CÁCH HIỂU VÀ VẬN DỤNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT (BÀI 1)

BÀI 1: CẦN NHÌN NHẬN ĐÚNG GIÁ TRỊ CỦA CÔNG VĂN

 

Loạt bài viết này chúng tôi muốn chia sẻ đến các đồng nghiệp đang công tác trong lĩnh vực kế toán về cách áp dụng các văn bản có giá trị pháp lý vào công việc của mình nhằm góp phần hạn chế tối đa các rủi ro nghề nghiệp, thay đổi tư duy làm việc theo thói quen, theo sự hướng dẫn của những văn bản không đảm bảo tính pháp lý hoặc theo sự chỉ dẫn của ai đó mà không phân biệt được đúng hay sai khi làm theo, cá biệt có rất nhiều bạn vì nhiệt tình đã liên tục chia sẻ các văn bản “cá biệt” chưa được kiểm chứng về nội dung, giá trị,… đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng của nghề nghiệp chúng ta trong suốt thời gian qua.

Cơ sở pháp lý xuyên suốt trong bài viết này được chúng tôi căn cứ theo quy định của Luật ban hành văn bản pháp luật hiện hành, một văn bản quy định bắt buộc về thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, là nền tảng cho tất cả các văn bản pháp luật được ban hành tại Việt Nam để đảm báo tính pháp lý của nó khi triển khai điều chỉnh các mối quan hệ xã hội nói chung. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ đưa ra những ví dụ thực tế, khách quan liên quan trực tiếp đến nội dung trình bày và ảnh hưởng đế công việc của người làm kế toán, tư vấn thuế nói chung, qua đó bạn đọc có thể có cái nhìn khách quan, hiểu rõ và biết cách áp dụng đúng văn bản vào công việc của mình. Ngoài ra, sau mỗi bài viết, chúng tôi đưa ra quan điểm góp ý mang tính chủ quan của mình để hy vọng việc ban hành, quản lý văn bản ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, trong phạm vi các bài viết này, chúng tôi không thể trình bày toàn bộ các nội dung điều chỉnh của Luật mà chỉ nêu ra một số điểm quan trọng nhất để bạn đọc có thể hiẻu và áp dụng vào thực tế tại đơn vị mình.

Thứ nhất, khi bàn về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Điều 4, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chúng ta có thể chia ra thành 08 cấp:

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật
   Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Như vậy, căn cứ theo theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Công văn hoàn toàn không phải là văn bản có giá trị pháp lý để làm cơ sở thực hiện theo. Sở dĩ, chúng tôi nêu trường hợp này lên đầu bài viết là vì trong một khoản thời gian kéo dài rất nhiều người làm nghề/hành nghề kế toán bị nhằm lẫn giá trị pháp lý của các văn bản do cơ quan nhà nước ban hành, cứ thấy cơ quan nhà nước có chữ ký, có con dấu là cứ cho rằng đây là văn bản có giá trị mà chúng ta phải làm theo và cứ thế người này truyền cho người kia, chia sẻ tràn lan trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, hàng loạt người không hiểu đã lấy văn bản hướng dẫn “Cá biệt” này về áp dụng cho đơn vị mình và hậu quả không nhỏ đã liên tục xảy ra trong suốt thời gian qua, ít thì bị truy thu, xử phạt vi phạm hành chính, nhiều thì có thể ảnh hưởng cả đến pháp lý của đơn vị mình.

Trong thực tế chắc không ít những người làm nghề/ hành nghề đã biết, kéo dài suốt nhiều năm qua, doanh nghiệp và người dân liên tục chịu sự chi phối vô cùng lớn của các Công văn do cơ quan nhà nước ban hành, bên cạnh các Công văn hướng dẫn giúp cho doanh nghiệp, người dân hiểu rõ và áp dụng đúng quy phạm pháp luật thì cũng không thiếu các Công văn chứa cả “quy phạm pháp luật”- một điều mà Luật không cho phép và cả các Công văn hướng dẫn chưa phù hợp thậm chí trái cả các quy định trong các văn bản pháp quy nói chung…

Gần đây nhất, chúng ta thấy Tổng cục thuế đã ban hành Công văn 1798 gửi các Cục thuế địa phương yêu cầu rà soát các hóa đơn xuất bán ra của 524 doanh nghiệp. Theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế, các Cục thuế địa phương vịnh vào Công văn này đua nhau yêu cầu doanh nghiệp, người nộp thuế giải trình về những hóa đơn đã giao dịch với những doanh nghiệp bị xem là “bỏ trốn” thuộc danh sách đính kèm, khiến không ít doanh nghiệp và người nộp thuế vô cùng bức xúc vì họ phải mất công, mất sức để đi giải trình với cơ quan thuế hàng loạt nội dung liên quan như cung cấp bảng kê hàng hóa, dịch vụ mua vào, hợp đồng kinh tế, phiếu nhập kho, phiếu xuất kho, chứng từ thanh toán… nhưng chưa chắc đã được các cơ quan thuế chấp nhận. Trong khi đó, đối với các trường hợp tương tự thế này lẽ ra cơ quan thuế cần xác định cho rõ trách nhiệm thuộc về ai chứ không thể dùng văn bản “mệnh lệnh hành chính” để bắt buộc doanh nghiệp và người nộp thuế phải thực hiện cônng việc trong khi pháp luật không có quy định.

 

cv

Lùi lại một chút, chúng tôi còn nhớ cách nay gần 05 năm Cục thuế tỉnh Bình Dương nhất quyết ban hành quyết định truy thu tiền chậm nộp thuế của doanh nghiệp không theo quy định pháp luật mà căn cứ theo Công văn trả lời của Tổng cục thuế. Không chập nhận, doanh nghiệp đã khởi kiện hành chính, toà sơ thẩm tuyên bác quyết định xử phạt này vì trái luật và thiếu cơ sở pháp lý. Do vẫn cho rằng Công văn của Tổng cục thuế là cơ sở “bửu bối” cho mình, Cục thuế tiếp tục kháng cáo lên toà cấp cao, kết quả tại phiên toàn phúc thẩm hội đồng xét xử đã bác yêu cầu kháng cáo và tuyên bố rất rõ “Công văn không có giá trị pháp lý, không được hướng dẫn luật cũng không được giải thích luật,…”.

Gần đây nhất chúng tôi tiếp tục gặp trường hợp truy thu thuế tại Cục thuế tỉnh Lâm Đồng, sau khi bị doanh nghiệp khởi kiện hành chính buộc phải huỷ quyết định xử lý vi phạm về thuế do ban hành sai. Thay vì kết thúc việc kiểm tra, cục thuế Lâm Đồng lại gửi Công văn hỏi TCT, sau khi có văn bản trả lời, Cục thuế này tiếp tục “DỰA” vào Công văn để tiến hành gây khó cho doanh nghiệp bất chấp pháp luật đã quy định rất rõ ràng, bất chấp cả Quyết định của Toà vì cơ quan thuế vẫn cho rằng Công văn của cơ quan cấp trên có giá trị pháp lý cao hơn cả bản án đã có giá trị thi hành.

Không dừng lại ở đó, trong thực tế cho thấy có rất nhiều Công văn chứa đựng cả những “quy tắc xử sự chung” như một văn bản quy phạm pháp luật hoặc có nội dung hướng dẫn trực tiếp một văn bản quy phạm pháp luật khác.

Ví dụ Công văn 3393/TCT-CS của Tổng cục thuế hướng dẫn trực tiếp cả Luật thuế GTGT và Luật doanh nghiệp

Vì tính chất linh động của việc ban hành Công văn nên rất nhiều nội dung văn bản mơ hồ, từ việc chứa đựng các quy định khác so với Nghị định, Thông tư đến việc không ghi rõ thời hạn hiệu lực hay thời điểm hết hiệu lực, nhất là khi nội dung công việc và sự kiện trong công văn đã kết thúc hoặc khi có một văn bản khác thay thế.

Không riêng gì Tổng cục thuế hay Bộ Tài chính, các bộ, ngành khác cũng tương tự như trên, diễn hình là Công văn 8909/BKHĐT-PC, ngày 31-12-2020, do Bộ Kế hoạch Đầu tư ban hành, hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư 2020 hay các hàng loạt Công văn của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện quy định của Luật Dược,…

Để hạn chế việc trên, theo quan điểm của chúng tôi, chúng ta cần làm rõ một số nội dung sau:

  • Mặc dù tại Điều 4, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã không xem Công văn là văn bản có giá trị pháp lý nhưng không phải ai cũng hiểu các quy định này. Do đó, theo chúng tôi cũng cần xem xét bổ sung nguyên tắc trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói rõ hơn nội dung “Công văn/văn bản hành chính nếu chứa quy phạm pháp luật thì mặc nhiên không được áp dụng” để hạn chế tối đa những công văn liên quan/ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ của người dân, doanh nghiệp và người nộp thuế nói chung. Do thực tế số lượng Công văn như trên được ban hành quá lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mối quan hệ xã hội trên phạm vi cả nước, tác động trong thời gian quá dài gây ra sự nhằm lẫn của phần lớn các mối quan hệ pháp luật trong xã hội,… những vấn đề quy định giá trị của Công văn phải quy định trong luật, chứ không thể quy định trong các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành vì sẽ khó ngăn chặn thói quen kéo dài quá lâu. Bên cạnh đó, luật cũng nên nêu rõ trách nhiệm pháp lý của các chủ thể ban hành Công văn chứa quy phạm pháp luật vượt thẩm quyền để có những chế tài phù hợp nhằm củng cố lại vai trò, quyền lực của cơ quan lập pháp đã bị người dân và doanh nghiệp nhằm lẫn, kéo dài trong suốt thời gian qua;
  • Về phía cơ quan quản lý cần xem xét, bổ sung, làm rõ văn bản pháp luật (cụ thể là Cục kiểm duyệt văn bản, Bộ Tư pháp) cần đưa ra nguyên tắc xác định giá trị pháp lý của Công văn để các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp và người dân hiểu rõ những trường hợp nào được ban hành Công văn và cả giá trị pháp lý của các Công văn khi ban hành;
  • Về phía người dân và doanh nghiệp, theo quan điểm của chúng tôi đối với những Công văn như trên, có thể chọn giải pháp là làm đơn kiến nghị gửi đến Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật để đề nghị kiểm tra, hoặc khiếu nại với cơ quan ban hành về Công văn hành chính có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức mình. Trong trường hợp cần thiết cũng có thể khởi kiện hành chính nếu văn bản đấy làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

 

(CÒN TIẾP)

 

 

Tin liên quan