Bài 2: Giấy chứng nhận đầu tư do Chủ tịch UBND tỉnh cấp có Giá trị pháp lý không?

Tiếp theo bài 1:  Hiểu thế nào về “Giấy chứng nhận đầu tư”, trong bài viết này, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu, phân tích, đối chiếu các quy định của pháp luật liên quan đến giá trị pháp lý của một văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành được quy định như thế nào, khi nào thì văn bản đấy được xem là có giá trị pháp lý, khi nào được xem là văn bản quy phạm pháp luật. Từ đó, quý vị tự mình đối chiếu, so sánh với nội dung phát biểu của Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư “Giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh cấp cho các dự án đầu tư không phải là căn cứ pháp lý” và rút ra cách hiểu đúng cho riêng mình hoặc xem tiếp bài phân tích số 3 của chúng tôi. Một lần nữa, để đảm bảo tính khách quan, chúng tôi không nêu quan điểm cá nhân, chủ quan của mình và không đưa ra kết luận đúng – sai trong nội dung bài chia sẻ này mà chỉ chia sẻ trên quy định pháp luật.

Nội dung phát biểu trên VTV của Phó giám đốc Sở

Để đi tìm câu trả lời thấu đáo cho nội dung bài viết này chúng ta cần làm rõ Giá trị pháp lý là gì để làm cơ sở cho bài viết tiếp theo về Giấy chứng nhận đầu tư có phải là căn cứ pháp lý không vì một văn bản có thể làm căn cứ pháp lý thì văn bản đó bắt buộc phải là văn bản có giá trị pháp lý.

Giá trị pháp lý là gì?

Theo quy định hiện hành thì giá trị pháp lý là tính hữu ích và khả năng áp dụng của một tài liệu hoặc văn bản trong việc cung cấp bằng chứng pháp lý, xác định thẩm quyền và nghĩa vụ, và là cơ sở cho các hành động pháp lý. Khi bàn về giá trị pháp lý, chúng ta cần làm rõ các nội dung sau:

Cơ Sở Pháp Lý

Cơ sở pháp lý là nền tảng cho mọi quy định pháp luật. Nó bao gồm các văn bản, tài liệu và quy định được ban hành bởi các cơ quan luật pháp. Cơ sở pháp lý giúp xác định và củng cố các quy tắc, quy định trong tổ chức và hoạt động xã hội. Nếu không có cơ sở pháp lý, mọi tranh chấp sẽ không có cơ sở giải quyết.

Định nghĩa gtrị pháp lý

Giá trị pháp lý là một khái niệm quan trọng trong hệ thống pháp luật, dùng để chỉ tính hữu ích và khả năng áp dụng của một tài liệu hoặc văn bản trong việc xác định thẩm quyền và nghĩa vụ pháp lý. Giá trị pháp lý của một văn bản được công nhận khi nó đáp ứng các tiêu chuẩn về nội dung, quy trình ban hành và tính bắt buộc thực hiện.

  • Thẩm quyền ban hành: Văn bản phải được ban hành bởi cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Điều này đảm bảo rằng văn bản có giá trị pháp lý và được công nhận bởi các tổ chức và cá nhân liên quan.
  • Quy trình ban hành: Văn bản pháp lý phải được ban hành theo trình tự, thủ tục chặt chẽ theo quy định của pháp luật.
  • Nội dung: Văn bản phải chứa các quy định, điều khoản rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan.

Các yếu tố này cùng nhau tạo nên giá trị pháp lý của một văn bản, giúp nó có thể được sử dụng làm căn cứ pháp lý trong các giao dịch và tranh chấp phát sinh khi thực hiện. Sự kết hợp của thẩm quyền ban hành, quy trình chặt chẽ, nội dung rõ ràng và tính bắt buộc thực hiện giúp đảm bảo rằng văn bản pháp lý có hiệu lực và giá trị trong thực tiễn.

Như vậy, giá trị pháp lý là một khái niệm quan trọng và không thể thiếu trong hệ thống pháp luật của bất kỳ quốc gia nào. Nó không chỉ đảm bảo tính hợp pháp và hợp lệ của các văn bản, tài liệu, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan. Giá trị pháp lý giúp xác định, thực thi và bảo vệ các quyền, tạo điều kiện cho một hệ thống pháp luật minh bạch và hiệu quả.

Quay lại với câu chuyện vị phó giám đốc sở phát biểu, chúng tôi xin tóm tắt lại để bạn đọc tiện theo dõi rõ ràng và đầy đủ hơn vụ việc liên quan đến câu phát biểu trên. Khi được phóng viên đài truyền hình VTV phỏng vấn về việc cấp giấy chứng nhận đẩu tư cho dự án được thành lập năm 2007 do chính Sở này tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ký Giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có nội dung ghi rõ về ưu đãi thuế TNDN cho dự án. Do gần đây, Cục thuế cho rằng mặc dù ưu đãi thuế TNDN đã được ghi trên giấy chứng nhận đầu tư nhưng vì không đáp ứng điều kiện nên dự án này không được hưởng ưu đãi. Chiều ngược lại, phía nhà đầu tư luôn khẳng định cơ quan nhà nước có thẩm quyền (cụ thể là Chủ tịch UBND tỉnh đã được Quốc hội giao trong luật, ký cấp ưu đãi cho dự án thì đây chính là văn bản có đủ cơ sở pháp lý để nhà đầu tư thực hiện theo. Sự việc này dài và ly kỳ lắm, chúng tôi sẽ bàn sau)…

Như vậy, việc xác định giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận đầu tư trong trường hợp này chúng ta phải quay lại với các quy định pháp luật liên quan tại thời điểm UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư này được thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật nào, các văn bản đó quy định như thế nào để làm cơ sở xác định giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận đầu tư được cấp.

Screen Shot 2024 07 04 at 13.05.44

Bước 1: Xác định Giấy chứng nhận đầu tư do Chủ tịch UBND tỉnh cấp được ban hành đúng thẩm quyền không?

Như trình bày ở trên, Giấy chứng nhận đầu tư mà chúng ta đang bàn được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp vào năm 2008. Do đó, được điều chỉnh bởi các văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm cấp phép, theo đó:

  • Căn cứ theo Điều 1 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 được sửa đổi bổ sung năm 2022 quy định:

Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo thủ tục, trình tự luật định, trong đó có quy tắc xử sự chung, được Nhà nước bảo đảm thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.”

  • Căn cứ theo khoản 3, Điều 1 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 được sửa đổi bổ sung năm 2022 quy định:

“Văn bản do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ban hành để thi hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên;…”

Như nội dung chia sẻ trong bài 1: Hiểu thế nào về “Giấy chứng nhận đầu tư”, việc UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư được Chủ tịch tỉnh ký, ban hành theo quy định trong Luật Đầu tư 2005 đã được Quốc hội giao rõ ràng tại khoản 4 Điều 81 Luật đầu tư 2005.

Ngoài ra, căn cứ tại khoản 2 Điều 2 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân được Quốc hội ban hành năm 2004 quy định:

2. Uỷ ban nhân dân ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong những trường hợp sau đây:

a) Để thi hành Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp về phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh;

b) Để thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương và thực hiện các chính sách khác trên địa bàn;

c) Văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên giao cho Uỷ ban nhân dân quy định một vấn đề cụ thể.

Như vậy, căn cứ theo quy định của Luật, chúng tôi khẳng định Giấy chứng nhận đầu tư do Chủ tịch UBND tỉnh cấp trong trường hợp này được ban hành hoàn toàn đúng thẩm quyền ban hành đã được Quốc hội giao trong Luật. Điều này đảm bảo rằng văn bản này có giá trị pháp lý và được công nhận bởi các tổ chức và cá nhân liên quan.

Bước 2: Xác định việc ban hành Giấy chứng nhận đầu tư trong trường hợp này có đúng quy trình ban hành không?

Nội dung này cũng đã được chúng tôi đề cập trong bài 1: Hiểu thế nào về “Giấy chứng nhận đầu tư”, theo đó Luật đầu tư 2005, Quốc hội đã dành 10 Điều từ các Điều 45 đến Điều 54 để quy định rất rõ ràng, chi tiết và rất đầy đủ về trình tự, thủ tục để một Giấy chứng nhận đầu tư được cấp cho nhà đầu tư. Trong trường hợp cụ thể này, giấy chứng nhận đầu tư mà vị Phó giám đốc phát biểu chúng tôi đã xem xét và có đủ cơ sở khẳng định việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án này hoàn toàn tuân thủ đúng, đủ trình tự, thủ tục được quy định trong Luật đầu tư 2005.

Bước 3: Xem xét về mặt nội dung, văn bản này có chứa các quy định, điều khoản rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan.

Xem xét Giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh Lâm Đồng cấp, chúng tôi khẳng định văn bản này có đầy đủ toàn bộ các nội dung từ căn cứ pháp lý ban hành, trình tự thủ tục do cơ quan tham mưu trình (trong trường hợp này là Sở Kế hoạch và Đầu tư), trong đó gồm có 8 Điều chứa các quy định liên quan như mục tiêu, địa điểm, thời gian, tiến độ, các ưu đãi,… khi thực hiện dự án. Do đó, chúng tôi khẳng định Giấy chứng nhận đầu tư do Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng cấp hoàn toàn phù hợp về mặt nội dung của một văn bản có giá trị pháp lý. Hơn thế nữa, Giấy chứng nhận đầu tư này được cấp đúng theo Mẫu được quy định rõ ràng trong văn bản quy phạm pháp luật.

Tóm lại, xét đủ 03 bước trên, chúng ta hoàn toàn đủ cơ sở khẳng định Giấy chứng nhận đầu tư do Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cấp không chỉ là văn bản có giá trị pháp lý đầy đủ không có gì phải tranh cãi theo quy định pháp luật mà còn là văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được quy định tại Điều 2 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 1996 được sửa đổi, bổ sung năm 2002.

Ngoài ra, nếu xét riêng trên cơ sở quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân được Quốc hội ban hành năm 2004 thì Giấy chứng nhận đầu tư do Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ký cũng chắc chắn đã là văn bản quy phạm pháp luật không có gì phải bàn thêm.

KẾT LUẬN: Từ các cơ sở quy định của pháp luật có giá trị hiệu lực tại thời điểm cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án được chúng tôi trích dẫn trên, chúng tôi khẳng định Giấy chứng nhận đầu tư do Chủ tịch UBND tỉnh cấp (trong phát biểu của P.GĐ Sở) không chỉ là văn bản có giá trị pháp lý mà còn là văn bản quy phạm pháp luật của UBND ban hành theo đúng thẩm quyền được quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân được Quốc hội ban hành năm 2004.

Trên đây là nội dung chia sẻ của chúng tôi dựa trên các quy định của pháp luật liên quan để bạn đọc tham khảo, chúng tôi không nêu quan điểm cá nhân mình để dẫn dắt bạn đọc đi theo quan điểm chủ quan của mình. Trong bài viết này, mặc dù chúng tôi đã cố gắng hết sức trên sự hiểu biết của mình. Tuy nhiên, chắc chắn không tránh khỏi những giới hạn do chưa hiểu hết pháp luật, rất mong nhận ý kiến đóng góp trên tinh thần giúp nhau cùng nâng cao tri thức. Mọi đóng góp ý kiến dù là nhỏ nhất chúng tôi cũng xin ghi nhận, trân trọng và sẽ sửa đổi, bổ sung để bài viết được hoàn chỉnh hơn.

Xin chân thành cảm ơn và hẹn quý vị trong bài tiếp theo của chuỗi bài này.

Bài tiếp theo: Giấy chứng nhận đầu tư do Chủ tịch UBND tỉnh cấp có phải là căn cứ pháp pháp lý không?

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Luật đầu tư 1987;
  • Luật đầu tư 2005;
  • Luật khuyến khích đầu tư trong nước 1994;
  • Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 được sửa đổi, bổ sung năm 2002;
  • Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2003;
  • Luật ban hành VPQPPL của HĐND, UBND 2004;
  • Trong bài viết này chúng tôi có tham khảo một số bài phân tích trên các trang tin chia sẻ pháp luật của Đại học xây dựng.

Tin liên quan