Xin phép cố nhà thơ Vũ Cao được sử dụng một câu trong bài thơ "Núi đôi" làm tựa đề cho bài viết này nhưng có chỉnh sửa đôi chút để nói về thân phận của các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân (DNTN) Việt Nam hôm nay.
Từ lâu các DNTN Việt Nam đã và đang đi "giữa hai ngọn núi" nhưng không có cái thơ mộng của "đôi núi nên làng gọi núi đôi" mà điều đó chỉ nói lên cái thế "bị kẹt" của DNTN mà thôi. "Ngọn núi" thứ nhất đang lấn át các DNTN là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Đây là lực lượng tuy số lượng không nhiều bằng các DNTN nhưng lại chiếm tới 70% nguồn lực về vốn, đất đai của toàn xã hội. Lực lượng này là "con đẻ" của Nhà nước nên đã và đang được hưởng những biệt lệ như được giao đất, không thu tiền sử dụng đất; vay vốn của NHTM không phải thế chấp tài sản; được Nhà nước vay vốn nước ngoài, cho vay lại hoặc bảo lãnh khi vay vốn nước ngoài; được khoanh nợ, xoá nợ; chiếm lĩnh những thị trường đầy tiềm năng và thị trường độc quyền; được nhà nước trả thay khi nợ đến hạn nhưng không có khả năng trả; có "cơ quan chủ quản" để che đỡ khi có hành vi vi phạm pháp luật…Giám đốc các DNNN không bị sức ép như DNTN vì nếu kinh doanh bị lỗ họ đã có cái cớ "là công cụ để điều tiết thị trường" và nếu có "hạ cánh" họ cũng chẳng phải bỏ tiền túi để bù lỗ!
"Ngọn núi" thứ hai bên cạnh các DNTN là các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), hơn hẳn các DNTN Việt Nam về vốn, công nghệ và kỹ năng quản trị doanh nghiệp. Hơn nữa, với chính sách "trải thảm đỏ" đón các nhà đầu tư nước ngoài, DN FDI cũng được khá nhiều ưu đãi và được tạo điều kiện thuận lợi hơn nhiều về thủ tục trong đầu tư, kinh doanh.
Đi giữa "hai ngọn núi" nêu trên, các DNTN Việt Nam trở thành "người tý hon" trên thương trường. Chính sách hỗ trợ cho "những người tý hon" này được ban hành rất nhiều nhưng tiếc thay, lại chỉ tồn tại "trên giấy"! Hơn thế, những thủ tục hành chính nhiêu khê, phiền hà, thái độ sách nhiễu, tham nhũng của "một bộ phận không nhỏ" cán bộ, công chức thoái hoá, biến chất chủ yếu nhằm vào các DNTN. Bởi, ăn chia (hoặc ăn chặn) đối với những DN này không sợ tội tham nhũng tiền của ngân sách nhà nước và do thế yếu, các DNTN cũng ít khi dám tố cáo với cơ quan nhà nước. Ngay cả khi họ dũng cảm tố cáo thì cấp có thẩm quyền giải quyết cũng im lặng hoặc chưa vội xem xét, xử lý vì DNTN không có cơ quan chủ quản nên không có thế lực bảo kê, bao che và tiếng nói không có sức mạnh như các DN FDI!
Làm gì và làm thế nào để xoá bỏ tình trạng DNTN "đi giữa hai ngọn núi" như nêu trên? Đó là câu hỏi phải có câu trả lời, nếu không, các DNTN Việt Nam sẽ mãi mãi là "nhỏ và yếu", mục tiêu huy động thật nhiều nguồn lực trong nhân dân để xây dựng đất nước và phấn đấu để trong tương lai không xa Việt Nam sẽ có những tập đoàn kinh tế tư nhân sánh ngang với Toyota, Huyndai, Samsung, IBM…mãi mãi sẽ chỉ là "ước mơ xa"!
Tái cấu trúc DNNN là chủ trương đúng nhằm tạo ra sự bình đẳng giữa các DN trên thương trường, từ đó xây dựng được một lực lượng doanh nghiệp Việt Nam, song hành với các DN FDI trong phát triển kinh tế đất nước. Tái cấu trúc DNNN được đặt ra đến nay đã bốn năm, song qua thời gian, chủ trương này vẫn rơi vào tình trạng "nói nhiều, làm chẳng bao nhiêu". Cổ phần hoá DNNN được thúc đẩy rầm rộ hơn nhưng tình trạng "bình mới, rượu cũ" vẫn phổ biến. Sẽ không thay đổi được gì khi DNNN được "cổ phần hoá" nhưng nhà nước vẫn nắm giữ tới 65% đến trên 90% vốn điều lệ.
Nhân đọc bài này của Anh Tiền và sáng nay vừa ngồi nói chuyện với Nhà thơ Phạm Đình Nghi, xin chép lại mấy câu trong bài KINH DOANH đển tặng mọi ngừơi
DOANH NHÂN VỐN SẴN MÁU LIỀU
THƯỜNG XUYÊN GẶP PHẢI … NHỮNG ĐIỀU NHIÊU KHÊ!
RỦI RO RÌNH RẬP MỌI BỀ
AI MÀ CHỊU ĐƯỢC, LÀM NGHỀ DOANH NHÂN.
Tin liên quan
Một cá nhân đại diện hai pháp nhân ký hợp đồng được không?
Khách hàng đặt câu hỏi: “Em là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH 2 thành viên A và cũng là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH 2 thành viên B. Như vậy khi giữa A và B có phát sinh giao dịch mua bán,...
TRÍCH LẬP QUỸ DỰ PHÒNG TỐI ĐA 17% BỔ SUNG VÀO QUỸ TIỀN LƯƠNG NĂM SAU, HIỂU NHƯ THẾ NÀO?
Mặc dù việc cho phép trích lập quỹ dự phòng 17% để bổ sung vào quỹ tiền lương đã được cơ quan Nhà nước đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật, quy định và hướng dẫn cụ thể tại nhiều văn bản khác nhau từ những năm 2007...
Nộp trễ tờ khai thuế khi cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế bị sự cố có bị phạt không?
Thời gian qua, cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế thường xuyên bị quá tải hoặc xảy ra sự cố vào thời điểm hết hạn nộp tờ khai thuế với nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng nhìn chung không xuất phát từ các nguyên nhân do thiên tai,...
Hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình trong khu phi thuế quan có bắt buộc phải có tờ khai hải quan không?
TÓM TẮT NỘI DUNG Trong thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp xây dựng các công trình, nhà xưởng trong các khu phi thuế quan đã gặp phải rất nhiều vướng mắc liên quan đến nội dung hoạt động xây dựng, lắp đặt trong khu phi thuế quan có bắt...
Cá nhân là người nước ngoài không cư trú ký hợp đồng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam chịu thuế gì?
Cá nhân là người nước ngoài không cư trú ký hợp đồng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam chịu thuế gì? Đây có lẽ là một câu hỏi mới nghe qua thì có vẻ đơn giản nhưng thật ra để trả lời thấu đáo câu hỏi này thì không...