Thuế thuế giá trị gia tăng là một loại thuế gián thu đánh trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng và được nộp vào ngân sách Nhà nước theo mức độ tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ. Ðây là một loại thuế doanh thu đánh vào mỗi giai đoạn sản xuất, lưu thông sản phẩm hàng hoá, từ khi còn là nguyên liệu thô sơ cho đến sản phẩm hoàn thành, đến cuối cùng là giai đoạn tiêu dùng. Chính vì vậy mà thuế GTGT còn được gọi là thuế doanh thu có khấu trừ số thuế đã nộp ở giai đoạn trước. Thuế giá trị gia tăng được cộng vào giá bán hàng hoá, dịch vụ và do người tiêu dùng chịu khi mua hàng hoá, sử dụng dịch vụ nhưng không phải do người tiêu dùng trực tiếp nộp mà là do người bán sản phẩm (hoặc dịch vụ) nộp thay vào kho bạc, được cấu thành trong giá bán hàng hoá (hoặc trong dịch vụ). Do đó người bán hàng là đối tượng phải kê khai và nộp thuế GTGT.
Thông thường thuế GTGT nói chung được kê khai và nộp tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp, ngoài ra Bộ Tài chính có quy định việc kê khai và nộp thuế GTGT đối với một số trường hợp cụ thể khác trong đó có hoạt động kinh doanh ngoại tỉnh (Hoạt động xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản). Đối với hoạt động kinh doanh ngoại tỉnh mà không thành lập đơn vị trực thuộc tại địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính được kê khai và nộp hồ sơ kê khai tại Chi cục Thuế địa phương nơi phát sinh.
Việc quy định kê khai, nộp thuế GTGt đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt được thực hiện từ khi Luật thuế GTGT mới ra đời (khi chưa có Luật Quản lý thuế) kể cả thời kỳ thực hiện theo thuế Doanh thu thì các đơn vị ngoại tỉnh khi thực hiện các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn đã phải nộp thuế Doanh thu trên địa bàn. Thời kỳ đó ở Hà Tĩnh Cục Thuế tỉnh đã có Văn bản phối hợp với Kho bạc Nhà nước để thực hiện.
Sau khi có Luật quản lý thuế, việc kê khai nộp thuế GTGT vãng lai ngoại tỉnh được Bộ Tài chính quy định tại các Thông tư hướng dẫnthi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và hướng dẫn thi hành Nghị định của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế (như Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007, Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/02/2011 và Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính) đều quy định về Khai thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh: Người nộp thuế kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh (Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính có thêm trường hợp chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh) mà không thành lập đơn vị trực thuộc tại địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính thì kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng theo tỷ lệ 2% (đối với hàng hoá, dịch vụ chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%) hoặc theo tỷ lệ 1% (đối với hàng hoá, dịch vụ chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 5%) trên doanh thu hàng hoá, dịch vụ chưa có thuế giá trị gia tăng với chi cục thuế quản lý địa phương nơi kinh doanh, bán hàng.
Vậy tại sao lại phải quy định thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh? Bản chất của nó là gì?
Với lý do thuế GTGT là loại thuế gián thu đánh vào người tiêu dùng nhưng do người bán kê khai và nộp hộ do đó khi người nộp thuế (bên bán hàng hoá, dịch vụ) đến kinh doanh trên địa bàn thì người tiêu dùng trên địa bàn (có thể là ngân sách địa phương, công quỹ của các tổ chức cá nhân hoặc kinh phí của cá nhân) là đối tượng chịu thuế thông qua giá bán sản phẩm và trả cho bên bán. Người bán khi kê khai nộp thuế tại cơ quan Thuế quản lý thì Ngân sách địa phương nơi chịu thuế không được hưởng phần điều tiết của loại thuế này do đó mà Bộ Tài chính đã có quy định riêng cho trường hợp kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh. Như vậy thực chất thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh là hình thức điều tiết thuế GTGT giữa các địa phương nơi người có hoạt động kinh doanh đóng trụ sở và nơi phát sinh giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hoá, dịch vụ. Do đó về bản chất việc nộp thuế tại cơ quản quản lý thuế và nơi phát sinh doanh thu không ảnh hưởng đến số thuế GTGT phải nộp của người kinh doanh.
Vì vậy việc áp dụng các biện pháp để thu thuế (hay nói cách khác là “kéo” nguồn thu về địa phương mình) có ý nghĩa lớn đối với nguồn thu ngân sách của địa phương và được pháp luật cho phép. Qua đó địa phương các tỉnh có thể thu thuế GTGT ngoại tỉnh thông qua các hoạt động kinh doanh XDCB, lắp đặt mua sắm thiết bị, bán hàng vãng lai…
Tuy vậy, qua số liệu khảo sát việc quản lý sử dụng ngân sách hàng năm cho thấy các đơn vị, địa phương, sở ngành đã sử dụng một lượng lớn NSNN để đầu tư mua sắm vật tư, hàng hoá, thuốc men, lắp đặt trang thiết bị và các đơn vị ngoại tỉnh thực hiện tương đối lớn nhưng ngân sách địa phương mới chỉ thu được một phần thuế GTGT ngoại tỉnh thông qua các Hợp đồng xây lắp, các hoạt động khác như: mua sắm vật tư, hàng hoá, thiết bị chưa được quản lý và thu thuế GTGT trên địa bàn.
Qua thực tiễn công tác tại địa phương cũng như tìm hiểu ở các địa phương khác thực hiện việc kê khai, nộp thuế, hạch toán kế toán thuế GTGT ngoại tỉnh cho thấy mặc dù thuế GTGT vãng lai ngoại tỉnh đã được quy định tại các nghị định, thông tư về thuế khi nào phát sinh, khi nào DN phải nộp và nộp bao nhiêu…Tuy nhiên, cách hiểu và yêu cầu, truy thu loại thuế này ở mỗi địa phương đối với các doanh nghiệp lại có sự khác nhau, thiếu sự nhất quán, gây khó khăn cho việc thực hiện của người nộp thuế cũng như việc quản lý của cơ quan Thuế và các cơ quan có liên quan khác. Điều đó cho thấy việc quy định của Bộ Tài chính về đối tượng và cách thức thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT ngoại tỉnh còn có những bất cập cần được tháo gỡ, đó là:
Về Đối tượng phải kê khai: Theo quy định là “người nộp thuế có hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai mà không thành lập đơn vị trực thuộc tại địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính”. Trong đó cụm từ “hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai” được nhiều người hiểu và thực hiện theo nhiều cách khác nhau. Đặc biệt đối với cụm từ “bán hàng vãng lai” được hiểu như thế nào? Xem kỹ từ điển Bách khoa Việt Nam không hề có cụm từ “bán hàng vãng lai” nhưng tại các Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý Thuế qua các thời kỳ của Bộ Tài chính lại quy định việc kê khai nộp thuế GTGT của hoạt động “bán hàng vãng lai” trong khi chưa hiểu về khái niệm “bán hàng vãng lai” là gì thì không thể xác định được người kinh doanh đã thực hiện đúng chưa và cơ quan quản lý đã quản lý đúng quy định chưa? Kể cả các văn bản trả lời giải đáp thắc mắc của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cũng thiếu sự nhất quán còn nhiều mâu thuẫn trong giải đáp về đối tượng phải kê khai, nộp thuế GTGT. Cụ thể:
– Tại một số văn bản trả lời của Tổng Cục Thuế và văn bản hướng dẫn (Công văn số 3746/TCT-KK ngày 12/10/2012 của Tổng cục Thuế gửi Cục Thuế các tỉnh Văn bản 6789/BTC-TCT ngày 29/5/2013 của Bộ Tài chính gửi Kho bạc Nhà nước và Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW) kể cả một số ví dụ tại Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính của Bộ Tài chính về đối tượng kê khai nộp thuế GTGT ngoại tỉnh có nêu “Các hoạt động khác không phải hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai (theo một số Cục Thuế có nêu như: tư vấn, khảo sát, thiết kế, lập kế hoạch, lập dự án, kiểm toán, định giá tài sản … mà có phát sinh doanh thu ở ngoại tỉnh) thực hiện kê khai, nộp thuế tập trung tại trụ sở chính” mà không thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT vãng lai đối với các hợp đồng tư vấn, khảo sát, thiết kế, lập dự án, kiểm toán, bảo hiểm…là không phù hợp với thực tiễn. Vì khi thực hiện một dự án đầu tư xây dựng thì phải có các nội dung công việc: Lập dự án, tư vấn khảo sát thiết kế, dự toán, tổ chức thi công, tư vấn giám sát, mua sắm lắp đặt thiết bị… nhưng chỉ có hoạt động xây dựng, lắp đặt mới thuộc đối tượng phải kê khai nộp thuế GTGT ngoại tỉnh còn các nội dung khác thù không thuộc đối tượng kê khai là chưa phù hợp.
Đối với các Hợp đồng cung cấp thiết bị của dự án thì áp dụng việc tính thuế GTGT vãng lai ngoại tỉnh như thế nào?
– Thứ nhất các dự án đầu tư xây dựng phải có các vật tư thiết bị kèm theo. Do đó nếu các loại vật tư thiết bị được lập dự toán và tổ chức đấu thầu cùng với gói thầu xây lắp thì thuộc đối tượng phải kê khai nộp thuế GTGT. Còn các loại vật tư thiết bị được tổ chức đấu thầu mua sắm riêng thì có thuộc đối tượng phải kê khai nộp thuế GTGT hay không? Về nguyên tắc thuế GTGT ngoại tỉnh được quy định để điều tiết thuế giữa các địa phương thì phải được kê khai nộp thuế như các gói thầu xây lắp.
Tuy vậy các văn bản của Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính còn có sự mâu thuẫn: Tại Văn bản số 2668/TCT-KK ngày 21/7/2010 của Tổng cục Thuế gửi Công ty TNHH Tiến Đại Phát về kê khai, nộp thuế GTGT vãng lai thì nêu: "Việc thực hiện Hợp đồng kinh tế số 3112/BVĐKPT-TĐP ngày 31/12/2009 được ký kết giữa Bên A là Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ với Bên B là Liên danh nhà thầu Công ty TNHH Tiến Đại Phát và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu máy Hà Nội thực hiện gói thầu: "Cung cấp và lắp đặt hệ thống điều trị ung thư và hệ thống can thiệp mạch". Giá trị hợp đồng bao gồm toàn bộ các chi phí: Khảo sát thiết kế, vận chuyển, lắp đặt, vận hành thử, bảo hành… tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ thì phải thực hiện kê khai nộp thuế GTGT vãng lai ngoại tỉnh việc trả lời của Tổng cục Thuế như vậy là đúng với tính chất của thuế GTGT vãng lai và phù hợp với hoạt động “lắp đặt” như các thông tư của Bộ Tài chính nêu. Tuy vậy, tại ví dụ 19 của Thông tư số 156/2013 lại nêu: Công ty B trụ sở tại Hà Nội bán máy điều hòa cho khách tại Hòa Bình (bao gồm cả lắp đặt) thì Công ty B không phải nộp vãng lai tại Hòa Bình”. Việc nêu ví dụ cụ thể này vừa trái với quy định về hoạt động “lắp đặt” được nêu tại điểm đ khoản 1”Trường hợp người nộp thuế có hoạt động “lắp đặt” ngoại tỉnh.
Về những đối tượng nào thuộc khái niệm “bán hàng vãng lai”: Trong khi từ điển tiếng Việt chưa có khái niệm bán hàng vãng lai nhưng bộ Tài chính lại quy định thuế GTGT đối với người nộp thuế có hoạt động “bán hàng vãng lai” gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện. Ngày 16/7/2013 Tại cuộc họp bàn về nội dung theo Công văn số 2299/UBND-TH của UBND tỉnh về việc thu thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh xây dựng lắp đặt, bán hàng vãng lai trên địa bàn (Gồm có Cục Thuế, Thanh tra tỉnh, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước) trao đổi về nội dung người nộp thuế hoá hoạt động “lắp đặt, bán hàng vãng lai” một số ý kiến (trong đó có Thanh tra tỉnh) cho rằng một đơn vị có địa chỉ trụ sở chính tại tỉnh khác nhưng hàng hoá được bán trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (Thực hiện theo HĐKT thông qua đầu thầu) hoặc có hàng hoá bán tại trên địa bàn tỉnh nhưng không thành lập chi nhánh thì đều thuộc đối tượng ‘bán hàng vãng lai” qua đó cơ quan Thuế có thể thu thuế GTGT vãng lai thông qua các Dự án mua sắm thiết bị vật tư, thuốc, thiết bị y tế…nhưng ý kiến của Cục Thuế cho rằng chỉ có trường hợp các đơn vị ngoại tỉnh đến kinh doanh trên địa bàn tỉnh mà không thành lập chi nhánh thì mới thuộc đối tượng thu thuế GTGT vãng lai ngoại tỉnh… do không thống nhất quan điểm trong khi văn bản của nhà nước chưa có một khái niệm hoặc giải thích từ ngữ cụ thể về cụm từ “bán hàng vãng lai” dẫn đến chưa có sự thống nhất trong cuộc họp và tổ chức thực hiện sau này.
Để việc thực hiện kê khai nộp thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh ngoại tỉnh được nhất quán ở tất cả các tỉnh thành, địa phưuơng đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho Doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Bộ Tài chính cần nghiên cứu bổ sung sửa đổi Thông tư số 156/2013/TT-BTC để hạn chế những bất cập như đã nêu trên./.
Tin liên quan
TRÍCH LẬP QUỸ DỰ PHÒNG TỐI ĐA 17% BỔ SUNG VÀO QUỸ TIỀN LƯƠNG NĂM SAU, HIỂU NHƯ THẾ NÀO?
Mặc dù việc cho phép trích lập quỹ dự phòng 17% để bổ sung vào quỹ tiền lương đã được cơ quan Nhà nước đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật, quy định và hướng dẫn cụ thể tại nhiều văn bản khác nhau từ những năm 2007...
Nộp trễ tờ khai thuế khi cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế bị sự cố có bị phạt không?
Thời gian qua, cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế thường xuyên bị quá tải hoặc xảy ra sự cố vào thời điểm hết hạn nộp tờ khai thuế với nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng nhìn chung không xuất phát từ các nguyên nhân do thiên tai,...
Hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình trong khu phi thuế quan có bắt buộc phải có tờ khai hải quan không?
TÓM TẮT NỘI DUNG Trong thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp xây dựng các công trình, nhà xưởng trong các khu phi thuế quan đã gặp phải rất nhiều vướng mắc liên quan đến nội dung hoạt động xây dựng, lắp đặt trong khu phi thuế quan có bắt...
Cá nhân là người nước ngoài không cư trú ký hợp đồng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam chịu thuế gì?
Cá nhân là người nước ngoài không cư trú ký hợp đồng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam chịu thuế gì? Đây có lẽ là một câu hỏi mới nghe qua thì có vẻ đơn giản nhưng thật ra để trả lời thấu đáo câu hỏi này thì không...
“CON NỢ PHẢI XUẤT HOÁ ĐƠN CHO CHỦ NỢ”
Khi nghe ai đó nói điều này, nếu bạn là người làm kế toán có lẽ bạn sẽ không thể tin được vì làm gì có chuyện lạ lùng như thế? Nhưng thực tế đang diễn ra và kéo dài trong suốt hơn 10 năm qua, đặc biệt hơn chính...