Cá nhân là người nước ngoài không cư trú ký hợp đồng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam chịu thuế gì?

Cá nhân là người nước ngoài không cư trú ký hợp đồng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam chịu thuế gì?

Đây có lẽ là một câu hỏi mới nghe qua thì có vẻ đơn giản nhưng thật ra để trả lời thấu đáo câu hỏi này thì không đơn giản chút nào nếu không nói là quá khó để tìm một câu trả lời đúng và đầy đủ.

cgia
Chuyên gia nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam

Trên thực tế, xem qua các văn bản hướng dẫn của các cơ quan thuế địa phương, tôi khẳng định hơn 99% hướng dẫn chưa phù hợp và hình như 100% người làm kế toán và doanh nghiệp có phát sinh trường hợp này đều chưa hiểu và vận dụng đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

Quay lại gốc của vấn đề vẫn là do sự xung đột pháp luật, quy định chồng chéo giữa các văn bản với nhau và cuối cùng là người thực thi cũng như người chịu sự điều chỉnh của pháp luật chưa hiểu đúng cách áp dụng văn bản… kết quả nguồn thu ngân sách vẫn tốt dù chưa phù hợp.

Để làm rõ nội dung câu hỏi, chúng ta cần tách ra thành 02 nội dung chính:

  • Cá nhân nước ngoài có được ký hợp đồng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam không? và
  • Thuế áp dụng trong trường hợp này là thuế TNCN hay thuế nhà thầu?

Theo đó, để trả lời cho trường hợp trên, các cơ quan thuế thường chia thành 02 trường hợp:

– Nếu cá nhân nước ngoài là thương nhân thì xác định là cá nhân kinh doanh, thu nhập từ hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn của cá nhân chịu thuế theo quy định đối với nhà thầu gồm thuế GTGT và thuế TNCN đối với thu nhập từ kinh doanh;

– Nếu cá nhân nước ngoài không phải là thương nhân thì không xác định là cá nhân kinh doanh, thu nhập từ hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn của cá nhân là hoạt động cung cấp dịch vụ chỉ chịu thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công. Công ty Việt Nam có trách nhiệm khấu trừ thuế TNCN theo thuế suất 10% nếu là cá nhân cư trú, hoặc 20% nếu là cá nhân không cư trú, hoặc theo biểu lũy tiến nếu là cá nhân cư trú và hợp đồng đáp ứng là hợp đồng lao động.

Cá nhân nước ngoài là thương nhân phải có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc các giấy tờ chứng minh là thương nhân được pháp luật nước ngoài công nhận.

Vậy THƯƠNG NHÂN là gì?

Theo Điều 6 Luật Thương mại 2005, thương nhân được quy định bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.

==> Như vậy, Thương nhân theo luật thương mại 2005 thì ngoài việc có hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên còn phải có đăng ký kinh doanh nữa thì mới được xem là kinh doanh nhưng đâu phải nước nào người ta cũng bắt cá nhân phải đăng ký kinh doanh thì mới được cung cấp dịch vụ đâu. Nếu chỉ nghiên cứu tới đây, chúng ta ngay lập tức khẳng định như vậy cá nhân nước ngoài trong tình huống trên không phải là thương nhân nên không xác định nghĩa vụ thuế theo thuế nhà thầu và quay về với thuế TNCN từ tiền công, tiền lương.

Thế nhưng, nếu chịu khó xem xét tiếp hướng dẫn của Thông tư 103/2014/TT-BTC về đối tượng áp dụng thuế nhà thầu, thì xác định “cá nhân nước ngoài kinh doanh là đối tượng cư trú tại Việt Nam hoặc không là đối tượng cư trú tại Việt Nam kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết giữa Nhà thầu nước ngoài với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc giữa Nhà thầu nước ngoài với Nhà thầu phụ nước ngoài để thực hiện một phần công việc của Hợp đồng nhà thầu.

Như vậy, đối tượng chịu thuế nhà thầu nước ngoài có chỗ nào nói nếu là cá nhân thì phải là THƯƠNG NHÂN đâu? Vậy tại sao các cơ quan thuế lại vịnh vào hai chữ THƯƠNG NHÂN để chuyển sang đối tượng chịu thuế TNCN với mức thuế suất cao hơn thường là gấp đôi?

Đến đây chúng ta thấy một đối tượng mới trong Thông tư 103 được xuất hiện đấy là “cá nhân nước ngoài kinh doanh”, đối tượng này đâu phải là thương nhân theo quy định của Luật thương mại và từ trước đến nay khi chia sẻ đối tượng áp dụng thuế nhà thầu nước ngoài theo Thông tư 103, chúng ta thường xem đối tượng này là các cá nhân nước ngoài có chứng chỉ hành nghề hoặc có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là chưa phù hợp với thực tế tại Việt Nam và cả với các thông lệ chung của các nước trên thế giới.

Như vậy, việc cơ quan thuế chỉ dựa vào hai từ “Thương nhân” để loại trừ đối tượng chịu thuế nhà thầu trong trường hợp này là đúng chưa? Nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng dịch vụ với cá nhân nước ngoài không cư trú (nếu thoả mãn điều kiện?) nhưng vẫn bị tính thuế TNCN 20% có đúng chưa?

Screen Shot 2023 07 10 at 14.21.26
Thay đổi tư duy, tìm kiếm lối đi

Câu trả lời theo tìm hiểu của cá nhân tôi là CHƯA vì:

  • Không có quy định nào của Việt Nam cấm người nước ngoài không được phép cung cấp dịch vụ tại Việt Nam mà chỉ có quy định bắt buộc phải đáp ứng điều kiện. Như vậy có thể khẳng định rằng người nước ngoài vào Việt Nam cung cấp dịch vụ không chỉ có những người có chứng chỉ hành nghề hoặc có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
  • Không có quy định hay hướng dẫn nào nói Thương nhân là đối tượng chịu thuế nhà thầu và không là thương nhân thì chịu thuế TNCN cả; và

Quan trọng hơn tất cả và là chiếc chỉa khoá để chốt nội dung chia sẻ này đấy là “nếu bạn muốn áp dụng thuế nhà thầu trong trường hợp này, hãy đi tìm và chứng minh cá nhân ký hợp đồng dịch vụ với công ty mình là “CÁ NHÂN NƯỚC NGOÀI KINH DOANH” đi, tôi khẳng định bạn có thể làm được chuyện này đấy.

Trong bài viết này, tôi chỉ vẽ ra một con đường chứ không chỉ đích đến vì tôi tin bạn sẽ làm được nếu bạn có kiến thức và chịu khó tìm hiểu thêm. Tôi hay nói “Cuộc chơi nào cũng lắm công phu” và đặc biệt giữa một rừng Luật trong đó luật này chồng lên luật khác thì kiến thức và hiểu biết pháp luật, biết cách vận dụng văn bản quy phạm pháp luật là điều vô cùng quan trọng cho công việc của mình.

 

Tin liên quan