Mới đọc qua tiêu đề bài viết nhiều người đang công tác trong lĩnh vực kế toán, thuế có dành thời gian tìm hiểu về các chính sách, văn bản pháp luật nói chung hoặc có nghe các bạn làm kế toán tư vấn sẽ ngay lập tức cho rằng người viết đang có vấn đề về hiểu biết các văn bản thuế, cụ thể là trong Thông tư hướng dẫn về thuế TNDN đã nói rõ là chi phí này là chi phí được trừ và vì thế trong thực tế cũng đã phát sinh không ít trường hợp người làm kế toán và các ông, bà chủ doanh nghiệp vận dụng hướng dẫn này để “cân đối” và xem đó như một “thành tích hoặc chiến tích” của mình để mang ra chỉ nhau cùng vận dụng.
Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ, sâu và thấu đáo thì mặc dù câu chữ trong Thông tư cho phép trừ khoản chi phí này nhưng người làm nghề, hành nghề kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế và cả các cơ quan thực thi pháp luật nói chung vẫn chưa hiểu một cách thống nhất đã dẫn đến rất nhiều hệ luỵ phát sinh và kéo theo không ít rủi ro cho doanh nghiệp và người nộp thuế nói chung kể cả làm thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước và nhiều tranh chấp pháp lý kéo dài gây thiệt hại không nhỏ cho nguồn lực xã hội nói chung là điều khó tránh khỏi.
Bài viết này, chúng tôi căn cứ trên các cơ sở pháp lý được chúng tôi thu thập, phân tích, đối chiếu trước khi kết luận để mang đến cho bạn đọc một góc nhìn khách quan, đầy đủ nhất, góp phần hạn chế tối đa các rủi ro phát sinh cho người nộp thuế nói chung và hy vọng cũng góp chút ý kiến nhỏ đến cơ quan soạn thảo văn bản, qua đó có thể chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện, rõ ràng hơn các văn bản hướng dẫn để người nộp thuế hiểu rõ và áp dụng đúng chính sách tương tự, đảm bảo tuân thủ đúng, đủ các quy định của pháp luật nói chung.
Khi xem xét các khoản chi phí được trừ và không được trừ, nếu để ý nội dung hướng dẫn tại tiết b, mục 2.1, khoản 2, điều 6 Thông tư 96/TT-BTC chúng ta sẽ thấy:
“b) Hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng, không được bồi thường thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.”
Nếu cắt nội dung này ra khỏi tổng thể chung của mục 2.1, khoản 2, điều 6 chắc chắn ai trong chúng ta cũng cho rằng việc thanh lý hàng hoá hư hỏng, quá hạn sử dụng chắc chắn được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Tuy nhiên, nếu xem xét toàn bộ nội dung hướng dẫn tại mục 2.1, đọc kỹ và hiểu đúng thì mục này chỉ áp dụng cho các trường hợp phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
- Vậy câu hỏi đặt ra là “Hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng” có được xem là tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không?
Đi tìm câu trả lời thấu đáo cho câu hỏi này không đơn giản, trước hết chúng ta phải dùng phương pháp loại trừ, theo đó chắc chắn hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng KHÔNG PHẢI là nguyên nhân đến từ thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, việc còn lại cần xem xét là hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng có thuộc trường hợp bất khả kháng khác không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 27, điều 3, Luật quản lý thuế 2019 thì trường hợp bất khả kháng bao gồm:
“a) Người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ;
b) Các trường hợp bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ.”
Theo quy định trên, thì hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng cũng không thuộc trường hợp bất khả kháng quy định tại điểm a, khoản 27, điều 3, Luật quản lý thuế 2019.
- Vậy có thuộc trường hợp quy định tại điểm b, khoản 27, điều 3 không?
Căn cứ theo quy định chi tiết tại khoản 1, điều 3, Nghị định 126/2020/NĐ-CP định nghĩa:
“1. Người nộp thuế bị thiệt hại về vật chất do nguyên nhân bất khả kháng khác quy định tại điểm b khoản 27 Điều 3 Luật Quản lý thuế, bao gồm: chiến tranh, bạo loạn, đình công phải ngừng, nghỉ sản xuất, kinh doanh hoặc rủi ro không thuộc nguyên nhân, trách nhiệm chủ quan của người nộp thuế mà người nộp thuế không có khả năng nguồn tài chính nộp ngân sách nhà nước.
Xét thấy, về mặt câu chữ trong định nghĩa này thì hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng cũng không thuộc các trường hợp bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ được quy định chi tiết tại nghị định 126/2020/NĐ-CP.
Áp dụng nguyên tác ưu tiên áp dụng luật được chia sẻ trong bài “Nguyên tắc áp dụng pháp luật và cách vận dụng văn bản phù hợp cho các chủ thể chịu sự điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật“, mở rộng phạm vi tìm hiểu sang luật chung, trong trường hợp này luật chung cần xem xét là Bộ luật dân sự 2015, tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trường hợp bất khả kháng hay còn gọi là sự kiện bất khả kháng như sau:
“Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.“
Theo quy định này của Bộ luật dân sự 2015 thì hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng là sự kiện xảy ra hoàn toàn có thể lường trước và cũng có thể khắc phục được nên chắc chắn cũng không phải là trường hợp bất khả kháng được quy định tại luật chung.
Từ các cơ sở pháp lý được chúng tôi trích dẫn trên, chúng tôi hoàn toàn có đủ cơ sở để khẳng định hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng không thuộc trường hợp bất khả kháng theo các quy định của cả luật riêng và luật chung đang có giá trị pháp lý tại thời điểm hiện hành. Như vậy, nếu xét trong tổng thể hướng dẫn tại tiết b, mục 2.1, khoản 2, điều 6 Thông tư 96/TT-BTC thì hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng, không được bồi thường thì không thuộc trường hợp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo hướng dẫn tại tiết b, mục 2.1, khoản 2, điều 6 Thông tư 96/TT-BTC.
- Vậy thì, hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng, không được bồi thường có được tính vào chi phí được trừ không?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần áp dụng quy định khoản 2, điều 156, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2020 để xem xét đến các quy định và hướng dẫn liên quan đến các khoản chi phí được trừ và không được trừ được quy định trong các văn bản pháp lý liên quan, cụ thể:
Theo quy định tại khoản 9, điều Luật thuế TNDN thì các khoản chi thoả mãn quy định tại khoản 1, điều 9 và không thuộc trường hợp không được trừ tại khoản 2, điều 9 sẽ được trừ toàn bộ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Xét thấy, đối với hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng, không được bồi thường hoàn toàn đáp ứng quy định tại khoản 1 và không thuộc các trường hợp không được trừ tại khoản 2, điều 9 luật thuế TNDN. Do đó, nếu xét theo Luật thuế TNDN thì đây hoàn toàn là khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Tuy nhiên, quy định tại điều này, quốc hội có giao cho Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nên chúng ta cần xem xét tiếp các nội dung trong Nghị định của chính phủ.
Theo đó, tại khoản 2, điều 9 của Nghị định cũng không có bất kỳ chỗ nào quy định chi tiết hay hướng dẫn hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng, không được bồi thường thì không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Như vậy, theo Nghị định thì khoản chí phí này nếu doanh nghiệp chứng minh đáp ứng được các điều kiện quy định tại khoản 1, điều 9 thì cũng được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Do quy định tại Điều 9 của Nghị định, Chính phủ tiếp tục giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể. Do đó, chúng ta cũng buộc phải xem xét đến các nội dung hướng dẫn tại Thông tư của Bộ Tài chính. Trong trường hợp này là Thông tư 96/2015/TT-BTC như trình bày phần trên.
Tóm lại, để bảo vệ khoản chi phí phát sinh do hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng, không được bồi thường được tính vào chi phí được trừ việc của doanh nghiệp và người nộp thuế nói chung là phải chứng minh khoản chi phí này thuộc quy định tại khoản 1, điều 9, Luật thuế TNDN; khoản 1, điều 9 Nghị định 218/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 91/2014/NĐ-CP và Nghị định 12/2015/NĐ-CP; và khoản 1, điều 6, Thông tư 96/2015/TT-BTC chứ không phải thuộc trường hợp hướng dẫn tại tiết b, mục 2.1, khoản 2, điều 6 Thông tư 96/TT-BTC.
Thực tế đang diễn ra
Về phía người làm kế toán, tư vấn thuế và doanh nghiệp hầu như chưa xem xét kỹ lưỡng trong tổng thể các quy định, hướng dẫn của pháp luật mà chỉ dựa vào các câu chữ trong Thông tư, cụ thể là hướng dẫn tại tiết b, mục 2.1, khoản 2, điều 6 Thông tư 96/TT-BT cùng chỉ nhau bám theo để:
- Xử lý các trường hợp hàng hoá bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng, không được bồi thường phát sinh thật tại đơn vị mình, lưu hổ sơ để đó chờ tiếp đoàn thanh tra, kiểm tra;
- “Cân đối” đối với hàng hoá đã bán ra cho khách hàng nhưng đối tượng là cá nhân không có nhu cầu lấy hoá đơn, kế toán không xuất hoá đơn, không xuất hàng, không ghi nhận sổ sách,… kéo theo hàng tồn kho trên sổ sách lớn hơn thực tế rất nhiều (đặc biệt phát sinh nhiều trong nhóm hàng tiêu dùng). Các “chuyên gia tư vấn thuế, các chuyên gia kế toán” tư vấn cho chủ doanh nghiệp áp dụng tiết b, mục 2.1, khoản 2, điều 6 Thông tư 96/TT-BT lập hồ sơ huỷ hàng và ghi nhận chi phí vừa lợi chi phí vừa lợi doanh thu và đua nhau chia sẻ thành tích, quảng bá nhận khách hàng vì mang lợi cho doanh nghiệp.
Về phía cơ quan thuế, không phải cơ quan thuế nào, cán bộ thuế nào cũng có cách hiểu như nhau nhưng phần lớn cũng bám vào câu chữ hướng dẫn tại tiết b, mục 2.1, khoản 2, điều 6 Thông tư 96/TT-BT để xem xét cho doanh nghiệp tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nhưng cũng có trường hợp cơ quan thuế không chấp nhận khi xem xét tổng thể của văn bản như chúng tôi trình này trên. Khi đó, doanh nghiệp sẽ gặp không ít rắc rối phát sinh và chắc chắn kéo theo không ít hệ luỵ liên quan đến pháp lý.
Ý kiến góp ý
Thứ nhất, một thực trạng chung đã tồn tại kéo dài trong suốt thời gian qua, gần đây đã được Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Bộ Tư pháp và các cơ quan truyền thông liên tục lên tiếng đấy là việc các cơ quan soạn thảo khi chấp bút cho các văn bản quy phạm pháp luật chưa xem xét đầy đủ đến các quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến việc hướng dẫn vượt ngoài phạm vi quy định, được giao của văn bản có giá trị pháp lý;
Thứ hai, các thức, bố cục của văn bản hướng dẫn còn nhiều chỗ chưa rõ ràng, thiếu tính nhất quán, các thuật ngữ được sử dụng chưa được định nghĩa hoặc chua phù hợp với các thuật ngữ đã được định nghĩa tại các văn bản có giá trị pháp lý khác, hướng dẫn chưa rõ ràng, đầy đủ… nên khi triển khai vào thực tế đã gặp nhiều vướng mắc là điều khó tránh khỏi;
VD: Chỉ riêng các khoản chi phí được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đã có hàng loạt các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện vượt cả các quy định của Luật thuế TNDN nhưng vẫn tồn tại kéo dài trong suốt thời gian qua như nội dung khống chế chi phí lãi vay, các khoản chi phí khấu hao, chi phí tiền lương giám đốc Công ty TNHH MTV do cá nhân làm chủ,… và khoản chi phí tổn thất do hàng hoá hư hỏng, hết hạn sử dụng như đề cập trên.
Theo quan điểm của chúng tôi, cơ quan soạn thảo cần rà soát lại toàn bộ các văn bản liên quan đã ban hành trước đây nếu có phát sinh những điểm chưa phù hợp, tiến hành chỉnh sửa, bổ sung ngay để đảm bảo giá trị pháp lý của văn bản khi triển khai vào thực tế, hạn chế tối đa các vướng mắc, xung đột pháp lý phát sinh kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người dân nói chung.
Thứ hai, các văn bản hướng dẫn chưa rõ ràng, minh bạch dẫn đến cùng một nội dung nhưng có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến nhiều hệ luỵ phát sinh cho người nộp thuế nói chung, gây thiệt hại rất lớn cho nguồn lực xã hội và không loại trừ cả tiêu cực phát sinh,… làm mất niềm tin nơi các nhà đầu tư, giảm sức cạnh tranh trên trường quốc tế là điều khó tránh khỏi.
Tương tự như trên, các văn bản hướng dẫn ngoài việc tuân thủ các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật để tránh vượt thẩm quyền cần bám sát tình hình thực tế và nên quy định rõ ràng, minh bạch từng trường hợp cụ thể để các đối tượng chịu sự điều chỉnh của các văn bản đấy phải có cách hiểu thống nhất, tránh xảy ra tình trạng áp đặt quan điểm cá nhân dẫn đến xung đột pháp lý kéo dài
Thứ ba, để hạn chế tối đa các rủi ro cho người nộp thuế, hạn chế việc lợi dụng các quy định, hướng dẫn chưa rõ ràng nhằm mục đích gian lận, trốn thuế gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên liên quan, ngăn chặn tình trạng chỉ nhau chưa đúng tràn lan trên các diễn đàn, MXH,… làm thất thu cho nguồn thu của nhà nước chúng tôi thiết nghĩ cơ quan quản lý nhà nước cần có văn bản giải thích rõ nội dung này và tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định, hướng dẫn liên quan trong chương trình làm luật sắp tới.
Thứ tư, về phía người nộp thuế nên hết sức cẩn thận khi áp dụng các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực kế toán, thuế để hạn chế tối đa các rủi ro phát sinh cho doanh nghiệp và cá nhân người đứng dầu đơn vị. Nếu chỉ nghe theo (đặc biệt các chuyên gia bày “CÂN ĐỐI”) để hạn chế thuế, cân đối thuế,… vì lợi ích trước mắt có thể dẫn đến các vi phạm pháp luật nhẹ thì hành chính, truy thu, phạt thuế nặng hơn có thể dẫn đến tội hình sự theo quy định tại các điều 200 và 221 Bộ luật hình sự 2015 mà không hay biết.
Trên đây là quan điểm cá nhân người viết dựa trên sự hiểu biết có hạn về các quy định pháp luật hiện hành nếu có nội dung nào chưa phù hợp hoặc cần trao đổi thêm, rất mong nhận được ý kiến đóng góp từ bạn đọc để bài viết được hoàn thiện hơn.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ luật dân sự 2015;
- Bộ luật hình sự 2015;
- Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2020;
- Luật thuế TNDN hiện hành;
- Các Nghị định quy định chi tiết Luật thuế TNDN;
- Các Thông tư hướng dẫn thuế TNDN.
Tin liên quan
Một cá nhân đại diện hai pháp nhân ký hợp đồng được không?
Khách hàng đặt câu hỏi: “Em là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH 2 thành viên A và cũng là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH 2 thành viên B. Như vậy khi giữa A và B có phát sinh giao dịch mua bán,...
Xuất sai 1.000 hóa đơn phạt 1.000 hành vi hay chỉ phạt 01 hành vi và thêm tình tiết tăng nặng
Một bạn là hội viên Chi hội Kế toán Hiểu đúng – Làm đúng đã gửi cho Ban tư vấn câu hỏi Em mong Ban tư vấn hỗ trợ giải đáp và làm rõ giúp em nội dung liên quan đến việc xử phạt đối với hành vi xuất hóa...
Nguyên tắc áp dụng pháp luật và cách vận dụng văn bản phù hợp cho các chủ thể chịu sự điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật
Nghiên cứu pháp luật ở một số nước, đặc biệt là pháp luật ở những nước theo hệ thống dân luật (Civil law – truyền thống pháp điển hóa) mà Việt Nam chúng ta cũng đang áp dụng đều có một điểm chung là quy định nguyên tắc “ưu tiên...
DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI BÁN GẠO CHO NHÀ HÀNG, THUẾ SUẤT THUẾ GTGT BAO NHIÊU %?
Câu hỏi này mới đọc, chắc hầu hết người làm Kế toán, thuế thậm chí chỉ biết chút ít về kế toán như kinh doanh, mua bán cũng có thể trả lời được ngay. Nhưng nếu quay về đúng với bản chất, đạo lý của thuế GTGT cũng như các...
Thanh toán khi nhà cung cấp giải thể thực hiện như thế nào?
YÊU CẦU TƯ VẤN Câu hỏi: Em có câu hỏi muốn trình bày như sau: Công ty em mua hàng hóa của nhà cung cấp A. Hiện bên em vẫn còn công nợ với Nhà cung cấp A. Bây giờ bên nhà cung cấp họ yêu cầu bên e thanh...