Cắt giảm thủ tục hành chính phải làm thực sự ráo riết

 

Cắt giảm thủ tục hành chính phải làm thực sự ráo riết

Trên thực tế, các thủ tục hành chính còn mất quá nhiều thời gian, chưa minh bạch và chưa thống nhất trong cả nước. Nguồn: internet

Yêu cầu đặt ra

Các Bộ Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên môi trường, Kế hoạch đầu tư là những đơn vị được yêu cầu cắt giảm thủ tục nhiều nhất. Sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các bộ này đã cắt giảm hàng chục, thậm chí nhiều hơn các thủ tục hành chính không phù hợp, xét về mặt thời gian sẽ tiết kiệm cho doanh nghiệp và người dân tới một nửa. Ví dụ thủ tục thuế, từ nay đến cuối năm có thể cắt giảm một nửa, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thể từ 1/3 đến một nửa thời gian, thủ tục trong lĩnh vực xây dựng cũng sẽ được giảm từ 30-50% (tức là giảm từ 2-3 năm làm thủ tục cho doanh nghiệp).

Dư luận xã hội rất ủng hộ quyết trâm cao của Chính phủ trong việc mạnh tay cắt giảm các thủ tục hành chính đang gây phiền hà cho dân, tuy nhiên giữa quyết tâm và thực hiện được còn có khoảng cách, nếu không có biện pháp thực thi và  triển khai cụ thể thì yêu cầu đặt ra sẽ khó thực hiện được.

Thực hiện cải cách thủ tục hành chính không chỉ các cơ quan chức năng một mình tiến hành làm mà phải có sự phối hợp với các đối tác và phải đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân… thì mới có thể nắm rõ, hiểu rõ yêu cầu và gỡ đến tận cùng các thủ tục hành chính không cần thiết, từ đó, tạo được lòng tin đối với người dân, nhất là trong bối cảnh kinh doanh khó khăn như hiện nay.

Vấn đề đặt ra là cắt giảm thủ tục hành chính hiện nay sao cho hiệu quả?

Việc thực hiện chủ trương cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính thời gian vừa rồi là sự tiếp tục thực hiện Nghị quyết 30c/NQ-CP năm 2011 về “Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020” và tiếp tục thực hiện Quyết định số 30/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2007 phê duyệt “Đề án Đơn giản hoá Thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010”  mà chúng ta đã tiến hành làm trong nhiều năm qua. Việc thực hiện chủ trương này là nhằm cắt giảm các thủ tục bất hợp lý và không hợp pháp, từng bước đưa các thủ tục hành chính vào quy trình được giám sát chặt chẽ.

Một trong các động thái quan trọng để xúc tiến cải cách, đó là việc Chính phủ  ban hành Nghị quyết số19/NQ-CP ngày 18/03/2014 (NQ19) về “Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”. NQ19 đã đặt ra yêu cầu: chúng ta đặt năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam trong mối tương quan so sánh với năng lực cạnh tranh của các nước trong khu vực và quốc tế, và trước mắt là các nước trong khối ASEAN. Năng lực cạnh tranh này không phải do chúng ta ta tự đánh giá mà do các chuyên gia, các tổ chức quốc tế đánh giá. Lần đầu tiên, NQ19 giao nhiệm vụ cụ thể tiến tới việc lượng hóa các thủ tục, hồ sơ cần cắt  giảm và thời gian cần cắt giảm. Nhiệm vụ này không chỉ đặt ra đối với địa phương mà là cả với các bộ, ngành chức năng. Đặc  biệt, năng lực này liên quan đến bộ chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh). Và việc cải thiện chỉ số PCI, thực hiện cải cách thủ tục hành chính ở các tỉnh chỉ có thể thực hiện được nếu kết hợp chặt chẽ với việc cải cách thủ tục hành chính ở các cơ quan ngang bộ.

Sắp tới, Nhà nước ta không chỉ thực hiện việc cải cách thủ tục hành chính ở trong phạm vi các cơ quan, hệ thống dọc của các bộ mà phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật làm công cụ cho việc cải cách.

Thời gian và hồ sơ, chi phí có mối quan hệ với nhau. Giảm thiểu các thủ tục hồ sơ cũng có nghĩ là giảm về thời gian và chi phí để thực hiện các hoạt động liên quan đến cơ chế, chính sách hành chính. Với thời gian thực hiện các thủ tục hành chính ngắn gọn thì doanh nghiệp và người dân có thể khai thác, tận dụng được nhiều thời cơ hơn. Do vậy, coi trọng việc giảm chi phí thời gian cũng đồng nghĩa với việc phải kiểm tra giám sát để các chủ trương cải cách thủ tục hành chính được thực hiện triệt để.

Ai là người giám sát thực thi công vụ?

Những vấn đề người dân mong muốn Nhà nước và các cơ quan công quyền xây dựng đó là: Công khai thời gian xử lý hồ sơ; Công khai việc giải quyết hồ sơ; Người thực thi phải nắm vững chính sách chế độ và có trách nhiệm hướng dẫn người dân thực hiện cho đúng; Có tiêu chí để người dân và doanh nghiệp có thể giám sát cụ thể hoạt động công vụ.

Câu hỏi đặt ra: Ai có trách nhiệm giám sát, ai được giám sát những hoạt động trên?. Thực chất người giám sát là chính trong nội bộ các cơ quan công quyền phải làm để nâng cao tính kỷ luật của hệ thống. Các cơ quan công quyền đó là Chính phủ (Chính phủ giám sát thông qua Quốc hội và các cơ quan dân cử), đồng thời,  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng phải tham gia giám sát, các hiệp hội cũng phải chung tay giám sát bằng các kỹ năng, chức năng ngành nghề của mình. Và người giám sát quan trọng nhất để các cơ quan, tổ chức công quyền phải gương mẫu chấp hành thực thi pháp luật, thực hiện các chính sách đề ra đó là người dân và doanh nghiệp. Người dân có thể  tham gia giám sát trực tiếp hoặc thông qua Hội đồng nhân dân, thông qua Luật Khiếu nại tố cáo để thực hiện quyền của mình khi lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Thủ tục bị đẻ ra do các cơ quan không có thẩm quyền tự đặt ra phải triệt để bãi bỏ. Các cơ quan có thẩm quyền có thể định ra giấy phép, thủ tục mà hình thức có thể phù hợp nhưng bản chất lại chưa hợp lý, không thúc đẩy kinh tế phát triển, không bảo vệ quyền người dân, không tạo điều kiện giảm thiểu chi phí, không nâng cao quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp… dẫn đến giảm sút sức cạnh tranh… thì doanh nghiệp và người dân có quyền yêu cầu phải bãi bỏ.

Thay đổi tư duy quản lý

Điều quan trọng để cải cách thủ tục hành chính làm được triệt để vấn đề quan trọng là con người. Trong đó tư duy của người quản lý phải đặt lên hàng đầu, cán bộ các ngành phải triệt để tuân thủ thủ tục do Nhà nước ban hành.

BOX:  “Quản lý là để DN làm tốt hơn, bảo đảm minh bạch tạo môi trường bình đẳng, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, bảo vệ tài sản của doanh nghiệp, bảo đảm các hợp đồng được tuân thủ. Theo đó, quy định nào tạo được những điều đó thì giữ lại, các quy định chỉ để tăng quyền cho  bộ máy thì không nên duy trì” – TS. Nguyễn Sĩ Dũng – Phó chủ nhiệm văn phòng QH.

Phải hiểu rõ, quản lý không phải là sự áp đặt hay thắt chặt hoạt động của doanh nghiệp, người dân. Thực sự, Nhà nước chỉ dy trì quản lý đối với các chính sách vĩ mô liên quan đến vận mệnh quốc gia như an ninh, quốc phòng… liên quan đến cộng đồng rộng lớn như sức khỏe của người dân và sự an toàn của hệ thống xã hội. Còn các hoạt động kinh doanh thương mại khác, các bộ ngành chức năng đang phải tiến hành quản lý, nhưng phải quản lý theo một tư duy khác. Theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trung tâm trọng tài thương mại Quốc tế, Nguyên Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: “không thể tư duy theo kiểu, một người ốm bắt cả làng uống thuốc được – không thể vì một vài doanh nghiệp, người dân vi phạm mà đưa ra các quy đinh, quy chế ngặt nghèo. Quản lý là hỗ trợ, là song hành, đồng hành, tương tác cùng với người dân và doanh nghiệp, hiểu được khó khăn, khúc mắc người dân đang phải chịu đựng, cảm nhận được tâm tư nguyện vọng của người dân để từ đó tháo gỡ, giảm thiểu khó khăn cho người dân… như vậy mới là quản lý”.

Thực hiện đối thoại giữa Nhà nước và nhân dân:

Giữa Nhà nước và nhân dân phải là một mạch phản hồi, không thể chỉ một chiều dội xuống. Để vận hành tốt cả xã hội, thực hiện các hoạt động công quyền thông suốt, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, có hai công cụ Nhà nước và người dân phải thực hiện thường xuyên, đó là:

Giải trình: Nhà nước có trách nhiệm giải trình cho người dân biết những việc Nhà nước đã thay mặt người dân quản lý và điều hành thực hiện như thế nào và người dân, doanh nghiệp cũng có quyền có kiến nghị những việc chưa hợp lý, những việc sai trái cần xử lý. Hiện nay, các đối thoại với người dân và doanh nghiệp đã được tăng cường trên rất nhiều kênh, qua trao đổi chất vấn các bộ trưởng (các địa biểu quốc hội thay  mặt  nhân dân ở các địa phương nêu những thắc mắc về kinh tế – xã hội yêu cầu Bộ trưởng phải trả lời, giải thích); Các lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia các cơ quan chức năng trả lời chất vấn trên tivi, báo, đài…

Điều tra, đánh giá: Ngoài giải trình, việc đối thoại giữa Nhà nước và nhân dân còn thông qua các hình thức như chấm điểm sự hài lòng, sự tin tưởng của người dân đối với các hoạt động của cơ quan công quyền. Tức là người dân phải tham gia giám sát đối với Nhà nước, với cán bộ công chức chính quyền như lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội; đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); đánh giá chất lượng xây dựng và thực thi pháp luật của các bộ, ngành; Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI)… Qua đó, phải quy trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, từng cá nhân (đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu) trong hệ thống, để nâng cao tinh thần trách nhiệm mỗi người, ai làm được, ai không làm được từ đó các biện pháp xử lý triệt để.

Khung pháp luật đã có, quyết tâm đã có, công cuộc cải cách được Thủ tướng Chính phủ khởi xướng lại một cách mạnh  mẽ, các bộ ngành quyết tâm cao nhất định sẽ thực hiện được từ các bước đi cụ thể, từng bước giảm thiểu khó khăn cho người dân, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, quốc gia và tăng niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền.

 

Theo Tap chí tài chính

Tin liên quan