỗ qua các năm đã buộc phải điều chỉnh giảm và kết quả, công ty Hualon có lãi lớn và tổng số thuế thu nhập bị truy thu lên tới 78,1 tỉ đồng. 

 

Theo laodong.com.vn

Tin liên quan