Thực hiện theo Nghị quyết 43/NQ và Nghị định 44/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng giảm từ 10% xuống 8% đã có nhiều cơ quan thuế tích cực dành thời gian soạn văn bản nhằm hướng dẫn, hỗ trợ, tuyền truyền cho người nộp thuế rất nhanh chóng, kịp thời để người nộp thuế tuân thủ và áp dụng đúng tinh thần của pháp luật. Đây là một động thái rất đáng biểu dương của các cơ quan thuế nói chung trong việc hỗ trợ cho người nộp thuế.
Tuy nhiên, trong các hướng dẫn đã phát sinh khá nhiều nội dung chưa thật sự phù hợp với tinh thần chung của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đã dẫn đến nhiều xung đột trong việc áp dụng pháp luật và gây ra không ít khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế liên quan đến việc áp dụng chính sách hỗ trợ này. Trong số nhiều vướng mắc đó, chúng tôi nêu điển hình 01 trường hợp để qua đó giúp người làm kế toán, thuế có cách nhìn phù hợp và vận dụng đúng cho doanh nghiệp mình, cụ thể là nội dung hướng dẫn đối với hàng hoá, dịch vụ là đối tượng được giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% nếu bên bán xuất hoá đơn 10% thì bên mua chỉ được khấu trừ 8% là hướng dẫn chưa phù hợp vì:
- Các văn bản hướng dẫn này không phải là văn bản pháp quy, không có giá trị pháp lý mà chỉ có giá trị tham khảo như tôi đã từng chia sẻ rất nhiều lần. Và chính vì thế, nếu doanh nghiệp căn cứ vào đấy để áp dụng khi xảy ra thiệt hại (nếu có) thì doanh nghiệp phải là người bị thiệt hại trước tiên.
- Trái nguyên tắc thuế GTGT vì thuế gián thu đánh vào người tiêu dùng cuối cùng. Nguyên tắc này có nghĩa là tổng bù trừ số thuế ở các khâu bằng số thuế cuối cùng mà người tiêu dùng phải trả.
Lấy 01 ví dụ cụ thể để thấy hướng dẫn trên hoàn toàn sai quy tắc:
Công ty A không có hoá đơn đầu vào được khấu trừ trong kỳ tính thuế, xuất hoá đơn cho Công ty B với số tiền hàng là 01 triệu đồng, thuế GTGT 100 nghìn đồng. Do trong kỳ, mặt hàng của Công ty A thuộc đối tượng được giảm 2% thuế GTGT theo Nghị định 44/2023/NĐ-CP. Do đó, theo hướng dẫn trên, Công ty B chỉ được khấu trừ 80 nghìn đồng.
Năm 2024, Công ty B xuất bán hàng này cho Công ty C với giá bán 1,2 triệu đồng với thuế suất thuế GTGT 10%. Sau đó, Công ty C xuất bán cho người tiêu dùng cuối cùng với giá 1.5 triệu đồng, với thuế suất 10%, thuế GTGT là 150 nghìn đồng.
Như vậy, tổng số thuế GTGT được bù trừ ở các khâu sẽ là: 100 + (120-80) = 140 nghìn đồng. Trong khi đó, số thuế cuối cùng mà người tiêu dùng phải trả là 150 nghìn đồng.
- Trái với quy định của văn bản quy phạm pháp luật hiện hành vì:
Căn cứ theo hướng dẫn tại Thông tư 219/2013/TT-BTC thì:
“Trường hợp hóa đơn ghi sai mức thuế suất thuế giá trị gia tăng mà các cơ sở kinh doanh chưa tự điều chỉnh, cơ quan thuế kiểm tra, phát hiện thì xử lý như sau:
Đối với cơ sở kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ: Nếu thuế suất thuế GTGT ghi trên hóa đơn mua vào cao hơn thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT thì khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT. Trường hợp xác định được bên bán đã kê khai, nộp thuế theo đúng thuế suất ghi trên hóa đơn thì được khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất ghi trên hóa đơn nhưng phải có xác nhận của cơ quan thuế trực tiếp quản lý người bán; Nếu thuế suất thuế GTGT ghi trên hóa đơn thấp hơn thuế suất quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT thì khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất ghi trên hóa đơn.”
Như vậy, nếu như bên bán xuất sai thuế suất với mức thuế suất ghi trên hoá đơn cao hơn quy định mà bên mua xác định được bên bán đã kê khai, nộp thuế theo đúng thuế suất ghi trên hóa đơn thì được khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất ghi trên hóa đơn nhưng phải có xác nhận của cơ quan thuế trực tiếp quản lý người bán.
==> Không phải trong mọi trường hợp, bên bán xuất sai thuế suất với mức thuế 10% trong giai đoạn được giảm thuế thì bên mua chỉ được trừ 8% như hướng dẫn.
Trong bài viết này, chúng tôi không bàn sâu đến giá trị pháp lý của văn bản quy phạm pháp luật mà chỉ nêu ra cách hướng dẫn chưa thống nhất của văn bản do cùng một đơn vị ban hành và cách thức lựa chọn văn bản có giá trị pháp lý để áp dụng nhằm hạn chế tối đa các thiệt hại cho đơn vị mình.
Từ các cơ sở trên và còn nhiều hơn nữa, nhưng trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ đưa ra hai cơ sở cơ bản nhất để bạn đọc có thêm góc nhìn đúng, hiểu đúng và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, hạn chế tối đa việc nghe và làm theo các hướng dẫn chưa thật sự phù hợp mà không kiểm tra, đối chiếu trước khi áp dụng gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp nói riêng và mục tiêu tuân thủ quy định pháp luật của Nhà nước nói chung.
Rất mong đón nhận mọi sự đóng góp ý kiến từ bạn đọc để chúng tôi hòan thiện hơn các nội dung chia sẻ trong thời gian tới!
Tin liên quan
Cá nhân là người nước ngoài không cư trú ký hợp đồng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam chịu thuế gì?
Cá nhân là người nước ngoài không cư trú ký hợp đồng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam chịu thuế gì? Đây có lẽ là một câu hỏi mới nghe qua thì có vẻ đơn giản nhưng thật ra để trả lời thấu đáo câu hỏi này thì không...
“CON NỢ PHẢI XUẤT HOÁ ĐƠN CHO CHỦ NỢ”
Khi nghe ai đó nói điều này, nếu bạn là người làm kế toán có lẽ bạn sẽ không thể tin được vì làm gì có chuyện lạ lùng như thế? Nhưng thực tế đang diễn ra và kéo dài trong suốt hơn 10 năm qua, đặc biệt hơn chính...
Làm sao để xuất hoá đơn bán hàng hoá đúng quy định
Thời gian qua, chúng tôi nhận được khá nhiều câu hỏi liên quan đến việc thời điểm xuất hoá đơn bán hàng hoá để thuận lợi cho thực tế phát sinh tại đơn vị và không vi phạm các quy định hiện hành về thời điểm xuất hoá đơn. Thứ...
Hệ số K của Tổng cục thuế để làm gì?
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp nhận được văn bản từ các cơ quan quản lý thuế yêu cầu giải trình “Hệ số K”, vậy cách tính như thế nào và hệ số K để làm gì là câu hỏi mà không ít ACE đồng nghiệp làm kế toán...
Thời điểm xuất hoá đơn đối với điều kiện giao hàng CIF là thời điểm nào?
ĐỌC HIỂU và VẬN DỤNG ĐÚNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT “Thời điểm xuất hoá đơn theo điều kiện CIF là khi nào?” Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã và đang bị vướng mắc khá nhiều do: – Mặc dù văn bản hướng dẫn rất rõ ràng; nhưng – Cơ...