Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Việt Nam


Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Việt Nam

Hội nhập quốc tế về kế toán, kiểm toán là một yêu cầu tất yếu của Việt Nam. Nguồn: internet

 

Hội nhập quốc tế về kế toán, kiểm toán – thành công và hạn chế

Những thành công đạt được

Trong điều kiện nền kinh tế mở cửa và hội nhập, vai trò cung cấp thông tin nhằm minh bạch các thị trường cũng như tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp và nền kinh tế qua hoạt động kế toán, kiểm toán ngày càng trở nên quan trọng. Thực tiễn nghề nghiệp kế toán – kiểm toán cũng đang có những đổi mới liên tục. Trong khoảng 5 năm vừa qua, hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế đang có nhiều thay đổi, các chuẩn mực kế toán kiểm toán Việt Nam cũng đang trong tiến trình hoàn thiện, từ đó chế độ kế toán cũng có những điều chỉnh tương ứng.

Trải qua quá trình đổi mới hệ thống kế toán, kiểm toán, Việt Nam đã nghiên cứu và học tập nội dung các chuẩn mực kế toán và kiểm toán quốc tế để áp dụng vào thực tiễn nền kinh tế đất nước. Quá trình soạn thảo chuẩn mực kế toán và kiểm toán do Bộ Tài chính tiến hành đã huy động sự tham gia của đông đảo các chuyên gia từ nghiên cứu lý luận đến thực tiễn và có cả sự trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài. Đội ngũ những người hành nghề kế toán, kiểm toán tại Việt Nam cũng ngày càng phát triển về lượng và có sự tiến bộ về chất lượng. Việt Nam đã tạo được mối quan hệ với các tổ chức quốc tế, là thành viên của Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC), Liên đoàn Kế toán các nước ASEAN (AFA). Nhiều tổ chức nghề nghiệp kế toán quốc tế lớn đang có nhiều hoạt động tích cực tại Việt Nam như ACCA, CPA Australia trong các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cập nhật kiến thức cho những người làm kế toán, kiểm toán.

Sau hơn 20 năm, hội nhập trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, Việt Nam đã có những thay đổi lớn như cải cách khung pháp lý cho phát triển ngành nghề và dịch vụ kế toán, kiểm toán. Đó là việc ban hành Luật Kế toán vào năm 2003, là việc ban hành 26 chuẩn mực kế toán trong giai đoạn 2001 – 2005, ban hành chế độ kế toán doanh nghiệp vào năm 2006. Lĩnh vực kiểm toán cũng có nhiều thay đổi căn bản mà trước tiên là việc Quốc hội đã ban hành Luật Kiểm toán Nhà nước vào năm 2005, Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12, ngày 29/3/2011 quy định nguyên tắc, điều kiện, phạm vi, hình thức hoạt động kiểm toán… 

Trên cơ sở đó, ngày 13/3/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2012/NĐ – CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kiểm toán độc lập. Bộ Tài chính cũng đã ban hành 37 chuẩn mực kiểm toán mới, là cơ sở để đào tạo, thực hành kiểm toán và kiểm tra, kiểm soát nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như nâng cao chất lượng báo cáo tài chính. Đây thực sự là nền tảng hoạt động kiểm toán nước ta đi theo thông lệ quốc tế.

Một số tồn tại, khó khăn

Cùng với những thành công trong quá trình hội nhập quốc tế, hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam còn bộc lộ không ít tồn tại, khó khăn trong quá trình hội nhập. Trước hết là hệ thống văn bản pháp luật về kế toán- kiểm toán không chỉ thiếu mà chưa đồng bộ. Nhiều nội dung, chuẩn mực còn mang những đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, chưa thật sự phù hợp với thông lệ quốc tế, chưa đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng minh bạch của nền kinh tế thị trường.

Bộ Tài chính đã ban hành 37 chuẩn mực kiểm toán mới, là cơ sở để đào tạo, thực hành kiểm toán và kiểm tra, kiểm soát nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như nâng cao chất lượng báo cáo tài chính. Đây thực sự là nền tảng hoạt động kiểm toán nước ta đi theo thông lệ quốc tế.

 

Hệ thống kế toán quản trị tiên tiến mới chỉ được áp dụng hạn chế trong cộng đồng doanh nghiệp trong nước và đa số mới chỉ được áp dụng trong các doanh nghiệp FDI. Công tác chỉ đạo thực hiện của các cấp, ngành và công tác kiểm tra kế toán trong một số ngành, một số địa phương hoặc cơ sở cũng chưa được quan tâm đúng mực.

Hệ thống đào tạo kế toán vừa thừa vừa thiếu (nhiều về số lượng nhưng thiếu đồng bộ về chất lượng). Số nhân lực có trình độ kiểm toán viên quốc tế còn ít. Đội ngũ cán bộ kế toán thực hành và phương tiện thực hành kế toán còn thiếu và yếu. Hiện nay ở một số doanh nghiệp vẫn sử dụng kế toán thủ công hoặc mới chỉ sử dụng phần mềm Excel để làm kế toán, chưa áp dụng rộng rãi các phần mềm kế toán tiến tiến…

Qua hơn 20 năm hội nhập, hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là nền kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường. Nhiều câu hỏi đặt ra từ thực tiễn cần được giải đáp thỏa đáng như việc tồn tại đồng thời chế độ kế toán doanh nghiệp và chuẩn mực kế toán có làm cản trở việc áp dụng chuẩn mực kế toán, làm mất đi tính linh hoạt của người làm kế toán hay không? Có cần thiết ban hành riêng chế độ kế toán cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay không, khi mà việc ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng phổ biến hiện nay ở nước ta? Vai trò của thuế đối với hoạt động kế toán trong bối cảnh đổi mới như thế nào? Kế toán quản trị hiện nay của chúng ta đang ở đâu và có những rào cản nào trong quá trình phát triển? Công tác đào tạo nhân lực kế toán, kế toán phải thay đổi như thế nào để đáp ứng sự thay đổi căn bản về hệ thống văn bản pháp lý về kế toán và kiểm toán? Đây đều là những vấn đề không dễ dàng trả lời trong quá trình hội nhập.

Một số giải pháp, kiến nghị

Thứ nhất, các cơ quan chức năng cần xây dựng bổ sung một số chuẩn mực kế toán phù hợp với thực tiễn Việt Nam và chuẩn mực kế toán quốc tế. Để thực hiện được điều này, các chuyên gia kế toán hàng đầu của Việt Nam từ Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, hội nghề nghiệp, các công ty dịch vụ kế toán-kiểm toán, các trường đại học… cần phải hợp tác về mặt chuyên môn nhằm xây dựng chuẩn mực kế toán chất lượng cao. 

Hiện nay, thị trường tài chính Việt Nam đang có nhiều chuyển biến và phát sinh nhiều nghiệp vụ phức tạp nhưng các chuẩn mực hỗ trợ cho việc ghi nhận một số loại hình công cụ tài chính vẫn thiếu vắng. Vì vậy, giải pháp cho giai đoạn trước mắt là việc cần thiết ban hành các chuẩn mực còn thiếu so với nhu cầu thực tế, trong đó tiền đề là việc hợp tác quốc tế. Các cơ quan nhà nước cần nỗ lực hợp tác quốc tế trong việc trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức mới; kết hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức về kế toán – kiểm toán quốc tế.

Thứ hai, các trung tâm đào tạo cần nghiên cứu chương trình đào tạo phù hợp thực tiễn hành nghề, tích cực trong quá trình xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam, tích cực trao đổi và tiếp thu kinh nghiệm từ các học viên ở những quốc gia có hệ thống kế toán phát triển cũng như các tổ chức ban hành chuẩn mực quốc tế. Nhà trường cần thúc đẩy các nhóm nghiên cứu khoa học về những lĩnh vực kế toán , kiểm toán nêu trên, các sản phẩm cần được phát hành và phổ biến để làm nền tảng cho những nghiên cứu tiếp theo. 

Chương trình đào tạo của nhà trường về lĩnh vực kế toán cần được đổi mới theo hướng trang bị những kiến thức và kỹ năng cho học viên vừa phù hợp với thực trạng Việt Nam và chuẩn bị cho những bước tiền đề hội tụ với kế toán quốc tế. Hệ thống chương trình cũng như tài liệu giảng dạy nên được thiết kế lại phù hợp và có cập nhật thường xuyên các chuẩn mực kế toán ban hành. Các trường đại học, cao đẳng, các nơi đào tạo chuyên ngành… cần trở thành cầu nối giữa các doanh nghiệp và việc áp dụng các văn bản pháp quy mới về kế toán trong vai trò hướng dẫn và thu thập các ý kiến đóng góp từ phía các doanh nghiệp.

Thứ ba, không ngừng phát triển các thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán lành mạnh, bền vững, dựa trên nền tảng khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, tăng cường hoạt động các tổ chức nghề nghiệp. Phát triển các hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán theo xu hướng phát triển của các nước trong khu vực và quốc tế, tạo dựng và mở rộng giao lưu nghề nghiệp.

Tài liệu tham khảo:

1. Luật Kế toán năm 2003;

2. Luật Kiểm toán độc lập năm 2011;

3. Nghị định 72/2012/NĐ – CP; quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kiểm toán độc lập;

4. Các hệ thống chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam.

 

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 3 – 2014

Tin liên quan