Góp ý chính sách – Điều kiện hoàn thuế là hoàn xuất khẩu hay hoàn theo thời gian?

Nhìn nhận một cách khách quan thì chính sách thuế trong thời gian vừa qua đã có nhiều biến triển theo hướng tích cực, rõ ràng, đầy đủ và minh bạch hơn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chắc chắn không tránh khỏi còn nhiều quy định chưa thật sự phù hợp với thực tế phát sinh. Trong bài viết này, người viết chỉ chia sẻ đến bạn đọc một nội dung liên quan đến điều kiện hoàn thuế GTGT, dù rất nhỏ nhưng đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu có số thuế GTGT được hoàn lớn nhưng không thường xuyên.

Theo hướng dẫn tại điểm b, Khoản 12, Điều 1, Thông tư 26/2015/TT-BTC sửa đổi Khoản 4 Điều 18 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định về trường hợp được hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu bao gồm:

“- Cơ sở kinh doanh trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng), quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) có hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu nếu thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng theo tháng, quý;”

Với hướng dẫn như thế này, đọc thoáng qua bạn sẽ không thấy vướng mắc hoặc nếu bạn không thuộc trường hợp như đề cập ở trên cũng không có bất kỳ vướng mắc nào. Tuy nhiên, trong thực tế thì sao?

Ví dụ: Công ty A là một doanh nghiệp xuất khẩu, chuyên xuất các sản phẩm theo mùa vụ như xoài, sầu riêng,… chỉ khi đến mùa thì mới có sản phẩm để xuất và việc xuất khẩu này không phải tháng nào cũng có.

Trong tháng 04/2023, công ty xuất khẩu 100 tỷ tiền hàng là sầu riêng, có số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết là 10 tỷ đồng nhưng chưa cắt số thuế trên tờ khai tháng 4/2023 để đề nghị hoàn. Tháng 05, tháng 6, tháng 7, … không xuất hàng nhưng kẹt vốn kinh doanh muốn làm hồ sơ đề nghị hoàn số thuế còn âm này nên cắt số thuế và làm hồ sơ đề nghị hoàn trong tháng 6/2023. Khi đó, căn cứ vào hướng dẫn trên, cơ quan quản lý thuế sẽ từ chối hồ sơ, không chấp nhận cho hoàn số thuế theo đề nghì với lí do “trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng), quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) Công ty không có hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu” nên không thuộc trường hợp được hoàn thuế theo điều kiện xuất khẩu!?

Như vậy, câu hỏi đặt ra là:

  1. Số thuế GTGT còn được hoàn 10 tỷ kia là tiền của doanh nghiệp đáp ứng điều kiện hoàn thuế theo trường hợp xuất khẩu thì lẽ ra muốn hoàn khi nào là quyền của doanh nghiệp, tại sao lại thêm điều kiện thời điểm cắt hoàn phải có doanh thu xuất khẩu để làm gì?
  2. Nếu như sau tháng 4/2023, doanh nghiệp này không tìm được khách hàng để xuất khẩu nữa mà chuyển sang kinh doanh trong nước mà chủ yếu các sản phẩm không thuộc đối tượng kê khai, tính thuế thì số tiền này bị chiếm dụng mãi mãi cho đến khi doanh nghiệp giải thể hay chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thì mới mong lấy ra được à?
  3. Với chính sách như thế này có phải cơ quan soạn thảo đang gián tiếp chiếm dụng vốn và đẩy khó khăn cho doanh nghiệp không?

Theo quan điểm cá nhân tôi, những nội dung như trên người làm nghề cần nắm kỹ, hiểu rõ và nên có ý kiến góp ý với cơ quan soạn thảo để chính sách phù hợp hơn, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và hạn chế rủi ro cũng như thiệt hại phát sinh cho đơn vị mình.

 

Tin liên quan