Bài 3: Giấy chứng nhận đầu tư có phải là căn cứ pháp lý không?

Tiếp theo nội dung chia sẻ tại hai bài trước Bài 1: Hiểu thế nào về “Giấy chứng nhận đầu tư”Bài 2: Giấy chứng nhận đầu tư do Chủ tịch UBND tỉnh cấp dó Giá trị pháp lý không?, để đi tìm câu trả lời cho phát biểu của lãnh đạo Sở KH&ĐT tỉnh Lâm Đồng trên đài truyền hình VTV chúng tôi xin chia sẻ bài thứ ba nhằm vạch ra và chốt lại cho bạn đọc có cái nhìn toàn vẹn và đầy đủ dựa trên các cơ sở các quy định của pháp luật, tự tin hiểu và áp dụng đúng pháp luật, tuân thủ và góp phần bảo vệ tốt nhất cho doanh nghiệp/khách hàng mình đồng thời cũng góp chút công sức của một người công dân có trách nhiệm trong mục tiêu bảo vệ pháp luật Nhà nước nói chung.

 

Để hiểu rõ ràng và thấu đáo, nếu quý vị nào chưa đọc các nội dung chia sẻ trước đây, vui lòng quay lại với bài 1 & bài 2. Trong đó, chúng tôi đã chia sẻ về giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận đầu tư do Chủ tịch UBND tỉnh cấp và khẳng định theo quy định của pháp luật liên quan tại thời điểm cấp phép năm 2008, Giấy chứng nhận đầu tư này không chỉ có giá trị pháp lý mà nó còn là một văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo đúng trình tự, thủ tục, đúng chức năng, nhiệm vụ và là một trong những văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được Quốc hội quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam chúng ta.

Một văn bản quy phạm pháp luật có phải là căn cứ pháp lý không?

Mặc dù thuật ngữ “căn cứ pháp lý” được sử dụng rất thường xuyên, phổ biến trong quan hệ pháp luật nói chung và chắc chắn nhiều người trong chúng ta cũng hiểu nhưng để tìm kiếm định nghĩa trong văn bản pháp lý của Việt Nam thật sự chưa có. Tuy nhiên, trên cơ sở kiến thức và các quy định của pháp luật hiện hành, chúng ta hiểu “Căn cứ pháp lý” là các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên đang có hiệu lực để làm cơ sở cho cấp dưới ban hành văn bản hoặc thực hiện theo tại thời điểm ban hành và có hiệu lực của văn bản đó, bao gồm:

+ Văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền quy định về vấn đề thuộc đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản; và

+ Văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền quy định về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan ban hành văn bản.

Như vậy, để một văn bản là căn cứ pháp lý thì: (1) Văn bản đó bắt buộc phải là văn bản quy phạm phạm pháp luật; và (2) Được ban hành bởi cơ quan Nhà nước cấp trên có thẩm quyền quy định vấn đề thuộc đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản.

Giấy chứng nhận đầu tư do Chủ tịch UBND tỉnh cấp là văn bản quy phạm phạm pháp luật đã được chứng minh và khẳng định trong bài 2.

Nội dung tiếp theo cần làm sáng tỏ để khẳng định các lập luận có đủ cơ sở là:

  1. UBND tỉnh có phải là cơ quan cấp trên của Cục thuế tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh không?
  2. UBND tỉnh có phải là cơ quan Nhà nước cấp trên có thẩm quyền quy định vấn đề thuộc đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản không?
    Law
    Pháp luật chỉ có một

Giải quyết vấn đề 1, chúng ta cần căn cứ các quy định, văn bản liên quan để tìm kiếm câu trả lời thấu đáo cho mình.

Đối với Cục thuế tỉnh, căn cứ khoản 4 Điều 82 Mục 1 Chương IV Luật tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2003 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh:

“4. Chỉ đạo, kiểm tra cơ quan thuế và cơ quan được Nhà nước giao nhiệm vụ thu ngân sách tại địa phương theo quy định của pháp luật;

Đối với Sở KH&ĐT tỉnh, căn cứ theo Quyết định số 77/QĐ-TC của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng V/v quy định chức năng, nhiệm vụ của Sở KH&ĐT tỉnh Lâm Đồng được ban hành ngày 16 tháng 01 năm 1997 căn cứ theo Luật tổ chức chính quyền địa phương và đang có hiệu lực tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận đầu tư thì:

A – Chức năng: Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Lâm Đồng là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh Lâm Đồng làm tham mưu tổng hợp về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đề ra các chủ trương biện pháp quản lý đầu tư trực tiếp của nước ngoài tại địa phương, làm đầu mối phối hợp giữa các Sở, ngành thuộc tỉnh, chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ chuyên ngành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Như vậy, Luật đã quy định rất rõ ràng và đầy đủ UBND tỉnh chính là cơ quan cấp trên trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra cơ quan thuế và cơ quan được Nhà nước giao nhiệm vụ thu ngân sách tại địa phương. Riêng Sở KH&ĐT tỉnh Lâm Đồng là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh Lâm Đồng, là cơ quan cấp dưới của UBND tỉnh là điều chắc chắn, không có gì phải bàn luận thêm.

Giải quyết vấn đề 2, chúng ta cùng tham khảo các quy định tại khoàn 2 Điều 45 Mục 1 Chương 6 của Luật đầu tư 2005 để xem Quốc hội đã quy định như thế nào.

Điều 45. Thủ tục đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư trong nước

…...

  1. Đối với dự án đầu tư trong nước có quy mô vốn đầu tư từ mười lăm tỷ đồng Việt Nam đến dưới ba trăm tỷ đồng Việt Nam và không thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện thì nhà đầu tư làm thủ tục đăng ký đầu tư theo mẫu tại cơ quan nhà nước quản lý đầu tư cấp tỉnh.

Trường hợp nhà đầu tư có yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đầu tư thì cơ quan nhà nước quản lý đầu tư cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Như vậy, Luật đã quy định rất rõ ràng và đầy đủ UBND tỉnh chính là cơ quan có thẩm quyền quy định vấn đề thuộc đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản, cụ thể trong trường hợp này là cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án đầu tư trong nước có quy mô vốn đầu tư từ mười lăm tỷ đồng Việt Nam đến dưới ba trăm tỷ đồng Việt Nam và không thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện thì nhà đầu tư làm thủ tục đăng ký đầu tư theo mẫu tại cơ quan nhà nước quản lý đầu tư cấp tỉnh.

Từ các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên (cụ thể là Luật được Quốc hội ban hành), chúng tôi cho rằng đã quá đầy đủ cơ sở để Quý bạn đọc có thể đưa ra ý kiến khẳng định hoặc phủ định Giấy chứng nhận đầu tư do Chủ tịch UBND tỉnh cấp có phải là căn cứ pháp lý không thay vì cứ nghe người khác nói mà không đi tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan và tìm cho mình câu trả lời có trách nhiệm nhất với chính bản thân mình.

Trên đây là nội dung chia sẻ của chúng tôi dựa trên các quy định của pháp luật liên quan để bạn đọc tham khảo, chúng tôi không nêu quan điểm cá nhân mình để dẫn dắt bạn đọc đi theo quan điểm chủ quan của mình. Trong bài viết này, mặc dù chúng tôi đã cố gắng hết sức trên sự hiểu biết của mình. Tuy nhiên, chắc chắn không tránh khỏi những giới hạn do chưa hiểu hết pháp luật, rất mong nhận ý kiến đóng góp trên tinh thần giúp nhau cùng nâng cao tri thức. Mọi đóng góp ý kiến dù là nhỏ nhất chúng tôi cũng xin ghi nhận, trân trọng và sẽ sửa đổi, bổ sung để bài viết được hoàn chỉnh hơn.

Xin chân thành cảm ơn và hẹn quý vị trong bài tiếp theo của chuỗi bài này.

Bài tiếp theo không nằm trong nội dung: Giấy chứng nhận đầu tư có phải là căn cứ pháp lý không mà sẽ bàn về vấn đề ưu đãi thuế TNDN theo giấy chứng nhận đầu tư, cơ quan thuế có được bác ưu đãi đã ghi trên Giấy chứng nhận đầu tư không? Khi nào được, khi nào không và tại sao?

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;
  • Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 được sửa đổi, bổ sung năm 2002;
  • Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2003;
  • Luật ban hành VPQPPL của HĐND, UBND 2004;
  • Luật đầu tư 2005;
  • Quyết định số 77/QĐ-TC của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.

Tin liên quan