Nghiên cứu pháp luật ở một số nước, đặc biệt là pháp luật ở những nước theo hệ thống dân luật (Civil law – truyền thống pháp điển hóa) mà Việt Nam chúng ta cũng đang áp dụng đều có một điểm chung là quy định nguyên tắc “ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành trước luật chung” và nguyên tắc “ưu tiên áp dụng luật được ban hành sau (trong trường hợp văn bản do cùng một chủ thể ban hành)”.
Việc duy trì sự tồn tại và kết nối giữa hai nguyên tắc này trong xây dựng hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm tính thống nhất của pháp luật quốc gia được các nước áp dụng rất chặt chẽ từ khâu lập pháp, tư pháp đến hành pháp để qua đó hệ thống pháp luật được vận hành một cách trơn tru, hạn chế tối đa sự chồng chéo giữa các văn bản luật với nhau và để có thể nâng cao hiệu quả trong việc áp dụng thống nhất pháp luật giữa các chủ thể chịu sự điều chỉnh của pháp luật nói chung.
Mặc dù trên thế giới đang tồn tại nhiều nguyên tắc khác bên cạnh hai nguyên tắc trên. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung phân tích hai nguyên tắc “ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành trước luật chung” và “ưu tiên áp dụng luật được ban hành sau” vì nó có ảnh hưởng trực tiếp đến cách thức áp dụng hệ thống pháp luật tại Việt Nam chúng ta. Bên cạnh đó, bài viết này chúng tôi cũng sẽ phân tích và chỉ ra cho bạn đọc hiểu về cách thức áp dụng văn bản trong một số trường hợp cụ thể theo hướng phù hợp nhất cho các chủ thể chịu sự điều chỉnh của pháp luật, phù hợp với đặc thù và đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật Việt Nam, cụ thể trong các văn bản về thuế đang có hiệu lực hiện hành.
- Nguyên tắc “ưu tiên áp dụng luật được ban hành sau”:
Đây là nguyên tắc cơ bản trong áp dụng pháp luật ở các nước theo truyền thống pháp điển hóa (Dân luật), nguyên tắc này có nguồn gốc từ Luật La Mã (Lex posterior derogat legi priori) và được nhiều quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Đức, Hàn Quốc, Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha,… đang áp dụng.
Ở Việt Nam, nguyên tắc này cũng được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (BHVBQPPL), cụ thể quy định:
“Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.”
Đây là một nguyên tắc vô cùng quan trọng nhưng không phải ai cũng biết, cũng hiểu để áp dụng đúng pháp luật cho công việc của mình và cũng là nguyên nhân chính gây nên sự xáo trộn lớn trong cách hiểu và áp dụng văn bản pháp luật tại Việt Nam trong suốt thời gian qua khi mà luật của nước ta thường thiếu tính ổn định, có chu kỳ ngắn do thiếu tính dự báo và chưa mang tính đồng bộ cũng như tính phổ quang cao dẫn đến việc thường xuyên diễn ra tình trạng luật sau chồng chéo lên luật trước gây khó khăn cho các bên chịu sự điều chỉnh của văn bản pháp luật liên quan.
Ví dụ: Luật Kế toán 2015 đã quy định về điều kiện hành nghề dịch vụ kế toán, đến Luật Quản lý thuế 2019 cũng có nội quy định về điều kiện hành nghề dịch vụ kế toán. Như vậy, cả hai luật này có cùng cơ quan ban hành là Quốc hội, cùng quy định nội dung liên quan đến điều kiện hành nghề dịch vụ kế toán thì khi áp dụng nguyên tắc “ưu tiên áp dụng luật được ban hành sau”, Luật Quản lý thuế 2019 nếu có quy định khác so với Luật Kế toán thì sẽ là văn bản được ưu tiên áp dụng trong trường hợp này.
- Nguyên tắc “ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành trước luật chung”:
Đây cũng là một nguyên tắc có nguồn gốc từ Luật La Mã (Lex specialis derogat legi generali). Nguyên tắc này cũng được quy định trong hệ thống pháp luật ở nhiều nước theo truyền thống pháp điển (Dân luật), đặc biệt trong pháp luật dân sự và luật điều ước quốc tế và cũng được áp dụng rộng rãi tại rất nhiều quốc gia trên thế giới.
Ở Việt Nam, Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) cũng đã quy định tại khoản 1 Điều 4 BLDS 2015: “Bộ luật này là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự”.
Với nguyên tắc này, BLDS của Việt Nam là luật chung điều chỉnh toàn bộ các quan hệ pháp luật thuộc “pháp luật dân sự” nói chung.
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 4 BLDS 2015 quy định: “Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này”;
Khoản 3 Điều 4 BLDS cũng quy định: “Trường hợp luật khác có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng vi phạm khoản 2 Điều này thì quy định của Bộ luật này được áp dụng”.
Như vậy, với quy định trên, BLDS của nước ta đã thể hiện rõ ràng và đầy đủ tinh thần, nguyên lý chung của nguyên tắc “Lex specialis derogat legi generali – ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành trước luật chung” của Luật La Mã. Theo đó, do đặc thù của quan hệ chuyên ngành, các quan hệ có cùng bản chất pháp lý, luật riêng hoặc luật chuyên ngành có thể quy định khác BLDS, nhưng không được trái với các nguyên tắc chung của luật dân sự.
Ví dụ: Liên quan đến thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong Luật Xử phạt vi phạm hành chính quy định “Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế”; Liên quan đến vấn đề lãi suất, Điều 468 BLDS 2015 quy định việc áp dụng mức trần lãi suất vay 20%, trừ “trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. “luật khác” ở đây được hiểu là luật riêng, luật chuyên ngành hay chính là Luật Ngân hàng, Luật Các tổ chức tín dụng,…).
Trong hệ thống pháp luật nước ta hiện nay, việc diễn đạt nguyên tắc pháp luật chuyên ngành được ưu tiên áp dụng trước luật chung được thể hiện dưới hình thức (1) ghi rõ trong điều khoản áp dụng luật của luật chuyên ngành như Luật thương mại, Bộ luật hàng hải,… hoặc (2) dành riêng một điều, khoản ngay trong các luật chung hoặc luật liên quan khác như Luật Đầu tư 2020, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, Luật Xử phạt vi phạm hành chính,…Nhìn chung, trong các văn bản luật của Việt Nam chưa có sự thống nhất trong cách thể hiện và phân biệt giữa luật chung và luật riêng/luật chuyên ngành. Sự chưa thống nhất này đã gây không ít khó khăn cho các đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật, làm phát sinh nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến việc hiểu, áp dụng và vận dụng luật chưa thống nhất dễ dẫn đến xung đột pháp lý, tình trạng kiện cáo kéo dài gây thiệt hại rất lớn cho nguồn lực xã hội nói chung.
Mặc dù pháp luật Việt Nam đã xác định hai nguyên tắc áp dụng pháp luật nêu trên, nhưng các quy định và việc thực hiện quy định hiện hành về nguyên tắc áp dụng pháp luật vẫn còn một số hạn chế sau:
Thứ nhất, các quy định hiện hành trong văn bản luật của Việt Nam chưa xác định rõ thứ tự ưu tiên khi áp dụng hai nguyên tắc này, dẫn đến tình trạng khi phát sinh xung đột, mâu thuẫn trong cách áp dụng sẽ không thể xác định được nguyên tắc nào sẽ ưu tiên áp dụng trước;
Thứ hai, như trình bày ở trên khi tham khảo kỹ các quy định hiện hành trong hệ thống pháp luật Việt Nam chúng tôi cũng không xác định rõ luật nào là luật chung, luật nào là luật riêng/luật chuyên ngành để khi phát sinh xung đột có thể vận dụng nguyên tắc “ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành trước luật chung” khi giải quyết các mâu thuẩn phát sinh; Trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam cũng không có chỗ nào quy định rõ trong trường hợp luật chuyên ngành ban hành trước thì khi phát sinh xung đột pháp lý sẽ ưu tiên áp dụng quy định của luật nào,…
Ví dụ: Về lý thuyết, Luật Đầu tư quy định về thủ tục đầu tư được xem là “luật chung” so với các luật khác nhưng hiện nay chúng ta không tìm thấy bất cứ quy định nào xác nhận điều này cả. Thế nhưng, trong thực tế, mặc dù Luật Đầu tư đã quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đầu tư chung cho các dự án đầu tư và không có bất kỳ điều khoản nào của Luật Đầu tư quy định các luật khác có thể được quy định thêm về hồ sơ, trình tự, thủ tục đầu tư. Nhưng một số “luật chuyên ngành” khác vẫn lại yêu cầu thêm về giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ thực hiện thủ tục đầu tư làm cho các nhà đầu tư “rối loạn đội hình” khi chuẩn bị bộ hồ sơ cho dự án hoặc như Luật Quản lý thuế là luật chung điều chỉnh các nội dung liên quan đến thủ tục thuế nói chung nhưng đã chen vào điều chỉnh cả về kế toán, ngân hàng… (Kế toán và Ngân hàng được điều chỉnh bởi luật chuyên ngành). Như vậy, nếu áp dụng nguyên tắc “ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành trước luật chung” thì trong trường hợp này luật áp dụng sẽ là luật nào?
Thứ ba, chính vì tình trạng không rõ ràng trên đã xảy ra nhiều trường hợp một số bộ, ngành lạm dụng nguyên tắc “ưu tiên áp dụng pháp luật ban hành sau” để ban hành nhiều quy định đặc thù có lợi cho bộ, ngành, lĩnh vực quản lý của mình (VD: Luật Quản lý thuế 2019 vừa rồi là một ví dụ điển hình) dẫn đến nguy cơ hệ thống pháp luật bị chồng chéo, không thống nhất, người dân và doanh nghiệp nói chung như đang đi trong rừng, không biết đâu để lần lối ra.
- Áp dụng vào thực tiễn
Để làm rõ việc áp dụng hai nguyên tắc trên, chúng ta thử áp vào thực tế công việc của mình liên quan đến thời hạn nộp hồ sơ khai thuế TNDN năm 2023 mà mấy ngày qua có nhiều bạn nhắn tin, gọi điện trao đổi với tôi về văn bản áp dụng trong trường hợp này là văn bản nào?
Thứ nhất, nếu áp dụng nguyên tắc “ưu tiên áp dụng luật được ban hành sau” thì trong trường hợp này, Luật Quản lý thuế 2019 là luật được ban hành sau so với Bộ luật dân sự 2015 và Luật Kế toán 2015. Do đó, nếu quy định cùng một nội dung thì Luật Quản lý thuế 2019 sẽ là Luật được ưu tiên áp dụng trong trường hợp này;
Thứ hai, nếu áp dụng nguyên tắc “ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành trước luật chung” thì trong trường hợp này, Luật Quản lý thuế 2019 chính là luật chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý thuế còn Bộ luật dân sự 2015 lại là luật chung, Luật Kế toán 2015 lại là luật chuyên ngành trong lĩnh vực kế toán. Do đó, Luật Quản lý thuế 2019 cũng sẽ là luật được ưu tiên áp dụng trong trường hợp này.
Từ việc áp dụng hai nguyên tắc trên, chúng ta có thể khẳng định không chỉ liên quan đến thời hạn nộp hồ sơ khai thuế TNDN mà các lĩnh vực khác liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý thuế, đã được quy định cụ thể trong Luật Quản lý thuế, thì không việc gì phải bàn thêm các nội dung đã được quy định trong Bộ luật dân sự, Luật Kế toán hay các luật khác nếu các luật này được ban hành trước Luật Quản lý thuế nhưng có nội dung điều chỉnh liên quan đến quản lý thuế nói chung.
Theo đó, tại khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019 đã quy định như sau:
“Điều 44. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế
…
- Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế có kỳ tính thuế theo năm được quy định như sau:
a) Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm; chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm;
…”
Ngày cuối cùng để nộp hồ sơ quyết toán thuế năm 2023 là ngày 31/3/2024 không có gì phải bàn cãi thêm.
Tới đây, một nội dung mà chúng ta cần làm sáng tỏ để áp dụng đúng, đủ quy định về thời hạn nộp các hồ sơ khai thuế năm đấy là gồm những hồ sơ nào?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta xem xét quy định tại khoản 3 Điều 43 Luật Quản lý thuế 2019, theo đó:
“3. Hồ sơ khai thuế đối với loại thuế có kỳ tính thuế theo năm bao gồm:
- a) Hồ sơ khai thuế năm gồm tờ khai thuế năm và các tài liệu khác có liên quan đến xác định số tiền thuế phải nộp;
- b) Hồ sơ khai quyết toán thuế khi kết thúc năm gồm tờ khai quyết toán thuế năm, báo cáo tài chính năm, tờ khai giao dịch liên kết; các tài liệu khác có liên quan đến quyết toán thuế.
Điều 43 Luật Quản lý thuế đã quy định rất rõ ràng và đầy đủ bộ hồ sơ quyết toán năm 2023 mà người nộp thuế phải nộp chậm nhất vào ngày 31/3/2024 gồm tờ khai quyết toán thuế năm, báo cáo tài chính năm, tờ khai giao dịch liên kết.
Như vậy, nếu BCTC nộp cho cơ quan thuế (ở đây chúng tôi không bàn đến BCTC nộp cho các cơ quan khác nếu có) thì thời hạn cuối cùng phải nộp cũng là 31/3/2024 chứ không phải ngày 30/3/2024 theo quy định của Luật Kế toán.
- Vận dụng văn bản phù hợp cho các chủ thể liên quan
Quay lại với trường hợp thực tiễn như trao đổi tại mục 3, để vận dụng phù hợp, đúng và có lợi cho người nộp thuế (đây cũng là 01 nguyên tắc áp dụng pháp luật tại Việt Nam) trong trường hợp này, chúng ta không dừng lại ở việc áp dụng hai nguyên tắc trên mà cần nghiên cứu thêm các quy định của pháp luật một cách tổng thể và toàn diện hơn để áp dụng hoặc bảo vệ tốt nhất cho mình trong trường hợp có phát sinh mâu thuẫn hay xung đột pháp lý trong cách hiểu và áp dụng văn bản pháp luật, hiểu để bảo vệ mình trên tinh thần tuân thủ và hiểu biết pháp luật nhằm tạo ra giá trị cho bản thân, bớt rủi ro cho doanh nghiệp và góp phần lan tỏa giá trị của tinh thần hiểu đúng, làm đúng nói chung.
Tình huống đặt ra, nếu trong kỳ quyết toán thuế TNDN năm 2023, vì lí do nào đó (trừ lỗi của phần mềm thuế đã được cơ quan thuế thông báo hoặc các trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật nếu có) người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế TNDN năm 2023 vào ngày 01/4/2024 thì có bị phạt chậm nộp hay không?
Câu trả lời là KHÔNG vì mặc dù căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019 thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế năm 2023 là 31/3/2024 không có gì phải bàn cãi ở đây cả. Nhưng nếu chỉ hiểu tới đây, chúng ta sẽ (1) Chấp nhận bị phạt vi phạm hành chính về chậm nộp hồ sơ quyết toán thuế; hoặc (2) Loay hoay tìm kiếm các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác chưa chắc đã phù hợp với các nguyên tắc áp dụng pháp luật để tự chống chế cho mình nhưng chưa chắc đã đảm bảo về tính pháp lý liên quan như đã phân tích trên.
Theo quan điểm của chúng tôi dựa trên các quy định pháp luật hiện hành, để không bị xử phạt trong trường hợp này, chúng ta sẽ vận dụng vào chính các quy định của Luật quản lý thuế để áp dụng, cụ thể:
Căn cứ Điều 86 Thông tư 80/2021/TT-BTC hướng dẫn về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thì “… Trường hợp thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế trùng với ngày nghỉ theo quy định thì thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế được tính là ngày làm việc tiếp theo của ngày nghỉ đó, theo quy định của Bộ luật dân sự”.
Như vậy, theo hướng dẫn của Thông tư 80/2021/TT-BTC thì thời gian cuối cùng để nộp hồ sơ quyết toán thuế TNDN 2023 là ngày 01/4/2024. Lại 01 câu hỏi khác đặt ra là Thông tư này hướng dẫn khác với Luật quản lý thuế, nếu áp dụng Thông tư này liệu rằng có đảm bảo không bị phạt không?
Để trả lời câu hỏi này chúng ta căn cứ theo quy định tại khoản 11 Điều 16 Luật Quản lý thuế 2019, theo đó, Luật quy định:
“- Không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do người nộp thuế thực hiện theo văn bản hướng dẫn và quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.”
Xét Thông tư số 80/2021/TT-BTC chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định đây là một văn bản hướng dẫn chi tiết một số Điều của Luật Quản lý thuế 2019 do Bộ Tài chính là cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan ban hành. Do đó, khi người nộp thuế thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế là hoàn toàn phù hợp với quy định tại khoản 11 Điều 16 Luật Quản lý thuế 2019.
Tóm lại, thay vì tìm cách vận dụng các văn bản khác nhưng không hoặc chưa đảm bảo các nguyên tắc áp dụng hoặc đủ cơ sở pháp lý, nếu nghiên cứu sâu, hiểu kỹ và vận dụng đúng chính các văn bản có giá trị pháp lý liên quan trực tiếp đến vụ việc của mình chúng ta hoàn toàn tự tin để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp và khách hàng của mình nếu lỡ không may bị rơi vào các trường hợp không mong muốn như nội dung chia sẻ trên. Chúng tôi hy vọng, qua nội dung chia sẻ này bạn đọc sẽ hiểu và nhận ra nhiều giá trị trong cách đọc, hiểu và áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật, góp phần nâng cao giá trị bản thân trên con đường chinh phục các mục tiêu nghề nghiệp.
Xin mượn câu nói của một anh bạn làm trong ngành thuế đã từng chia sẻ để thay cho lời kết
“Đọc văn bản, ai biết chữ cũng có thể đọc
Hiểu văn bản, nhiều người có thể hiểu
Nhưng biết vận dụng đúng văn bản, hiếm người có thể làm được”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Giáo trình giảng dạy Bộ luật dân sự Trường đại học Luật Tp.HCM;
- Bài viết của TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đăng trên Tạp chí pháp luật;
- Công ước Viên năm 1969 về Luật Điều ước quốc tế;
- Bộ luật dân sự 2015;
- Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015;
- Luật Kế toán 2015;
- Luật quản lý thuế 2019;
- Luật xử phạt vi phạm hành chính 2020;
- Nghị định 26/2020/NĐ-CP;
- Thông tư 80/2021/TT-BTC.
Tin liên quan
Một cá nhân đại diện hai pháp nhân ký hợp đồng được không?
Khách hàng đặt câu hỏi: “Em là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH 2 thành viên A và cũng là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH 2 thành viên B. Như vậy khi giữa A và B có phát sinh giao dịch mua bán,...
Làm sao để hàng hóa bị hư hỏng được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế?
Mới đọc qua tiêu đề bài viết nhiều người đang công tác trong lĩnh vực kế toán, thuế có dành thời gian tìm hiểu về các chính sách, văn bản pháp luật nói chung hoặc có nghe các bạn làm kế toán tư vấn sẽ ngay lập tức cho rằng...
Xuất sai 1.000 hóa đơn phạt 1.000 hành vi hay chỉ phạt 01 hành vi và thêm tình tiết tăng nặng
Một bạn là hội viên Chi hội Kế toán Hiểu đúng – Làm đúng đã gửi cho Ban tư vấn câu hỏi Em mong Ban tư vấn hỗ trợ giải đáp và làm rõ giúp em nội dung liên quan đến việc xử phạt đối với hành vi xuất hóa...
DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI BÁN GẠO CHO NHÀ HÀNG, THUẾ SUẤT THUẾ GTGT BAO NHIÊU %?
Câu hỏi này mới đọc, chắc hầu hết người làm Kế toán, thuế thậm chí chỉ biết chút ít về kế toán như kinh doanh, mua bán cũng có thể trả lời được ngay. Nhưng nếu quay về đúng với bản chất, đạo lý của thuế GTGT cũng như các...
Thanh toán khi nhà cung cấp giải thể thực hiện như thế nào?
YÊU CẦU TƯ VẤN Câu hỏi: Em có câu hỏi muốn trình bày như sau: Công ty em mua hàng hóa của nhà cung cấp A. Hiện bên em vẫn còn công nợ với Nhà cung cấp A. Bây giờ bên nhà cung cấp họ yêu cầu bên e thanh...