Hiểu rõ để hướng dẫn đúng

CƠ QUAN THUẾ CẦN HIỂU THẤU ĐÁO ĐỂ HƯỚNG DẪN ĐÚNG CHO DOANH NGHIỆP KHI ÁP DỤNG CÁC CHÍNH SÁCH MỚI

 

Ông Chung Thành Tiến – Giám đốc Cty TNHH DV Kế toán Đồng Hưng

Ủy viên BCH Trung Ương Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – VAA

Ủy viên BCH Chi hội Kế toán Hành nghề Việt Nam – VICA

Trưởng Đại diện phía Nam – VICA

 

Ngày 22 tháng 12 năm 2014, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư số 200/2014/TT-BTC Hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp mới thay thế Quyết định 15/2006/QĐ–BTC năm 2006, Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015.

 

Ngày 27 tháng 02 năm 2015, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 26/2015/TT-BTC hướng dẫn nội dung về thuế GTGT, quản lý thuế và hóa đơn. Trong số những thay đổi nổi bật của Thông tư số 26/2015/TT-BTC chúng ta thấy tại Điều 27 "Hướng dẫn về đồng tiền nộp thuế và xác định doanh thu, chi phí, giá tính thuế và các khoản nộp NSNN". Theo đó, Thông tư 26/2015/TT-BTC đã  hướng dẫn doanh nghiệp trong trường hợp phát sinh doanh thu, chi phí, giá tính thuế bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014 hướng dẫn về chế độ kế toán doanh nghiệp. 

 

Như vậy lần đầu tiên, Bộ Tài chính đã thống nhất được cách quy đổi tỷ giá ngoại tệ ra đồng Việt Nam giữa kế toán và thuế (áp dụng chung các hướng dẫn về tỷ giá được quy định tại Thông tư 200/2014/TT-BCT ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính. Đây thật sự là một tín hiệu rất đáng ghi nhận của Bộ Tài chính trong thời gian qua giúp cho những người làm công tác kế toán, thuế tại doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều thời gian không cần thiết trong việc giải quyết sự khác biệt giữa kế toán và thuế liên quan đến chuyển đổi ngoại tệ sang Việt Nam đồng. Đồng thời cũng chính thức khai tử "tỷ giá bình quân liên ngân hàng" – một tỷ giá mà ngay cả những chuyên gia cao cấp tại Việt Nam cũng không hiểu là tỷ giá gì nhưng đã tồn tại từ trước đến nay.

 

Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn chung cho các loại hình hình doanh nghiệp bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp đang áp dụng chế độ kế toán khác với Thông tư 200/2014/TT-BTC. Như vậy các doanh nghiệp này nếu có phát sinh các giao dịch ngoại tệ cũng phải vận dụng việc quy đổi tỷ giá theo hướng dẫn tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC.

 

Thế nhưng, vấn đề đặt ra là việc hiểu đúng, đầy đủ và thấu đáo các hướng dẫn về cách áp dụng tỷ giá theo Chế độ kế toán doanh nghiệp mới của các cơ quan thuế địa phương và các doanh nghiệp đang áp dụng chế độ kế toán khác với chế độ kế toán được ban hành theo Thông tư 200/2014/TT-BTC đã ổn chưa? Công chức thuế tại các địa phương, đội ngũ kế toán tại các doanh nghiệp đang áp dụng chế độ kế toán theo QĐ48/2006/QĐ-BTC hoặc các chế độ kế toán khác với Thông tư 200/2014/TT-BTC đã được cập nhật một cách đầy đủ các quy định về tỷ giá của Thông tư 200/2014/TT-BTC chưa?

 

Theo kết quả điều tra thực tế hiện nay thông qua quá trình cung cấp dịch vụ cho nhiều đối tượng khách hàng, chúng tôi nêu ra một vài điểm bất cập để các cơ quan chức năng cần có hướng giải quyết cho phù hợp khi triển khai 02 Thông tư trên một cách đồng bộ nhằm giải quyết tối ưu và hạn chế tối đa những sai sót không đáng có khi vận dụng vào thực tế.

 

1. Đối với các Cục thuế địa phương:

 

Hiện nay có rất nhiều cục thuế địa phương đang rất lúng túng trong việc hướng dẫn cho doanh nghiệp liên quan đến việc áp dụng tỷ giá quy đổi từ ngoại tệ sang đồng Việt Nam, cụ thể một số trường hợp hướng dẫn chưa đúng:

 

–  Công văn số 5297/CT-TT&HT ngày 03/06/2015 của Cục thuế tỉnh Bình Dương hướng dẫn V/v xác định ngày hạch toán doanh thu, chi phí đối với hàng xuất nhập khẩu – Công ty TNHH Sung Shin Vina, theo đó cục thuế hướng dẫn như sau:

 

"Từ ngày 01/01/2015 Công ty phát sinh doanh thu, chi phí, giá tính thuế bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá thực tế tại thời điểm phát sinh giao dịch của Ngân hàng thương mại nơi Công ty mở tài khoản (tỷ giá hạch toán doanh thu là tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại và tỷ giá hạch toán chi phí là tỷ giá bán ra của Ngân hàng thương mại). Ngày xác định doanh thu xuất khẩu và chi phí nhập khẩu là ngày hoàn tất thủ tục hải quan trên tờ khai hải quan."

 

Đọc qua có vẽ như không có vấn đề gì vướng mắc đối với nội dung trả lời trên. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ Thông tư 200/2014/TT-BTC thì nội dung trả lời trên của Cục thuế tỉnh Bình Dương là chưa thật sự đúng và đầy đủ, thậm chí còn chưa thống nhất được thời điểm quy đổi tỷ giá ghi nhận doanh thu, chi phí và nghĩa vụ thuế.

 

Công văn số: 3436/CT-TT&HT, ngày 24/4/2015 của Cục thuế Bình Dương hướng dẫn V/v: tỷ giá xuất hoá đơn – Công ty TNHH Sunjin Vina, theo đó:

 

"Trường hợp Công ty nhận ứng trước tiền hàng của người mua, thì thời điểm quy đổi là thời điểm Công ty ghi nhận doanh thu theo tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi Công ty mở tài khoản."

 

Nội dung hướng dẫn này hoàn toàn sai so với hướng dẫn hạch toán tỷ giá tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC;

Và còn nhiều công văn khác hướng dẫn không thống nhất cách ghi nhận tỷ giá cho các doanh nghiệp có phát sinh giao dịch ngoại tệ,…

 

2. Đối với các doanh nghiệp không áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư 200/2014/TT-BTC:

Thực tế hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp khi có phát sinh các giao dịch liên quan đến ngoại tệ đều ghi nhận theo tỷ giá chuyển đổi TÍNH THUẾ trên tờ khai hải quan (tỷ giá do hải quan áp trên tờ khai hải quan chỉ nhằm mục đích xác định nghĩa vụ thuế, không liên quan đến việc ghi nhận doanh thu, chi phí). Thậm chí có một số kế toán tại doanh nghiệp vẫn áp dụng theo tỷ giá Bình quân liên ngân hàng khi ghi nhận các nghiệp vụ liên quan đến ngoại tệ.

 

Như vậy vấn đề đặt ra là việc áp dụng tỷ giá khi chuyển đổi từ ngoại tệ sang đồng Việt Nam khi ghi nhận doanh thu, chi phí và nghĩa vụ thuế tại các doanh nghiệp chưa được áp dụng đồng bộ theo tin thần của Thông tư số 26/2015/TT-BTC. Nghiêm trọng hơn là vẫn còn nhiều Cục thuế khi trả lời công văn hướng dẫn cho doanh nghiệp chưa đúng với tinh thần của Thông tư 200/2014/TT-BTC gây hiểu nhằm, ghi nhận sai các nghiệp vụ liên quan đến giao dịch tỷ giá tại đơn vị.

 

Theo quan điểm mang tính chủ quan của cá nhân tôi, việc triển khai áp dụng những thay đổi trong chính sách nhà nước, đối tượng đầu tiên phải được hiểu rõ, hiểu đúng không phải là những người chịu sự chi phối của chính sách mà phải là những người thực thi chính sách (cụ thể trong trường hợp này là các cơ quan thuế địa phương). Hy vọng trong thời gian tới, những sự việc bất cập như trên sẽ được giải quyết một cách triệt để góp phần triển khai chính sách mới đúng đắn và hiệu quả nhất, giảm thiểu những rủi ro và mất thời gian cho doanh nghiệp.

Tin liên quan