Bài tham luận tại Hội thảo Khoa học Đổi mới phương pháp đào tạo, cập nhật giáo trình giảng dạy kế toán phù hợp với yêu cầu cải cách kế toán trong giai đoạn mới

Như chúng ta đã biết, Việt Nam đã tham gia hầu hết các tổ chức kinh tế thế giới, trong đó WTO, AEC, TPP,… là một trong những điển hình cho hội nhập không biên giới, mở ra nhiều cơ hội to lớn để phát triển đất nước, thu hút đầu tư, tài chính, giải quyết công ăn, việc làm,… nhưng đồng thời cũng đang đặt Việt Nam đứng trước nhiều thách thức lớn phải vượt qua. Trong số các cam kết của Việt Nam với khu vực và thế giới, việc mở cửa thị trường lao động, chấp nhận sự dịch chuyển lao động có tay nghề cao trong khối ASEAN – kế toán là một trong tám ngành nghề đã được cam kết dịch chuyển tự do. Bên cạnh đó, việc Bộ Tài chính đang triển khai áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) vào Việt Nam đáp ứng các cam kết hội nhập cũng như nhu cầu minh bạch báo cáo tài chính của các nhà đầu tư nước ngoài mặc khác, thực hiện "chiến lược phát triển kế toán, kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030" đã được Chính phủ thông qua tại Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày 18/03/2013 cũng đã khẳng định vị trí, vai trò của kế toán đối với sự phát triển của đất nước. Đứng trước thực tế trên, đội ngũ Kế toán, các trường đào tạo kế toán không còn lựa chọn nào khác, buộc phải nhanh chóng thay đổi để đáp ứng tốt yêu cầu phát triển và hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, phù hợp với định hướng phát triển đất nước trong tương lai.

            Trong bài viết này, cá nhân tôi xin trình bày một vài quan điểm dựa trên thực tế đào tạo Kế toán tại Việt Nam để chúng ta cùng trao đổi và tìm ra giải pháp giảng dạy môn kế toán phù hợp với yêu cầu cải cách kế toán trong giai đoạn mới mà Bộ Tài chính đang triển khai.

1. Thực trạng đào tạo

            Nhìn nhận một cách khách quan rằng để hội nhập và phát triển đất nước trong thời kỳ mở cửa không ai có thể phủ nhận công lao của Quý Thầy, Cô của các Trường đào tạo đã đóng góp vô cùng to lớn, đào tạo ra đội ngũ kế toán tiếp cận tốt nhất với nhu cầu phát triển của xã hội, với hội nhập kinh tế thế giới… Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, với nhu cầu hội nhập sâu, rộng hơn chúng ta cần mạnh dạng nhìn nhận lại thực tế đào tạo, chương trình đào tạo, cách thức đào tạo, chất lượng đào tạo,… mà các trường đang áp dụng trong thời gian qua liệu rằng có còn phù hợp hay không?

            Như chúng ta đã biết để nâng cao chất lượng đào tạo kế toán, rất nhiều buổi hội thảo với chuyên đề "đổi mới đào tạo kế toán – kiểm toán trong các trường đại học khối kinh tế ở Việt Nam" đã được các trường liên tục tổ chức nhằm tìm kiếm giải pháp tốt nhất cho công tác đào tạo sinh viên ra trường, đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu xã hội. Qua đó, các chuyên gia hàng đầu cũng đã nhìn nhận thực trạng đào tạo rất rõ ràng, đầy đủ, phản ánh toàn bộ thực trạng đào tạo hiện nay, cụ thể:

            – Khi nhận định về thực trạng đào tạo ngành Kế toán tại nhiều trường đại học trong thời gian vừa qua, GS.TS Ngô Thế Chi, giám đốc Học viện Tài chính, cho biết: "Nhìn chung, nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy các môn học Kế toán, Kiểm toán trong các trường đại học những năm qua đã có những đổi mới căn bản về nội dung và hình thức. Ngoài việc cung cấp cho sinh viên những lý luận cơ bản, môn học còn cung cấp cho họ những kỹ năng tính toán, ghi chép các nghiệp vụ kinh tế phát sinh một cách cụ thể, tỉ mỉ vào các tài khoản kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính". GS.TS Ngô Thế Chi cũng mạnh dạng nhìn nhận "Nội dung môn học vẫn còn nặng về lý thuyết thuần túy. Mặc dù, trong mấy năm gần đây nhiều trường đại học, học viện đã có những đổi mới tích cực trong phương pháp giảng dạy theo hướng giảm giờ lý thuyết, tăng giờ thực hành và giờ tự học của sinh viên. Tuy nhiên, hiệu quả của việc này còn quá thấp vì cơ sở vật chất và kinh phí của các trường thường quá thiếu. Mặc khác, sự phối hợp với các doanh nghiệp để sinh viên đi thực tập tốt nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thời gian thực tập ít, thậm chí chỉ là hình thức."

            – PGS.TS Nguyễn Năng Phúc, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng: “đào tạo chuyên ngành Kế toán – kiểm toán, theo chúng tôi còn quá nhiều môn học chuyên ngành, có nhiều môn học trùng lặp về nội dung khoa học như kế toán công ty, kế toán tập đoàn, kế toán công… vì có sự trùng lặp nên người giảng và người nghe đều không hứng thú”.

            – TS Nguyễn Khắc Hùng, Trường ĐH Sài Gòn, thẳng thắn nói: “Các trường bắt buộc phải tuân thủ chương trình khung của Bộ, trong đó các môn học bắt buộc thuộc phần giáo dục đại cương còn chiếm khối lượng khá lớn khiến cho việc giảm tải chương trình gặp nhiều khó khăn. Phương pháp giảng dạy vẫn thầy đọc trò chép và làm bài tập được thay bằng công thức “thầy giảng, trò nghe và làm bài tập”. Cách làm này tưởng chừng như đã đổi mới phương pháp dạy học nhưng không đảm bảo kiểm soát tất cả người học phải làm việc và không đảm bảo nâng cao kiến thức cho người học ở trình độ cao, người học chỉ học được những gì thầy dạy”.

            – Chỉ rõ thêm về sự bất cập trong chương trình đào tạo Kế toán – kiểm toán, Thạc sĩ Trần Trung Tuấn, ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết: “Mặc dù đã ban hành các chuẩn mực kế toán nhưng hầu hết các giáo trình về kế toán của các trường đều được soạn theo các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính nên hạn chế phần nào đến khả năng suy luận và phát triển kiến thức của SV. Bên cạnh đó, chương trình hiện nay chưa tính đến vấn đề hội nhập. Đặc biệt, chưa chú trọng đến ngoại ngữ và kỹ năng mềm của cán bộ Kế toán – kiểm toán sau này một cách thích đáng”

            – "Thực tế cho thấy, số lượng nhân sự ngành kế toán, kiểm toán được đào tạo hàng năm của các cơ sở đào tạo là rất lớn nhưng trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác của đối tượng này chưa cao, chưa đạt được đến mặt bằng chung của khu vực. Hiện tại, số lượng kiểm toán viên nắm vững các thông lệ và nguyên tắc kế toán quốc tế chưa nhiều." – là ý kiến của Ths. Vũ Phương Mai.

            Qua khảo sát thực tế tại các trường có đào tạo chuyên ngành Kế toán, việc đào tạo kế toán không chỉ tập trung tại các trường khối kinh tế mà hầu như trường nào cũng đào tạo chuyên ngành Kế toán kể cả các trường với tên gọi Bách Khoa, Nông lâm, Thủy sản, Kỹ thuật, Ngoại ngữ, GTVT,… và việc đào tạo được các trường tổ chức đủ mọi cấp độ từ Trung cấp, Cao đẳng đến Đại học, cao học thậm chí cả bậc tiến sỹ với nhiều phương thức đào tạo từ chính quy, tại chức, liên thông đến đào tạo từ xa,…

            Với sự phát triển rầm rộ của các trường đào tạo kế toán như hiện nay không tránh khỏi việc đội ngũ giảng viên đảm nhận giảng dạy các học phần kế toán, kiểm toán phần lớn còn khá trẻ, thiếu kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng công việc thực tế, hầu hết giảng viên trẻ sau khi tốt nghiệp có kết quả tương đối tốt được các trường giữ lại giảng dạy hoặc giảng viên học từ nước ngoài về chưa đi làm thực tế tại Việt Nam, chưa qua một khóa đào tạo chuyên sâu, kỹ năng sư phạm nào, do đó kiến thức được truyền đạt thường mang tính học thuật, hàn lâm, thiếu thực tế,… thậm chí một số giảng viên chỉ đọc cho sinh viên viết các nội dung đã có trong sách. Nghiêm trọng hơn, đội ngũ giảng viên này lại rất ít khi tham gia các lớp cập nhật kiến thức chuyên môn, vì vậy không thiếu trường hợp giảng sai những kiến thức, qui định mới liên quan đến nội dung giảng dạy của mình.".

            Bên cạnh một số trường đã triển khai kết hợp đào tạo kiến thức nền (ghi Nợ – Có) với kiến thức thực tế thông qua những buổi kiến tập, gửi sinh viên đến làm việc tại doanh nghiệp, kết hợp với các Hội nghề nghiệp quốc tế như ICEAW, CIMA, ACCA, CPA Autralia,… đào tạo các kỹ năng lập và trình bày báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế (IFRS), phần lớn các trường còn lại vẫn còn quá nặng về đào tạo sinh viên hạch toán chi tiết Nợ – có, ghi chép sổ sách,… cá biệt có trường đưa thêm học phần làm kế toán thuế (làm kế toán phục vụ cho mục đích thuế) vào chương trình đào tạo (dù Bộ Tài chính chưa thông qua hình thức kế toán này) đáp ứng cho nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, thiếu định hướng trang bị kiến thức cần thiết cho sinh viên thích ứng với nhu cầu hội nhập trong tương lai, không nâng giá trị nghề nghiệp cho người làm kế toán tại Việt Nam. Ngoài ra, theo tìm hiểu của tôi phần lớn các trường đào tạo ít bám sát các nội dung thay đổi của Nhà nước mà chủ yếu dựa vào giáo trình soạn sẵn thiếu tính cập nhật, cá biệt có một số trường đào tạo mà ngay trong bài giảng của giảng viên còn nhiều sai sót so với qui định hiện hành, phần lớn giáo trình được soạn theo Chế độ kế toán, không/ít đào tạo Chuẩn mực kế toán (VAS), Luật kế toán… Sinh viên hoàn thành khóa học hoàn toàn không nắm bắt được cách tiếp cận đạo lý, nguyên lý kế toán, không thể suy luận, vận dụng tốt vào thực tế, thường xuyên vướng mắc khi phát sinh nghiệp vụ ngoài những gì đã được học tại trường.

            Theo kết quả khảo sát chính thức trên các diễn đàn Kế toán – Doanh nghiệp (thu thập ngay trước hội thảo), một thực tế cho thấy chất lượng đào tạo tại các trường đối với chuyên ngành Kế toán rất đáng báo động. Với hơn 300 kết quả khảo sát từ các chủ doanh nghiệp và các trưởng phòng, ban Kế toán, toàn bộ 100% không hài lòng với chất lượng sinh viên kế toán ở trình độ đại học mà doanh nghiệp tuyển dụng, tất cả đều khẳng định sinh viên ra trường được tuyển dụng vào doanh nghiệp phải đào tạo lại mới có thể đáp ứng được nhu cầu.

Bảng 1: Kết quả khảo sát chuyên môn, kỷ năng mềm và phẩm chất cá nhân

STT

Chỉ tiêu khảo sát

Hoàn toàn hài lòng

Hài lòng

Tạm được

Không hài lòng

Hoàn toàn không hài lòng

1.

Kiến thức chuyên môn

0%

0%

10%

45%

45%

1.1.

Kiến thức chuyên môn được đào tạo

0%

0%

35%

48%

17%

1.2.

Khả năng tạo lập chứng từ kế toán

0%

0%

14%

53%

33%

1.3.

Khả năng tự lập các báo cáo thuế theo qui định

0%

0%

12%

58%

30%

1.4.

Khả năng lập báo cáo tài chính

0%

0%

0%

46%

54%

1.5.

Khả năng tổ chức bộ máy kế toán

0%

0%

0%

62%

38%

1.6.

Khả năng cung cấp thông tin quản trị cho nhà quản lý

0%

0%

0%

4%

96%

2.

Kỹ năng mềm

0%

3%

25%

55%

16%

2.1.

Kỹ năng giao tiếp và ứng xử

0%

16%

39%

42%

3%

2.2.

Kỹ năng lập kế hoạch công việc hiệu quả

0%

0%

23%

54%

23%

2.3.

Kỹ năng phát hiện, xử lý, giải quyết vấn đề

0%

0%

16%

73%

11%

2.4.

Kỹ năng làm việc nhóm

0%

0%

17%

59%

24%

2.5.

Kỹ năng báo cáo kết quả công việc

0%

0%

32%

49%

19%

3.

Phẩm chất cá nhân

0%

14%

21%

42%

23%

3.1.

Tự tin vào khả năng bản thân

0%

16%

19%

43%

22%

3.2.

Năng lực sáng tạo

0%

15%

35%

35%

15%

3.3.

Tính chuyên nghiệp

0%

11%

26%

39%

24%

3.4.

Có động lực làm việc

0%

17%

21%

42%

20%

3.5.

Trách nhiệm/tuân thủ đối với công việc

0%

21%

25%

32%

22%

3.6.

Tính cầu thị/chịu khó học hỏi

0%

9%

16%

47%

28%

3.7.

Đạo đức nghề nghiệp

0%

26%

22%

38%

14%

3.8.

Khả năng tham mưu cho quản lý

0%

0%

0%

58%

42%

            – Với chỉ tiêu đánh giá về kiến thức chuyên môn có 45% người tham gia khảo sát không hài lòng, 45%  hoàn toàn không hài lòng chỉ 10% cho rằng tạm được;

            – Với chỉ tiêu đánh giá về kỹ năng mềm có 3% hài lòng, 25% tạm được và có đến 72% không hoặc hoàn toàn không hài lòng;

            – Với chỉ tiêu đánh giá về phẩm chất cá nhân có 14% hài lòng, 21% tạm được và có đến 65% không hoặc hoàn toán không hài.

Bảng 2:  Đánh giá về khả năng thực hiện các công việc kế toán tại doanh nghiệp

STT

Chỉ tiêu khảo sát

Hoàn toàn hài lòng

Hài lòng

Tạm được

Không hài lòng

Hoàn toàn không hài lòng

1

Thực hiện các phần hành kế toán

0%

0%

32%

53%

15%

2

Tổ chức bộ máy kế toán

0%

0%

0%

68%

32%

3

Lập báo cáo tài chính

0%

0%

7%

62%

31%

4

Lập báo cáo quản trị

0%

0%

0%

43%

57%

            Theo kết quả khảo sát trên, chúng ta nhận thấy hầu hết sinh viên ra trường được đơn vị tuyển dụng chưa thể tự mình thực hiện được các công việc theo yêu cầu của doanh nghiệp, cụ thể như tổ chức bộ máy kế toán, lập báo cáo tài chính, lập báo cáo quản trị, chỉ có 32% cho rằng sinh viên có thể làm được các phần hành kế toán theo hướng dẫn của doanh nghiệp.

            Đứng trước thực trạng như trên, tôi đánh giá rất cao việc Bộ Tài chính kịp thời nhìn nhận và tổ chức các buổi Hội thảo định hướng cải cách đào tạo, cập nhật giáo trình giảng dạy môn kế toán phù hợp với yêu cầu cải cách kế toán trong giai đoạn mới như hôm nay. Vì mục tiêu chung, cá nhân tôi mong muốn tất cả chúng ta (đặc biệt là các trường đào tạo) hãy chung tay với Bộ Tài chính để việc triển khai đạt hiệu quả cao nhất, góp phần nâng cao hơn nữa vai trò vị trí của người làm kế toán trong xã hội và trong xu thế hội nhập toàn cầu.

2. Một số giải pháp

            Theo định hướng phát triển kế toán – kiểm toán đã được Chính phủ phê duyệt và kế hoạch triển khai áp dụng IFRS tại Việt Nam của Bộ Tài chính, nhìn từ góc độ nghề nghiệp và người sử dụng lao động, cá nhân tôi xin đóng góp một vài ý kiến như sau:

Từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước cụ thể là Bộ Tài chính

            – Kết hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng khung đào tạo chung cho các trường có chuyên ngành đào tạo kế toán. Chương trình khung nên được xây dựng trên cơ sở cắt giảm các học phần ít liên quan đến kế toán và tăng thời lượng cho các nội dung chuyên sâu như cách lập và trình bày báo cáo tài chính, kế toán quản trị, tiếp cận các chuẩn mực kế toán quốc tế, chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS.

            – Kết hợp với các tổ chức nghề nghiệp chuyên nghiệp trong và ngoài nước xây dựng các chương trình đào tạo chung theo chuẩn đào tạo quốc tế, đáp ứng nhu cầu hội nhập. Bộ Tài chính có thể đặt hàng với các tổ chức nghề nghiệp quốc tế đang có mặt tại Việt Nam để họ chung tay với Bộ xây dựng qui chuẩn đào tạo trên nền của các nước phát triển, chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với thực tế tại Việt Nam.

            – Kêu gọi các Tổ chức nghề nghiệp trong và ngoài nước chung tay với Bộ Tài chính kết hợp tổ chức, cử chuyên gia đào tạo về các chuẩn mực kế toán quốc tế, chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS cũng như các kinh nghiệm triển khai thành công tại các nước cho đội ngũ giảng viên các trường.

            – Thực hiện chuyên môn hóa đào tạo kế toán – kiểm toán, tức là chỉ cấp phép đào tạo cho các trường "đạt tiêu chuẩn" theo qui định.

            – Kêu gọi các doanh nghiệp dịch vụ kế toán tạo điều kiện hợp tác với các khoa kế toán tổ chức cho sinh viên tiếp cận nhiều hơn với công việc thực tế tại doanh nghiệp;

            – Tăng cường công tác giám sát chất lượng đào tạo, giám sát chất lượng báo cáo tài chính từ đó có cơ sở định hướng tốt hơn cho chất lượng kế toán, đáp ứng mục tiêu chung của xã hội.

Từ phía các Hội nghề nghiệp VAA, VACPA, VICA

            – Nâng cao vai trò, vị trí của hội nghề nghiệp – tổ chức đại diện cho những người làm nghề kế toán tại Việt Nam thông qua việc làm cầu nối giữa người làm nghề với các cơ quan quản lý nhà nước.

            – Tham gia xây dựng, góp ý, kiến nghị, phản biện các chính sách liên quan đến nghề nghiệp kế toán tại Việt Nam, kết hợp với Bộ Tài chính trong việc ban hành, chỉnh sửa, bổ sung, cập nhật chuẩn mực kế toán theo chuẩn mực quốc tế, xây dựng chuẩn đào tạo đáp ứng nhu cầu hội nhập với khu vực và thế giới.

            – Kết hợp với các Hội nghề nghiệp quốc tế thường xuyên tổ chức các lớp cập nhật kiến thức cho đội ngũ giảng viên, người làm nghề kế toán, bao gồm cả đội ngũ kế toán, kiểm toán viên hành nghề và kế toán làm việc tại doanh nghiệp. Kết hợp với các Hội kế toán trong cộng đồng Asean, cập nhật thông tin hội nhập cho người làm kế toán nắm bắt kịp thời, thích ứng với các cam kết AEC đã có hiệu lực trong thời gian qua.

            – Kết hợp với các trường thường xuyên tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm, định hướng nghề nghiệp với sinh viên, cập nhật kiến thức cho đội ngũ giảng viên đang tham gia gảng dạy các chuyên ngành kế toán và các kiến thức liên quan. Hợp tác, trao đổi giảng viên đào tạo chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng thích ứng với nhu cầu của doanh nghiệp và hội nhập.

            – Kết hợp với các doanh nghiệp kế toán – kiểm toán hỗ trợ sinh viên các trường có môi trường học tập, thực tập, làm việc trên chứng từ thực tế, xây dựng bộ hồ sơ, chứng từ đào tạo thực tế chuẩn cho sinh viên đáp ứng ngay nhu cầu kế toán cho các doanh nghiệp.

 

Từ phía các trường cao đẳng, đại học

            – Chú trọng nâng cao chất lượng cho đội ngũ giảng viên thông qua việc kết hợp với các tổ chức nghề nghiệp trong nước như VAA, VACPA, VICA,… thường xuyên tổ chức các buổi cập nhật kiến thức về chính sách lẫn kinh nghiệm thực tế, giúp giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp cận thường xuyên với các tình huống thực tế; Kết hợp với các tổ chức nghề nghiệp quốc tế như ICEAW, CIMA, ACCA, CPA Australia,… đào tạo, cập nhập kiến thức cho giảng viên liên quan đến các chuẩn mực kế toán quốc tế, chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS, tăng cường đào tạo các kỹ năng về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, phương pháp sư phạm,…

            – Kết hợp với Bộ Tài chính, các Hội nghề nghiệp trong và ngoài nước xây dựng chuẩn đào tạo chung theo định hướng hội nhập; Thay đổi, cập nhật giáo trình đào tạo mới đáp ứng nhu cầu hội nhập theo định hướng mà Bộ sẽ triển khai trong thời gian tới; Tăng thời gian đào tạo các chuẩn mực kế toán quốc tế, chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS hơn là tập trung đào tạo ghi chép "Nợ – Có" như hiện nay; Đưa chương trình đào tạo các chuẩn mực kế toán quốc tế, chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS vào học phần chính của chương trình đào tạo với thời lượng đủ để sinh viên thích ứng được ngay sau khi tốt nghiệp.

            – Mạnh dạng thay đổi phương pháp đào tạo, tư duy đào tạo, chuyển từ dạng đọc cho sinh viên chép sang hình thức định hướng cách học, để sinh viên tự nghiên cứu, đặt vấn đề và giảng viên là người tháo gỡ vướng mắc (nếu có); Chuyển từ đào tạo theo quy tắc cụ thể (rules based) sang đạo tạo trên cơ sở các nguyên tắc (principles based) để sinh viên ra trường có khả năng xét đoán, phân tích,… nhiều hơn là chỉ biết tập trung ghi sổ kế toán (bookeeping); Đào tạo làm nghề trước khi làm Thầy.

            – Bên cạnh việc đào tạo các kiến thức nền, trường nên đào tạo thêm những kỹ năng làm việc thực tế thông qua sự kết hợp giữa nhà trường với các tổ chức nghề nghiệp trong và ngoài nước, các doanh nghiệp dịch vụ kế toán – kiểm toán, tăng thời gian thực tập, làm việc thực tế tại doanh nghiệp để sinh viên tiếp cận làm quen với chứng từ, sổ sách, hồ sơ kế toán nhiều hơn.

            Trên đây là một vài ý kiến mang tính chủ quan của cá nhân tôi, thông qua cách tiếp cận trong phạm vi hẹp nên không tránh khỏi những ý kiến chưa đúng hoặc gây hiểu nhầm không đáng có, rất mong nhận được ý kiến đóng góp của Quý vị để giúp tôi hiểu rõ và hoàn thiện hơn.

            Cuối cùng, xin chân thành cảm ơn Ban tổ chức đã tạo điều kiện để tôi được chia sẻ những quan điểm cá nhân của mình. Kính Chúc Quý vị đại biểu, các vị Khách quý và toàn thể Hội nghị thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.

            Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp!

 

Tài liệu tham khảo:

–      http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tai-chinh-doanh-nghiep/dao-tao-ke-toan-kiem-toan-trong-boi-canh-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-105046.html;

–      http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/nhieu-bat-cap-trong-dao-tao-nganh-ke-toan-kiem-toan-1320733088.htm;

–      Thông tin khảo sát trên các diễn đàn Hội kế toán và kiểm toán Việt Nam – VAA; Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam; Các Nhóm kế toán,…

Tin liên quan