Các hành vi gian lận thuế nội địa
Bỏ ngoài sổ sách kế toán
Đây là thủ đoạn khá phổ biến hiện nay. Theo đó, người nộp thuế thường sử dụng đồng thời hai hệ thống sổ sách kế toán, một hệ thống sổ kế toán nội bộ phản ánh đầy đủ các giao dịch kinh tế, hệ thống kế toán còn lại chỉ phản ánh một phần các giao dịch kinh tế để khai thuế. Kiểu hành vi này thường xảy ra ở các doanh nghiệp (DN) dân doanh hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ, ăn uống, khách sạn, xây dựng dân dụng và sản xuất nhỏ. Đây chính là một kiểu hoạt động kinh tế ngầm mà môi trường thuận lợi của nó là nền kinh tế tiền mặt. Rất khó có thể xác định được số thuế thất thu do hành vi trốn thuế này gây ra vì nếu xác định được thì đã không xảy ra thất thu thuế.
Một số vụ trốn thuế bị phanh phui thời gian qua cho thấy hành vi này khá phổ biến và gây thất thu ngân sách. Chẳng hạn, Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) thông tin tín nhiệm và xếp hạng DN Việt Nam đã trốn thuế 1.028 triệu đồng qua hành vi không ghi sổ kế toán tiền bán quyền mua căn hộ; Công ty Viễn thông điện lực bán hàng không xuất hóa đơn, không phản ánh vào sổ kế toán để trốn thuế 37 tỷ đồng.
Tạo giao dịch bán hàng giả mạo
Mục tiêu của thủ đoạn này là chiếm đoạt tiền ngân sách nhà nước (NSNN) thông qua hoàn thuế hoặc tiếp tay cho hành vi tham nhũng NSNN của một bộ phận công chức được giao nhiệm vụ mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan nhà nước. Thủ đoạn này cũng liên quan đến hành vi giao dịch mua hàng giả mạo sẽ phân tích dưới đây nhằm giúp cho bên mua tăng thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào được khấu trừ và giảm chi phí tính thuế thu nhập DN.
Điển hình cho thủ đoạn này là hành vi xuất khẩu khống nhằm chiếm đoạt tiền qua hoàn thuế GTGT từ NSNN. Xuất khẩu khống chủ yếu diễn ra đối với phương thức xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới. Dạng gian lận này đã có một thời bị ngăn chặn đấu tranh quyết liệt nên giảm bớt nhưng trong vài năm gần đây lại có xu hướng bùng phát với những hình thức tinh vi hơn, đặc biệt có dấu hiệu trầm trọng là ở các tỉnh giáp ranh Campuchia. Lợi dụng hệ thống sông ngòi chằng chịt để quay vòng hàng hóa: Sau khi làm thủ tục xuất khẩu sang nước bạn thì lại đưa hàng hóa quay trở lại Việt Nam không qua cửa khẩu, rồi sau đó lại làm thủ tục xuất khẩu. Trong trường hợp này, các đối tượng cấu kết với đối tác nước ngoài để hoàn tất các thủ tục để đủ điều kiện đề nghị hoàn thuế GTGT. Cùng với đó, các đối tượng này cũng áp dụng chiêu thức mua hóa đơn để hợp thức hóa thuế GTGT đầu vào và chi phí tính thuế thu nhập DN. Không phải ngẫu nhiên mà kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Campuchia tăng nhanh đáng ngờ, kèm theo đó, số tiền hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu sang Campuchia cũng tăng nhanh chóng: Năm 2011 tăng 196,4% so với năm 2010, năm 2012 tăng 190% so với năm 2011.
Ngoài xuất khẩu khống, giao dịch bán hàng hóa, dịch vụ giả mạo còn được thực hiện chủ yếu thông qua các hợp đồng bán hàng khống; các hợp đồng cung cấp dịch vụ khống và xuất hóa đơn khống. Hành vi này được thực hiện ở cả DN “ma” và cả ở các DN đang hoạt động kinh doanh bình thường.
Tạo giao dịch mua hàng giả mạo
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính trung bình hằng năm có khoảng 10.000 mẫu hàng hóa được phân tích phân loại. Trong đó, mẫu khai đúng chiếm khoảng 47%, sai khoảng 53%, giảm thuế khoảng 7,4%.
Đây là hành vi trốn thuế khá phổ biến hiện nay, thực tế DN không có khoản chi này nhưng đã tự tạo ra chứng từ để hợp pháp hóa khoản chi không có thực, vì thế có thể gọi đây là chi khống. Chi khống thể hiện qua những bảng kê thanh toán giả mạo với chữ ký giả, hợp đồng lao động giả mạo (có trường hợp tên người lao động không có thật; có trường hợp tên người lao động là có thật nhưng thực sự không làm việc cho DN đó) và thể hiện ở những hóa đơn đi mua của cơ sở kinh doanh khác. Bằng hành vi này, DN không chỉ trốn thuế thu nhập DN mà còn trốn cả thuế GTGT thông qua việc khấu trừ khống thuế GTGT đầu vào. Đối với những hóa đơn đi mua, để phát hiện, cơ quan thuế phải làm tốt công tác đối chiếu, xác minh. Thực tế thời gian qua, thông qua công tác đối chiếu hóa đơn, cơ quan thuế các địa phương đã phát hiện khá nhiều trường hợp gian lận. Chẳng hạn, năm 2012, Cục Thuế Hà Nội đã gửi 10.200 phiếu xác minh hóa đơn, gồm 28.444 số; kết quả trả lời xác minh 7.570 phiếu, chiếm 74,21% số phiếu gửi đi. Qua xác minh hóa đơn và thanh tra, kiểm tra, phát hiện 786 hóa đơn vi phạm, truy thu thuế GTGT là 1.198 triệu đồng, thuế thu nhập DN là 1.658 triệu đồng và xử phạt hành vi trốn thuế 646 triệu đồng, xử phạt hành chính 369 triệu đồng”. Tuy nhiên, với công nghệ đối chiếu hóa đơn thủ công như hiện nay thì hiệu quả còn rất thấp, bởi vì tỷ lệ hóa đơn có thể đối chiếu so với số hóa đơn cần đối chiếu là quá nhỏ. Hơn nữa, trong trường hợp DN bán hóa đơn sử dụng hóa đơn của những khách hàng không lấy để bán cho những người có nhu cầu mua hóa đơn thì việc đối chiếu cũng không đem lại kết quả.
Thủ đoạn tạo giao dịch mua hàng giả mạo không hoàn toàn trùng với thủ đoạn thành lập DN “ma”, do việc tạo giao dịch mua hàng giả mạo không chỉ thực hiện thông qua hành vi mua hóa đơn, song giữa chúng có mối liên hệ mật thiết. DN “ma” là DN được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhưng thực tế không sản xuất kinh doanh, chỉ nhằm mục đích đủ điều kiện để được phát hành hoá đơn, từ đó bán hóa đơn cho các đối tượng khác hoặc trung gian lập hoá đơn mua bán khống, lập hồ sơ giả mạo để xin hoàn thuế. Mức độ thiệt hại do những hoá đơn trôi nổi này gây ra là không thể kiểm soát được, bởi nó hoàn toàn phụ thuộc vào số chi phí đầu vào cần hợp thức hoá của DN mua bán hoá đơn.
Hiện nay, hình thức gian lận này càng được tổ chức tinh vi hơn và có hệ thống, tuy nhiên có một số đặc điểm mang tính định vị như: Các DN “ma” thường thành lập dưới dạng công ty TNHH hay DN tư nhân; chủ DN thường là người có hộ khẩu thường trú ở địa phương khác đến đăng ký thành lập DN, hạn chế về trình độ học vấn, không am hiểu pháp luật; văn phòng giao dịch thường đi thuê thời hạn ngắn, trụ sở chật hẹp, tài sản không tương xứng với mô hình tối thiểu của một DN bình thường; đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, chủ yếu là thương mại, dịch vụ tổng hợp, những ngành nghề không cần phải đăng ký vốn pháp định và không bắt buộc có chứng chỉ hành nghề; doanh thu lớn nhưng chênh lệch giữa thuế GTGT đầu vào và thuế GTGT đầu ra ít nên kê khai thuế thấp, thậm chí có thuế GTGT phải nộp âm nhiều kỳ nhưng không làm thủ tục xin hoàn thuế…
Ghi giá bán thấp hơn giá thực tế
Hành vi này được gọi là “down” giá. Đây là hành vi ghi giá bán trên hóa đơn và kê khai doanh thu tính thuế thấp hơn giá khách hàng thực tế thanh toán. Hành vi này thường gặp ở các DN kinh doanh nhà hàng khách sạn, vận tải tư nhân, xăng dầu, kinh doanh vật liệu xây dựng, bán ô tô và xe máy, hàng trang trí nội thất… Các công ty xây dựng (nhà dân và đơn vị xây dựng vãng lai) khi thi công các công trình ở các địa phương khác hay xây nhà tư nhân thường khai báo không trung thực, không kê khai hoặc giấu bớt một phần công trình. Hành vi gian lận này làm giảm thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến số thu ngân sách hàng năm.
Để chống hành vi “down” giá ô tô và xe máy, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 71/2010/ TT-BTC hướng dẫn ấn định thuế đối với cơ sở kinh doanh ô tô, xe hai bánh gắn máy ghi giá bán ô tô, xe hai bánh gắn máy trên hóa đơn giao cho người tiêu dùng thấp hơn giá giao dịch thông thường trên thị trường. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để cơ quan thuế đấu tranh ngăn chặn tình trạng “down” giá nhằm trốn thuế ở hai mặt hàng này. Tuy vậy, còn một số lĩnh vực khác chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu.
Hạch toán kế toán và kê khai thuế sai quy định
Mục tiêu chủ yếu của hành vi hạch toán kế toán sai quy định pháp luật là che giấu doanh thu tính thuế, hạch toán tăng chi phí tính thuế thu nhập DN và tăng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ. Các kiểu hạch toán sai chế độ kế toán rất đa dạng. Khi bị kiểm tra phát hiện, cán bộ kế toán có thể lấy cớ là hạch toán nhầm để tránh bị phạt vì hành vi trốn thuế. Kế toán có thể hạch toán giảm trừ doanh thu thông qua các hình thức giảm giá, chiết khấu không đúng quy định. Kế toán có thể hạch toán sai tài khoản kế toán để che giấu doanh thu.
Chẳng hạn, khi phát sinh doanh thu bán hàng, lẽ ra phải hạch toán vào tài khoản 511 thì kế toán lại hạch toán vào các tài khoản kế toán khác, như hạch toán vào tài khoản 338, 138… Một số DN nhượng bán, trao đổi vật tư không ghi nhận doanh thu mà chỉ hạch toán thay đổi cơ cấu tài sản lưu động bằng các bút toán nhập, xuất, thu, chi hoặc công nợ phải thu, phải trả; bán phế liệu không xuất hóa đơn, không ghi nhận doanh thu hoặc hạch toán giảm chi phí sản xuất.
Các dạng hạch toán sai nhằm tăng chi phí được trừ tính thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ chủ yếu là: hạch toán toàn bộ chi phí mua sắm tài sản cố định, xây dựng cơ bản vào chi phí quản lý DN; đưa khấu hao tài sản cố định phúc lợi vào chi phí khấu hao tài sản cố định; tài sản cố định hết thời gian khấu hao vẫn trích khấu hao; hạch toán vào chi phí được trừ các khoản chi từ thiện, các khoản chi thuộc nguồn kinh phí khác đài thọ, chi mang tính chất tiêu dùng cá nhân của chủ DN…
Hành vi gian lận này chỉ có thể bị phát hiện qua kiểm tra báo cáo quyết toán thuế hoặc qua thanh tra tại cơ sở kinh doanh. Muốn phát hiện được hành vi này, cán bộ thanh tra, kiểm tra phải vững vàng về nghiệp vụ kế toán và phải nhanh nhạy trong đánh giá báo tài chính của DN.
Các hành vi gian lận thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
Trong điều kiện các hoạt động thương mại quốc tế ngày càng gia tăng, kéo theo sự tăng trưởng không ngừng của kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu, đồng thời, các hành vi gian lận về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cũng gia tăng đáng kể về hình thức gian lận, số vụ gian lận và quy mô số thuế gian lận.
Theo thống kê của cơ quan Hải quan, gian lận thuế trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu ngày càng gia tăng và có diễn biến phức tạp với các phương thức, thủ đoạn gian lận thuế ngày càng tinh vi, thay đổi theo hướng lợi dụng những bất cập trong quy trình thủ tục hải quan và sự thay đổi chính sách mặt hàng… Trong đó, phổ biến nhất là các hành vi buôn lậu, gian lận, trốn thuế về mặt hàng, số lượng, mã hàng, xuất xứ, trị giá tính thuế hay lợi dụng các chính sách ưu đãi, ân hạn thuế hoặc nợ thuế để trốn thuế. Cụ thể như sau:
Buôn lậu
Đây là hành vi buôn bán trái phép qua biên giới những loại hàng hoá cấm, không khai báo, tránh sự quản lý của hải quan và trốn nghĩa vụ thuế. Thời gian qua, việc buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ hàng nhập lậu, hàng cấm có diễn biến phức tạp, với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, khó kiểm soát. Hàng nhập lậu chủ yếu là hàng tiêu dùng như quần áo, vải, giày dép, đồ chơi trẻ em, rượu, bia và các loại nước giải khát, hàng điện máy gia dụng, điện lạnh, thực phẩm… Sau khi nhập lậu vào Việt Nam, các mặt hàng này được xé nhỏ, vận chuyển bằng xe khách, xe tải và được hợp pháp hoá bằng hệ thống hoá đơn mua qua bán lại giữa các DN.
Trong những năm qua đã có 500 ôtô nhập vào Việt Nam theo hình thức tạm nhập tái xuất nhưng chỉ có 100 chiếc làm thủ tục xuất và nhập trở lại. Nghĩa là còn 400 chiếc không làm thủ tục xuất và nhập trở lại mà lưu hành trong nội địa gây thất thu số tiền thuế rất lớn cho Nhà nước.
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Bên cạnh hoạt động buôn lậu nêu trên, lợi dụng sự thông thoáng về thủ tục hải quan, nhiều chủ hàng đã thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu nhưng không khai báo đầy đủ các mặt hàng hoặc cố tình khai thiếu số lượng hàng xuất khẩu, nhập khẩu để không phải nộp thuế.
Khai sai chủng loại hàng hoá
Với sự gia tăng của khối lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong khi nguồn lực của cơ quan hải quan có hạn và thực hiện yêu cầu đơn giản, nhanh chóng, thuận lợi trong thủ tục hải quan, cơ quan hải quan chỉ tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa khi có nghi vấn hoặc có mức độ rủi ro cao. Do đó, việc phân loại, khai báo và áp mã hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để tính thuế phụ thuộc rất lớn vào mức độ tuân thủ của người nộp thuế. Thực tế thời gian qua, nhiều chủ hàng đã lợi dụng các vấn đề trên để thực hiện gian lận thuế nhập khẩu bằng việc khai báo sai tên hàng, sai mã số hàng hóa. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính trung bình hằng năm có khoảng 10.000 mẫu hàng hóa được phân tích phân loại. Trong đó, mẫu khai đúng chiếm khoảng 47%, sai khoảng 53%, giảm thuế khoảng 7,4%. Các hành vi thường gặp là:
Thứ nhất, Cố tình khai sai tên hàng hóa, chủng loại hàng hóa nhập khẩu nhằm mục đích giảm số thuế phải nộp. Chủ yếu là khai sai mã số hàng từ mã hàng có thuế suất cao sang mã hàng có thuế suất thấp. Nhiều trường hợp, người nộp thuế lợi dụng sự phức tạp của các hàng hóa là các hỗn hợp, các hóa chất khó phân biệt, xác định bằng cảm quan để khai theo hướng có lợi cho mình.
Thứ hai, Người nộp thuế gian lận thuế bằng cách nhập khẩu hàng hóa là sản phẩm hoàn chỉnh nhưng lại tháo bớt một số bộ phận để trở thành hàng hóa chưa hoàn thiện nhằm hưởng thuế suất thấp của hàng linh kiện.
Khai sai xuất xứ hàng hóa nhập khẩu
Thuế suất thuế nhập khẩu của Việt Nam được phân biệt theo xuất xứ hàng hóa nhập khẩu. Lợi dụng việc áp dụng thuế suất ưu đãi hoặc thuế suất ưu đãi đặc biệt đối với các hàng hóa có xuất xứ từ các nước, vùng lãnh thổ, khu vực thị trường đã có thỏa thuận về ưu đãi tối huệ quốc hay ưu đãi đặc biệt với Việt Nam, các chủ hàng hóa cố tình khai sai xuất xứ hàng hóa nhập khẩu và làm các giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) giả để được hưởng các mức thuế suất ưu đãi, ưu đãi đặc biệt.
Gian lận giá tính thuế
Gian lận thuế trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thông qua giá tính thuế là hành vi rất phổ biến hiện nay. Các hành vi gian lận thường được các chủ hàng thực hiện dưới các hình thức sau:
Thứ nhất, chủ hàng khai báo thấp trị giá đối với những mặt hàng chịu thuế suất cao, chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, những mặt hàng hay biến động về giá.
Thứ hai, chủ hàng dựa vào danh mục dữ liệu giá của cơ quan hải quan để khai báo thấp trị giá của các lô hàng nhập khẩu giống hệt, tương tự thấp hơn trị giá giao dịch thực tế, sau đó khai báo thấp dần trị giá khai báo đối với các lô hàng cùng loại, tương tự đã nhập khẩu trước. Bằng hành vi này, chủ hàng đã lợi dụng các quy định về xác định trị giá tính thuế hàng nhập khẩu theo phương pháp trị giá giao dịch hàng nhập khẩu giống hệt/tương tự để được tính thuế với mức giá thấp hơn so với trị giá giao dịch thực tế.
Thứ ba, chủ hàng khai báo thấp trị giá đối với lô hàng nhập thử để thăm dò thái độ của cơ quan hải quan sau đó nhập khẩu ồ ạt liên tục trong một khoảng thời gian ngắn theo mức giá thấp đã khai báo trước đó và khi cơ quan hải quan chưa kịp xác minh, xử lý, chủ hàng đã tiến hành giải thể DN hoặc bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh.
Thứ tư, do theo chính sách thuế đối với linh kiện hoặc nguyên liệu nhập khẩu thấp hơn hàng nguyên chiếc nên DN thực hiện việc “down” giá bằng thủ đoạn tháo rời hàng nguyên chiếc thành linh kiện hoặc nguyên liệu nhập khẩu. Điều này được thực hiện qua việc chủ hàng thành lập nhiều công ty khác nhau hoặc tiến hành móc nối với nhiều công ty để mỗi công ty tiến hành nhập khẩu một bộ phận cấu thành của hàng nguyên chiếc về các cửa khẩu khác nhau trong nhiều thời điểm khác nhau để tránh sự kiểm soát của cơ quan hải quan.
Thứ năm, chủ hàng lợi dụng các quy định về chiết khấu, giảm giá hoặc không khai báo tiền bản quyền, phí giấy phép, các khoản trợ giúp, phí hoa hồng hoặc các khoản thanh toán gián tiếp để làm giảm trị giá tính thuế hàng nhập khẩu.
Thứ sáu, chủ hàng khai tăng trị giá tính thuế so với giá trị thực tế của hàng hóa nhập khẩu để tăng vốn đầu tư và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài…
Giả mạo mục đích xuất khẩu, nhập khẩu để được hưởng ưu đãi thuế
Chứng từ thường hay được các chủ hàng giả mạo với mục gian lận thuế thường là các chứng từ nộp thuế (nhằm giải tỏa cưỡng chế thuế của cơ quan hải quan) hoặc các hồ sơ hải quan (để hợp thức hóa các lô hàng nhập lậu). Trong đó, các trường hợp phổ biến là gian lận thuế qua việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư; gian lận qua việc lợi dụng chính sách quản lý đối với hàng gia công; gian lận thông qua việc lợi dụng hình thức tạm nhập tái xuất và tạm xuất tái nhập… Điển hình nhất là vụ buôn lậu xăng A92 lợi dụng hình thức tạm nhập tái xuất, trị giá ước tính 27 tỷ đồng tại vùng biển Thanh Hoá vào tháng 7/2012; hành vi buôn lậu của Công ty TNHH một thành viên xăng dầu hàng không Việt Nam (Vinapco) dưới hình thức lợi dụng tạm nhập tái xuất xăng dầu qua cửa khẩu đường bộ để buôn lậu 296,6 tấn xăng A92, trị giá khoảng 8 tỷ đồng, số thuế DN gian lận ước tính 2,5 tỷ đồng.
Cũng theo thống kê của Hải quan, trong những năm qua đã có 500 ôtô nhập vào Việt Nam theo hình thức tạm nhập tái xuất nhưng đến nay chỉ có 100 chiếc làm thủ tục xuất và nhập trở lại. Nghĩa là còn 400 chiếc không làm thủ tục xuất và nhập trở lại mà lưu hành trong nội địa gây thất thu số tiền thuế rất lớn cho Nhà nước.
Ngoài ra, nhiều chủ hàng lợi dụng quy định chuyển cửa khẩu để gian lận thuế; lợi dụng chính sách ân hạn thuế để nợ thuế sau đó tẩu tán bán hàng và bỏ trốn khỏi trụ sở kinh doanh mà không làm thủ tục giải thể DN để tránh thực hiện nghĩa vụ nộp thuế…
Giải pháp cơ bản hạn chế gian lận thuế
Việc thực hiện các giải pháp chống gian lận thuế phải bắt đầu từ việc rà soát, xem xét, xác định các nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng gian lận thuế, khắc phục ngay những vấn đề làm nảy sinh những nguyên nhân đó đồng thời phải nhận biết, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi gian lận thuế. Theo đó, các giải pháp cơ bản mang tính nguyên tắc cần thực hiện để chống gian lận thuế là:
Thứ nhất, hoàn thiện chính sách thuế nói chung và các văn bản pháp luật về thuế nói riêng: Mục tiêu của giải pháp này là đảm bảo có được hệ thống thuế thống nhất, phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu về nguồn thu ngân sách, yếu cầu quản lý kinh tế của Nhà nước, vừa phù hợp với khả năng đóng góp của các chủ thể trong nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh tăng trưởng tăng thu nhập của dân cư. Đồng thời, hệ thống thuế phải đạt được các yêu cầu về công bằng, rõ ràng, minh bạch, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Nội dung này sẽ tác động trực tiếp làm giảm các áp lực về gánh nặng thuế để dẫn đến hành vi gian lận thuế, đồng thời ngăn chặn các cơ hội hay khả năng có thể gian lận thuế của nười nộp thuế, giảm chi phí quản lý, chi phí tuân thủ, từ đó góp phần nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật, hạn chế hành vi gian lận trong tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.
Thứ hai, tăng cường nắm bắt thông tin về người nộp thuế: Cơ sở dữ liệu về người nộp thuế là các thông tin rất quan trọng đối với công tác quản lý thuế. Hệ thống thông tin về người nộp thuế giúp cho các cơ quan quản lý thuế nắm bắt được tình hình thành lập, hoạt động và chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế, từ đó có các giải pháp cụ thể đối với từng trường hợp khác nhau, nâng cao hiệu quả quản lý thuế, hạn chế các hành vi gian lận của người nộp thuế. Hệ thống thông tin về người nộp thuế cũng là cơ sở để cơ quan thuế và cơ quan hải quan áp dụng có hiệu quả kỹ thuật quản lý rủi ro vào hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế.
Thứ ba, liên tục cập nhật các thủ đoạn gian lận thuế: Việc nhận diện các hành vi, thủ đoạn gian lận thuế của người nộp thuế là cơ sở để cơ quan quản lý thuế ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp gian lận thuế. Trong trường hợp ngày càng phát sinh nhiều loại hình sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, nhiều phương thức giao dịch như hiện nay, các thủ đoạn gian lận thuế cũng không ngừng gia tăng, ngày càng đa dạng, tinh vi, nên việc cập nhật, nhận biết các thủ đoạn gian lận, phục vụ cho công tác quản lý thuế là rất cần thiết.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý thuế, chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra thuế và hiệu lực của các biện pháp cưỡng chế, xử lý vi phạm về thuế: Hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý thuế nói chung, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về thuế nói riêng là yếu tố trực tiếp nhất tác động đến ý thức và khả năng thực hiện hành vi gian lận của người nộp thuế trong tuân thủ pháp luật thuế. Trong đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra vừa có tác dụng giám sát, đánh giá quá trình tuân thủ vừa có tác dụng ngăn ngừa, răn đe và xử lý các trường hợp gian lận thuế. Hoạt động xử lý vi phạm, cưỡng chế thuế nghiêm minh, công bằng cũng sẽ làm hạn chế các hành vi gian lận về thuế.
Thứ năm, nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thuế; nâng cao ý thức tuân thủ của người nộp thuế kết hợp với hỗ trợ người nộp thuế trong tuân thủ pháp luật thuế: Đây được coi là nội dung tiền đề rất quan trọng trong công tác quản lý thuế, đi sâu vào giải quyết các nguyên nhân dẫn đến các hành vi gian lận thuế xuất phát từ nhân tố ý thức của người nộp thuế. Hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế, hạn chế các hành vi gian lận thuế thông qua việc giúp cho họ hiểu rõ các quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm về thuế của mình theo quy định của pháp luật và hiểu rõ các quy định trong các văn bản pháp luật thuế cũng như cách xác định nghĩa vụ thuế để có thể thực hiện việc tuân thủ pháp luật thuế thuận lợi nhất.
Thứ sáu, nâng cao năng lực và phẩm chất của công chức quản lý thuế: Năng lực hoạt động và phẩm chất, đạo đức của công chức quản lý thuế là yếu tố có tác động không nhỏ đến ý thức chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế và khả năng gian lận thuế của họ. Nội dung này tác động trực tiếp đến nhân tố cơ hội và áp lực nêu trên. Trong môi trường làm việc mà công chức thuế mẫu mực, liêm chính, thủ tục công khai, rõ ràng thì ý thức tuân thủ của người nộp thuế sẽ được đảm bảo, các hành vi gian lận sẽ khó có cơ hội thực hiện và ngược lại.
Thứ bảy, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính thuế theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người nộp thuế trong việc thực hiện tuân thủ pháp luật thuế. Đồng thời, việc kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện của công chức thuế, của người nộp thuế cần phải tiến hành thường xuyên và chặt chẽ để đảm bảo hiệu quả công tác và hạn chế các tiêu cực, gian lận.
Tin liên quan
NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI CÓ ĐƯỢC THAM GIA BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP KHÔNG?
Khi đặt ra câu hỏi này có lẽ rất nhiều người sẽ cho rằng người viết “quá ngớ ngẩn” hoặc là “sinh vật lạ” đến từ một hành tinh khác,… khi mà tính đến thời điểm hiện nay không cơ quan Bảo hiểm nào cho phép các doanh nghiệp có...
CHIÊU SINH LỚP ÔN THI CPA 2024
ÔN THI CPA CHỈ VỚI 3,1 TRIỆU THẬM CHÍ 0 ĐỒNG TIN VUI CHO ACE KẾ TOÁN MUỐN NÂNG TẦM GIÁ TRỊ BẢN THÂN, THI CPA CHƯA BAO GIỜ THUẬN LỢI NHƯ THẾ NÀY Chỉ với 3.1 triệu thậm chí 0 đồng cùng sự quyết tâm, ai cũng dễ dàng...
QUỐC HỘI BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT SỐ 107/2023/QH15 VỀ VIỆC ÁP DỤNG THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP BỔ SUNG THEO QUY ĐỊNH CHỐNG XÓI MÒN CƠ SỞ THUẾ TOÀN CẦU
Tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký chứng thực, ban...
Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ áp dụng từ 01/01/2024
Sáng 29/11, với trên 93,5% đại biểu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thuế tối thiểu toàn cầu). Thuế tối thiểu toàn cầu là thỏa thuận...
Hệ số K của Tổng cục thuế để làm gì?
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp nhận được văn bản từ các cơ quan quản lý thuế yêu cầu giải trình “Hệ số K”, vậy cách tính như thế nào và hệ số K để làm gì là câu hỏi mà không ít ACE đồng nghiệp làm kế toán...