BÀI 2: CÓ PHẢI TẤT CẢ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐỀU CÓ GIÁ TRỊ PHÁP LÝ?

Như nội dung trao đổi tại Bài 1, trong loạt bài chia sẻ này, chúng tôi chỉ bàn trong phạm vi liên quan đến các văn bản về thuế để phục vụ chính cho các đối tượng quan tâm là bạn đọc đang công tác trong lĩnh vực kế toán, thuế. Nếu cần mở rộng thêm sang các lĩnh vực khác, quý vị hoàn toàn có thể vận dung theo nguyên tắc này để kiểm tra giá trị pháp lý của các văn bản mà mình đang áp dụng. Bài viết hoàn toàn dựa trên cơ sở quy định của Luật ban hành quy phạm pháp luật, các ví dụ được trình bày đảm bảo có cơ sở, chứng cứ đầy đủ,… người viết không chia sẻ theo ý kiến chủ quan của mình để hướng bạn đọc hiểu sai về pháp luật. Phần quan điểm, góp ý (nếu có) sẽ được chúng tôi trình bày trong phần cuối của bài viết để bạn đọc có thể tham khảo thêm hoặc cùng tham gia đóng góp ý kiến nếu thấy cần thiết.

Trong bài 1, dựa vào các quy định của pháp luật, chúng tôi đã khẳng định Công văn không phải là văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật tại Việt Nam, Công văn không có giá trị pháp lý, không được phép chứa quy phạm pháp luật, không được hướng dẫn luật, Công văn là một văn bản cá biệt dùng trong công tác quản lý và điều hành bộ máy nhà nước, Công văn không có giá hướng dẫn chung cho tất cả các đối tượng mà Công văn không đề cập tới,… Chính vì thế, việc nhiều bạn đọc đã và đang sử dụng các Công văn hướng dẫn cho các đối tượng khác để áp dụng tương tự cho đơn vị mình là điều hoàn toàn không phù hợp và dễ phát sinh các rủi ro liên quan về sau.

Như vậy, ngoại trừ các văn bản không nằm trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thì các văn bản còn lại điều có giá trị pháp lý?

Câu trả lời là không hẳn như thế, để làm rõ nội dung câu hỏi trên, trong bài viết này chúng tôi xin phép làm rõ thêm và giới hạn phạm vi trong các văn bản thường xuyên liên quan đến công việc của quý bạn đọc (Nghị định và Thông tư) là người làm kế toán, thuế để quý vị tiện theo dõi và liên hệ với các trường hợp cụ thể của mình, từ đó rút ra bài học cho việc hiểu và áp dụng văn bản quy phạm pháp luật được hiệu quả hơn.

Thứ nhất, một văn bản muốn đảm bảo tính pháp lý phải được ban hành đúng theo trình tự, thủ tục được quy định rõ ràng, cụ thể trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì mới có giá trị pháp lý. Trái lại, văn bản đó, dù trong hệ thống văn bản theo quy định tại Điều 4 Luật ban hành văn bản vi phạm pháp luật nhưng không đảm bảo tuân thủ trình tự, thủ tục thì cũng không có giá trị pháp lý;

Thứ hai, đối với các văn bản quy định chi tiết như Nghị định, Thông tư, để các nội dung quy định có giá trị pháp lý, trong trường hợp này cần tham khảo quy định tại Điều 11, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, theo đó, các nội dung quy định chi tiết phải được giao trong luật (quy định chi tiết thì ngay tại điều, khoản, điểm đó có thể giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết) thì văn bản chi tiết mới được hướng dẫn và văn bản chi tiết trong trường hợp này chỉ được quy định nội dung được giao và không được quy định lặp lại nội dung của văn bản được quy định chi tiết;

Đối chiếu với thực tế trong các quy định về thuế hiện hành, chúng ta thấy đang tồn tại rất nhiều văn bản chi tiết hướng dẫn cả các nội dung mà Luật không giao, quy định thêm vượt trên cả Luật, quy định trái cả các quy định của Luật hoặc trong các văn bản có giá trị pháp lý liên quan.

SaiPL

Ví dụ 1: Hướng dẫn cả các nội dung mà Luật không giao

Xem xét Luật thuế thu nhập doanh nghiệp đang có giá trị hiện hành, chúng ta thấy trong Luật Quốc hội chỉ giao cho Chính phủ hướng dẫn các Điều, Khoản sau: Điều 4, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 18.

Nhưng thực tế thì sao?

Tại Nghị định 218/2013/NĐ-CP, Chính phủ không chỉ quy định chi tiết 11 Điều, khoản được giao trên mà quy định rất nhiều nội dung khác như Điều 2 – Người nộp thuế; Điều 3 – Thu nhập chịu thuế; Điều 5 – Kỳ tính thuế; Điều 6 – Căn cứ tính thuế;… và rất nhiều Điều khoản khác mà Quốc hội không giao trong Luật.

Như vậy, các nội dung Quy định chi tiết này của Nghị định 218/2013/NĐ-CP về cơ sở pháp lý là chưa đảm bảo vì chưa tuân thủ theo quy định tại Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ví dụ 2: Quy định thêm vượt trên cả Luật

Xem xét quy định tại Điều 9 Luật thuế TNDN, chúng ta dễ dàng nhận thấy tại Điều này Quốc hội có giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Như vậy việc Chính phủ quy định chi tiết trong trường hợp này là hoàn toàn phù hợp với quy định. Tuy nhiên, nếu rà soát kỹ hơn, chúng ta sẽ nhận ra các nội dung sau:

  • Luật thuế TNDN không có quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng Nghị định đã thêm vào;
  • Luật thuế TNDN chỉ có 14 khỏan Chi phí không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nhưng Nghị định của Chính phủ đã thêm vào thành 17 khoản nhưng chưa dừng lại ở đó, Nghị định của Chính phủ tiếp tục giao cho Bộ Tài chính quy định chi tiết và kết quả có đến 37 khoản chi phí không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế,…;

Như vậy, đối với các nội dung quy định chi tiết trong Nghị định 218/2013/NĐ-CP hoặc trong các Thông tư hướng dẫn liên quan nếu như trong Luật không có quy định thì việc quy định chi tiết hoặc hướng dẫn này sẽ không đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, cụ thể là quy định tại Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, khi xem xét Nghị định 218/NĐ-CP, chúng ta cũng cần xem xét đến việc trong Nghị định này việc Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn tiếp là chưa đúng với quy định tại khoản 2 điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, cũng cần xem đến giá trị pháp lý của các Thông tư được ban hành trong suốt thời gian qua khi áp dụng vào công việc của mình.

Ví dụ 3: Quy định trái các quy định trong Luật

Liên quan đến nội dung này cũng có quá nhiều văn bản chưa phù hợp nhưng vì trong nội dung giới hạn chúng ta cũng chỉ xem xét và bạn luận đúng tại Điều 9 của Luật thuế TNDN để từ đó mở rộng thêm các trường hợp khác khi gặp phải.

Căn cứ theo quy định tại điểm e, khoản 2, điều 9 thì phần chi trả lãi tiền vay vốn sản xuất, kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay thì sẽ không được tính vào chi phí được trừ. Như vậy, theo Luật thuế TNDN thì chỉ phần vượt doanh nghiệp mới bị loại chi phí lãi vay này. Tuy nhiên, khi Chính phủ ban hành Nghị định 20 trước đây và 132 gần đây để quy định chi tiết về thuế TNDN, trong đó có quy định nội dung phần Chi phí lãi vay phát sinh giữa các bên liên quan nếu vượt 20% EBITDA như Nghị định 20 và 30% theo Nghị định 132 thì sẽ không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Như vậy, cho dù DN phát sinh chi phí lãi vay thấp hơn 150% đảm bảo đúng với quy định của Luật thuế TNDN cũng không được tính chi phí được trừ. Việc Chính phủ ban hành văn bản dưới luật nhưng quy định trái luật như thế này là điều hoàn toàn chưa phù hợp, không đảm bảo tính nhất quán cũng như trình tự pháp lý trong ban hành văn bản nói chung, chắc chắn sẽ không tránh khỏi phát sinh nhiều tranh chấp về sau.

Cũng liên quan đến các nội dung quy định chi tiết liên quan đến giao dịch liên kết, một nội dung khác cũng liên quan đến giá trị pháp lý của các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật như đã chia sẻ tại Bài 1 đối với các văn bản quy định chi tiết mà chúng ta cần hết sức quan tâm để hiểu, để biết và để áp dụng tốt nhất vào công việc của mình. Trong bài chia sẻ này, chúng ta cùng trao đổi trường hợp Chính phủ ban hành Nghị định nhưng không thuộc trường hợp được giao trong Luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước (cụ thể là Nghị định 20/2017 và Nghị định 132/2020 quy định về giao dịch liên kết) thì giá trị pháp lý của các văn bản này như thế nào là nội dung mà chúng ta cũng cần quan tâm, làm rõ.

boithuong

Khi nào Chính phủ được phép ban hành nghị định không phải để hướng dẫn như trên?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 3, Điều 19, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật Chính phủ chỉ được thực hiện khi vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Trước khi ban hành nghị định này phải được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Như vậy, Chính phủ không được phép ban hành các Nghị định này nếu như chưa có sự đồng ý của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, điều đó có nghĩa là UBTVQH phải ban hành Nghị quyết, trong Nghị quyết này Quốc Hội giao cho Chính phủ quy định chi tiết các nội dung mà UBTVQH đã nêu trong Nghị quyết. Xét 02 Nghị định trên, chúng ta không thấy bất kỳ Nghị quyết nào của UBTVQH giao cho Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết về giao dịch liên kết mà chỉ có duy nhất một Nghị quyết của UBTVQH nhưng trong đó chỉ đề cập đến vấn đề quản lý vốn mỏng. Như vậy, toàn bộ các nội dung quy định trong cả hai Nghị định trên theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là hoàn toàn chưa đảm bảo giá trị pháp lý do chưa được ban hành đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật đã quy định.

Trên đây là các nội dung chia sẻ của chúng tôi liên quan đến giá trị pháp lý của các văn bản thuộc hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật với mong muốn bạn đọc có thể tham khảo, tìm hỉểu kỹ hơn và biết cách áp dụng vào công việc thực tế tại đơn vị mình.

Loitaitroi

Trong bài viết này, chúng tôi không nêu hoặc trình bày góp ý hay quan điểm cá nhân vì tất cả các nội dung trên đã được quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quý bạn đọc có thể tham khảo thêm tại văn bản này để làm rõ nội dung và trang bị thêm kiến thức cần thiết cho mình.

(CÒN TIẾP)

Tin liên quan